Bài viết của Âu Dương Phi

[MINH HUỆ 08-03-2019] Từ khi Trung Quốc phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999, chính quyền cộng sản này đã sử dụng nhà tù, trại lao động, trại tẩy não và nhiều cơ sở khác để giam cầm các học viên Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Trong hai thập kỷ qua, nhiều học viên ở Trung Quốc đã bị bắt giữ chỉ vì không chịu từ bỏ Pháp Luân Công.

Hệ thống nhà tù chính thức được dùng để giam cầm những học viên Pháp Luân Công bị kết tội chỉ vì kiên định với đức tin của mình sau phiên xử. Theo một báo cáo của Bộ Tư pháp Trung Quốc, tính đến năm 2012, có 681 nhà tù trên khắp Trung Quốc. Điều đáng chú ý là hệ thống tòa án Trung Quốc chỉ đóng vai trò là con dấu trong cuộc bức hại Pháp Luân Công: nó chỉ đơn thuần là làm cho có, trước khi công bố các bản án được định trước đối với học viên.

Hệ thống trại lao động trước đây (hiện đã bị bãi bỏ) cho phép chính quyền giam giữ các học viên đến bốn năm mà không cần xét xử. Trong báo cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc năm 2009, phái đoàn Trung Quốc đã mô tả hệ thống cải tạo thông qua lao động của quốc gia này là “tương tự như hệ thống cải tạo ở các quốc gia khác”, “được áp dụng cho những đối tượng đã phạm tội mà không phải chịu án hình sự.” Báo cáo ước tính có 190.000 người đang bị giam giữ trong 320 trại lao động trên khắp Trung Quốc.

Những trại lao động này thường được dùng để giam cầm tù nhân lương tâm, những người không hề phạm tội. Nhưng hệ thống này đã bị bãi bỏ vào cuối năm 2013 vì chính quyền Trung Quốc phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc giam cầm các học viên Pháp Luân Công không dừng lại, bởi chính quyền Trung Quốc đã tăng cường sử dụng các trung tâm tẩy não phi pháp để thay thế.

Không giống như nhà tù và trại lao động, các trung tâm tẩy não được thiết lập không dựa trên bất kỳ điều luật hoặc quy chế nào. Phòng 610, cơ quan ngoài pháp luật do lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập vào ngày 10 tháng 6 năm 1999, với nhiệm vụ tiến hành bức hại Pháp Luân Công. Cơ quan này có toàn quyền trong việc thành lập các trung tâm tẩy não để có thể giam giữ các học viên vô thời hạn.

Theo chỉ thị của Phòng 610, mọi cấp chính quyền, ủy ban khu dân cư, doanh nghiệp, kể cả trường học đều có thể trở thành trung tâm tẩy não ở bất cứ nơi nào họ muốn, ngay cả trong khách sạn hoặc khu nhà ở tư nhân mà không tuân theo bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Chính vì thế, thật khó để xác định chính xác số lượng trại tẩy não, cũng như không có con số thống kê chính thức.

Tuy bản chất là nằm ngoài hệ thống tư pháp, nhưng các trung tâm tẩy não này lại được chính phủ hậu thuẫn mạnh về tài chính để tích cực cưỡng ép các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ, thường thông qua tra tấn. Nhiều lực lượng hành pháp, người sử dụng lao động, ủy ban khu dân cư cũng được khuyến khích tự thành lập các trung tâm tẩy não hoặc chuyển học viên tới những cơ sở tẩy não hiện hành.

Mạng lưới trung tâm tẩy não rộng khắp này đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống giam cầm học viên Pháp Luân Công đa trụ cột của chính quyền Trung Quốc. Báo cáo này đề cập đến quy mô, tính tàn khốc và sự hủy hoại của nó.

Một mạng lưới rộng khắp được hậu thuẫn mạnh về tài chính

Chỉ với một từ khóa tìm trong các bài trên Minh Huệ Net từ năm 1999 đến 2019 đã thu được khoảng 65.000 bài viết, trong đó cụm từ “trung tâm tẩy não” xuất hiện tổng cộng hơn 210.000 lần. Sau khi loại ra các trung tâm tẩy não không có địa điểm chính xác và tích hợp các trung tâm với tên gọi khác nhau, chúng tôi ước tính rằng có khoảng 3.640 cơ sở như vậy được thiết lập trên khắp Trung Quốc.

