Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-05-2021] Ngày 2 tháng 4 năm 2021, 11 học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh bị Viện Kiểm sát Đông Thành truy tố sau khi công tố viên đã trả lại hồ sơ vụ án của họ hai lần vì thiếu bằng chứng. Hiện họ đang đối mặt với việc bị Tòa án quận Đông Thành đưa ra xét xử.

11 học viên gồm bà Hứa Na, ông Lý Tông Trạch, ông Lý Lập Tân, bà Tiêu Mộng Kiều, ông Lưu Cường, bà Mạnh Khánh Hà, bà Trịnh Diễm Mỹ, bà Đặng Tĩnh, bà Trịnh Ngọc Khiết, ông Trương Nhậm Phi và bà Lý Giai Hiên bị bắt giữ vào ngày 20 tháng 7 năm 2020, đánh dấu mốc 21 năm ngày bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chính quyền đã huy động 10 cảnh sát đến để bắt giữ mỗi học viên.

Một số học viên bị bắt giữ đã từng bị bức hại trước đây, nhưng hầu hết đều là các học viên trẻ ở độ tuổi đôi mươi mới tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc.

Thẩm phán của Tòa án quận Đông Thành được giao nhiệm vụ xử lý vụ án đã đưa ra quy định rằng chỉ khi nào tất cả các luật sư đại diện của 11 học viên cùng tới tòa án một lúc thì ông ta sẽ cho phép họ xem xét hồ sơ vụ án. Ngoài ra, luật sư không được phép sao chép hay chụp hình các tài liệu, cũng như không cung cấp tài liệu bản cứng hay file mềm cho luật sư.

Một số luật sư đã đệ đơn khiếu nại quy định của thẩm phán vì nó vi phạm luật pháp Trung Quốc hiện hành quy định rằng viện kiểm sát và tòa án cần tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư xem xét và sao chép hồ sơ vụ án. Luật pháp cũng cấm viện kiểm sát và tòa án đặt ra giới hạn số lần hay thời gian luật sư được xem xét hồ sơ vụ án. Quy định của thẩm phán hạn chế nghiêm trọng khả năng làm việc của luật sư có thể xem xét hồ sơ vụ án theo cách thuận tiện cho họ, điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng biện hộ tốt nhất của luật sư cho các học viên và ảnh hưởng đến kết quả pháp lý của vụ án.

Tuy nhiên, đơn khiếu nại của luật sư không được cơ quan liên quan nào giải quyết.

Bà Hứa Na: Cuộc bức hại không được tiếp diễn thêm nữa

Ngày 22 tháng 4 năm 2021, luật sư nhân quyền Lương Tiểu Quân tới gặp bà Hứa Na tại Trại tạm giam quận Đông Thành.

2008-5-7-xuna-02--ss.jpg

Bà Hứa Na

Ông Lương đã nói rằng bà Hứa cùng các học viên khác bị nhắm đến vì đăng tải ảnh và bài viết lên mạng để phơi bày mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở Trung Quốc. Nhà chức trách đã cáo buộc họ tội “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ được các tòa án Trung Quốc ‘quy chuẩn để kết tội các học viên Pháp Luân Công.

Bà Hứa nói với luật sư: “Tôi đã phải chịu đựng 11 hình thức tra tấn khác nhau và đã sống sót bước ra khỏi nhà tù. Trong 22 năm qua, bao nhiêu người vợ đã phải xa chồng và bao nhiêu gia đình đã chia lìa, và bao nhiêu người đã bị tra tấn, bị thương hay bị đánh đập đến tàn phế. [Tất cả sự đau khổ của họ] chỉ vì một cuốn sách [dạy Pháp Luân Công], một đĩa DVD, một phần mềm vượt kiểm duyệt internet ở Trung Quốc hoặc là một danh sách những người bị tra tấn đến chết vì đức tin của họ. Đây là chính phủ loại gì? Họ lo sợ điều gì?”

Chỉ trong số những người bạn học viên Pháp Luân Công của bà Hứa đã có năm người bị tra tấn đến chết, gồm anh Bành Mẫn ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc; bà Thẩm Kiếm Lợi đã chết trong một trại giam và không rõ thi thể bà ở đâu; ông Hoàng Hùng ở tỉnh Hồ Nam đã mất tích và người ta sợ rằng ông đã bị bắt cóc; bà Lý Lệ bị bắt giữ cùng với bà Hứa vào tháng 11 năm 2001 và đã qua đời trong trại tạm giam và cô Đổng Thúy Phương, một bác sỹ trẻ bị giam giữ trong Nhà tù Nữ Bắc Kinh cùng với bà Hứa đã qua đời trong nhà tù ở tuổi 29.

