Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-07-2021] Bởi kiên định tu luyện Pháp Luân Công, bà Từ Hiểu Anh, một cựu dược sỹ Trung y đã nhiều lần bị bắt giữ và sách nhiễu. Bà Từ đã từng bị lãnh án một năm tại trại lao động cưỡng bức và hai lần bị lãnh án tù với tổng thời gian là 4 năm. Sức khỏe của bà bị tổn hại không thể hồi phục sau khi bị tra tấn trong nhà giam. Bà đã qua đời ở tuổi 54 vào ngày 20 tháng 6 năm 2021.

Bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công

Bà Từ, quê gốc ở tỉnh Tứ Xuyên đã chuyển tới thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc sau khi kết hôn. Bởi không quen với thời tiết và thói quen ăn uống của địa phương, nên bà thường cảm thấy chóng mặt và đau lưng.

Năm 1998, bà Từ được giới thiệu Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân với năm bài công pháp nhẹ nhàng. Ngay sau khi bắt đầu tu luyện, sức khỏe của bà đã được cải biến. Các bài giảng Pháp Luân Công cũng giúp bà thay đổi tính xấu của mình và quan tâm tới người khác hơn.

Cuộc bức hại bắt đầu

Khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Cảnh Thụy Nguyên, Bí thư Đảng tại bệnh viện nơi bà làm việc đã sách nhiễu và yêu cầu bà từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công nhưng bà đã từ chối.

Tháng 8 năm 2000, bà Từ bị bắt giữ sau khi bị tố cáo vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát Tôn Kiệt đã thẩm vấn và đánh vào đầu bà. Sau 15 ngày, bà được trả tự do, nhưng Cảnh đã cấm bà quay lại làm việc với lý do bà không viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Tháng 10 năm 2000, cảnh sát nỗ lực bắt giữ bà Từ lần nữa sau khi biết bà tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà Từ phải bỏ cơ hội tham dự kỳ thi kiểm tra chất lượng dược sỹ chuyên nghiệp vào ngày hôm sau và phải sống xa nhà để tránh sự bức hại.

Vào tháng 3 năm 2001, khi Bí thư mới là Ngụy Khổng Minh nhận nhiệm sở, bà Từ đã được phép quay lại làm việc sau khi trả 200 Nhân dân tệ tiền phạt.

Một năm lao động cưỡng bức

Tối ngày 22 tháng 2 năm 2002, khi bà Từ đang tắm tại nhà riêng thì cảnh sát Trương Đào đã đập vỡ cửa sổ để xông vào nhà tắm bắt giữ bà.

Bị cảnh sát làm cho kinh hãi, bà đã nhanh chóng mặc áo khoác và ngay lập tức bị kéo lên xe cảnh sát. Chồng của bà là ông Triệu Trung đã cố gắng ngăn cản cảnh sát nhưng đã bị họ giữ lại.

Sau đó, ông Triệu cũng buộc phải sống xa nhà khi ông biết cảnh sát cũng nỗ lực bắt giữ ông. Con trai 12 tuổi của ông vô cùng đau buồn khi cháu bị bỏ lại ở nhà một mình.

Sau một tháng giam giữ tại Trại tạm giam Quận Bình Xuyên, bà Từ bị kết án một năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Số 1 Thành phố Lan Châu.

Bà đã rút lại tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trước đó mà bà bị cưỡng ép viết trái với mong muốn của mình. Bà cũng từ chối viết bất kỳ báo cáo tư tưởng nào mà lính canh trại lao động yêu cầu bà viết. Khiến lính canh ra lệnh cho hai tù nhân treo bà lên khung cửa sổ với tay bị kéo ra sau lưng. Bà còn bị cưỡng ép lao động nặng nhọc mà không được trả công.

2006-3-1-msj-kuxin-32.jpg

Minh họa tra tấn: Treo người lên

Sự ngược đãi thân thể đã khiến bà bị đột quỵ. Bà bị liệt và gặp khó khăn trong việc cử động phần cơ thể phía bên trái. Lính canh chỉ cho phép bà được truyền tĩnh mạch ba ngày, sau đó lại cưỡng ép bà làm việc tiếp.

Tháng 2 năm 2003, khi bà được trả tự do, bà rất đau buồn khi nhìn thấy cửa sổ nhà của mình vẫn đang vỡ. Bà nói bà không thể tưởng tượng những gì chồng và con trai của bà đã trải qua trong suốt thời gian qua.

Bị đưa tới trung tâm tẩy não

Chỉ một tháng sau khi bà được trả tự do, nơi làm việc của bà đã hợp tác với cảnh sát trong nỗ lực đưa bà tới trung tâm tẩy não lần nữa. Bởi có một cảnh sát canh giữ ở cửa nhà, nên bà Từ đã cố gắng trốn ra từ cửa sổ tầng hai. Bà bị ngã và đập đầu vào một viên gạch. Mặt của bà chảy đầy máu. Mắt của bà sưng lên và chân bà cũng bị thương.

Mặc dù gia đình bà đã đưa bà tới bệnh viện, nhưng ngay sau đó cảnh sát đã tới và cưỡng ép bà tới Trung tâm Tẩy não Vũ Xuyên. Khi đó, mặt bà đã sưng phồng khiến bà không thể mở được mắt. Giám đốc trung tâm tẩy não đã từ chối yêu cầu điều trị y tế của bà khiến thị lực của bà suy giảm vĩnh viễn do chấn thương.

