Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-04-2021] Ngày 6 tháng 4 năm 2021, bảy người, gồm cả một người hàng xóm, đã xông vào nhà ông Tôn Trường Quân và đưa ông đi. Ông đã gọi cho gia đình vào buổi tối và nói rằng ông bị đưa đến một khách sạn. Gia đình không nghe tin gì về ông sau đó nữa. Gần đây họ phát hiện ông đã bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Diên Cát.

Những người đã xông vào nhà ông Tôn ở khu Diên Biên, tỉnh Cát Lâm là nhân viên của Phòng 610 Huyện Uông Thanh và Đội An ninh Nội địa ở Diên Biên. Trước khi bị bắt, người của Phòng 610 đã gọi cho ông và cảnh báo rằng họ đã lên một kế hoạch đặc biệt để bắt ông từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.

Lần bức hại gần đây nhất của ông Tôn là một phần trong chiến dịch sách nhiễu “xoá sổ” đã được thực thi từ năm ngoái, chính quyền tìm đến từng học viên trong danh sách đen và ép họ ký vào các tuyên bố từ bỏ đức tin. Các trung tâm tẩy não đã được thiết lập ở nhiều tỉnh nhằm bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Riêng ở tỉnh Cát Lâm, nơi mà Pháp Luân Công được giới thiệu ra công chúng lần đầu tiên vào năm 1992, các phiên tẩy não đã được tổ chức ở thành phố Trường Xuân, thành phố Cát Lâm, thành phố Tứ Bình, thành phố Bạch Sơn, thành phố Tùng Nguyên, thành phố Thông Hoá, thành phố Liêu Nguyên và thành phố Diên Biên. Ít nhất 337 học viên đã bị chính quyền nhắm đến trên toàn tỉnh, ở Diên Biên chiếm 54,9% (185 học viên) là cao nhất trong số các thành phố. Một số lớp tẩy não được tổ chức trong các khách sạn và các toà nhà thương mại.

Đến với Pháp Luân Công

Ông Tôn sinh ra ở huyện Uông Thanh tại Diên Biên và lớn lên trong một gia đình giản dị, trung thực và giàu tình yêu thương. Ông rời nhà để học đại học và nhận ra xã hội hiện đại phức tạp nhường nào. Ông cảm thấy mất mát và tự hỏi liệu bản thân có cần sống tốt và tử tế nữa không. Sau khi đọc Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, ông đã xác định được những giá trị phổ quát mà Pháp Luân Công dạy là Chân, Thiện, Nhẫn. Ông biết rằng miễn là ông nỗ lực hết mình trong mọi việc ông làm thì ông sẽ được đền đáp xứng đáng.

Ông trở thành công chức nhà nước sau khi tốt nghiệp đại học và là trợ lý cho lãnh đạo của trấn La Tử Câu ở huyện Uông Thanh. Ông thường giúp mẹ lau chân và cắt móng chân cho bà. Mẹ ông từng đề nghị ông dừng làm vậy vì bà không muốn đồng nghiệp của ông nhìn thấy và chê cười ông. Ông an ủi mẹ và nói: “Mẹ là mẹ của con và chăm sóc mẹ chu đáo là đương nhiên. Ai dám cười con?”

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ông Tôn đã đến Bắc Kinh để lên tiếng cho Pháp Luân Công. Trên đường đến đó, cấp trên đã bắt ông và đưa ông vào một trại tạm giam trong một tháng. Một thư ký của uỷ ban quận đã nói với ông rằng họ sẽ cho ông quay lại làm việc nếu ông ký vào một hối quá thư và từ bỏ đức tin của mình. Ông đã từ chối và bị mất việc làm.

Chèn sóng vào đài truyền hình địa phương

ĐCSTQ đã lệnh cho tất cả cơ quan ngôn luận của nó, bao gồm đài truyền hình, báo chí và đài phát thanh liên tục lan truyền những thông tin sai lệch lăng mạ Pháp Luân Công và kích động công chúng thù hận các học viên Pháp Luân Công. Ngày 5 tháng 3 năm 2002, ông Tôn và nhiều học viên khác đã chặn tín hiệu truyền hình ở thành phố Trường Xuân, thủ phủ của Cát Lâm và phát sóng những video phơi bày sự dối trá của chế độ trên tám kênh truyền hình.

Chương trình bắt đầu lúc 7 giờ 19 phút tối và kéo dài khoảng 50 phút. Trong video đã chứng minh lợi ích của môn tập và giải thích sự dối trá trong vụ tự thiêu do ĐCSTQ dàn dựng để vu khống các học viên Pháp Luân Công vào ngày 21 tháng 1 năm 2001.

