Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-08-2021] Ông Kinh Triệu Vĩ, một giáo viên trung học tại Huyện Quan, tỉnh Sơn Đông, đã chịu đựng những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng do bị cưỡng bức tiêm thuốc trong khi bị giam giữ tại một trại lao động cưỡng bức vì không chịu từ bỏ đức tin của mình đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp kể từ năm 1999. Ba năm sau khi mãn hạn tù, ông đã qua đời vào ngày 25/4/2012, hưởng thọ 50 tuổi.

Ông Kinh Triệu Vĩ từng là giáo viên của trường Trung học Cổ Trấn từ năm 1984. Ông từng được khen thưởng là giáo viên kiểu mẫu và được xem là cán sự nòng cốt của trường. Vì sống theo tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn“ của Pháp Luân Công, ông thường tự nguyện trao lại cơ hội thăng tiến hàng năm cho đồng nghiệp. Ông cười nói: “Hãy để các giáo viên khác được thăng tiến trước bởi vì chỉ tiêu có hạn.”

Bệnh viêm khớp nặng và chứng nghiện rượu, thuốc lá được chữa khỏi nhờ tập Pháp Luân Công

Vào giữa những năm 90, ông Kinh Triệu Vĩ bị viêm khớp dạng thấp nặng, dẫn đến chân đi khập khiễng. Có khi ông không nhấc tay lên nổi, cũng không thể lái xe đạp. Để không phải nghỉ dạy, nhiều lần ông đến trường bằng xe lừa. Cả Trung y và Tây y đều không có tác dụng đối với ông. Chỉ mới ngoài 30 tuổi mà ông tuyệt vọng về tương lai của mình.

Mùa xuân năm 1999, ông Kinh nghe nói về lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Công và bắt đầu luyện tập. Ông mua được một quyển Chuyển Pháp Luân, quyển sách chính của Pháp Luân Công và tập các bài công pháp. Trong vòng một tháng, ông đã cai được thuốc lá và rượu, sức khỏe được phục hồi.

Ngày 20/7/1999 Pháp Luân Công bắt đầu bị đàn áp. Ông Kinh Triệu Vĩ và gia đình chịu sự bức hại vì đức tin của họ giống như hàng triệu học viên khác tại Trung Quốc.

Bị công an địa phương tra tấn

Từ tháng 7/1999 đến năm 2002, trong ba năm rưỡi, Lâm Hồng Quân, trưởng đồn công an Cổ Trấn, ra lệnh cho ông Kinh, vợ ông và những học viên khác tại địa phương phải trình diện tại đồn công an vào mỗi sáng và điểm danh vào buổi tối. Họ sẽ bị trừng phạt nếu đến trễ.

Các học viên cũng bị buộc phải làm nhiều công việc nặng nhọc cho đồn công an mà không được trả thù lao, bao gồm cả việc dọn dẹp nhà vệ sinh. Để làm nhục các học viên, công an buộc họ phải mang phân đến một nơi xa vào những ngày họp chợ đông đúc để những người đi chợ có thể nhìn thấy họ.

Vào một đêm thứ Bảy đầu mùa hè năm 2000, công an đồn Cổ Trấn vượt tường rào đột nhập vào nhà, bắt 2 vợ chồng ông và 4 học viên khác đang ở thăm nhà ông. Họ bị nhốt trong một căn phòng tại đồn công an, không được phép sử dụng nhà vệ sinh.

Ngày hôm sau, ông Kinh bị trưởng đồn công an Lâm Hồng Quân đá, sốc điện và tát vào mặt. Ông Kinh bị buộc phải lăn dấu vân tay vào một văn bản trước khi được thả ra. Vợ ông cũng bị sốc điện.

Mùa đông năm 2000, ông Kinh cùng vợ và nhiều học viên lại bị bắt vào đồn công an. Họ bị giam vào một căn phòng mới xây không có hệ thống sưởi hay đồ đạc, chỉ có một chiếc túi dệt kim dùng trong đêm. Các bức tường ẩm ướt do thời tiết lạnh giá.

Bị tước quyền dạy học

Mùa xuân năm 2001, ông Kinh Triệu Vĩ bị buộc phải ở lại trường học. Dưới sự chỉ đạo của Phòng 610 địa phương, hiệu trưởng của trường là Tống Kiến Nghiệp đã tước quyền lên lớp của ông Kinh. Ba cán bộ trường được lệnh thay phiên giám sát ông, thậm chí đi theo ông ngay cả khi vào nhà vệ sinh. Ông không được phép đi lại tự do. Phòng ở của ông vốn là nơi tụ tập quen thuộc của các giáo viên, nay không còn một người viếng thăm.

Sau đó, ông Kinh được giao nhiệm vụ quản lý ký túc xá học sinh, làm việc 24 giờ một ngày, kể cả ngày cuối tuần và ngày lễ nhưng ông không được trả lương làm thêm giờ. Ông tự nguyện sửa chữa giường tầng bị hư hỏng cho học sinh. Ông bị công an mật vụ giám sát và theo dõi khi về nhà lấy dụng cụ. Các phụ huynh học sinh biết ông đều không hiểu tại sao nhà trường lại không cho phép một giáo viên xuất sắc như vậy dạy học.

Bị tra tấn trong trại lao động cưỡng bức, bị tiêm thuốc không xác định

Vào ngày 4/7/2008, công an đồn Cổ Trấn ra lệnh cho Tống Tương Tăng, một người dân ở làng Cao Trang Phố đến trường để kiểm tra ông Kinh Triệu Vĩ. Ông Tống không thấy ông Kinh ở đó mà tìm thấy con của ông ấy và lừa đứa trẻ đưa đến nơi ở của bố mình.

