Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Trùng Khánh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-06-2021] Trở về nhà sau nhiều năm bị cầm tù và tra tấn vì tu luyện Pháp Luân Công, bà Tiêu Kế Anh đã mất khả năng lao động và phải nằm liệt giường. Mặc dù vậy, bà vẫn liên tục bị cảnh sát sách nhiễu và chồng bạo hành. Sự ngược đãi không ngừng cả về thể xác lẫn tinh thần đã khiến sức khỏe của bà Tiêu suy giảm nghiêm trọng hơn nữa và bà đã qua đời ở tuổi 68 vào ngày 1 tháng 5 năm 2017.

Bà Tiêu và hai người con là anh Thang Kiện và cô Thang Tô Lan ở Trùng Khánh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.

Anh Thang cũng giống như nhiều bạn học của mình đã mất đi cơ hội theo học bậc học Tiến sỹ tại Đại học Dầu khí Tây Nam chỉ đơn giản vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Mặc dù anh đã ở lại giảng dạy tại trường, nhưng không lâu sau anh đã bị sa thải sau khi bị bắt giữ vì tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 10 năm 1999. Em gái của anh đi cùng anh tới Bắc Kinh cũng bị bắt giữ và bị đuổi khỏi trường Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên.

Mẹ và hai con bị kết án tù

Bà Tiêu và hai con đã bị bắt giữ vào tháng 7 và tháng 8 năm 2002. Họ bị Tòa án quận Kim Ngưu đưa ra xét xử vào ngày 19 tháng 6 năm 2003. Cả bà Tiêu và cô Thang đều bị kết án 7 năm tù giam tại Nhà tù Nữ Thành Đô. Anh Thang bị kết án bốn năm tù tại Nhà tù Ngũ Mã Bình. Tại đây anh bị tra tấn vô cùng tàn bạo và đến nay vnhững vết sẹo vẫn hằn rõ trên cổ tay của anh. Một học viên khác bị bắt và kết án cùng với ba mẹ con bà Tiếu là bà Đoàn Thế Quỳnh đã tuyệt thực trong tù và bị tra tấn đến chết vào ngày 16 tháng 9 năm 2003.

Sau nhiều năm bị tra tấn trong tù, bà Tiêu đã bị huyết áp cao và bị teo thân não. Bà gặp khó khăn trong việc nói và đi lại. Vào năm 2007, bà được bảo lãnh tại ngoại vì không thể tự chăm sóc bản thân.

Sự sách nhiễu và bạo hành gia đình

Sau khi bà Tiêu về nhà, người của Đồn Công an Tuyên Hoa Lộ và ủy ban khu dân cư đã liên tục kéo đến sách nhiễu. Việc này đã khiến chồng bà, một đảng viên ĐCSTQ vô cùng sợ hãi và áp lực. Khi ông tham gia các hoạt động dành cho đảng viên, ông bị chỉ trích vì có vợ là học viên Pháp Luân Công, khiến ông càng tức giận hơn và ông bắt đầu lăng mạ, đánh đập bà Tiêu.

Áp lực tinh thần dày vò khiến bà Tiêu bị liệt toàn thân và thường rơi vào hôn mê. Bởi lương hưu và bảo hiểm y tế của bà bị chính quyền đình chỉ như là một phương thức bức hại, nên bà càng gặp khó khăn hơn khi đi khám chữa bệnh.

Để chăm sóc tốt hơn cho bà Tiêu và bảo vệ bà khỏi sự sách nhiễu, con gái đã đón bà tới nhà riêng của cô ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Nhưng điều đó cũng không ngăn cản việc cảnh sát và nhân viên ủy ban khu dân cư liên lạc với chồng bà (chồng bà cũng chuyển tới Vũ Hãn), khiến ông tiếp tục ngược đãi bà.

