Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 09-09-2021] Theo thông tin do Minh Huệ thu thập, 31 giáo viên ở Trung Quốc đã bị bức hại đến chết trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 8 năm 2021 vì tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị bức hại ở Trung Quốc từ năm 1999. Tổng cộng có 4.687 các học viên Pháp Luân Công đã qua đời bao gồm 31 giáo viên đã được Minh Huệ báo cáo vào ngày 10 tháng 9 năm 2021. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Trong số 31 giáo viên đã qua đời, 18 người trong số họ là nữ, 9 người qua đời vào năm 2018, 9 người vào năm 2019, 10 người vào năm 2020 và 3 người vào năm 2021. Các học viên ở 13 tỉnh và thành phố, với Hắc Long Giang báo cáo nhiều trường hợp nhất (5), tiếp theo là Hà Bắc, Giang Tô và Liêu Ninh (mỗi nơi có 4 trường hợp). Ba trường hợp xảy ra ở Cam Túc, hai trường hợp ở Cát Lâm, Sơn Tây và Tứ Xuyên, cũng như một trường hợp ở Trùng Khánh, Phúc Kiến, Hồ Nam, Nội Mông và Ninh Hạ.

Các học viên ở độ tuổi từ 41 đến 85, bao gồm các giáo viên từ tất cả các cấp học, từ giáo viên mẫu giáo đến giáo sư đại học. Hai người trong số họ ở độ tuổi 40, 13 người ở độ tuổi 50, 2 người ở độ tuổi 60, 6 người ở độ tuổi 70 và 4 người ở độ tuổi 80. 4 học viên khác không rõ độ tuổi.

Dưới đây là thông tin nhanh một số trường hợp tử vong. Thông tin đầy đủ của 31 học viên có thể được tải xuống tại đây (PDF).

Qua đời trong năm 2018

Một giáo viên dành nhiều giải thưởng qua đời trong khi chịu án tù 7 năm vì tu luyện Pháp Luân Công

Cô Tôn Mẫn, một giáo viên trung học từng dành nhiều giải thưởng, đã bị mất việc sau khi cuộc bức hại bắt đầu. Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2012, cô đã bị tống giam bốn lần với tổng thời gian là hai năm bốn tháng. Khi cô bị bắt lần cuối cùng vào ngày 28 tháng 6 năm 2016, cô bị kết án 7 năm tù ở Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh. Tại đây, cô đã phải chịu đựng rất nhiều hình thức ngược đãi và tra tấn.

2017-3-2-205317-0.jpg

Cô Tôn Mẫn

Mãi tới ngày 7 tháng 2 năm 2018, cha cô mới được phép tới nhà tù thăm cô. Ông cho biết con gái ông, từng là một phụ nữ khỏe mạnh, nhưng do bị tra tấn tàn bạo mà cô không thể tự đi lại được mà phải nhờ một người cõng đến phòng thăm thân. Một tháng sau vào ngày 8 tháng 3, cha cô được nhà tù thông báo rằng con gái mình đã bị chuyển đến Bệnh viện Cục quản lý nhà tù tỉnh Liêu Ninh. Khi ông đến bệnh viện lúc 12:50 chiều cùng ngày ông chỉ thấy xác của con gái mình.

Cựu giảng viên đại học và chuyên gia quản trị kinh doanh qua đời sau khi liên tục bị bắt và giam giữ trong thời gian dài

Bà Thành Hải Yến từng là giáo sư tại Đại học Dược Trung Quốc ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Bà chưa từng dao động đối với đức tin của mình khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999. Bà đã bị bắt ba lần và bị lục soát nhà năm lần. Bà bị kết án mười năm tù, bị giam tại bệnh viện tâm thần trong hai tháng rưỡi và bị giam giữ trong trung tâm tẩy não địa phương nhiều lần. Chồng bà làm việc trong quân đội đã buộc phải ly hôn với bà. Bà đã qua đời vào ngày 28 tháng 3 năm 2018 ở tuổi 63.

2013-6-11-minghui-pohai-chenghaiyan_2.jpg

Bà Thành Hải Yến

Giáo sư đại học qua đời sau khi bị liên tục bức hại

Bà Trương Lỗ Nguyên, 76 tuổi, một giáo sư đại học ở Trùng Khánh, đã qua đời vào tháng 5 năm 2018. Vì bà từ chối từ bỏ đức tin của mình, bà đã phải thụ án một năm lao động cưỡng bức, ba tháng tẩy não, cũng như bị sách nhiễu liên tục và lục soát nhà cửa. Nỗi sợ hãi và áp lực đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuối cùng đã cướp đi mạng sống của bà.

