Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-3-2019] Ông Hoàng Quốc Đống, một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hắc long Giang, đã qua đời vào ngày 31 tháng 10 năm 2017. Trước đó vài tháng, ông Hoàng gặp khó khăn khi ăn uống hoặc đi vệ sinh bởi những tra tấn tàn bạo mà ông phải chịu đựng khi bị giam giữ.

Ban đầu, ông Hoàng bị giam giữ tại Đồn Công an Nam Sơn và sau đó bị chuyển tới Nhà tù Mẫu Đan Giang. Ở hai nơi đó ông Hoàng đều bị tra tấn tàn bạo chỉ vì ông tu luyện Pháp Luân Công. Khi ở trong tù, các lính canh đã treo ông lên bằng hai ngón tay cái và đánh đập ông. Sau khi ông Hoàng bất tỉnh vì đau đớn, họ đã dùng các đồng xu để nạo vào xương sườn và đâm tăm vào đầu ngón tay của ông Hoàng để cho ông tỉnh lại. Ngay sau khi ông Hoàng tỉnh dậy, họ lại tiếp tục tra tấn ông.

Trường hợp của ông Hoàng không phải là duy nhất. Rất nhiều các học viên khác cũng bị tra tấn tàn bạo ở trong nhà tù này vì tu luyện Pháp Luân Công, trong đó có bà Cao Bính Vinh và ông Thôi Tồn Nghĩa, cả hai học viên đều đã qua đời vì bị bức hại về thân thể và tinh thần. Các học viên khác, như ông Triệu Quân, đã bị tàn tật.

Bà Cao Bính Vinh: Bị tra tấn đến tinh thần thất thường và hàm oan qua đời

Bà Cao Bính Vinh sống ở trấn Thiết Lĩnh Hà. Nhờ tu luyện Pháp Luân Công, sức khỏe và cuộc sống gia đình của bà Cao đã cải biến tốt lên. Tháng 2 năm 2001, Miêu Cường, đồn phó Đồn Công an Nam Sơn và nhiều công an khác đã bắt giữ bà Cao.

Sáu nam công an đã đánh đập bà Cao suốt từ 7 giờ tối tới tận 1 giờ 30 phút sáng hôm sau. Đồng thời, Miêu còn ép buộc bà Cao phải nguyền rủa nhà sáng lập Pháp Luân Công, giẫm chân và xé các sách của Pháp Luân Công. Thay vì điều trị vết bầm tím và thương tích cho bà, công an đã đưa bà Cao tới Trại giam Mẫu Đan Giang.

Thời điểm trại giam tiếp nhận bà Cao thì bà đã bị què, mặt mũi và chân tay bị sưng vù. Đôi mắt bà chỉ có thể mở ti hí và đầu của bà có nhiều vết sưng to như quả trứng. Bà Cao cũng bị rối loạn tinh thần: bà liên tục gào khóc và thu mình lại như thể đang tránh bị đánh đập. Các lính canh và tù nhân phải giữ ghì bà xuống bất cứ khi nào điều đó xảy ra. Tình trạng của bà Cao ngày một tệ hơn và bà đã qua đời sau khi được trả tự do một năm.

Ông Thôi Tồn Nghĩa: Năm xương sườn bị gãy và toàn bộ phổi bị đen

Ông Thôi Tồn Nghĩa, 54 tuổi, buộc phải rời nhà sống trôi dạt vì cuộc bức hại Pháp Luân Công. Một công an địa phương đã nói với gia đình ông Thôi: “Bảo ông ta về đi, ông ấy sẽ ổn, chúng tôi không bắt ông ta”. Ngay sau khi ông Thôi trở về, công an đã bắt giữ ông vào ngày 13 tháng 5 năm 2002 và đưa ông tới Đồn Công an Nam Sơn. Hai ngày sau đó, gia đình ông Thôi nhận được thông báo về cái chết của ông.

2005-5-7-cuicunyi01--ss.jpg

Ông Thôi Tồn Ngĩa, 54 tuổi ở thành phố Mẫu Đan Giang đã chết trong hai ngày bị bắt và bị giam giữ trong Đồn Công an Nam Sơn

Khám nghiệm tử thi cho thấy toàn thân ông Thôi bầm tím, năm xương sườn bị gãy, toàn bộ phổi đen thui, đôi mắt sưng đỏ và hai chân đen đúa, thê thảm không dám nhìn. Nhưng gia đình ông không được cung cấp báo cáo giám định pháp y, và họ cũng không được phép chụp ảnh hay quay video thi thể ông hay báo cáo giám định.

