Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-04-2021] Dựa trên thông tin từ trang Minh Huệ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động “Chiến dịch xóa sổ” trên toàn quốc vào đầu năm 2020 sau khi chiến dịch phong tỏa kết thúc. Chiến dịch này nhằm tăng cường cuộc bức hại Pháp Luân Công đang diễn ra với mục đích buộc mọi học viên trong danh sách đen của chính quyền phải từ bỏ đức tin của họ.

Ủy ban Chính trị và Pháp luật, một cơ quan ngoài vòng pháp luật giám sát hệ thống pháp luật và an ninh công cộng, chịu trách nhiệm tổ chức chiến dịch sách nhiễu và chỉ huy cảnh sát địa phương, nhân viên cộng đồng và nhân viên chính quyền thực hiện các công việc cụ thể. Các nhà chức trách của ĐCSTQ thường hứa với các học viên rằng ngay sau khi họ ký vào các tuyên bố từ bỏ đức tin của mình hoặc báo cáo về các học viên khác, họ sẽ được xóa tên khỏi danh sách đen của chính quyền.

Vào tháng 8 năm 2020, với cuộc bức hại gia tăng ở huyện Y Thông, tỉnh Cát Lâm, chính quyền ĐCSTQ bắt đầu ép buộc một số công chức và nhân viên cộng đồng tham gia vào các cuộc sách nhiễu. Thời gian kéo dài và số lượng lớn học viên bị nhắm mục tiêu khiến hoạt động này trở thành một trong những hoạt động tồi tệ nhất trong những năm gần đây.

Chồng của một học viên đã qua đời vì xuất huyết não sau khi liên tục bị đe dọa. Chính quyền địa phương đã không ngừng sách nhiễu người học viên này ngay cả sau khi chồng cô qua đời. Một học viên nam đã qua đời vài tháng sau một vụ bắt giữ hàng loạt vào tháng 12 năm 2020.

Các bước mà nhà chức trách ĐCSTQ thực hiện để bức hại các học viên thường được thực hiên như sau:

1. Thường xuyên có các cuộc họp để lập kế hoạch hành động và tạo ra bầu không khí khủng bố.

2. Lừa dối các học viên và khiến họ tin rằng các nhân viên cộng đồng và cảnh sát muốn điều tốt nhất cho họ.

3. Khi việc làm đạo đức giả không thành công, nhà chức trách đe dọa sẽ tước đi sinh kế của các học viên.

4. Sau khi các học viên không chịu nhượng bộ, nhà chức trách đe dọa tước đi sinh kế của gia đình họ để gia đình gây áp lực hoặc thuyết phục họ từ bỏ đức tin của mình.

5. Đưa các học viên vào trung tâm tẩy não và tra tấn họ.

6. Khi tất cả các biện pháp trên đều thất bại, họ bắt các học viên ký vào các tài liệu không liên quan và dần dần dẫn dắt họ ký vào các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Những âm mưu và biện pháp mà nhà chức trách huyện Y Thông sử dụng để bức hại các học viên địa phương được trình bày chi tiết trong phần dưới đây.

1. Lên kế hoạch từ trước

Chính quyền ở huyện Y Thông đã nghiên cứu kỹ các học viên, gia đình và tình hình công việc của họ trước khi lên kế hoạch bức hại họ. Đôi khi chính quyền giao nhiệm vụ cho vợ/chồng, con cái, anh chị em và người sử dụng lao động của học viên để gây áp lực buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ.

Ví dụ: chính quyền đe dọa sẽ ngăn cản cháu trai của một học viên đăng ký vào đại học nếu học viên đó từ chối ký vào các bản tuyên bố. Cháu trai của một học viên khác đã nộp đơn vào đại học vào năm ngoái và một quan chức nói rằng đứa trẻ đó đã gặp may “Cậu ta sẽ không thể làm như vậy trong năm nay.”

Chồng của một học viên đã bị đình chỉ công việc và không thể quay lại làm việc trừ khi ép vợ mình phải ký vào bản tuyên bố từ bỏ tu luyện.

Các học viên sống ngoài thị trấn cũng không được bỏ qua. Chính quyền sẽ gọi điện để sách nhiễu các học viên hoặc buộc người thân của họ phải đưa họ đi tìm các học viên.