2021-9-6-mh-pohai-chongqing-zhangluyuan-1--ss.jpg

Bà Trương Lỗ Nguyên

Chồng bà, ông Dương Diễn Hải, cũng đã qua đời do hậu quả của cuộc bức hại vào ngày 4 tháng 1 năm 2004 ở tuổi 62.

Giáo viên trung học bị cầm tù đã qua đời sau 8 tháng tống giam

Vào ngày 16 tháng 1 năm 2018 ông Hiệp Quốc Hoa, một giáo viên trường trung học cơ sở Đông Du ở thành phố Kiến Nghiệp, tỉnh Phúc Kiến, đã bị bắt khi đang tập Pháp Luân Công tại nhà của một học viên khác. Ông bị giam giữ tại trại tạm giam Kiến Nghiệp.

Tám tháng sau, ông được đưa đến bệnh viện và qua đời ba ngày sau đó vào ngày 11 tháng 9 năm 2018 khi ngoài 50 tuổi. Cơ thể của ông bị sưng tấy nghiêm trọng và bác sĩ tiết lộ rằng tất cả các cơ quan nội tạng quan trọng của ông đã bị hỏng. Gia đình nghi ngờ rằng ông đã bị tra tấn dã man bởi các lính canh vì đức tin của ông đối với Pháp Luân Công.

Ông Hiệp đã nhiều lần bị bắt giữ và kết án vì đức tin của mình. Ông đã thụ án 5 năm trong Nhà tù Mẫn Tây ở thành phố Long Nham từ năm 2001 đến 2006. Chỉ hai năm sau khi được trả tự do, ông lại bị bắt vào ngày 28 tháng 7 năm 2008 và bị kết án 5,5 năm vào tháng 6 năm 2009.

Người giáo viên qua đời ở tuổi 55 sau gần hai thập kỷ bị bức hại

Tiến sỹ Trâu Hướng Dương, một giảng viên tại Học viện Công nghệ Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm, đã qua đời vào ngày 29 tháng 11 năm 2018 sau gần hai thập kỷ bị bức hại vì đức tin của ông đối với Pháp Luân Công.

24e9e3f8404df1c0add59bff087232e0.jpg

Giáo sư Trâu Hướng Dương

Đau lòng trước cái chết của người thầy yêu quý, các học trò của Tiến sĩ Trâu đã viết một cuốn nhật ký để tôn vinh những việc làm tốt đẹp của ông với tư cách là một giáo viên có tâm và xuất sắc cũng như để bày tỏ sự mất mát bi thảm do cuộc bức hại gây nên.

Tiến sĩ Trâu đã bị bức hại nghiêm trọng đến mức ông đã nhiều lần bên bờ vực của cái chết. Ông đã bị bắt năm lần và bị tống giam hai lần trong các trại lao động cưỡng bức. Các vụ bắt giữ đã xảy ra tại nhà, trên đường đi làm và thậm chí trong lớp học. Trong khi bị giam giữ, ông đã bị tra tấn và đe dọa nhiều lần.

Vào ngày 4 tháng 3 năm 2002, Tiến sỹ Trâu bị một số sỹ quan thuộc Công an Trường Xuân bắt giữ tại giảng đường. Ông bị trói vào một chiếc ghế kim loại, bị đánh đập, tát vào mặt và bị sốc điện. Cuộc tra tấn kéo dài đến chiều và tiếp tục đến tối. Ngày hôm sau, ông bị đưa đến trại tạm giam Thiết Bắc trong một tháng và sau đó chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Triều Dương Câu để thụ án ba năm tù.

Trong trại lao động, Tiến sỹ Trâu đã phải trải qua đủ loại sỉ nhục và tra tấn. Ông bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong nhiều giờ đồng hồ đến mức mông chảy máu. Ông bị bệnh ghẻ và cơ thể nổi đầy mụn nước và mủ. Tuy nhiên, ông vẫn phải làm những công việc không công – bao gồm trồng rau, xây dựng và sản xuất nguyên liệu đóng gói.

Sự tra tấn tinh thần đối với Tiến sỹ Trâu vô cùng tàn nhẫn. Ông thường bị buộc phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công hoặc đọc các tài liệu phỉ báng. Ông bị ép phải viết “báo cáo tư tưởng” hàng tháng. Ông bị cấm ngủ và bị buộc phải ngồi trên nền xi măng lạnh lẽo nếu báo cáo tư tưởng của ông không phù hợp với yêu cầu của nhà tù.