Các trung tâm tẩy não đã xác nhận này được phân bổ trên 30 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 26 tỉnh và bốn thành phố cấp trung ương (Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, và Trùng Khánh). Trong đó, tỉnh Hà Bắc là nơi có nhiều trung tâm tẩy não nhất (439), tiếp theo là Sơn Đông (383), Hồ Bắc (336), Tứ Xuyên (301), và Cát Lâm (272). Tám đơn vị hành chính khác cũng được báo cáo là có số trung tâm tẩy não có ba chữ số, còn 15 tỉnh khác có con số có hai chữ số. Hai tỉnh Thanh Hải và Ninh Hạ là hai tỉnh duy nhất được báo cáo có ít hơn mười trung tâm tẩy não.

Số trung tâm tẩy não theo tỉnh (Nguồn: Minghui.org)

Do việc kiểm duyệt và bức hại vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Hơn nữa, với hệ thống trại lao động bị bãi bỏ vào năm 2013, nhiều học viên đã bị chuyển thẳng đến các nhà tù và trung tâm tẩy não, vốn đang tồn tại hoặc mới được thiết lập.

Mặc dù các trung tâm tẩy não do các cấp khác nhau của Phòng 610 khởi xướng, nhưng phần lớn chúng được vận hành nhờ các khoản tiền ưu đãi và một phần do chủ sử dụng lao động tài trợ, hoặc tống tiền từ các học viên.

Dựa trên dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn, Minh Huệ Net đã công bố sách trắng vào năm 2014 về quy mô của các trung tâm tẩy não. Trong báo cáo có viết: “Chúng tôi ước tính rằng trong hơn 15 năm qua, tổng chi phí cho những người bị giam xấp xỉ 3.37 tỷ Nhân dân tệ. Chính phủ còn thưởng cho mỗi trường hợp ‘chuyển hóa thành công’ thêm 226 triệu Nhân dân tệ. Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc còn dành riêng một khoản ước tính là 1.18 tỷ Nhân dân tệ dùng cho xây dựng và tu sửa các cơ sở tẩy não.”

Một cơ sở nằm ngoài pháp luật nhằm mục đích hủy hoại đức tin

Trong khi nhà tù và trại lao động đã tồn tại trước cuộc bức hại Pháp Luân Công, các trung tâm tẩy não thuần túy chỉ có mục đích duy nhất là buộc học viên phải từ bỏ đức tin của họ. Để đạt được mục tiêu này, các trung tâm tẩy não thường có những đặc điểm sau:

Thời hạn giam giữ tùy tiện

Vì việc giam cầm tại trung tâm tẩy não không yêu cầu bất kỳ thủ tục pháp lý nào, nên các học viên có thể bị giam nếu họ không chịu từ bỏ tín ngưỡng của mình.

Cô Lý Tích Huy, từng làm việc ở Đài Phát thanh Tứ Xuyên, bị bắt vào năm 2006 và giam tại Trung tâm Tẩy não Tân Tân ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên trong bảy năm. Chính quyền đã bí mật chuyển cô đến Trung tâm Tẩy não Nhị Nga Hồ ở thành phố Tư Dương vào năm 2013 và tiếp tục tẩy não cô. Tại thời điểm viết bài báo này, không có thông tin về việc cô đã được trả tự do hay chưa.

Một học viên khác ở tỉnh Quảng Đông, cô Tạ Vũ, 32 tuổi, bị đưa đến một trung tâm tẩy não vào tháng 1 năm 2019, ngay sau khi thời hạn hai năm tù của cô kết thúc. Cô bị kết án chỉ vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công. Gia đình cô được biết chính quyền đã quyết định gửi cô đến trung tâm tẩy não đó vì cô vẫn không chịu từ bỏ đức tin của mình sau khi mãn hạn tù giam.