Bà Từ đã bị giam giữ tại trung tâm tẩy não hai tháng và nơi làm việc của bà đã trả vài nghìn nhân dân tệ cho “học phí” của bà.

Bị kết án ba năm tù giam

Ngày 22 tháng 4 năm 2008, chỉ một tháng trước khi con trai bà Từ thi vào đại học, cảnh sát Trương Đào đã theo bà về nhà sau giờ làm việc và xông vào trong nhà. Tằng Quảng Huy, Trưởng Đồn Công an Tân Bình Lô, dẫn theo bảy cảnh sát khác bắt giữ bà Từ trước mặt con trai của bà.

Cảnh sát lục soát khắp nơi và tịch thu hai máy tính, một máy in, một điện thoại di động, một đĩa vệ tinh, các sách Pháp Luân Công, một chiếc vali và một chiếc vòng cổ bằng ngọc trai của bà. Con trai của bà đã kinh hãi trước sự bạo lực của cảnh sát và cậu bé đã có thành tích kém trong kỳ thi tuyển sinh đại học hai tháng sau đó.

Ban đầu bà Từ bị giam giữ tại trại tạm giam Bạch Ngân và sau đó bị chuyển tới trại tạm giam Tĩnh Viễn. Bởi bà từ chối mặc áo phạm nhân hay điểm danh, nên lính canh đã tát vào mặt bà và cưỡng chế bà đeo cùm. Họ cũng ngăn cấm bà luyện các bài công pháp Pháp Luân Công.

Sau đó Tòa án Bình Xuyên đã kết án bà Từ ba năm tù giam. Bà đã kháng án lên Tòa án Trung cấp Thành phố Bạch Ngân, nhưng tòa án đưa ra phán quyết giữ nguyên bản án. Vào ngày 15 tháng 6 năm 2009, bà Từ bị chuyển tới Nhà tù Nữ Tỉnh Cam Túc.

Lính canh nhà tù đã buộc bà Từ phải xem những video phỉ báng Pháp Luân Công, ra lệnh cho bà viết báo cáo tư tưởng và tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Nếu bà từ chối hợp tác, bà sẽ bị cấm sử dụng nhà vệ sinh hay tắm giặt. Các tù nhân được chỉ định giám sát việc đánh đập bà và tùy ý lăng mạ bà theo ý muốn.

Áp lực vô cùng lớn đã khiến sức khỏe của bà suy giảm nhanh chóng. Bà rụng nhiều tóc và phần còn lại chuyển sang màu xám.

Trong thời gian bà bị cầm tù, mẹ già ngoài 70 tuổi của bà nhớ bà rất nhiều. Khi anh trai bà đi hàng trăm cây số để tới thăm bà, lính canh nhà tù đã từ chối yêu cầu được ăn trưa với bà của ông và chỉ cho phép họ nói chuyện trong phòng thăm hỏi. Họ nhìn nhau và bật khóc.

Sau khi bà Từ được trả tự do vào ngày 27 tháng 12 năm 2010, nhà chức trách tiếp tục sách nhiễu bà và ra lệnh cho bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Nơi làm việc của bà cũng giáng chức và khấu trừ lương của bà.

Án tù một năm lần hai

Ngày 13 tháng 10 năm 2015, bà Từ bị cảnh sát triệu tập vì đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản, kẻ đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cảnh sát có kế hoạch giam giữ bà nhưng đã nhượng bộ trước sự phản đối mạnh mẽ của chồng bà.

Để tránh bị bức hại thêm, bà Từ đã phải sống xa nhà vào tháng 1 năm 2016. Tháng 8 năm 2016, bà trở lại làm việc và sau đó một tuần bà bị đưa từ nơi làm việc tới Viện kiểm sát Quận Bình Xuyên để thẩm vấn vào ngày 12 tháng 9.

Ngày 27 tháng 2 năm 2017, khi Tòa án Quận Bình Xuyên thông báo rằng họ có kế hoạch đưa bà ra xét xử từ ngày 1 tới ngày 3 tháng 3, bà đã quyết định sống xa nhà lẫn nữa. Cảnh sát đã liệt bà vào danh sách truy nã vào tháng 4 năm 2017.

Ngày 19 tháng 4 năm 2018, bà Từ bị bắt giữ tại quê nhà ở thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên và bị đưa trở lại thành phố Bạch Nhân. Ngày 17 tháng 7 năm 2018, bà đã hầu tòa và bị kết án một năm.

Bà Từ được trả tự do vào ngày 18 tháng 4 năm 2019. Tòa án buộc bà phải trả 2.000 tiền phạt vào ngày 7 tháng 5 năm 2019. Hai tháng sau, ngày 10 tháng 7 năm 2019, nơi làm việc bị cưỡng ép sa thải bà.

Cuối cùng bà Từ đã không chịu đựng được sự bức hại trong thời gian dài và đã qua đời vào ngày 20 tháng 6 năm 2021.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/25/428651.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/27/194294.html

Đăng ngày 12-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share