2. Tạo bầu không khí khủng bố

Các quan chức đã họp hết cuộc họp này đến cuộc họp khác để lên kế hoạch cho cuộc bức hại. Ngoài cảnh sát, các nhân viên từ Phòng 610, các thành viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật và các công chức khác bên ngoài hệ thống pháp luật đã bị buộc phải tham gia các cuộc họp. Hàng trăm học viên đã bị đưa vào danh sách đen. Người thân của các học viên làm việc trong chính quyền hoặc các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ bắt các học viên ký vào bản tuyên bố từ bỏ đức tin của họ hoặc có nguy cơ bị mất việc làm hoặc ảnh hưởng đến sự thăng tiến trong tương lai.

Các thành viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật đã ra lệnh cho cảnh sát địa phương và các thành viên ĐCSTQ đi từng nhà và yêu cầu các học viên địa phương ký vào các tuyên bố. Nếu các học viên từ chối, họ sẽ bị bỏ tù, hợp đồng thuê đất canh tác của họ sẽ bị thu hồi, hoặc con cái của họ sẽ không thể tiếp tục học, tham gia quân đội hoặc tìm kiếm việc làm.

Ít nhất hai đến ba trăm học viên ở huyện Y Thông đã bị đe dọa ký vào bản tuyên bố. Tính các thành viên gia đình của họ, chính quyền đã sách nhiễu ít nhất một nghìn người trong huyện.

Mọi học viên Pháp Luân Công trong huyện đều bị sách nhiễu vào một thời điểm nào đó. Các quan chức đã huy động rất nhiều cán bộ và phương tiện để sách nhiễu các học viên hoặc hoạt động bí mật và sử dụng các phương tiện lừa đảo để bức hại các học viên. Vào giữa tháng 12 năm 2020, huyện đã huy động 16 xe và hai chục sĩ quan để sách nhiễu các học viên ở thôn Mã Gia Truân. Những người từ chối ký vào các bản tuyên bố đã bị đưa thẳng đến một trung tâm tẩy não.

Gia đình của một học viên nhận được cuộc gọi nói rằng đường ống nước của họ bị vỡ. Sau đó, một sĩ quan cảnh sát đến, và người học viên tin rằng anh ta đến từ công ty cấp nước và đã để anh ta vào mà không thắc mắc gì.

3. “Bạn bè” bị chuyển thành nhân viên phục vụ cho ĐCSTQ

Người thân của một số học viên có bạn bè làm việc trong hệ thống pháp luật. Những người bạn này tiết lộ cái gọi là thông tin nội bộ cho người thân và nói rằng tình hình tồi tệ như thế nào và hậu quả nghiêm trọng ra sao nếu các học viên không chịu ký vào bản tuyên bố. Bởi vì thông tin cá nhân đến từ một người bạn hoặc một người thân thiết đang cố gắng giúp đỡ, nó có vẻ đáng tin cậy đối với các học viên và tạo ra sự sợ hãi. Điều này gây rất nhiều áp lực cho các học viên và gia đình của họ.

Sự thật là thông tin nội bộ có thể là một trò lừa bịp nhằm mục đích cố ý nhắm vào các học viên. Những người được gọi là bạn bè này bình thường có thể tốt, nhưng một khi ĐCSTQ ra lệnh cho họ, họ sẽ làm bất cứ điều gì để hoàn thành nhiệm vụ.

4. Đạo đức giả và lừa dối

Việc sách nhiễu thường được thực hiện bởi các nhân viên cộng đồng hoặc cảnh sát địa phương và đôi khi là người sử dụng lao động. Họ gọi điện thoại cho các học viên, đến nhà các học viên, hoặc bảo họ đến đồn công an. Họ nói với các học viên rằng họ chân thành muốn giúp họ thoát khỏi danh sách đen của ĐCSTQ và hứa sẽ không bao giờ làm phiền họ nữa nếu họ chịu ký vào bản tuyên bố. Đôi khi họ nói chuyện với gia đình của các học viên và lừa dối họ ký vào các bản tuyên bố thay cho các học viên. Các gia đình đã vô cùng sợ hãi và luôn trong tình trạng lo lắng trong suốt 22 năm bị bức hại. Một số người trong số họ có thể không nhận ra bản chất lừa đảo của ĐCSTQ và bị lừa bởi các thủ đoạn đó.

Một số gia đình của các học viên đã bị lừa và ký tên vào bản tuyên bố thay cho họ. Một trong những học viên sau đó vẫn bị các viên chức khác nhau đến sách nhiễu. Con trai của một nữ học viên đã ký tên vào bản tuyên bố cho bà và hủy tất cả các sách Pháp Luân Công của bà ấy. Ngay sau đó, các quan chức ĐCSTQ đến yêu cầu bà phải tham gia một lớp tẩy não. Con trai bà hét vào mặt họ: “Ông đã hứa sẽ không bao giờ quay lại và giờ ông lại ở đây! Bệnh tiểu đường của mẹ tôi giờ lại tái phát (vì bà đã ngừng việc tu luyện). Bây giờ ông phải có trách nhiệm chăm sóc cho bà! ” Các quan chức ĐCSTQ vì vậy đã bỏ đi.

