Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tỉnh Liêu Ninh
[MINH HUỆ 31-10-2019] Theo thông báo (https://vn.minghui.org/news/130840-thong-bao-20190531.html) của Ban biên tập Minh Huệ vào tháng 6 vừa qua, chính phủ Hoa Kỳ sẽ thắt chặt việc xét duyệt thị thực đối với những người vi phạm nhân quyền cũng như các thủ phạm bức hại tôn giáo. Thậm chí ngay cả những người đã được cấp thị thực cũng có thể bị từ chối nhập cảnh.
Thông báo kêu gọi “các đệ tử Đại Pháp trên toàn thế giới hãy lập tức hành động để thu thập, biên soạn và đưa danh sách lên Minh Huệ, gồm thông tin về thủ phạm cũng như thành viên gia đình và tài sản của họ, để xác định và xác minh danh tính người bức hại.”
Báo cáo này phơi bày những tội ác của Khương Khánh Minh, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng 610 Tỉnh Liêu Ninh, đối với các học viên Pháp Luân Công trong nhiệm kỳ từ năm 2015 đến năm 2017.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã và đang bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Thông tin cơ bản
Khương Khánh Minh (姜庆明), nam, sinh tháng 4 năm 1973, sống ở thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh, bằng cấp: thạc sỹ, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 1 năm 1997.
Khương Khánh Minh (姜庆明)
Trước tháng 11 năm 2015, Khương là trưởng phòng Phòng nghiên cứu tại Ủy ban Chính trị và Pháp luật Liêu Ninh (PLAC). Từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 2 năm 2017, Khương giữ chức phó trưởng phòng Phòng 610 Tỉnh Liêu Ninh. Từ tháng 2 năm 2017, Khương đảm nhiệm vị trí ủy viên thường trực của Đảng ủy Doanh Khẩu và là Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Doanh Khẩu.
Trong nhiệm kỳ của Khương có tới 35 học viên đã qua đời do bị bức hại
Với cương vị phó trưởng phòng Phòng 610 Tỉnh Liêu Ninh từ năm 2015 đến 2017, Khương đã giám sát việc bức hại các học viên Pháp Luân Công, bao gồm bắt giữ, lục soát nhà, đột kích, giam giữ, cầm tù và tẩy não.
Chỉ trong tháng 6 năm 2016, hơn 100 học viên Pháp Luân Công trên toàn tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt giữ. Trước đó, cảnh sát đã bí mật theo dõi các học viên, giám sát các khu vực gần nhà họ, định vị GPS, nghe lén điện thoại và theo dõi qua mạng internet.
Theo thông tin website Minh Huệ thu thập được, từ năm 2016 đến 2017 có đến 4.079 học viên ở tỉnh Liêu Ninh đã bị bức hại vì đức tin của họ. Trong số đó, 35 học viên đã qua đời do bị bức hại; 400 học viên bị kết án tù; 117 học viên bị đưa ra xét xử và đang chờ phán quyết; 47 học viên bị khởi tố và đang chờ xét xử; 180 học viên đã có lệnh bắt giữ chính thức và đang chờ bản cáo trạng; 1.361 học viên bị cảnh sát tạm giữ và đang chờ lệnh bắt giữ chính thức; 49 học viên được bảo lãnh tại ngoại và đang chờ lệnh bắt giữ chính thức; và 1.890 học viên bị sách nhiễu hoặc thoát khỏi các vụ bắt giữ. Ít nhất 622 trong số 4.079 học viên bị lục soát nhà và bị tống tiền với tổng số tiền là 5,11 triệu nhân dân tệ.
Một số học viên tỉnh Liêu Ninh đã qua đời do bị bức hại (từ trái sang phải, bao gồm tên và thành phố):
Hàng trên: Ông Vương Ngọc Tuyền (Cẩm Châu), bà Trình Phú Hoa (Đại Liên), bà Cao Liên Trân (Phụ Tân), ông Thiệu Trung Nghiệp (Đan Đông)
Hàng giữa: Bà Đỗ Cảnh Cầm (Phủ Thuận), bà Điền Thải Anh (Phủ Thuận), bà Nhậm Quế Hà (Cẩm Châu), bà Vương Diễm Thu (Cẩm Châu)
Hàng dưới: bà Trầm Chấn Lan (An Sơn), bà Ngô Kính Mỹ (Đại Liên), bà Hứa Quế Hà (Liêu Dương), ông Lộ Viễn Phong (Thẩm Dương), ông Vương Quế Linh (Mẫu Đan Giang)
Phòng bệnh biến thành phòng xử án
Ông Tống Nguyệt Cương, cư dân của thành phố Bản Khê, đã bị bắt giữ vì đệ đơn kiện hình sự đối với cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Các tờ tiền có in thông điệp về Pháp Luân Công lấy được từ nhà ông Tống đã bị sử dụng làm “bằng chứng” chống lại ông. Ngoài ra, cảnh sát còn lục soát nhà ông và tịch thu 9.000 Nhân dân tệ.
