Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-01-2021] Trong 21 năm bức hại Pháp Luân Công, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây ra tội ác chống lại nhân loại và đã bắt giữ rất nhiều học viên Pháp Luân Công. Nhiều người đã chết vì cuộc bức hại, bao gồm cả những người sống ở tỉnh Thanh Hải xa xôi phía Tây Bắc.
Báo cáo này nêu chi tiết về sáu học viên nam và sáu học viên nữ ở Thanh Hải đã chết trong cuộc bức hại. Đó là ông Hạ Vạn Cát và vợ là bà Triệu Hương Trung, ông Bình Xuân Phong, ông Đường Phát Bang, ông Võ Trung Dân, ông Ngụy Hải Minh, bà Đàm Nghênh Xuân, ông Trương Hữu Trinh, bà Trang Tú Cầm, bà Phạm Lệ Hồng, bà Từ Xuân Phương và bà Lý Ngọc Quân.
Độ tuổi của các học viên dao động từ 29 đến 85. Họ đến từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm cảnh sát, giáo viên, hiệu trưởng trường tiểu học và một doanh nhân. Một số người trong số họ đã chết vì tra tấn khi bị giam giữ, một số bị tiêm thuốc độc, và một số không chịu nổi sự sách nhiễu và đe dọa của chính quyền.
Do sự kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc, số người chết thực tế được cho là sẽ cao hơn nhiều.
Ông Hạ Vạn Cát đã qua đời sáu tháng sau khi bị giam giữ. Vợ ông đã chết sau khi bị tra tấn trong trại lao động cưỡng bức bốn lần.
Ông Hạ Vạn Cát
Ông Hạ Vạn Cát đã qua đời khi mới 53 tuổi. Trước khi chết, ông là một cảnh sát thuộc Phòng công an Chi nhánh Đường sắt thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải. Bởi vì ông tu luyện Pháp Luân Công, ông ấy đã nhiều lần bị bức hại. Đầu tiên, ông bị giam tại Trại Lao động Cưỡng bức Tỉnh Thanh Hải trong một năm. Sau khi ông truy cập vào các đài truyền hình ở các tỉnh Thanh Hải và Cam Túc và phát một đoạn video vạch trần cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 2002, ông đã bị kết án 17 năm tù vào ngày 30 tháng 12 năm đó.
Khi bị giam trong Nhà tù Môn Nguyên (trước đây gọi là Nhà tù Hạo Môn) ở tỉnh Thanh Hải, ông đã bị tra tấn trong thời gian dài khiến ông bị cao huyết áp. Vào ngày 28 tháng 5 năm 2003, Nhà tù Nguyên Môn thông báo cho gia đình ông Hạ rằng ông đã chết vì đột quỵ.
Ông Hạ Vạn Cát và bà Triệu Hương Trung
Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, bà Triệu Hương Trung, vợ của ông Hạ, đã bị đưa vào Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Tỉnh Thanh Hải bốn lần. Ngay trước Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 16 của ĐCSTQ vào năm 2004, bà đã bị bắt lần thứ tư. Cảnh sát trên sáu chiếc xe đã bao vây nơi ở của bố mẹ chồng bà. Kết quả là ông Hạ và toàn bộ gia đình ông, bao gồm cả hai người con của người thân đang ở cùng họ, đều bị bắt. Một trong số đó là một bé gái 12 tuổi và người kia là một cậu bé trai hai tuổi. Họ đã bị giam giữ trong hơn mười giờ.
Bà Triệu bị giam giữ trong phòng biệt giam và bị tra tấn tàn bạo. Khi đó đang là mùa đông, bà chỉ được ngủ trên nền xi măng lạnh cóng. Sau khoảng 20 ngày, bà Triệu không thể đi lại được. Phần dưới của bà tê liệt, phần trên của bà đau dữ dội. Bà hầu như không ăn được gì. Bà ấy đã nằm liệt giường và bên bờ vực của cái chết. Vào ngày 22 tháng 2 năm 2004, bà Triệu qua đời ở tuổi 50.
Ông Bình Xuân Phong đã qua đời sau khi bị tiêm loại thuốc không rõ nguồn gốc
Ông Bình Xuân Phong từng làm việc tại trường Đại học Sư phạm Thanh Hải. Ông đã bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Tỉnh Thanh Hải hai lần. Sau khi được trả tự do lần đầu tiên vào khoảng năm 2002, ông kể lại việc mình đã bị đầu độc và tiêm thuốc độc hai lần khi ông bị giam giữ. Bởi vì chất độc, ông trở nên bị rối loạn tâm thần và hành xử bất thường. Ông ấy đã không thể biểu đạt được bản thân mình một cách rõ ràng.