Đến tháng 7 năm 2016, ngay sau khi chịu một đợt sách nhiễu và ngược đãi tại nhà, sức khỏe của bà nhanh chóng xấu đi và bà đã rơi vào tình trạng hôn mê. Chồng bà cấm con gái đưa bà tới bệnh viện và quyết tâm để bà “ra đi thanh thản”. Chỉ khi con dâu của bà kiên quyết đưa bà tới bệnh viện, thì ông ấy mới mủi lòng.

Sau hơn 20 ngày ở trong khu chăm sóc tích cực, bà Tiêu đã tỉnh lại. Tuy nhiên, cảnh sát và nhân viên ủy ban khu dân cư tiếp tục sách nhiễu bà sau khi bà xuất viện. Dưới sự sách nhiễu và ngược đãi không ngừng, bà đã qua đời vào ngày 1 tháng 5 năm 2017.

Con trai tiếp tục bị bức hại

Sau khi con trai bà Tiêu là anh Thang Kiện được trả tự do vào năm 2006, anh đã xin được việc làm tại Tập đoàn ZTE và được quản lý đánh giá cao.

Vào ngày 1 tháng 11 năm 2011, anh Thang bị cảnh sát của Đồn Công an Hải Đường Khê bắt giữ một lần nữa và bị giam giữ tại Trại tạm giam quận Nam Ngạn. Bởi vợ anh là cô Lý Tiêu đang phải rời xa nhà để tránh bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công, nên mẹ vợ anh đã nhiều lần tới trại tạm giam yêu cầu vào thăm anh, nhưng đều không được trại chấp thuận.

Ngày 13 tháng 2 năm 2012, anh Thang bị Tòa án quận Nam Ngạn đưa ra xét xử và bị kết án ba năm tù giam vào ngày 16 tháng 3. Vợ anh đã cố gắng đệ đơn kiến nghị xem xét lại vụ án của anh lên Ủy ban Chính trị Pháp luật Trùng Khánh (một cơ quan ngoài vòng pháp luật có chức năng giám sát an ninh nhà nước và hệ thống tư pháp có nhiệm vụ chỉ đạo cuộc bức hại), nhưng cơ quan này từ chối tiếp nhận đơn kiến nghị của cô.

Ngày 17 tháng 6 năm 2012, sau khi anh Thang bị cầm tù khoảng hai tuần, gia đình đã tới thăm anh tại Nhà tù Vĩnh Xuyên và họ thấy anh rất tiều tụy và hốc hác. Ngày 9 tháng 7, gia đình tới thăm anh một lần nữa, lần này anh đã sụt cân nhiều hơn và chân của anh bị sưng tấy nghiêm trọng. Một chân của anh đã bị tàn tật và anh gặp khó khăn trong việc đi lại. Anh rất yếu và đã hoàn toàn kiệt sức sau khi nói chuyện với người nhà được nửa giờ đồng hồ.

Ngoài anh Thang, vợ anh là cô Lý Tiêu cũng bị bức hại vì đức tin vào Pháp Luân Công. Năm 1999, cô bị kết án hai năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Trùng Khánh khi mới 19 tuổi. Năm 2005, cô bị bắt một lần nữa và bị giam trong một trung tâm tẩy não. Chỉ ba ngày sau khi bị giam, cô đã phải vào bệnh viện để hồi sức do bị tra tấn tàn bạo.

Trong vài năm qua, cảnh sát của Đồn Công an Đàn Tử Thạch và ủy ban khu dân cư ở Trùng Khánh đã nhiều lần sách nhiễu anh Thang và cô Lý. Đến đầu tháng 6 năm 2021, cảnh sát giả mạo là nhân viên chuyển phát nhanh và yêu cầu anh đi xuống tầng dưới để nhận hàng. Bởi anh Thang không đặt bất kỳ đơn hàng trực tuyến nào, nên anh đã từ chối xuống nhận và cuối cùng cảnh sát cũng rời đi.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/12/426879.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/14/193690.html

Đăng ngày 21-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share