Ông Tống bị Tòa án Quận Khê Hồ đưa ra xét xử lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 12 năm 2016, nhưng phiên tòa đã bị hoãn lại khi ông đột nhiên ngã khuỵu xuống và phải đưa đến bệnh viện. Luật sư của ông Tống yêu cầu bảo lãnh tại ngoại cho ông, nhưng bị từ chối.
Phiên tòa thứ hai được tổ chức tại phòng bệnh của ông Tống vào ngày 22 tháng 12 năm 2016, và các chấp hành viên ở tòa án đã phải đỡ ông lên khi ông không tự ngồi dậy được. Y tá đã kiểm tra huyết áp của ông và chỉ số này rất cao (ở mức 157/116). Bất chấp tình trạng sức khỏe của ông, thẩm phán vẫn đẩy nhanh phiên xử và sau đó kết án ông ba năm tù.
Bị kết án năm năm tù vì đức tin
Ông Vương Khánh, một cư dân thành phố Bắc Phiêu, bị kết án năm năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Phiên tòa phúc thẩm của ông đã được tổ chức tại Tòa án Bắc Phiêu vào ngày 22 tháng 6 năm 2016. Chủ tọa phiên tòa là Mạnh Phàm Thạch ở Tòa Trung cấp Triều Dương. Mạnh đã nhiều lần ngắt lời ông Vương, cấm ông nhắc đến Pháp Luân Công hoặc các vụ kiện chống lại Giang Trạch Dân. Thạch Phục Long, luật sư bào chữa của ông Vương, đã phản đối hành vi của Mạnh trước kiểm sát viên.
Luật sư Thạch đã biện hộ vô tội cho ông Vương, ví dụ như anh đã lập luận rằng quyền tự do tín ngưỡng và quyền đệ đơn kiện hình sự đối với Giang Trạch Dân đều là các quyền được luật pháp cho phép. Anh cũng chỉ ra rằng các vật dụng cá nhân mang thông điệp Pháp Luân Công được tìm thấy trong nhà ông Vương, bao gồm các đĩa quang học, quạt và câu đối, không gây hại cho bất kỳ ai và không bao giờ nên được coi là bằng chứng trước tòa để kết án ông Vương năm năm tù.
Hiện tại vẫn chưa xác minh được liệu tòa phúc thẩm giữ đã nguyên hay lật lại bản án kết tội ông Vương.
Thẩm phán đe dọa để gây áp lực buộc luật sư phải nhận tội
Bà Tống Quế Hương, cư dân của thành phố Đan Đông, bị Tòa án Quận Nguyên Bảo đưa ra xét xử vào ngày 7 tháng 7 năm 2016. Chồng bà là thành viên duy nhất trong gia đình được phép tham dự phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa là Mã Thuật Hòa, chánh án tòa án hình sự, trước đó đã từng kết án rất nhiều học viên.
Trước phiên tòa, Mã đã nỗ lực ngăn luật sư của bà Tống bào chữa vô tội cho bà bằng cách đe dọa sẽ đưa ra mức án tù với thời hạn lâu hơn.
Bất chấp những đe dọa của chánh án Mã, luật sư đã không thừa nhận tội của bà Tống và biện hộ vô tội cho bà trước tòa.
Chị gái của học viên Pháp Luân Công bị xét xử bị giam giữ trong nhiều giờ
Cô Trương Kế Hồng, một học viên ở thành phố Hồ Lô Đảo, bị Tòa án Tuy Trung đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 6 năm 2016. Chị gái của cô đã bị chặn lại ở bên ngoài và bị giam giữ trong nhiều giờ khi cô từ chối xúc phạm nhà sáng lập Pháp Luân Công theo yêu cầu của cảnh sát Lưu Hoán Vũ, viên cảnh sát này cũng đã hỏi xem cô có phải là học viên Pháp Luân Công không.
Một phiên tòa khác đã được tổ chức vào ngày 30 tháng 6 năm 2016 và cô Trương đã bị kết án hai năm tù.
Nhân chứng bị đe dọa
Theo lịch, ban đầu ông Trần Nham, một cư dân của quận Pháp Khố, dự kiến sẽ bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Pháp Khố vào ngày 14 tháng 6 năm 2016. Hai ngày trước phiên tòa, vợ ông và nhân chứng là bà Vương Quế Chi đã đến tòa án để làm các thủ tục giấy tờ theo yêu cầu cho nhân chứng. Thẩm phán Tôn Khải đã thông báo với họ rằng vì hiện ông Trần đã có nhân chứng làm chứng trước tòa nên phiên tòa sẽ hoãn lại đến ngày 16 tháng 6.