Bảo mật ở mức độ cao

Bản chất nằm ngoài pháp luật của các trung tâm tẩy não làm cho hoạt động của nó trở nên độc đoán và bí mật. Ví dụ như, sau khi hệ thống trại lao động bị bãi bỏ vào năm 2013, nhiều trung tâm tẩy não ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã gỡ bỏ các bảng hiệu và logo tại các cơ sở để tránh bị phát hiện nguồn gốc và trách nhiệm pháp lý. Đôi khi một số cơ sở này đóng cửa thì những cơ sở mới lại được lập ra ở nơi khác để tiếp tục tẩy não các học viên.

Một học viên ở tỉnh Hồ Bắc bị bắt vào tháng 10 năm 2018 chỉ vì bà không từ bỏ tín ngưỡng của mình. Sau khi bị giam 15 ngày, cảnh sát đã đưa bà thẳng một đến bệnh viện tâm thần và giữ bà ở đó trong năm ngày trước khi chuyển bà đến một trung tâm tẩy não bí mật. Công an đã chùm đầu bà bằng mũ trùm đầu màu đen và trói tay trong lúc chuyển đi để bà không biết mình bị đưa đi đâu.

Gia đình biết được bà ở đâu nên đã đến trung tâm tẩy não bí mật đó. Trước khi họ tới gần cửa, họ nghe thấy một giọng nói tự động: “Không được lại gần. Đèn laser đã được kích hoạt.” Các tia laser đột nhiên xuất hiện ở mọi hướng và bao quanh họ. Những tia sáng này đi theo họ khi họ di chuyển, cuối cùng họ buộc phải rời đi.

Rồi gia đình này tìm thấy một địa điểm khác, đó là một khu nhà bỏ hoang không có bảng hiệu hay bảng treo cửa. Cửa sắt ở đây được đóng chặt. Không ai trả lời khi họ gọi tên của học viên.

Về sau, người học viên này đã nói với gia đình bà sau khi được thả rằng bà đã ở địa điểm thứ hai mà họ đã tới. Các nhân viên ở đó rất lo sợ khi họ nghe thấy tiếng gọi của gia đình bà. Họ không cho bà gây ra bất kỳ tiếng động nào hoặc ra tín hiệu cho gia đình rằng bà đang bị giam tại đó, vì đây là một địa điểm bí mật mà chính quyền không muốn bị phơi bày.

Dùng thuốc không rõ tên

Ngoài việc tra tấn và theo dõi suốt ngày đêm, việc ép dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc cũng phổ biến trong các trung tâm tẩy não. Ông Tạ Đức Thanh, một người về hưu khỏe mạnh, đã qua đời sau khoảng 20 ngày bị giam tại Trung tâm Tẩy não Tân Tân ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Người ông hốc hác. Ông không kiểm soát được việc đi vệ sinh, và đau đớn tột cùng trước khi chết. Da ông xám xịt. Những triệu chứng này giống với triệu chứng của những học viên khác đã được xác nhận bị cho uống thuốc không rõ tên. Sau đó, trên 100 công an đã được điều động đến nhà tang lễ lúc nửa đêm để lấy thi thể của ông Tạ đi hỏa táng.

ee2ba124bf2734eea600c0f06445f916.jpg
Ông Tạ Đức Thanh chết vì nghi ngờ bị ép dùng thuốc không rõ nguồn gốc

Tẩy não tăng cường

Bên cạnh việc giam cầm về thể xác, các học viên còn bị ép xem các video tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công và viết cảm nhận của họ sau khi xem. Những báo cáo mà học viên viết thường được các nhà tâm lý học phân tích, sau đó những người này tận dụng bất kỳ điểm yếu nào được phát hiện để đưa ra các chiến lược mới nhằm phá hủy đức tin của họ. Đồng nghiệp và người nhà trong gia đình thường bị gọi đến để ép buộc các học viên từ bỏ đức tin.

