Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-3-2019]

Ông Lục Hữu Căn, một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hồ Bắc, đã chứng kiến điều mà ông không bao giờ quên được. Khi một học viên khác phản đối việc bức thực trong khi bị giam giữ, ba lính canh đã túm lấy anh ấy: một người kéo đầu anh ngửa ra sau, một người ghì chặt vai anh, và người thứ ba đấm vào quai hàm dưới của anh.

Ông Lục nhớ lại: “Rắc một tiếng, hàm dưới của học viên này bị trật ra và lệch một góc. Khi bị lính canh bức thực, học viên này bất động như thể đã chết.”

Việc này xảy ra vào tháng 9 năm 2009 tại một trung tâm tẩy não ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc tên là “Trung tâm Giáo dục Luật Hồ Bắc”. Cơ sở này về cơ bản là một trại tập trung, nơi bức hại các học viên tàn bạo không kém trong các nhà tù, trại lao động cưỡng bức hoặc những nơi khác mà các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và tra tấn.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại pháp môn này vào tháng 7 năm 1999, không biết bao nhiêu học viên đã bị giam giữ và tra tấn, trong đó ít nhất 4.200 trường hợp được xác nhận đã chết do bị tra tấn trong đồn cảnh sát.

Theo lệnh của Phòng 610 tỉnh Hồ Bắc, ít nhất đã có 1.200 học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ và tra tấn, cả về thể chất lẫn tinh thần tại trung tâm tẩy não này từ tháng 2 năm 2002. Vì không từ bỏ đức tin, họ đã bị cô lập, lừa dối, tẩy não, làm nhục, đe dọa và tra tấn.

Khi ông Trương Tứ Phong ở quận Hán Dương bị giam giữ tại đây, ông nói ông đang bị giam giữ bất hợp pháp. Một cảnh sát trả lời rằng anh ta chỉ biết tẩy não, không quan tâm đến luật pháp. Anh ta quát lên: “Những gì tôi nói là luật! Nếu ông không tin, tôi có thể cắt một quả thận của ông ngay bây giờ!”

Giam giữ và tra tấn tùy tiện

Cũng như các trung tâm tẩy não khác, Trung tâm Giáo dục Luật Hồ Bắc chuyên trách ép các học viên từ bỏ đức tin của họ. Cơ sở này đã được Ủy ban Chính trị và Pháp luật, một cơ quan chính phủ với chức năng giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công biểu dương nhiều lần.

Các viên chức tỉnh Hồ Bắc có thể bắt giữ bất kỳ học viên nào trong tỉnh và giam giữ họ tại cơ sở này mà không cần tuân theo bất cứ thủ tục hay xuất trình giấy tờ gì. Nạn nhân là những học viên vừa mãn hạn tù, thậm chí có trường hợp bị bắt khi một bác sỹ phẫu thuật đang phẫu thuật cho một bệnh nhân trong bệnh viện.

Học viên bị giam vào các buồng giam sau song sắt, bị theo dõi 24/7 và bị tẩy não hàng ngày từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm, thậm chí là muộn hơn. Họ bị tịch thu đồng hồ để không còn biết ngày giờ gì nữa, bị chặn tín hiệu điện thoại di động để cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, không được viết thư hay thăm thân. Đèn lúc nào cũng bật, cả ngày lẫn đêm.

Bà Thôi Hải, từng công tác tại Công ty Xuất Nhập khẩu Hóa chất Vũ Hán, đã bị giam giữ 70 ngày tại trung tâm tẩy não này sau khi bị bắt vào tháng 10 năm 2012. “Sau khi bị tra tấn, tôi đã chỉ còn da bọc xương, còn mấy lần gần như bị rụng hàm dưới.” Bà bị bạc tóc, mất trí nhớ, toàn thân run rẩy, chân tay sưng phù.

Sau đó, bà Thôi bị kết án năm năm tù vì đức tin của mình. Bà đã sống sót sau thời gian bị tra tấn và ngược đãi trong thời gian giam giữ. Chưa đầy ba tuần sau khi được thả ra, bà đã qua đời vào ngày 1 tháng 1 năm 2018.