Lần thứ hai ông Bình được thả, ông bị chính quyền theo dõi chặt chẽ. Ông đã qua đời vào năm 2005, nhưng các nhà chức trách tại Đại học Sư phạm Thanh Hải đã giữ kín thông tin. Ngay cả bây giờ, vẫn chưa rõ ông đã chết như thế nào.
Ông Đường Phát Bang chết trong nhà tù sau khi bị hỏng nội tạng
Ông Đường Phát Bang là giáo viên tiếng Anh tại Trường Tiểu học Lạc Gia Loan ở thành phố Tây Ninh. Ông bị bắt giữ lần gần đây nhất vào tháng 9 năm 2009, vụ bắt giữ đã dẫn đến cái chết của ông trong Nhà tù Môn Nguyên, nơi ông bị giam từ năm 2010 đến năm 2015 khi ông 40 tuổi. Ông Đường đã bị bỏ tù nhiều lần trước đây vì từ chối từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công.
Ông Đường đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999. Ông bị mất việc làm vì đã đi thỉnh nguyện.
Ông Đường sau đó đã bị giam giữ ba lần, tổng cộng là 75 ngày. Ông cũng bị đưa vào trại lao động ba lần, tổng số 784 ngày. Nhà của ông đã bị lục soát hai lần.
Thời gian thụ án đầu tiên của ông tại Trại Lao động Cưỡng bức Đa Ba đã hết hạn vào tháng 2 năm 2001. Vì ông từ chối từ bỏ đức tin của mình, án tù của ông Đường đã bị kéo dài. Ông Đường bị còng tay sau lưng cùng với một học viên khác là Lý Sinh Tý, bởi cảnh sát Lỗ Hân. Hai người họ buộc phải chạy bộ dưới cái nắng chói chang trong một thời gian dài, sau đó họ bị biệt giam. Bảy ngày sau, ông Đường đã qua tình trạng nguy kịch và được trở lại phòng giam bình thường.
Sau khi được thả ra khỏi trại lao động vào ngày 16 tháng 12 năm 2001, ông Đường bị bắt lại vì đức tin của mình vào ngày 28 tháng 12 cùng năm đó và bị đưa vào Trại Lao động Cưỡng bức Đa Ba sau năm mới. Các lính canh đã đánh ông và sốc điện ông bằng vài chiếc dùi cui điện 100.000 vôn trong hai giờ. Sau đó ông bị còng sau lưng và bị biệt giam trong bảy ngày. Để phản đối sự ngược đãi, ông đã bắt đầu tuyệt thực vào tháng 4 năm 2002. Ông đã ở trong tình trạng nguy hiểm tính mạng nhiều lần trong suốt hai năm ở trại lao động do bị tra tấn.
Vì các đặc vụ từ Phòng 610 liên tục sách nhiễu ông chủ và người thân của ông, sức khỏe của cha mẹ ông ngày càng xấu đi. Vợ ông không thể làm việc bình thường và con trai ông phải chịu đựng sự kỳ thị.
Sau khi được thả, ông Đường buộc phải xa nhà để tránh bị sách nhiễu. Khi ông trở về nhà để gặp vợ và con mình, ông đã bị bắt bởi các đặc vụ từ Phòng An ninh Nội địa Tây Ninh và Đồn Công an Bành Gia Trại. Ông bị trói trên một thiết bị tra tấn “ghế cọp” với tứ chi bất động trong khi bị thẩm vấn tại Cục An ninh Nội địa Tây Ninh. Cảnh sát thay phiên nhau theo dõi và không cho ông ngủ. Tuy nhiên, ba ngày sau, ông Đường đã có thể trốn thoát khỏi đó.
Các cảnh sát từ Cục An ninh Nội địa Tây Ninh đã bắt giữ ông Đường một lần nữa vào ngày 8 tháng 9 năm 2009. Họ đưa ông đến Trại tạm giam Nhị Thập Lý Phố và đệ trình vụ việc của ông lên tòa án.
Ông bị đưa đến nhà tù Môn Nguyên vào năm 2010 ở Khu thứ Nhất. Ông từ chối từ bỏ đức tin của mình và ông đã bị biệt giam trong vài tháng. Ông tuyệt thực để phản đối và ông đã bị bức thực.
