Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 09-01-2019] Tự do tín ngưỡng là một trong bốn quyền cơ bản của con người, và trên thực tế, nó là quyền đã được Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ. Tuy nhiên, bởi thực hiện quyền tín ngưỡng của mình mà nhiều học viên Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) và gia đình họ đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại trong suốt gần 20 năm qua và hiện nó vẫn đang tiếp diễn.
Theo một thống kê chưa đầy đủ được trang web Minh Huệ báo cáo, trong năm 2018 có 237 học viên Pháp Luân Công ở 14 khu của thành phố Đường Sơn đã bị cảnh sát thuộc nhiều đồn công an khác nhau sách nhiễu. Hầu hết các vụ việc này diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 5-7. Số lượng thực tế có thể còn cao hơn bởi những thông tin này thường bị giới hạn ở Trung Quốc.
Bảng thống kê số lượng các học viên ở Đường Sơn bị ĐCSTQ bắt giữ trong năm 2018
Các học viên bị sách nhiễu
Trong hai tháng 5 và 6 năm 2018, cảnh sát đã gõ cửa và gọi điện thoại tới nhiều học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát hỏi họ có còn tu luyện Pháp Luân Công hay không và có sử dụng máy in để in các tài liệu Pháp Luân Công hay không. Nhiều học viên đã bị cảnh sát ghi hình. Sau đây là vài ví dụ:
-Thượng tuần tháng 5, nhiều cảnh sát thuộc thị trấn Định Kiều đã đến từng nhà học viên để sách nhiễu họ. Những học viên đã bị cảnh sát đến tận nhà sách nhiễu bao gồm: bà Hạ Tú Phân, bà Đoàn Thục Xảo và bà Dương Ngọc Hoàn ở thôn Ngũ Lý và ông Trương Khánh Hiên ở thôn Hoàng Thổ Kiều.
– Trong tháng 6, hai cảnh sát đã xông vào cửa hàng kinh doanh của vợ chồng ông Tiếu Quốc Khởi và bà Lưu Phượng Anh. Vợ chồng ông Tiếu đã bị cảnh sát yêu cầu phải trình bày quan điểm của mình về Pháp Luân Công, nhưng vợ chồng ông Tiếu đã từ chối. Cảnh sát đã ghi hình hai vợ chồng ông Tiếu trong quá trình sách nhiễu họ.
– Ngày 13 tháng 6, ba cảnh sát đã đến nhà bà Từ Thúy Vân ở thôn Đinh Quan Truân, thị trấn Lâm Nam Thương. Một cảnh sát đã cố dùng điện thoại để chụp ảnh bà Từ khi bà ra mở cửa. Bà Từ đã ngăn anh ta lại và cảnh báo rằng hành động đó là bất hợp pháp và dọa sẽ kiện họ.
– Ngày 18 tháng 6, bốn cảnh sát đã đến sách nhiễu bà Triệu Tú Anh, một học viên Pháp Luân Công 70 tuổi, nhưng bà không mở cửa. Bà đã mắng những nhân viên cảnh sát này vì đã thất hứa. Bà nói: “Khi tôi nộp đơn kiện Giang Trạch Dân, tôi đã bị lừa ký vào một biên bản với lời hứa rằng tôi sẽ không bị sách nhiễu trong tương lai, tại sao các anh lại đến đây?”
– Ngày 20 tháng 6, hai cảnh sát ở khu Khai Bình đã đến nơi làm việc của ông Trương Lập Dân để sách nhiễu ông. Một nhân viên cảnh sát trẻ tuổi cố chụp hình ông nhưng đã bị ông ngăn lại. Các cảnh sát này nói rằng họ đến đây theo lệnh của cấp trên. Ông Trương nói: “Lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công đã được bãi bỏ. Nhiều cảnh sát muốn bảo vệ bản thân và không tuân theo lệnh của cấp trên để quấy rối các học viên nữa.”
– Ngày 26 tháng 6, các nhân viên cảnh sát ở khu Lộ Bắc đã đến gõ cửa nhà bà Thượng Thế Oánh và yêu cầu được ghi hình bà. Họ đã gọi điện cho chồng bà lúc đó đang không có mặt ở nhà. Họ đã gỡ cuộn giấy treo có ghi chữ “Chân–Thiện–Nhẫn,” [Tiêu chuẩn căn bản của Pháp Luân Công] được treo ở trên cửa và rời đi sau khi bà Thượng từ chối mở cửa.