Hầu Đông Ba, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Pháp Khố, đã cử nhân viên đến nhà bà Vương vào ngày 15 tháng 6, đe dọa sẽ bắt giữ bà nếu bà xuất hiện trước tòa để bảo vệ cho ông Trần.
Trong phiên tòa, công tố viên Diêu Thiên Trì đã bật một đoạn video cảnh sát thẩm vấn bà Vương bốn năm trước và nói rằng video này cho thấy bà Vương thừa nhận việc ông Trần đã đưa tài liệu Pháp Luân Công cho bà.
Tuy nhiên, trên thực tế đoạn video trên lại chỉ ra rằng các cảnh sát thẩm vấn đã không hỏi bất kỳ câu hỏi nào về ông Trần và họ chỉ đơn giản là đưa cho bà Vương vốn mù chữ một tài liệu đã được viết sẵn để điểm chỉ lên đó. Do đó, luật sư của ông Trần đã kết luận rằng đoạn video này không thể được chấp nhận là bằng chứng.
Tội ác của Khương Khánh Minh vẫn tiếp diễn tại thành phố Doanh Khẩu
Sau khi Khương được bổ nhiệm làm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Doanh Khẩu vào tháng 2 năm 2017, hắn tiếp tục chỉ đạo việc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Dưới đây là một số ví dụ.
Bà Lý Tú Phân bị bắt vào ngày 5 tháng 12 năm 2017 khi bà đến Đồn Cảnh sát Tân Hưng để đưa ra các văn bản của chính phủ cho thấy việc tập luyện Pháp Luân Công là hợp pháp. Cảnh sát đã tống bà vào Trại tạm giam Doanh Khẩu. Trong phiên xét xử của Tòa án Trạm Tiền vào ngày 6 tháng 8 năm 2018, cả bà Lý và luật sư của bà đều bào chữa vô tội nhưng bà đã bị kết án ba năm và bị đưa đến Nhà tù Nữ Thẩm Dương.
Bà Tôn Quế Lan, cư dân của quận Bát Ngư Quyển, bị nhân viên Đồn Cảnh sát Trần Truân bắt giữ khi bà nói chuyện về Pháp Luân Công tại một chợ nông sản vào ngày 29 tháng 9 năm 2017. Bà đã bị giam giữ và bị Tòa án Bát Ngư Quyển xét xử vào ngày 5 tháng 6 năm 2018.
Một học viên khác của quận Bát Ngư Quyển, cô Diêm Xuân Hương, bị bắt vào tháng 11 năm 2017 khi cô đang phát lịch mang thông điệp về Pháp Luân Công. Cô bị đưa đến trại tạm giam Doanh Khẩu và bị Tòa án Cái Châu xét xử vào ngày 18 tháng 5 năm 2018. Cô bị kết án 7 tháng tù.
Các cảnh sát từ Đồn Cảnh sát Trạm Tiền và Đồn Cảnh sát Kiến Thiết đã bắt giữ bà Cao Tú Hoa, 65 tuổi vào ngày 28 tháng 6 năm 2016. Sau phiên xét xử vào tháng 4 năm 2017, Tòa án Tây Thị đã kết án bà hai năm tù vào ngày 19 tháng 3 năm 2018. Sau đó, bà bị đưa đến Nhà tù Mã Tam Gia.
Ngày 2 tháng 5 năm 2018, cảnh sát quận Lão Biên đã bắt giữ bà Lưu Hưng Diễm và bà Mã Tố Viện. Bà Lưu bị giam giữ tại trại tạm giam Doanh Khẩu trong khi bà Mã được bảo lãnh tại ngoại do sức khỏe yếu. Tòa án Lão Biên đã kết án bà Lưu hai năm tù. Bà Mã bị kết án ba năm tù và được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế vì lý do sức khỏe.
Các bài viết liên quan:
Những tội ác ở Trại tạm giam Thành phố Phủ Thuận
Một nữ học viên tỉnh Liêu Ninh qua đời trong Trại tạm giam do bị tra tấn
Báo cáo Minh Huệ: 574 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ trong tháng 10 năm 2016
Một người đàn ông Liêu Ninh qua đời sau khi ra tù ba tuần
Ông Tống Nguyệt Cương bị đưa ra xét xử tại phòng bệnh ở bệnh viện
Những phương thức tra tấn áp dụng đối với các học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đan Đông
Cảnh sát đột nhập trái phép nhà ở, bắt giữ ông Trần Nham
Tin tức bổ sung về bức hại tại Trung Quốc – ngày02 tháng10 năm 2017 (Phần I – 24 báo cáo)
Tin tức bổ sung về cuộc bức hại tại Trung Quốc – Ngày 17 tháng 9 năm 2018 (13 báo cáo)
Tin tức bổ sung về bức hại tại Trung Quốc – Ngày 09 tháng 11 năm 2018 (13 báo cáo)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/31/395207.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/3/180585.html
Đăng ngày 16-11-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.