Một “nhà tù đen” thực sự

Trái với các nhà tù và trại lao động cưỡng bức, những trung tâm tẩy não như Trung tâm Giáo dục Luật Hồ Bắc là các tổ chức phi pháp với hoạt động bí mật và cấm người nhà đến thăm.

Từ khâu thành lập cho đến hoạt động, các trung tâm tẩy não này đều nằm ngoài vòng pháp luật vì không có chính sách nào của chính phủ cấp phép. Một số viên chức tuyên bố rằng đó là một dạng quản thúc tại gia. Nhưng quản thúc tại gia cũng phải được tòa án thông qua, trong khi để giam giữ trong trung tâm tẩy não thì không cần thủ tục pháp lý hay giấy tờ gì.

Ngoài ra, các viên chức và lính canh tại các cơ sở này có nhiều quyền hơn cán bộ hành pháp thông thường. Họ có thể tùy ý bắt, giam giữ và thả học viên. Thời gian giam giữ cũng không bị giới hạn. Người phụ trách giám sát chặt chẽ các nhu cầu cơ bản của con người, như nói chuyện, ăn, ngủ và vệ sinh – và tùy ý tước những quyền này của các học viên. Họ có thể đánh đập, bức thực và sốc điện bằng dùi cui điện mà không phải chịu hậu quả gì.

Những trung tâm này hoạt động như các cơ sở ngoài pháp luật, có ở hầu hết các thành phố và huyện thị cũng như nhiều cộng đồng trên khắp Trung Quốc. Trên thực tế, Phòng 610 tồn tại ở tất cả các cấp và họ đều có thể tổ chức các phiên tẩy não khi thích hợp.

Đinh Tinh Kiều, một tên côn đồ đã tra tấn các học viên tại Trung tâm Giáo dục Luật Hồ Bắc, một lần nhận được một cuộc điện thoại từ các học viên bên ngoài Trung Quốc yêu cầu anh ta không được ngược đãi các học viên. Vào thời điểm đó, Đinh đang ngược đãi và cố gắng tẩy não học viên Trương Tứ Phong. Đinh phủ nhận mọi sự tàn bạo không chút ngắc ngứ, nói rằng họ chỉ nói chuyện với các học viên ở đó.

Ông Trương Tô: bị đánh đập và ép uống thuốc

Ông Trương Tô, một huấn luyện viên quần vợt ở Vũ Hán, kể về việc ông bị ngược đãi tại Trung tâm Tẩy não Tỉnh Hồ Bắc. Ông viết: “Một số cảnh sát mặc thường phục đã tiếp cận tôi tại một điểm bán vé tàu gần nhà tôi vào tháng 5 năm 2011. Họ đã xịt gì đó vào mặt tôi khiến tôi không thở được, rồi đánh ngã và còng tay tôi. Không ai xuất trình thẻ hay giải thích lý do bắt tôi cả.”

Đến cuối ngày, ông Trương bị đưa đến Trung tâm Giáo dục Luật Hồ Bắc. Khi ông phản đối việc tẩy não, lính canh đã đánh ông, tát vào mặt và dọa sốc điện cho ông bằng dùi cui điện. Việc này diễn ra tầm hai tháng và huyết áp của ông thường lên đến 120/230 mmHg.

Sau ba tháng, ông Trương thấy ông hễ ăn gì là bị tiêu chảy, tim đập nhanh và tức ngực. Tình trạng này kéo dài ba tháng; trong thời gian đó, ông bị ngất hai lần. Khi kiểm tra, ông bị suy tim, sỏi mật và các triệu chứng khác như bệnh tim. Bác sỹ yêu cầu ông nhập viện, và ông Trương cũng yêu cầu như vậy.

Song, các viên chức đã lờ đi và tiếp tục các phiên tẩy não. Giang Lệ Lệ, một viên chức tại trung tâm này, nói ở đây không cần bàn đến luật vì tất cả các đơn vị trong hệ thống tư pháp – từ cảnh sát, viện kiểm sát đến tòa án – đều phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chính trị và Pháp luật, cơ quan giám sát các Phòng 610.