Khi gia đình ông dự tính sẽ kiện lên quyền tỉnh Hắc Long Giang, công an đã tìm cách chặn họ lên tất cả các phương tiện giao thông công cộng nhằm khiến họ không thể rời Hắc Long Giang. Sau khi các thành viên trong gia đình liên tục yêu cầu và lời kêu oan của họ đã tới được chính quyền tỉnh và Bắc Kinh, Phân cục Công an Mẫu Đan Giang đã đưa gia đình 500.000 nhân dân tệ, coi như là tiền bồi thường.

Vì nhiều vụ việc giống như của ông Thôi xảy ra ở đồn này, nên Tổ chức Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã liệt Đồn Công an Nam Sơn vào Báo cáo Vi phạm Nhân quyền năm 2005 và ban hành tuyên bố yêu cầu phối hợp điều tra. Nhưng đến giờ vẫn chưa một ai của đồn này phải chịu trách nhiệm.

Ông Triệu Quân: Bị đâm tăm vào ngón tay và tàn tật

Công an Đồn Nam Sơn thường đâm tăm vào đầu ngón tay các học viên Pháp Luân Công. Ngày 24 tháng 2 năm 2001, đồn trưởng Tạ Xuân Sinh và đồn phó Miêu Cường đã kéo tới nhà của ông Triệu Quân. Tạ đã yêu cầu bà Triệu ra ngoài để nói chuyện. Ngay sau khi ông Triệu bước ra ngoài cửa trong khi vẫn đi dép lê, thì các công an đã cưỡng chế ông lên xe và đưa ông tới đồn công an.

Buổi tối hôm đó, công an đã trói chặt ông Triệu ba lần và ông đã ba lần bị bất tỉnh vì đau đớn. Sau đó, lính canh đã dùng các đồng xu để nạo vào xương sườn của ông và đâm nhưng chiếc tăm vào đầu ngón tay của ông để làm ông tỉnh lại. Cánh tay của ông bị thương nặng, và kiểm tra y tế đã xác nhận ông bị tàn tật vì thần kinh bị thương tổn nghiêm trọng.

2011-11-12-gaoxiong2-13--ss.jpg

Mô phỏng cảnh tra tấn: Đâm tăm vào đầu ngón tay.

Thấy rằng bấy nhiêu đó chưa đủ để khiến ông Triệu từ bỏ đức tin của mình, công an đã bắt con trai ông, anh Triệu Đan, một sinh viên trường y không phải là học viên Pháp Luân Công. Họ còng tay anh Triệu Đan vào đường ống sưởi ấm và trùm chăn dày lên đầu của anh Triệu, khiến anh Triệu gần như ghẹt thở. Họ còn cấm anh sử dụng nước cũng như đi vệ sinh.

Sáng hôm sau, hai công an đã đưa anh Triệu Đan tới chỗ ông Triệu và hét lên: “Này! Hãy nhìn con trai của ông đi!” Sau đó, họ liền đưa Triệu Đan đi nơi khác. Nghĩ về việc bản thân bị đánh đến tàn tật chỉ sau một đêm, ông Triệu lo lắng rằng con trai của mình cũng sẽ bị tra tấn đến tàn tật. Trong cơn giận giữ và đau buồn, ông trả lời: “Thả con trai của tôi ra và các ông nói gì tôi cũng đồng ý.” Công an tống tiền gia đình ông Triệu 5.000 nhân dân tệ và thả Triệu Đan.

Ông Hoàng Quốc Đống: Máu chảy tràn ra khắp phòng

Ông Hoàng Quốc Đống làm việc trong một nhà máy. Ông luôn làm việc chăm chỉ và sẵn lòng giúp đỡ người khác nên được đồng nghiệp và hàng xóm tôn trọng. Ông cũng là người thông minh và đạt giải tư trong cuộc thi cờ vua toàn thành phố. Tu luyện Pháp Luân Công đã cải biến ông Hoàng trở nên cởi mở và khỏe mạnh hơn. Ông Hoàng từng nói: “Pháp Luân Công và Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn là tốt. Tôi không thể sống thiếu những điều này.”

