Bài viết của Vương Anh, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 13-05-2021] Ngày 12 tháng 5 năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố “Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2020”, phản ánh cuộc bức hại tôn giáo không ngừng đối với người Trung Quốc.
Kể từ năm 1999, khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần cổ xưa, hàng năm, Trung Quốc đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt vào diện “Quốc gia cần đặc biệt quan tâm”.
Tương tự như báo cáo tự do tôn giáo năm ngoái, Bộ Ngoại giao đã dẫn chiếu tới trang web Minghui.org về các báo cáo hàng ngày về lời chứng của nhân chứng trực tiếp của cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Trong cuộc họp báo ngày 12 tháng 5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken cho biết, họ đã chia sẻ báo cáo với Quốc hội Hoa Kỳ và Hoa Kỳ đang nỗ lực buộc những người vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm về tội ác của họ.
Báo cáo viết: “Chính quyền [ĐCSTQ] tiếp tục khẳng định quyền kiểm soát tín ngưỡng tôn giáo và hạn chế các hoạt động cũng như quyền tự do cá nhân của những người có tín ngưỡng bị coi là đe dọa lợi ích của nhà nước hoặc của ĐCSTQ… Liên tục có các báo cáo về những trường hợp tử vong trong khi bị giam giữ và rằng chính quyền tra tấn, ngược đãi thân thể, bắt giữ, giam cầm, kết án tù, cưỡng chế tẩy não bằng cách nhồi nhét tư tưởng của ĐCSTQ, hoặc sách nhiễu các tín đồ của các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký vì các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo của họ.”
Dưới đây là một số điểm nổi bật của báo cáo.
Thống kê về cuộc bức hại Pháp Luân Công
Báo cáo tự do tôn giáo năm 2020 trích dẫn các báo cáo tóm lược hàng năm do Minghui.org tổng hợp, trong đó ghi nhận 6.659 vụ bắt giữ và 8.576 trường hợp quấy nhiễu các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong năm 2020. Trong đó Hà Bắc, Hắc Long Giang, Sơn Đông, Cát Lâm, Tứ Xuyên và Liêu Ninh ghi nhận nhiều trường hợp nhất. Các học viên bị bức hại thuộc mọi giai tầng xã hội, gồm cả giáo viên, kỹ sư, luật sư, nhà báo, tác giả và nghệ sỹ múa.
Báo cáo thường niên năm 2020 đưa ra các trường hợp điển hình về 27 học viên và ba người nhà của họ đã bị bắt vào ngày 22-23 tháng 9 tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, cũng như 46 học viên ở huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông đã bị bắt và lấy mẫu máu vào ngày 22 tháng 7. Trong một trường hợp quấy nhiễu khác vào ngày 2 tháng 8, cảnh sát đã hét lên với một học viên: “Luật pháp không áp dụng cho các người. Bọn ta sẽ quét sách tụi bay.“
Báo cáo cũng trích dẫn một báo cáo của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp về việc các học viên ở Bắc Kinh bị quấy nhiễu trước các cuộc họp chính trị lớn hàng năm vào tháng 5, như lục soát nhà và giam giữ ngắn hạn.
Ngoài ra, còn có 622 học viên bị kết án tù với thời hạn từ 3 tháng đến 14 năm, trung bình là 3 năm 4 tháng.
83 học viên khác được xác nhận đã bị bức hại đến chết, một số bị tra tấn đến chết trong thời gian bị giam giữ và những người khác đã qua đời sau khi được thả.
Đặc biệt, hai trong số các học viên, bao gồm bà Trương Chí Văn ở thành phố Vũ Châu tỉnh Hà Nam và bà Lý Linh ở thành phố Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông, đã qua đời lần lượt sau 4 và 16 ngày bị giam giữ, sau khi bị bắt vào tháng 5 và tháng 6.
Phân biệt đối xử và sinh kế bị ảnh hưởng
Mặc dù Trung Quốc không có luật nào quy kết Pháp Luân Công là phạm pháp, nhưng “ĐCSTQ đã duy trì một bộ máy an ninh phi pháp do ĐCSTQ điều hành [Phòng 610] để tiêu diệt phong trào Pháp Luân Công và các tổ chức khác”, báo cáo ghi nhận.
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà chức trách đã sử dụng “phần mềm nhận dạng khuôn mặt và theo dõi điện thoại, để xác định và bắt giữ những người có tín ngưỡng, tôn giáo chưa đăng ký hoặc bị cấm.” Một nhân viên chính quyền tỉnh Sơn Đông cho biết rằng cấp trên của anh đã ra lệnh cho anh tìm kiếm những người thuê nhà không phải là người địa phương, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công và các thành viên của các nhóm bị cấm khác.