Qua đời trong năm 2019

Giáo viên về hưu qua đời trong khi bị giam giữ ba tuần trước Tết Nguyên đán

Vào ngày 14 tháng 1 năm 2019 bà Tống Triệu Hằng, một giáo viên 76 tuổi đã nghỉ hưu ở thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm, đã qua đời, trong khi chờ đợi phán quyết của phiên tòa xét xử.

Bà Tống cho biết rằng Pháp Luân Công đã giúp cải thiện sức khỏe và tính cách của bà. Bà nắm bắt mọi cơ hội để nói với mọi người rằng Pháp Luân Công không giống như những gì được tuyên truyền bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Vào ngày 27 tháng 8 năm 2018 bà Tống bị bắt khi đang nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Bà đã bảo vệ quyền tu luyện và chia sẻ thông tin về Pháp Luân Công trong phiên tòa xét xử vào ngày 16 tháng 11 năm 2018. Có thông tin cho rằng nhà chức trách dự định kết án bà 9 năm tù, nhưng bà đã đột ngột qua đời trong trại tạm giam vào ngày 14 tháng 1 năm 2018 vài tuần trước Tết Nguyên đán 2019 (rơi vào ngày 5 tháng 2).

Giáo viên và Cựu Hiệu trưởng của trường qua đời sau khi liên tục bị bức hại

2021-9-6-minghui-neimenggu-yangguizhi--ss.jpg

Bà Dương Quế Chi

Bà Dương Quế Chi là một giáo viên từng đoạt giải thưởng từ Trường Trung học Văn hóa truyền thống quận Nguyên Bảo Sơn, thành phố Xích Phong, Nội Mông. Bà cũng từng là hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở khác ở Xích Phong. Bà đã liên tục bị bức hại vì từ chối từ bỏ đức tin của mình.

Bà bị kết án bốn năm tại Nhà tù nữ Nội Mông và qua đời vào ngày 27 tháng 2 năm 2019 ở tuổi 61.

Cựu giáo viên trường trung học phổ thông qua đời ở tuổi 53 sau 7 năm bị ngược đãi trong tù

Ông Xà Trình Bang, giáo viên ngôn ngữ dạy lớp cuối cấp tại trường Trung học huyện Hán Âm, thành phố An Khang, rất được kính trọng vì những thành tựu trong công việc giảng dạy. Những cống hiến của ông cùng thành tựu xuất sắc trong công việc và những nhận xét tích cực từ phía học sinh đã mang lại cho ông danh hiệu “Giáo viên của năm”. Bên cạnh việc giảng dạy, ông còn tình nguyện làm người điều phối chính của các điểm luyện công tại huyện Hán Âm trước khi cuộc bức hại xảy ra.

Năm 2000, ông Xà bị kết án ba năm tại trại lao động cưỡng bức vì đã đến Bắc Kinh để nguyện cho Pháp Luân Công. Các lính canh của trại lao động này đã tra tấn ông Xà nhằm nỗ lực ép buộc ông từ bỏ đức tin của mình. Có lần họ đã đá mạnh vào ngực và đấm vào thận của ông. Một lần khác, họ còng tay ông ra sau lưng rồi từ chỗ còng tay treo ông lên các ống sưởi và các ngón chân ông hầu như không chạm đất. Hình thức tra tấn này kéo dài 27 ngày, khiến ông Xà đã bị thương tổn nghiêm trọng và chấn động tinh thần.

Ông Xà lại bị bắt vào năm 2009 và bị kết án bảy năm trong Nhà tù Vị Nam sau một phiên tòa xét xử bí mật vào ngày 24 tháng 12 năm 2009. Tương tự như những gì ông phải chịu đựng trong trại lao động, ông tiếp tục bị ngược đãi thể xác trong tù. Sức khỏe của ông suy giảm khi được trả tự do vào tháng 4 năm 2016.

Ông đã bị ngã khỏi giường vào một đêm vào năm 2017 và không thể cử động được. Ông bị ốm liệt giường kể từ đó và không thể ăn uống trong những năm cuối đời. Ông qua đời vào tháng 3 năm 2019 ở tuổi 53.

Giáo viên tiểu học bị tra tấn trong nhà tù bởi lính canh

Bà Hoàng Quế Anh là giáo viên trường Tiểu học Bạch Vân ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Bà đã bị kết án lao động cưỡng bức một năm vào năm 2010 và bị kết án bốn năm tù vào năm 2014.