– Ngày 3 tháng 9, người của Đồn Công an Khu Phong Nam và các nhân viên chính quyền đã đột nhập vào nhà bà Vương Thụy Hoa. Họ yêu cầu bà Vương phải ký tên và điểm chỉ vào một bản tuyên bố đã được in sẵn. Bà Vương đã từ chối ký tên và nói với họ không nên sách nhiễu các học viên nữa.
Các học viên bị kết án
Nhiều học viên ở Đường Sơn đã bị bắt, giam giữ và kết án phi pháp với những án tù dài hạn.
Ông Hứa Ích Hưng và bà Trương Nguyệt Cần
Ông Hứa Ích Hưng, 72 tuổi, và vợ là bà Trương Nguyệt Cần đã bị bắt giữ vào ngày 19 tháng 4 năm 2017 và bị đưa đến Trại tạm giam Đại Thanh vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Họ đã bị trói trên giường chết vào chiều ngày hôm đó. Ngày 21 tháng 11, họ đã bị đưa ra xét xử và bị kết án ba năm sáu tháng tù vào ngày 5 tháng 4 năm 2018.
Mô phỏng tra tấn: Trói trên giường chết
Ông Hứa hiện đang bị giam giữ ở Nhà tù Ký Đông và bị buộc phải làm các công việc nặng nhọc. Ông cũng liên tục bị từ chối không cho người nhà vào thăm. Luật sư của ông đã nộp đơn kiện lên tòa án cấp cao hơn, nhưng tòa án đã quyết định giữ nguyên phán quyết ban đầu.
Bà Trương đã bị đưa đến Nhà tù nữ Hà Bắc. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Đường Sơn. Luật sư của bà đã yêu cầu tòa án mở một phiên xử công khai nhưng yêu cầu đó đã không được thực hiện. Sau đó, tòa án cấp cao hơn đã ra lệnh giữ nguyên phán quyết ban đầu. Khi sức khỏe của bà Trương bị suy giảm trong trại giam, chức trách nhà tù nói họ sẽ thả bà nếu bà chấp nhận một cuộc kiểm tra sức khỏe mà bà đã từ chối thực hiện.
Trở lại năm 2008, ông Hứa đã bị kết án bảy năm tù và bà Trương bị kết án năm năm. Trong khi bị giam giữ, bà Trương đã bị sốc điện vào phần hạ thân, bị đâm kim và bị buộc phải đứng trên một tấm ván nóng hòng khiến bà không thể ngủ được.
Bài viết liên quan:
Cặp vợ chồng ở Hà Bắc lại bị bỏ tù vì đức tin của mình
Ông Biên Trường Học
Ông Biên Trường Học, 55 tuổi, ở thôn Thập Lý Đà đã bị bắt giữ vào ngày 5 tháng 1 năm 2016 vì nộp đơn kiện cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân. Ông đã bị tòa kết án tám năm tù và bị phạt 20.000 tệ vào ngày 30 tháng 12 năm 2017
Ông Biên đã nộp đơn kháng án, nhưng Tòa án Trung cấp Đường Sơn vẫn giữ nguyên phán quyết ban đầu. Ông Biên bị đưa đến Nhà tù Ký Đông mà gia đình và luật sư không hề được thông báo. Ông cũng liên tục bị từ chối cho người nhà thăm nom.
Ngày 7 tháng 4 năm 2006, ông Biên bị bắt và bị kết án bảy năm tù giam. Ông đã tuyệt thực hơn tám tháng. Trong khi ông bị giam, vợ ông đã ly dị ông và cha mẹ già của ông đã rất lo lắng buồn rầu.
Ông Tào Tiến Hưng
Ông Tào Tiến Hưng, 67 tuổi là nhân viên của Cục Cơ khí Nông nghiệp Đường Sơn đã nghỉ hưu. Ông đã bị bắt và nhà cửa bị lục soát vào ngày 7 tháng 6 năm 2017. Ngày 26 tháng 6 năm 2018, ông đã bị kết án phi pháp bảy năm tù và bị đưa đến Nhà tù Ký Đông.