5. Sinh kế bị đe doạ

Một khi hành vi đạo đức giả và lừa dối không hiệu quả, các nhân viên ĐCSTQ đã dùng đến cách lấy đi sinh kế của học viên. Mọi thứ liên quan đến lợi ích của học viên sẽ được sử dụng như một con bài để thương lượng, chẳng hạn như công việc của họ, công việc của gia đình họ, cơ hội giáo dục, lương hưu, trợ cấp sinh hoạt cơ bản và đất nông nghiệp cho thuê. Các nhân viên đe dọa sẽ cắt tiền trợ cấp lương hưu của một học viên và hợp đồng đất đai.

6. Sách nhiễu thường xuyên để tạo áp lực tinh thần

Sau khi tất cả những điều trên không thành công, các nhà chức trách bắt đầu thường xuyên gọi điện cho các học viên và gia đình của họ những người không phải học viên, để gây áp lực lên họ. Gia đình sẽ đổ lỗi và quay lưng lại với các học viên. Điều này khiến vấn đề bên ngoài leo thang thành vấn đề đối nội, tất cả chỉ vì muốn ngăn cản các học viên tu luyện.

Chồng của một học viên, sau nhiều lần bị sách nhiễu, đã quyết định đến đồn công an và ký tên vào bản tuyên bố cho học viên đó. Con gái của ông sau đó đã ngăn cản ông lại.

7. Các thành viên khác trong gia đình bị liên lụy

Vợ/chồng của các học viên thường phải chịu đựng nhiều nhất trong sự sách nhiễu thường xuyên của ĐCSTQ. Chiến lược đã mở rộng hành vi sách nhiễu sang con cái, cha mẹ già, anh chị em và cháu của các học viên. Các nhà chức trách đe dọa việc làm của con cái họ trong các công ty sở ban nghành cũng như các cơ hội giáo dục và quân sự trong tương lai của các con cháu. Điều này đã tạo ra sự giận dữ và tranh đấu nội bộ trong gia đình.

Cảnh sát địa phương đe dọa sẽ tước quyền tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay của cháu trai của một học viên. Cảnh sát cũng đe dọa sẽ tước tiền trợ cấp của chồng bà và hủy hoại công việc của con trai bà. Cuối cùng, con trai và chồng bà đã đánh bà và ép buộc bà phải ký vào bản tuyên bố.

Một học viên khác đã phải chuyển ra khỏi thị trấn để tránh cuộc bức hại. Con trai và con dâu của bà đã tìm thấy bà và muốn có chữ ký của bà vào bản tuyên bố. Sau khi bà từ chối, con dâu bà đe dọa sẽ ly hôn với con trai bà và mang cháu bà đi và cấm bà không được gặp cháu ngoại.

8. Bắt giữ bạo lực và tống tiền

Khi tất cả những cách thức khác đều thất bại, nhà chức trách sẽ huy động lực lượng cảnh sát để bắt giữ những học viên kiên định. Đôi khi các nhà chức trách chỉ tiến hành và bắt giữ các học viên mà không cần các thủ tục nêu trên. Các viên chức huyện đã tổ chức một phiên tẩy não vào tháng 7 năm 2020 và ba phiên nữa trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021.

Việc tống tiền và đánh đập diễn ra phổ biến trong và sau khi bắt giữ. Một nữ học viên đã từ chối từ bỏ đức tin của mình sau khi bị đưa đến một trung tâm tẩy não. Vương Cửu Thanh, đội trưởng Đội An ninh Nội địa huyện Y Thông đã đánh vào mặt bà hàng chục lần và nói với bà rằng: “Hãy kiện tôi, bằng cách này tôi sẽ đủ điều kiện nhận phần thưởng!”

Một nữ học viên ở thị trấn Tân Hưng đã từ chối ký vào bản tuyên bố và bị đưa đến Trung tâm tẩy não Tứ Bình.

Trương Vĩ một nhân viên kế toán của thị trấn Tây Vi đã tống tiền một học viên 2.000 nhân dân tệ.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/8/423114.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/1/192125.html

Đăng ngày 29-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share