Trong thời gian bị giam giữ, bà Hoàng đã phải chịu nhiều hình thức ngược đãi và sỉ nhục. Bà từng bị cấm đánh răng hoặc tắm trong 55 ngày liên tục trong mùa hè. Bà bị bắt phải ngủ trên một tấm ván gỗ trong mùa đông khắc nghiệt và bị dội nước lạnh lên người. Bà chỉ được cấp một lượng thức ăn ít ỏi và đói đến mức bà phải bới thùng rác để tìm thức ăn. Bà cũng bị buộc phải đứng 16 tiếng mỗi ngày. Các lính canh không cho phép bà mua giấy vệ sinh hoặc mượn từ các tù nhân khác.

Bà Hoàng được trả tự do vào tháng 9 năm 2017 và biết rằng bà đã bị sa thải. Chồng bà cũng bị cho nghỉ việc. Yêu cầu phục hồi công việc của bà liên tục bị từ chối.

Bà Hoàng trở nên sa sút trí tuệ vào tháng 4 năm 2018. Bà mất cảm giác thèm ăn và trở nên tiều tụy. Bụng và chân của bà vô cùng sưng tấy. Tình trạng của bà trở nên tồi tệ hơn vào tháng 5 năm 2019. Bà nói lắp và rơi vào hôn mê. Bà đã qua đời vào ngày 5 tháng 5 năm 2019, khi con gái bà đang mang thai 4 tháng.

Một năm sau lần bị bắt thứ 11, nhà giáo về hưu đã qua đời chỉ vì tín ngưỡng của mình

Bà Mục Chí Hoành, một giáo viên đã nghỉ hưu ở thành phố Thạch Chủy Sơn, khu Ninh Hạ, đã bị bắt giữ 11 lần kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu. Trong quãng thời gian này, bà đã phải thụ án một năm lao động cưỡng bức và ba năm tù.

Bà Mục bị tra tấn cả về tinh thần và thể xác để buộc bà từ bỏ đức tin của mình. Ngoài việc bị tẩy não dữ dội, bà còn bị đánh đập, buộc phải lao động không công, bị biệt giam, bị bắt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ, và bị tước đoạt các nhu cầu cơ bản chẳng hạn như ngủ nghỉ và ăn uống.

Bà qua đời vào ngày 18 tháng 6 năm 2019 ở tuổi 76.

Giáo viên trung học đã nghỉ hưu bị bức hại đến chết

Ông Vu Chính Tường, một giáo viên đã nghỉ hưu của trường trung học cơ sở số 2 ở thành phố Trường Trị, tỉnh Sơn Tây, đã qua đời vào khoảng 7 giờ sáng ngày 16 tháng 7 năm 2019 ở tuổi 79.

Ông Vu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Ông đã bị giam giữ nhiều lần sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu. Ông bị quản thúc hành chính hai lần, mỗi lần một tháng vào năm 2000. Từ năm 2002 đến năm 2004, ông bị kết án hai năm trong trại lao động cưỡng bức. Năm 2015, ông bị kết án một năm tù giam. Nhà trường cũng đã đình chỉ lương hưu và bảo hiểm y tế của ông.

Sơn Đông: Một giảng viên đại học mắc ung thư buồng trứng trong khi bị cầm tù vì kiên định đức tin của mình, đã qua đời sau 14 tháng được trả tự do

Bà Trương Hiểu Kiệt là một giảng viên đại học ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Sơn Đông. Bà bị kết án 5 năm trong Nhà tù nữ Hồ Bắc.

Cảnh sát đã tịch thu một triệu nhân dân tệ từ nhà của bà. Tiền mặt bao gồm tiền giấy có in thông điệp về Pháp Luân Công. Vì tất cả các kênh hợp pháp để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công đã bị chính quyền chặn, các học viên Pháp Luân Công đã sử dụng các phương pháp sáng tạo để vạch trần cuộc bức hại, bao gồm cả việc in các thông điệp trên tiền giấy.

Bà Trương đã bị tra tấn khi bị giam giữ tại trại tạm giam địa phương và sau đó là trong tù. Do bị tra tấn về tinh thần và thể xác trong thời gian dài, sức khỏe của bà Trương đã giảm sút nhanh chóng. Bà được phát hiện có khối u buồng trứng vào đầu năm 2018, nhưng nhà tù đã từ chối điều trị cho bà. Bà đã qua đời vào ngày 24 tháng 8 năm 2019, 14 tháng sau khi được thả. Bà mất ở tuổi 51.

Qua đời trong năm 2020

Hiệu trưởng đã nghỉ hưu của một trường tiểu học bị bức hại đến chết trong tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lý Quế Vinh đã chết trong Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh, chỉ vài tuần trước khi bà mãn hạn 5 năm tù vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Bà Lý là hiệu trưởng một trường tiểu học đã nghỉ hưu ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Vào ngày 17 tháng 10 năm 2006 bà bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công và bị kết án bảy năm bảy tháng sau đó.