Cuối tháng 2 năm 2001, ông Hoàng và con trai đã bị bắt tới Đồn Công an Nam Sơn bởi ông bị tố cáo trong khi phân phát tài liệu phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Miêu Cường và các công an khác đã buộc chặt hai ngón tay cái của ông Hoàng vào nhau, và treo ông lên bằng hai ngón cái và đánh đập ông. Sau khi ông Hoàng bất tỉnh, họ đã dùng đồng xu để nạo xương sườn ông và đâm tăm vào đầu ngón tay của ông để ông tỉnh lại – giống những gì họ làm với ông Triệu – sau đó họ tiếp tục tra tấn ông. Ông Hoàng đã la hét vì đau đớn. Nhưng tra tấn vẫn tiếp tục diễn ra trong 24 giờ. Đầu của ông Hoàng sưng lên và toàn thân bầm tím. Ông cũng mất kiểm soát việc đại tiểu tiện. Máu của ông vương ra khắp phòng.

Nhưng đó mới chỉ là khởi động. Công an còng tay ông và cùm chân của ông, rồi giam ông trong trại tạm giam, ở đó Miêu và các công an khác đã tiếp tục tra tấn. Vợ của ông Hoàng đã liên lạc với Phòng 610 và Đồn Công an để yêu cầu trả tự do cho chồng mình. Nhưng yêu cầu đã bị cự tuyệt và công an quay sang tống tiền bà.

Ngoài việc bị ngược đãi về thể chất, công an cũng âm mưu nhằm ép buộc ông Hoàng từ bỏ đức tin của mình. Một tù nhân làm việc trong nhà ăn nói rằng họ đã được ra lệnh trộn thuốc không rõ nguồn gốc vào thức ăn của ông Hoàng để ông bị tiêu chảy liên tục. Sau đó, các lính canh – những người không biết sự tình – đã hỏi ông Hoàng tại sao luyện Pháp Luân Công mà sức khỏe không cải biến hòng làm lung lay tín tâm tu luyện của ông.

Ngược đãi về thân thể và các loại thuốc không rõ nguồn gốc đã làm ông Hoàng hốc hác và sức khỏe yếu kém trong khoảng 10 tháng. Vụ việc của ông Hoàng cũng được đưa vào Báo cáo Nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 2001. Tuy nhiên, thay vì được trả tự do, ông Hoàng lại bị đưa ra xét xử vào ngày 12 tháng 12 năm 2001. Ông Hoàng quá yếu để có thể nói ở trước tòa, tuy nhiên ông đã bị kết án 10 năm tù. Ông Hoàng bị đưa tới Nhà tù Mẫu Đan Giang, ở đó ông bị tra tấn bằng nhiều hình thức như phơi mình trong giá lạnh, bỏ đói, sốc điện bằng dùi cui vào phần kín và hậu môn, và các loại tra tấn khác.

Khái quát

Các phương thức tra tấn mà Đồn Công an Nam Sơn cũng như các tổ chức tương tự sử dụng quả thực là tàn ác ngoài sức tưởng tượng. Chúng bao gồm: sốc điện bằng dùi cui điện cao thế, ngạt nước, dội nước lạnh vào người trong mùa đông, đánh đập, ghế sắt, đập đầu vào tường, bức thực, nghẹt thở, bẻ ngón tay, đứng bất động một thời gian dài, cưỡng hiếp, xâm hại tình dục, cấm đi vệ sinh, và rất nhiều hình thức tra tấn khác.

Ngoài các trường hợp kể trên, còn rất nhiều các học viên khác cũng bị tra tấn như vậy. Ông Trương Ngọc Lương cũng bị Miêu đánh đập vào năm 2001. Các cơ quan tạng của ông bị tổn thương và có máu trong nước tiểu của ông trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ông Trương đã bị kết án năm năm tù. Sau khi người thân của ông Trương ở Canada đưa vụ việc của ông lên chính phủ Canada, ông John Braid, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada đã viết thư phản hồi, nói rằng ông vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Thủ tướng Stephen Harper để liên lạc với chính phủ Trung Quốc để yêu cầu trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ.

Bài liên quan:

Một người đàn ông ở Hắc Long Giang đã qua đời sau cả thập kỷ bị cầm tù

Bộ ngoại giao Canada đã bày tỏ mối quan tâm đến các học viên bị giam giữ tại Trung Quốc


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/13/383738.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/20/176213.html

Đăng ngày 26-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share