Chính quyền đã điên cuồng thực hiện vụ bắt giữ trên diện rộng vào đêm ngày phát sóng. Khoảng 5.000 học viên ở riêng thành phố Trường Xuân đã bị bắt giữ và bảy người bị chết trong khi bắt giữ. Ông Tôn, khi đó 26 tuổi, đã bị bắt vào cuối tháng 8 năm 2002. Ông đã bị kết án 17 năm tù ở Nhà tù Cát Lâm. Một học viên khác, ông Hầu Minh Khải, 35 tuổi, đã bị đánh đến chết sau hai ngày bị bắt vào tháng 8 năm 2002.

Bị bắt và bị tra tấn đến gần chết trong 17 năm

Ngay sau khi bị bắt, ông Tôn đã bị đưa vào ghế cọp và tra tấn trong hai ngày. Tại phiên toà vào tháng 9 năm 2002, một lính canh đã sốc điện ông bằng một dùi cui điện trong khi ông lập luận rằng tu luyện Pháp Luân Công là hợp Hiến pháp. Da của ông bị cháy nghiêm trọng.

Thẩm phán đã kết án ông Tôn 17 năm, ông Lưu Thành Quân và ông Lương Chấn Hưng 19 năm tù, bà Chu Nhuận Quân và ông Lưu Vĩ Minh mỗi người 20 năm tù. Nhiều người khác bị đưa vào trại lao động cưỡng bức.

1f4cd8fe18a0378340aedec8d60749c0.jpg

Minh hoạ tra tấn: Ghế cọp. Lính canh dùng thắt lưng trói chặt chân nạn nhân vào ghế cọp. Họ đặt những viên gạch hay các vật cứng khác dưới chân nạn nhân và tiếp tục thêm gạch vào đến khi thắt lưng bị đứt. Nạn nhân bị đau đớn vô cùng và thường xuyên ngất đi vì đau trong các cuộc tra tấn này.

Chính quyền đưa ông vào Nhà tù Cát Lâm vào ngày 25 tháng 10 năm 2002 và đánh gẫy một xương sườn của ông vào đêm hôm đó. Cân nặng của ông giảm 20kg trong vòng 70 ngày sau khi bị tra tấn không ngừng. Đến năm 2005, ông bị lao phổi với những lỗ thủng cả hai phổi và ho ra nhiều máu.

Sức khoẻ của ông sụt giảm nghiêm trọng từ năm 2007 đến 2009. Ông bị nhiễm trùng lao không chỉ ở phổi mà còn ở ngực và thành bụng. Kết quả là chất lỏng tích tụ ở ngực và thành bụng. Ông sụt cân với chiếc bụng to không cân đối. Chính quyền vẫn từ chối thả ông để chữa trị vì ông từ chối ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Dù bị bệnh và tra tấn vô nhân đạo trong tù, ông Tôn vẫn luôn đối xử tốt với các tù nhân khác. Não của một tù nhân bị liệt đã bị nhiễm ký sinh trùng. Vì lâu ngày không được vệ sinh nên thân thể có mùi hôi. Trong khi nhiều tù nhân tránh xa anh ấy, ông Tôn đã giúp anh cắt móng tay và móng chân mọc đâm vào thịt của anh. Ông đặt tay chân của người tù nhân này vào nước ấm và nhẹ nhành cắt tỉa móng tay cho anh.

Mỗi năm, cha mẹ của ông Tôn, đều gần 80 tuổi, đã đi hơn 500km (312 dặm) để gặp ông đến khi ông được thả vào tháng 12 năm 2019.

Bị chia cách bởi tấm kính, mẹ ông run rẩy cầm điện thoại, nói với ông trong nước mắt: “Con trai, khi nào con về nhà? Mẹ sợ rằng cả cha mẹ không thể sống đợi được đến ngày con về.”

Chưa đầy 1,5 năm sau khi trở về, hiện ông Tôn lại bị bắt trở lại.

Bài liên quan:

Ông Tôn Trường Quân, người bị giam giữ trong chín năm vì chèn sóng tín hiệu truyền hình cáp, cần được giải cứu (Phần 2)

Ông Tôn Trường Quân, người bị giam giữ trong chín năm vì chèn sóng tín hiệu truyền hình cáp, cần được giải cứu (Phần 1)

Hỗ trợ giải cứu ông Tôn Trường Quân khỏi nhà tù bằng cách dùng chính niệm để xem xét vấn đề

Nhân chứng phơi bày chính sách “giết không bỏ sót” sau vụ chèn sóng truyền hình vạch trần màn tự thiêu giả

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/16/423420.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/3/192152.html

Đăng ngày 30-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share