Tại các trung tâm tẩy não ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, các nhà chức trách đã lắp đặt ba camera trong mỗi phòng giam. Những tờ giấy in các dòng chữ phỉ báng Pháp Luân Công được dán trên bàn, ghế và sàn nhà. Chừng nào chưa đến giờ ngủ, tivi trong phòng luôn bật và phát một trong hai chương trình trực tiếp phỉ báng Pháp Luân Công hoặc các chương trình khác nhằm làm suy yếu ý chí của các học viên. Các học viên cũng bị cấm tập các bài tập công của Pháp Luân Công. Lính canh cũng đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với họ, như giới hạn thời gian ăn cũng như nơi và cách rửa bát. Cô Đái Cư Trân phải đi điều trị y tế ba ngày sau khi cô bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Hải Khẩu ở thành phố Vũ Hán vào ngày 9 tháng 8 năm 2018.

Ngụy tạo và lừa dối

Một khía cạnh đặc biệt khác của các trung tâm tẩy não là vẻ ngụy tạo của nó. Những nơi này thường được coi là “trung tâm giáo dục pháp lý”. Các viên chức còn lừa dối cả người nhà của học viên, những người không ủng hộ Pháp Luân Công, để họ tham gia vào việc giúp thuyết phục học viên từ bỏ tu luyện. Điều này đã xảy đến với cô Đường Tiểu Yến tại thành phố Quế Lâm, Khu tự trị Quảng Tây: Gia đình cô tin Phòng 610 rằng trung tâm này là nơi học tập tự nguyện và bổ ích. Nhưng khi cô Đường đến đó, các viên chức đã đánh đập, tra tấn cô, luôn thắp đèn sáng trước mắt cô và không cho cô ngủ hay uống nước. Điều này dẫn đến tính mạng của cô bị đe dọa ít nhất hai lần.

Những cái chết trong trung tâmtẩy não

Việc ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần tại các trung tâm tẩy não cũng góp phần gây tử vong cho các học viên Pháp Luân Công. Theo số liệu có sẵn, trong số 3.653 trường hợp tử vong đã được xác nhận của các học viên Pháp Luân Công từ năm 1999 đến 2014, 746 (20,4%) trường hợp bị tra tấn tại các trung tâm tẩy não và 367 (10%) trường hợp chết ngay ở các cơ sở này.

Bà Từ Huệ Châu, một giáo viên nghỉ hưu, ở tỉnh Quảng Đông bị bắt vào cuối tháng 7 năm 2016 và bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Hoàng Phổ. Bà qua đời trong tháng 8 ngay sau khi được thả ra. Một học viên cũng bị giam giữ ở cơ sở này là bà Ngô Dương Trân, 72 tuổi, đã bị ép phải đứng trong bảy tiếng. Hình thức tra tấn này và các hình thức ngược đãi thân thể khác đã dẫn đến bà Ngô bị mù.

Dấu hiệu về sự tàn phá của cuộc bức hại

Là một trong nhiều loại cơ sở được sử dụng để giam giữ các học viên Pháp Luân Công, trung tâm tẩy não cho thấy một góc nhìn thoáng qua về sự tàn phá của cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Mặc dù chúng tôi không có dữ liệu về số lượng học viên bị giam cầm trong trung tâm tẩy não, nhưng chúng tôi quan sát thấy mối tương quan đồng biến rất lớn giữa số lượng trung tâm tẩy não và số người chết ở các khu vực khác nhau.

Số trung tâm tẩy não so với số học viên bị tử vong (đường màu đỏ: số học viên tử vong; đường màu xanh: số trung tâm tẩy não)

Theo dữ liệu do Minh Huệ Net tổng hợp, tổng cộng có 4.228 học viên được xác nhận đã qua đời do cuộc bức hại Pháp Luân Công. Những cái chết này xảy ra ở khắp Trung Quốc, và các tỉnh có nhiều người chết hơn cũng có nhiều trại tẩy não hơn.

Mặc dù chúng tôi không thể đưa ra kết luận cuối cùng về việc các trung tâm tẩy não đã góp phần gây ra cái chết của các học viên Pháp Luân Công như thế nào, nhưng ít nhất thì mối tương quan đồng biến cũng xác nhận vai trò của các trung tâm tẩy não trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Thủ phạm cũng là nạn nhân của chính sách bức hại

Mặc dù cuộc bức hại trực tiếp nhắm vào các học viên Pháp Luân Công và đức tin của họ vào “Chân – Thiện – Nhẫn”, nhưng những tổn thất đã vượt quá các học viên và gia đình họ. Toàn bộ xã hội phải chịu tác động tiêu cực khi những người theo đuổi nâng cao đạo đức và tinh thần không được khuyến khích làm như vậy. Ngay cả thủ phạm trong cuộc bức hại cũng đã trở thành nạn nhân khi họ phải đối mặt với hậu quả cho hành động của mình.