Ông Tào đã kháng cáo lên Tòa án Trung Cấp Đường Sơn, nhưng tòa án vẫn giữ nguyên bản án mà không tổ chức một phiên xử lại. Cho đến hôm nay, cả người nhà và luật sư đều không biết được tình trạng của ông như thế nào.
Bài viết liên quan:
Ông Vương Bảo Sơn
Ngày 3 tháng 7 năm 2017, Ông Vương Bảo Sơn, nhân viên của Cục Nông nghiệp và Chăn nuôi Bảo Sơn đã bị bắt giữ tại nơi làm việc vì đã treo băng rôn Pháp Luân Đại Pháp trên đường ray xe lửa vào ngày 29 tháng 6. Kể từ khi bị bắt, ông bị giam giữ tại Nhà tù Số 2 Ký Đông.
Ngày 9 tháng 5 năm 2018, ông Vương bị đưa ra xét xử tại Tòa án Thành phố Tuân Hóa. Luật sư của ông đã bác bỏ mọi cáo buộc của tòa án và cho rằng đó là vấn đề của lương tri. Ông Vương cũng tự bào chữa vô tội. Dù không có đầy đủ chứng cứ để kết tội, ông Vương vẫn bị tòa kết án năm năm sáu tháng tù giam và bị phạt 20.000 tệ.
Bà Vương Nhã Tân
Bà Vương Nhã Tân, một kỹ sư cao cấp thuộc Công ty Thép Đường Sơn đã bị bắt vào ngày 7 tháng 5 năm 2017 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công tại chợ thị trấn Đại An. Bà Vương bị đưa ra xét xử vào ngày 26 tháng 12.
Trước đây, bà Vương cùng với chồng cũng đã bị bắt giữ vào ngày 13 tháng 3 năm 2014 vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Bà Vương bị giam giữ một tháng và chồng bà bị kết án hai năm sáu tháng tù giam.
Trong phòng xử án, luật sư của bà Vương lập luận rằng hai viện dẫn luật mà công tố viên sử dụng để kết tội bà Vương không phải là luật và không có hiệu lực pháp lý. Chồng bà Vương đã tóm tắt nguồn gốc của Pháp Luân Công và lý do tại sao vợ ông lại muốn nói rõ sự thật. Ông nói: “Việc bức hại vợ tôi là sự lạm quyền và đó là một sự buộc tội sai trái và vi phạm quyền công dân đã được Hiến pháp bảo vệ. Trong phiên tòa này, vợ tôi nên phải là nguyên đơn chứ không phải là bị đơn bởi bà ấy là nạn nhân của ĐCSTQ. Xét xử bà ấy chính là phạm tội.”
Bà Vương cũng tự bào chữa cho mình và chỉ ra những lợi ích của Pháp Luân Công. Ngày 24 tháng 1 năm 2018, bà Vương đã bị kết án một năm tù giam và hiện bà đã kháng cáo lên tòa án trung cấp.
Cùng bị bắt với bà Vương còn có đồng nghiệp của bà là ông Tôn Lý cũng bị kết án 14 tháng tù giam.
Ông Vương Chí Cần và bà Tào Nhã Xuân
Ông Vương Chí Cần và bà Tào Nhã Xuân ở thôn Tiểu Hà Trấn, thị trấn Tân Trại bị bắt giữ vào ngày 1 tháng 12 năm 2017 vì đã bị camera giám sát ghi lại cảnh họ đang phát tài liệu Pháp Luân Công.
Gia đình đã thuê hai luật sư để bảo vệ họ.
Phiên tòa thứ hai đã được tổ chức vào ngày 13 tháng 11 để bổ sung thêm các chứng cứ. Các bị cáo và luật sư của họ đã không được phép có ý kiến về những chứng cứ mà công tố viên trình bày.
Bài viết liên quan:
Hà Bắc: Tòa án Loan Nam xét xử phi pháp vợ chồng ông Vương Chí Cần và bà Tào Nhã Xuân
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/9/380179.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2019/2/11/175795.html
Đăng ngày 17-02-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.