Vào ngày 7 tháng 2 năm 2015 bà bị kết án một năm sau khi bị bắt vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.

Trong khi bà Lý bị giam tại nhà tù nữ của tỉnh Liêu Ninh, các lính canh đã ra lệnh cho tù nhân đánh, đá bà, và dẫm lên tay bà, khiến cho khuôn mặt bà đẫm máu, hai tay sưng phồng, và toàn thân tím bầm. Rất nhiều tóc của bà cũng bị lôi cho rụng hết. Đôi khi, lính canh còn ép bà ngồi xổm trên sàn bê tông nhiều ngày liên tục, không cho phép bà ăn, sử dụng phòng vệ sinh, hay ngủ. Tệ hơn, họ còn ép bà cởi giầy rồi dội nước lạnh vào chân bà trong khi bà đang ngồi xổm, khiến hai chân bà đau đớn không chịu nổi. Kết quả là, bà không thể đứng, cũng không thể ngồi, chỉ có thể bò dưới đất mà đi.

Giáo viên trung học cơ sở bị từ chối tạm tha y tế đã qua đời 6 tháng trước khi mãn hạn tù

Vào ngày 18 tháng 1 năm 2017 ông Vương Phượng Thần, một giáo viên địa lý ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt cùng với vợ ông, bà Lãnh Tú Hà. Cả hai sau đó đều bị kết án 4 năm tù tại Nhà tù Hô Lan và bị phạt 30.000 nhân dân tệ.

Vào ngày 31 tháng 5 năm 2020, Nhà tù Hô Lan thông báo cho gia đình ông Vương rằng ông bị nhiễm trùng phổi nghiêm trọng. Sau khi nhận thấy tình trạng của ông Vương không cải thiện sau khi được điều trị tại bệnh viện nhà tù, gia đình ông đã yêu cầu đưa ông đến bệnh viện bên ngoài để kiểm tra toàn diện và điều trị tốt hơn. Chức trách nhà tù đã buộc họ phải ký một bản miễn trừ trách nhiệm vào ngày 26 tháng 6, tuyên bố rằng nhà tù sẽ không chịu trách nhiệm nếu ông Vương chết trong tù và ông phải quay lại nhà tù sau khi khám bệnh.

Tình trạng ông Vương trở nên nguy kịch và gia đình ông đã nộp đơn bảo lãnh ông tại ngoại để điều trị y tế vào ngày 2 tháng 7, nhưng đơn xin tại ngoại của họ đã bị chức trách nhà tù từ chối. Ông Vương đã qua đời một tháng sau đó vào ngày 9 tháng 8.

Qua đời trong năm 2021

Sức khoẻ bị tàn phá sau ba án tù, cựu giáo viên lịch sử qua đời trong tuyệt vọng

Ông Lữ Tùng Minh là giáo viên dạy lịch sử tại một trường trung học cơ sở ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam. Bởi ông Lữ kiên định đức tin của mình, trường trung học đã sa thải ông và ông đã bị kết án ba lần, tổng cộng 14 năm. Trong thời gian thụ án, ông đã chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau, bao gồm treo người lên, đánh đập, sốc điện bằng dùi cui và cưỡng bức lao động khổ sai nhiều giờ. Sự tra tấn và ngược đãi đã hủy hoại hoàn toàn sức khỏe của ông. Kết quả là, ông xuất hiện triệu chứng bệnh tim nghiêm trọng và đã cả chục lần cận kề cái chết.

2021-9-6-i084650_03.jpg

Ông Lữ Tùng Minh

Ông Lữ Tùng Minh trở về nhà vào năm 2018, sau khi thụ án tù thứ ba vì tu luyện Pháp Luân Công, ông đã vài lần suýt chết bởi tra tấn trong trại giam. Mất khả năng lao động vì bệnh tim nặng, ông phải dựa vào việc nhặt rau thừa ở chợ nông sản để sống qua ngày. Ông hay bị kiệt sức sau khi mang vác đồ nặng và thường xuyên phải nằm nghỉ. Sau ba năm vật lộn với sức khỏe yếu, người đàn ông 53 tuổi này đã qua đời vào tối ngày 28 tháng 3 năm 2021.

2021-9-6-i084650_04.jpg

Ông Lữ Tùng Minh chỉ còn sáu chiếc răng khi được thả

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/9/430530.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/14/195066.html

Đăng ngày 09-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share