Trong một buổi chiếu phim Thư từ Mã Tam Gia, một bộ phim tài liệu về những thống khổ của các học viên Pháp Luân Công tại Trại Lao động Mã Tam Gia khét tiếng, ở Đại học Delwar, một số học viên đã làm chứng về trải nghiệm khi bị giam cầm và tra tấn của bản thân họ trong phiên thảo luận sau buổi chiếu. Một khán giả hỏi họ có căm ghét các viên chức đã bức hại họ không.

Các học viên đó lắc đầu. Một học viên nói: “Ban đầu, họ có thể chỉ là những người vô tội như bạn và tôi. Nhưng vì chính sách bức hại, họ đã bị những tuyên truyền thù hận lừa dối và đã bức hại những người muốn trở thành công dân tốt với tiêu chuẩn đạo đức cao hơn. Tôi cảm thấy tiếc cho họ vì đã làm điều đó, họ không chỉ gây ra những hậu quả không thể hình dung được đối với xã hội mà còn phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng [cho chính họ].

Dữ liệu cho thấy một số lượng lớn các quan chức và cảnh sát tham gia vào cuộc đàn áp đã chết ở độ tuổi tương đối trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong, từ tai nạn giao thông đến tự tử, cho đến mắc những căn bệnh nan y.

Những cái chết đó xảy ra có vẻ ngẫu nhiên, nhưng nhiều học viên Pháp Luân Công và gia đình họ, cũng như những người ủng hộ tin rằng những kẻ hành ác đã nhận quả báo. Theo văn hóa truyền thống Trung Hoa, gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy. Từ năm 1999 đến 2019, khoảng 20.000 cái chết như vậy đã được báo cáo đến Minh Huệ Net, trong thời gian đó, hàng chục triệu học viên đã bị bức hại vì đức tin của họ.

Biểu đồ sau đây thể hiện mối tương quan chặt chẽ giữa số lượng trung tâm tẩy não và số trường hợp bị quả báo ở các khu vực khác nhau. Một lần nữa, chúng tôi cảnh báo rằng trung tâm tẩy não chỉ là một phần của cuộc bức hại, vì còn nhiều thủ phạm khác đang hành ác trong các nhà tù và trại lao động. Tuy nhiên, mối tương quan chặt chẽ như vậy cho thấy sự tham gia sâu rộng của các trung tâm tẩy não trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Số trung tâm tẩy não so với số trường hợp bị quả báo (đường màu cam và cột tham chiếu bên trái: số trường hợp bị quả báo; đường màu xanh và cột tham chiếu bên phải: số trung tâm tẩy não)

Các báo cáo liên quan:

Các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn ở Trung tâm Tẩy não Tân Tân

Một cư dân 78 tuổi ở Quảng Đông, qua đời nhiều tuần sau khi bị đưa tới trại tẩy não

Tin muộn: Người phụ nữ Quảng Tây qua đời năm 2017 sau khi uống nước độc của công an

Tỉnh Hồ Bắc tiếp tục giam các học viên Pháp Luân Công ở nhiều trung tâm tẩy não

Báo cáo của Minh Huệ Net – Tẩy não: Ngành công nghiệp bị che giấu ở Trung Quốc

Ba trung tâm tẩy não hàng đầu liên quan tới việc tra tấn đến chết các học viên Pháp Luân Công (Ảnh)

Các bài báo liên quan bằng tiếng Hán:

四川新津洗脑班-甚于劳教的罪恶

湖北省法制教育所”洗脑班的罪恶(1)

成都新津洗脑班的药物行凶和人体实验

迫害致死案例

迫害法轮功-19年间逾两万人遭恶报(1)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/19/384093.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/28/176300.html

Đăng ngày 06-04-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share