Thật ra, hôm đó ông Kinh Triệu Vĩ đã trở về quê nhà ở làng Kinh Lâu, Cổ Trấn để xây một căn nhà mới. Sau đó, Kinh Triệu Đức, bí thư chi bộ làng Kinh Lâu biết được thông tin này và ông ta đã dẫn theo người và bố ráp nhà của ông Kinh. Họ không tìm được gì ngoài việc bắt ông Kinh về đồn công an Cổ Trấn. Phòng ở của ông ở trường cũng bị đột nhập và đập phá cùng ngày. Sách Pháp Luân Công đều bị tịch thu. Ngôi nhà chỉ mới được xây một nửa phải tạm dừng.

Chiều hôm đó, vợ của ông Kinh đã đến đồn công an Cổ Trấn đòi thả người nhưng được thông báo rằng ông đã bị chuyển đến Trung tâm giam giữ Huyện Quan. Hôm sau bà và con đến Trung tâm giam giữ Huyện Quan, mang theo một số nhu yếu phẩm hàng ngày cho ông, và chỉ được thông báo là ông không có ở đó. Vợ ông nhiều lần trở về làng, hỏi Bí thư Kinh Triệu Đức về nơi giam giữ chồng bà, cuối cùng được thông báo rằng chồng bà đã bị giam tại Trung tâm giam giữ Liêu Thành.

Vợ ông và con lại vội vã mang nhu yếu phẩm đến cho ông. Tuy nhiên, sau đó ông Kinh đã nói với gia đình là ông không nhận được gì đồ gì cả.

Một tháng sau, ông Kinh bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Vương Thôn, thành phố Truy Bác. Trường học đình chỉ phát lương trong thời gian ông bị giam giữ ở đó.

Tại Trại lao động cưỡng bức Vương Thôn, ông Kinh bị thiếu ngủ và bị đánh đập tàn bạo, làm cho tinh hoàn bị sưng và đau. Ông không thể đứng hay ngồi được.

Sau đó, ông bị tiêm một loại thuốc không xác định, kết quả làm cho ông không thể đi lại được. Mặc dù vậy, ông lại bị buộc phải làm việc 20 giờ một ngày và được cấp thức ăn hầu như không thể ăn được.

Vào tháng 6/2009, ông Kinh được trả tự do. Một ngày sau được về nhà, chân ông xuất hiện 2 nốt đỏ nhỏ, sau đó trở nên đỏ hơn và sưng, ngày càng lan rộng hơn.

Trong vòng một tuần, công an viên Lưu Khánh Tường thuộc đồn công an Cổ Trấn và nhiều công an khác lại đột nhập và sách nhiễu ông.

Vài ngày sau, chân ông chuyển từ đỏ sang đen và thâm tím, chảy nhiều mủ. Hai nốt đỏ phát triển thành 2 cái lỗ to bằng quả trứng gà. Trên bàn chân cũng xuất hiện nhiều đốm đỏ nhỏ, chảy máu kèm mủ. Ông chịu đau đớn kinh khiếp và phải nhờ vợ dìu mỗi khi đi vệ sinh.

Tử vong sau cuộc bức hại gia tăng trong trường học

Sau khi ông Kinh hồi phục được chút ít nhờ luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, hiệu trưởng Trương Chi Đồng phân công cho ông giảng dạy lớp 1 trường tiểu học Hương Giang Quang Thái mặc dù ông đã có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy tại trường trung học cơ sở. Ông Kinh không hề than phiền, thay vào đó, ông làm việc chăm chỉ ở vị trí giáo viên chủ nhiệm.

Không lâu sau, các vấn đề sức khỏe của ông lại tái phát trong suốt niên học 2020-2011. Trên lưng ông mọc những mụn mủ to bằng hạt đậu khiến ông không thể nằm, vì vậy ông bị khó ngủ. Khoảng một tuần sau, mụn mủ bị vỡ và chảy tràn ra.

Mặc cho tình trạng sức khỏe của ông Kinh như vậy, hiệu trưởng Trương vẫn phân công ông phụ trách 4 môn gồm tiếng Trung, chính trị, đạo đức và âm nhạc. Ông phải từ chức giáo viên chủ nhiệm để có thời gian soạn bài. Bởi vì ông không có kiến thức gì về âm nhạc nên ông phải học mọi thứ lại từ đầu. Nhiều khi ông phải học tối hôm đó trước khi dạy cho học sinh vào hôm sau.

Dưới áp lực cao và căng thẳng, sức khỏe của ông ngày càng giảm sút. Ông bị mất sức, thường xuyên uể oải, chán ăn. Cuối tháng 3/2012, cổ của ông không cử động linh hoạt và nổi nhiều nốt đỏ. Ông phải xin nghỉ phép để nghỉ ngơi ở nhà. Trong suốt thời gian này, hiệu trưởng Trương thường đưa một giáo viên đến sách nhiễu ông.

Ông đã đi khám bệnh. Bác sĩ không thể tìm được nguyên nhân của bệnh. Tối ngày 6/4/2012, các nốt đỏ đột nhiên vỡ ra. Ông bị bất tỉnh trên đường đến bệnh viện.

Ngày 25/4/2012, ông Kinh Triệu Vĩ qua đời 19 ngày sau đó.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/16/429634.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/25/194782.html

Đăng ngày 14-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share