Ngoài các vụ bắt giữ, sách nhiễu, tra tấn và kết án tùy tiện đối với các học viên, báo cáo cho thấy các học viên còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nghiêm trọng về “việc làm, nhà ở và cơ hội kinh doanh”.
Trát Trác Lâm, một cảnh sát giám sát ở thành phố Vũ Châu, tỉnh Hà Nam, đã bị sa thải vì không từ bỏ Pháp Luân Công. Cấp trên của anh là Từ Vương nói với anh: “Quy tắc đầu tiên đối với một sỹ quan cảnh sát là phải trung thành với ĐCSTQ.”
Thu hoạch nội tạng
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia và tổ chức lên án tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.
Báo cáo do tổ chức phi chính phủ Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản (VOC) có trụ sở tại Hoa Kỳ công bố với tiêu đề “Xem xét các bằng chứng về mua bán nội tạng và hành quyết phi pháp ở Trung Quốc” (Organ Procurement and Extrajudicial Execution in China: A Review of the Evidence), cho hay “Các học viên Pháp Luân Công và tù nhân lương tâm Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ có nguy cơ cao nhất là nguồn cung nội tạng để bán trên thị trường cấy ghép nội tạng của nước này.”
Báo cáo tự do tôn giáo do Tổ chức Phi chính phủ Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc có trụ sở tại Úc, cũng nêu ra phán quyết cuối cùng của Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal), xác nhận hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm mấy thập kỷ qua, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công. Phán quyết được đưa ra dựa trên: “Lời chứng của các nhân chứng là học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ về các cuộc kiểm tra y tế phi tự nguyện, như chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu và xét nghiệm ADN.”
Vẫn chưa rõ tình trạng của Luật sư Nhân quyền Cao Trí Thịnh
Luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh bị bức hại chỉ vì tìm kiếm công lý cho các học viên Pháp Luân Công, các nhóm Cơ đốc giáo và các dân tộc thiểu số khác. Ông đã “mất tích” kể từ tháng 9 năm 2017.
Vào tháng 9 năm 2020, Jubilee Campaign, một tổ chức phi chính phủ ủng hộ nhân quyền và tự do tôn giáo, đã đệ trình một văn bản lên phiên họp thường kỳ lần thứ 45 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, kêu gọi ĐCSTQ “thả vô điều kiện với hiệu lực ngay lập tức tất cả các tù nhân lương tâm thuộc diện tù nhân chính trị và tôn giáo, bao gồm cả luật sư Cao Trí Thịnh”.
Mặc dù một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng luật sư Cao “vẫn bị cảnh sát an ninh nhà nước giam giữ”, con gái ông đã đệ trình một tuyên bố video lên hội đồng Liên Hợp Quốc rằng, “Cho đến hôm nay, tôi vẫn không biết liệu ông còn sống hay không.”
Hoa Kỳ có lập trường cứng rắn hơn trong việc lên án ĐCSTQ về hồ sơ nhân quyền ngày càng tệ đi
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã có lập trường cứng rắn hơn về hồ sơ các vụ vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã nhiều lần công khai lên án cuộc bức hại tự do tôn giáo của ĐCSTQ. Trong một bài phát biểu vào tháng 10 năm 2020, trong chuyến công du ở Indonesia, ông Pompeo nhận định, “Mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của tự do tôn giáo là cuộc chiến của ĐCSTQ chống lại những người thuộc mọi tín ngưỡng: Hồi giáo, Phật giáo, Cơ đốc giáo, cũng như các học viên Pháp Luân Công.”
Trong khi đó, Đại sứ và các quan chức đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ đã khởi xướng nhiều cuộc họp hơn để “vận động cho sự tự do tôn giáo và dung hòa với tôn giáo, cũng như trả tự do cho những cá nhân bị giam giữ vì lý do tôn giáo”.
Cùng ngày ra mắt báo cáo năm 2020, Bộ trưởng Blinken tuyên bố về việc trừng phạt Dư Huy, cựu giám đốc Phòng 610 ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, vì “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, cụ thể là tội tùy tiện giam giữ các học viên Pháp Luân Công”.
Dư là quan chức thứ hai của ĐCSTQ bị trừng phạt cụ thể vì tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công. Quan chức đầu tiên của ĐCSTQ là Hoàng Nguyên Hùng, Đồn trưởng Đồn Công an Ngô Thôn, Phân cục Tư Minh, Sở Công an Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến.
Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Hoàng có liên quan đến những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo của các học viên Pháp Luân Công, cụ thể, ông ta tham gia vào việc giam giữ và thẩm vấn các học viên Pháp Luân Công vì thực hành tín ngưỡng của họ. Lệnh trừng phạt hôm nay cũng áp dụng cho vợ của ông Hoàng.”
(Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/13/美国务院2020国际宗教自由报告-关注法轮功-425371.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/16/193126.html
Đăng ngày 22-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.