Các lính canh tù đã phát đoạn băng ghi âm phỉ báng Pháp Luân Công trên loa, khiến ông Đường bị căng thẳng, sức khỏe của ông suy giảm. Cuối cùng ông bị suy nội tạng và qua đời tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Thanh Hải. Thời gian chết chính xác của ông Đường vẫn còn được điều tra.
Một số cảnh sát chịu trách nhiệm bức hại ông Đường, bao gồm Quách, phó bí thư chính trị của trại tạm giam Khu thứ Nhất, và Trần Khiết, giám đốc khoa tâm lý tại Trung tâm Cai nghiện ma túy Cách Nhĩ (một trung tâm tẩy não trước đây được gọi là Trại lao động Cách Nhĩ). Trần đã tham gia vào việc tẩy não nhiều học viên ở Thanh Hải và tham gia vào việc bắt giữ ông Đường.
Ông Võ Trung Dân bị tàn tật do tra tấn trong tù và chết sau nhiều năm bị sách nhiễu
Ông Vũ Trung Dân, một học viên Pháp Luân Công từ thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, đã bị cưỡng bức lao động bất hợp pháp hai lần. Ông đã bị tra tấn trong suốt lần thụ án đầu tiên của mình vì ông từ chối từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Kết quả là ông bị tàn tật và không thể đi lại được. Trong lần thụ án thứ hai, ông Vũ bị tàn tật cả tứ chi do bị tra tấn. Cuối cùng ông đã qua đời vào ngày 20 tháng 5 năm 2013, ở tuổi 50.
Ông Vũ tốt nghiệp trường Cao đẳng Cơ khí Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam và được bổ nhiệm làm việc tại Nhà máy Máy công cụ Dự Tây ở cùng tỉnh. Sau khi nhà máy đóng cửa, ông chuyển đến tỉnh Quảng Đông. Ông trở nên buông thả và mắc nhiều bệnh tật.
Sau khi ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1993, ông đã nhanh chóng lấy lại được sức khỏe thể chất và tinh thần của mình, và ông ấy bắt đầu không coi trọng danh vọng và tiền tài.
Lần đầu tiên ông Vũ trải qua lao động cưỡng bức là tại Trại Lao động Cưỡng bức Số 3 Tỉnh Hà Nam. Trong suốt 4 năm ở đó, ông ấy đã bị khuyết tật ở bàn chân phải do hậu quả của sự tra tấn mà ông phải chịu đựng, điều này cũng khiến cho đôi tay của ông ấy mất khả năng vận động. Theo một bác sỹ, những khuyết tật của ông là do tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Ông đã khiếu nại đến nhiều cơ quan gồm Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Tỉnh, Viện Kiểm sát Thành phố, Bộ Công an và Bộ Dân sự, nhưng đều không có kết quả.
Khoảng bảy quan chức từ Sở Cảnh sát Huyện Thiểm đã đến nhà ông Vũ vào ngày 12 tháng 7 năm 2006, và bắt giữ ông. Ông bị còng tay và đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Số 3 Tỉnh Hà Nam nằm gần khu vực Bá Lăng Kiều ở ngoại ô phía Tây thành phố Hứa Xương. Theo thông tin đầy đủ, lúc ấy ông không thể tự chăm sóc bản thân và không thể đi lại, nhưng ban quản lý trại tạm giam vẫn tiếp nhận ông.
Vì đã hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”, ông Vũ bị lính canh đánh đập tàn bạo. Một lính canh đã xúi giục một tù nhân đá vào tai trái của ông Vũ khiến ông suýt bất tỉnh.
Ông Vũ liên tục bị rối loạn thần kinh từ cuối tháng 9 đến tháng 11 năm 2006, và ông phải nhập viện nhiều lần. Lính canh Sư Bảo Long đã xúi giục các tù nhân vác ông Vũ bằng vai khi chạy đến căng tin. Họ cũng áp dụng một phương pháp tra tấn khiến ông đau đớn tột cùng.