Bà Hứa nói khi bà bị bắt giữ lần đầu tiên vì tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2001, nhiều học viên trẻ tuổi trở thành mục tiêu trong vụ bắt giữ lần này mới chỉ 2 hoặc 3 tuổi. Thế hệ trẻ cùng với tương lai tươi sáng của chúng ở phía trước hiện đang đối mặt với án tù chỉ đơn giản vì chụp hình về Bắc Kinh.

Bà nói: “Đã 20 năm trôi qua. Cuộc bức hại không được tiếp diễn thêm nữa. Đã đến lúc cuộc bức hại này phải được chấm dứt.”

Bà chia sẻ với luật sư: “Tôi không thể giữ im lặng để bảo vệ lợi ích của bản thân. Bất cứ ai trong xã hội đều nên có phán đoán đạo đức về những điều bất công không liên quan tới mình. Đây là trách nhiệm cơ bản của một người. Nếu đồng tình với một chính phủ như vậy (chính quyền cộng sản Trung Quốc), thì tôi không phải là một người tử tế.”

Sự thống khổ của gia đình vì kiên định đức tin của mình

Bà Hứa sinh ra trong một gia đình nghệ thuật vào năm 1968. Cha của bà là một nghệ sĩ nổi tiếng và mẹ của bà là một giảng viên đại học dạy mỹ thuật. Bản thân bà Hứa cũng trở thành một nghệ sĩ, chồng bà là ông Vu Trụ, cựu sinh viên của trường Đại học Bắc Kinh danh tiếng, là một nhạc sỹ và thông thạo vài ngoại ngữ khác nhau.

Sau khi chính quyền Cộng sản phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, bà Hứa đã bị bắt giữ vào tháng 7 năm 2001 vì cung cấp nơi ở cho các học viên ngoại thành tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho đức tin của họ. Tháng 11 năm 2001, bà bị kết án năm năm tù giam và thụ án tại Nhà tù Nữ Bắc Kinh. Ở trong tù, bà bị biệt giam, cấm ngủ, không được phép tắm và tước quyền thăm hỏi của gia đình.

Ngày 26 tháng 1 năm 2008, bà Hứa và ông Vu bị bắt giữ khi đang trên đường về nhà sau một buổi biểu diễn. 11 ngày sau, ngày 6 tháng 2, ông Vu đã qua đời trong nhà giam ở tuổi 42. Cảnh sát tuyên bố rằng camera giám sát đã bị hỏng khi ông Vu chết và họ không cho phép gia đình kiểm tra thi thể của ông.

Bởi cái chết của ông Vu đã được báo chí nước ngoài đưa tin rộng rãi, nên chính quyền thường xuyên sách nhiễu cha mẹ của bà Hứa và đe dọa họ không được nói chuyện với phóng viên nước ngoài.

Bà Hứa không được phép tham dự đám tang của chồng và bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Bắc Kinh, “Cơ sở Số 7” khét tiếng của Sở Cảnh sát Thành phố Bắc Kinh chuyên dùng để giam giữ các “tù nhân quan trọng.” Ngày 25 tháng 11 năm 2008, bà bị kết án ba năm tù giam.

Vài năm sau, mẹ của bà đã qua đời và người cha ngoài 80 tuổi của bà bị bỏ lại một mình, ông phải chật vật để chăm sóc cho bản thân mình.

2008-5-7-xuna-01--ss.jpg

Bà Hứa Na và ông Vu Trụ đã quá cố

Luật sư Lương nói: “Là một nghệ sĩ và nhà văn tự do, tri thức của bà Hứa Na, thảm kịch của bản thân bà trên thực tế lại mang đến cho bà trí huệ, lương tri và lòng can đảm ở sâu trong trái tim bà. ”

“Dưới hoàn cảnh nghiệt ngã, bà ấy coi nhẹ danh vọng và tiền tài. Sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng của bà đã suy giảm, nhưng chính phủ không hề xem nhẹ bà. Mỗi lần tôi gặp bà ấy là một quá trình mà tôi được lắng nghe và học hỏi.”

Bài liên quan:

11 học viên ở Bắc Kinh vẫn bị giam giữ bất chấp việc hồ sơ vụ án bị trả lại một lần nữa vì không đủ bằng chứng

Hồ sơ vụ việc của 11 cư dân Bắc Kinh bị trả lại cho cảnh sát vì không đủ bằng chứng

12 cư dân Bắc Kinh bị bắt giữ xung quanh ngày đánh dấu 21 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công

Một người dân thành phố Bắc Kinh vẫn bị giam giữ bảy tuần sau khi bị bắt vì đức tin của mình

Họa sĩ góa chồng ở Bắc Kinh bị bắt giữ một lần nữa vì kiên định đức tin

Sau 5 năm bị cầm tù, một họa sỹ Bắc Kinh lại bị bắt vì kiên định đức tin

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/5/424205.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/12/192483.html

Đăng ngày 01-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share