Giang nhếch mép: “Đảng có thể nghiền nát ông như một con kiến. Ông có thể bị xử tử vào ngày mai và bị coi là tự sát. Gia đình ông sẽ chỉ nhận được một hộp tro. Hoặc là, họ có thể đưa ông vào viện, lấy nội tạng của ông để cứu người khác – cũng như ở Tô Gia Đồn thôi. Sau đó, ông sẽ được hỏa táng và gia đình ông có thể không nhận được tro cốt. Ông chẳng làm gì được đâu.“

Trung tâm tẩy não: Lịch sử, nguồn vốn và hoạt động

a5e516753a1eb133754b06f33eef9403.jpg

Trung tâm Giáo dục Luật Hồ Bắc ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc

Nguồn gốc của “trung tâm giáo dục pháp luật” là từ Cách mạng Văn hóa, khi xã hội về cơ bản không có luật pháp. Mặc dù bị Viện Kiểm sát Tối cao bãi bỏ vào năm 1979, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân đã khôi phục loại hình này, bên cạnh việc mở rộng các nhà tù, trại lao động cưỡng bức và trại tạm giam để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Phòng 610 tại Bắc Kinh đã tạo ra những trung tâm như vậy vào năm 2001, và tất cả các Phòng 610 trực thuộc trên khắp Trung Quốc đều thực hiện theo.

Trung tâm Giáo dục Luật Hồ Bắc, còn được gọi là Trung tâm Tẩy não Bản Kiều, được Phòng 610 Tỉnh Hồ Bắc thành lập vào tháng 2 năm 2002. Danh sách những người bị bắt đầu tiên có trong công văn 2002-Số 6 của Phòng 610 này, do giám đốc lúc đó là Hoàng Triệu Lân ban hành. Cuối cùng, nó được chuyển đến vị trí hiện tại ở thôn Mã Hồ.

Nguồn vốn cho trung tâm này là từ ngân sách quốc gia và từ tiền chiếm đoạt của dân địa phương, cụ thể là chủ lao động, tổ dân phố hay làng xã. Ngân sách do chính phủ phân bổ là 3 triệu Nhân dân tệ mỗi năm, và tiền chiếm đoạt của dân địa phương là khoảng 20.000 Nhân dân tệ/người/phiên (khoảng 40 ngày). Ngoài “chi phí” cơ bản này, các Phòng 610 còn trích tiền lương của người dân địa phương cho hai người giám sát học viên bị tẩy não. Trung tâm này có khoảng 20 phòng, số tiền thu được là khoảng ba triệu Nhân dân tệ mỗi năm, một khoản béo bở cho các viên chức.

Như đã đề cập bên trên, mặc dù được gọi là cơ sở “giáo dục pháp luật” nhưng các trung tâm này chủ yếu tập trung vào việc tẩy não vì một số lý do. Trước hết, “chuyển hóa” một học viên có nghĩa là sẽ có tiền thưởng cho nhân viên. Thứ hai, các viên chức có thể báo cáo “thành tích” cho Phòng 610 làm cơ sở duy trì hoặc mở rộng trung tâm. Thứ ba, khi nhiều học viên bị “chuyển hóa” và cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động của họ thì có thể bắt giữ nhiều học viên nữa để duy trì hoạt động của trung tâm tẩy não.

Khắc nghiệt hơn cả trại tập trung

Các trung tâm tẩy não nhắm vào các học viên Pháp Luân Công có nhiều điểm tương đồng với các trại tập trung của Đức Quốc xã và Liên Xô trong thế kỷ 20.

Nhà nước trong nhà nước: Các trung tâm tẩy não là những tổ chức ngoài pháp luật, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Phòng 610. Các viên chức không chịu sự ràng buộc của pháp luật, và không có cơ quan chính phủ nào khác được phép can thiệp.

Phi nhân tính: Cũng như nhà tù và trại lao động cưỡng bức, các học viên thường bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ bị bức thực, bị cưỡng chế uống thuốc không rõ chủng loại, cấm ngủ, cấm đi vệ sinh và bị nhục mạ.

Bí mật: Các trung tâm tẩy não chỉ hoạt động dưới sự chỉ huy của Phòng 610. Người nhà không được vào thăm, và các tòa nhà thường không có biển hiệu, đặc biệt là sau khi hệ thống trại lao động cưỡng bức bị hủy bỏ vào năm 2013.

Chức năng: Khi nhân viên ép được một học viên nào từ bỏ đức tin thì họ sẽ ép học viên đó “chuyển hóa” các học viên khác bằng vũ lực, đe dọa hoặc tiền thưởng.

Mặt khác, cường độ tẩy não còn hơn cả các trại tập trung trước đây. Người bị giam giữ thường bị ép phải hát những bài hát ca ngợi ĐCSTQ. Khi ông Lục Tụng Minh, người thành phố Hoàng Thạch từ chối hát thì bị buộc phải nói: “Thưa ngài, tôi muốn ăn thức ăn do Đảng cung cấp” thì mới được cho ăn hoặc: “Thưa ngài, tôi muốn sử dụng nhà vệ sinh do Đảng cung cấp” thì mới được đi vệ sinh. Điều này cũng xảy ra với các học viên khác.

Ngược đãi thể xác và tinh thần một cách có hệ thống

Một trung tâm tẩy não khác ở tỉnh Hồ Bắc là Trung tâm Tẩy não Hải Khẩu ở Vũ Hán. Tất cả các phòng giam ở Hải Khẩu đều có camera để theo dõi các học viên mọi lúc. Các loa có âm lượng lớn cả ngày phát các tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công và nhà sáng lập. Những từ ngữ phỉ báng Pháp Luân Công được viết trên bàn, ghế, và sàn nhà. Cô Đới Cúc Trân từ quận Đông Tề Hồ đã bị bắt đến đó vào ngày 9 tháng 8 năm 2017. Chỉ trong ba ngày, cô đã rơi vào tình trạng nguy kịch do huyết áp và lượng đường trong máu tăng cao. Gia đình cô nghi ngờ cô bị ép uống thuốc ở trung tâm này.

Ông Trương Vĩ Kiệt bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 5 tháng 5 năm 2011 và bị đưa đến Trung tâm Giáo dục Luật Hồ Bắc. Một tên côn đồ tên Đặng Quần báo cho ông thời gian biểu của trung tâm tẩy não này như sau: Đứng bất động thời gian dài, bị đánh đập, bỏ đói, bức thực, cấm ngủ, treo lên cao, ép uống thuốc, sốc điện bằng dùi cui điện. Chỉ riêng bức thực đã là hai lần một ngày, mỗi lần như vậy lại luồn ống xông vào và kéo ra để làm tăng cơn đau. Các học viên bị bức thực liền hai tô lớn, gấp đôi lượng dạ dày có thể chứa. Ông Trương nhớ lại: “Khi thức ăn lỏng trào ngược và tràn ra sàn nhà, những tên côn đồ vừa thấm bằng giấy báo vừa rải lên mặt và đầu tôi, vừa đánh tôi. Lúc đó, mọi người ở đó đều cười nhạo việc này.”

Khi cô Vương Ngọc Kiệt hết hạn giam ở trại lao động vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, Phòng 610 đã đưa cô sang Trung tâm Giáo dục Luật Hồ Bắc. Trong hai tháng, cô thường xuyên rơi vào tình trạng hôn mê và rối loạn tâm thần. Cô qua đời vài tháng sau đó, vào ngày 3 tháng 9, ở tuổi 24.

Các bài viết liên quan:

Hồ sơ hắc lao Trung tâm Tẩy não Hồ Bắc

Bà Thôi Hải, 66 tuổi, bị tra tấn trong Nhà tù Nữ Vũ Hán

Ai đứng đằng sau những tội ác ở các trung tâm giáo dục pháp luật

Nhiều giáo sư đại học ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc bị bắt giữ gần đây



Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/22/384182.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/31/176335.html

Đăng ngày 09-04-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share