Vào ngày 7 tháng 7 năm 2007, ông Vũ đứng ở phía sau và lớn tiếng nói với thân nhân đến thăm về tình trạng sức khỏe kém của mình và nguyên nhân của nó. Ngay sau khi người thân của ông rời đi, lính canh Chu Anh Khuê đã yêu cầu mang nạng của ông đi và bẻ gãy nó. Một lính canh đã xúi giục các tù nhân nhục mạ ông Vũ và đá vào chân ông. Móng chân của ông ấy bị rụng và ngón chân của ông bị chảy máu. Các ngón chân lớn và nhỏ ở bàn chân trái của ông cũng bị thương và sau đó bị nhiễm trùng. Ông chỉ có thể đi lại một cách đau đớn bằng cách chống một thanh tre.
Hai tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát ông liên tục nhấc bổng ông lên và ném ông xuống đất. Vào ban đêm, họ dẫm vào chân ông Vũ khiến ngón chân út trên bàn chân trái của ông bị gãy.
Khi án tù của ông kết thúc vào ngày 30 tháng 11 năm 2007, bác sỹ Trương Tân của trại tạm giam đã tuyên bố rằng ông ta không thể tìm thấy hồ sơ y tế của ông Vũ và do đó đã không điền trung thực vào mẫu khám sức khỏe. Trương chỉ viết rằng, mắt cá chân phải của ông Vũ không thể cử động và tình trạng nhiễm trùng và bệnh lao tái phát.
Bốn cảnh sát của Phòng 610 Huyện Thiểm đã đưa ông Vũ về quê nhà ở tỉnh Thanh Hải. Ông Vũ được yêu cầu đeo hai lớp khẩu trang để các cảnh sát không bị nhiễm bệnh.
Mặc dù bị khuyết tật ở chân và không thể tự chăm sóc bản thân, ông Vũ bị bắt lại vào ngày 9 tháng 5 năm 2011, và bị đưa đến trung tâm tẩy não tại Trung tâm Đào tạo Sở Thuế vụ tỉnh Thanh Hải ở Khu Đoàn Kết Kiều, thành phố Tây Ninh, do các cảnh sát của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh Thanh Hải thiết lập.
Kết quả của cuộc bức hại nghiêm trọng mà ông phải chịu năm này qua năm khác, khiến ông Vũ bị khuyết tật ở tứ chi và không thể tự chăm sóc bản thân. Cuối cùng ông đã qua đời vào ngày 20 tháng 5 năm 2013.
Ông Ngụy Hải Minh chết một mình tại nhà với căn bệnh tái phát từ trong tù
Cựu doanh nhân, ông Ngụy Hải Minh và vợ, cả hai đều tu luyện Pháp Luân Công, đã bị bắt giữ trái phép tại nhà của họ vào tháng 12 năm 2007. Cả hai đều bị kết án 5 năm tù. Ông Ngụy bị tra tấn vì ông từ chối mặc đồng phục tù nhân, và bệnh hen suyễn của ông tái phát. Khi được trả tự do vào tháng 12 năm 2012, ông đã không thể hồi phục vì căn bệnh hen suyễn của mình. Ông qua đời một mình vào tháng 7 năm 2013, bảy tháng sau khi được trả tự do, lúc đó ông 58 tuổi. Vợ ông vẫn ở trong tù vào thời điểm ông qua đời.
Khi ông Ngụy và vợ, bà Triệu Tông Hoa, ở thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, nói chuyện với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 4 năm 2007, các cảnh sát địa phương đã chú ý và theo dõi hai vợ chồng ông. Trương Hưng Nông, Trưởng phòng Tội phạm của Sở Cảnh sát Huyện Đại Đồng, cùng với một số cảnh sát, đã đột nhập vào nhà ông vào ngày 15 tháng 12 năm 2007. Các cảnh sát đã lục soát nhà của họ và bắt giữ vợ chồng họ. Cảnh sát tịch thu xe hơi, máy photocopy, điện thoại di động, tiền mặt và các đồ đạc cá nhân khác.
Vợ chồng ông Ngụy lần đầu tiên bị giam giữ tại phòng công an địa phương, nơi họ bị tra tấn. Trong khi ông Ngụy bị giam trong một trại tạm giam, ông đã tuyệt thực hai lần để phản đối việc bắt giữ và ông đã trở nên tiều tụy.
Tòa án Huyện Đại Đồng đã xét xử vợ chồng ông Ngụy vào ngày 16 tháng 4 năm 2008, nhưng không có phán quyết nào được đưa ra. Tuy nhiên, tòa án đã bí mật xét xử họ một lần nữa vào tháng 7 năm 2008 và kết án cả hai người họ 5 năm tù. Các nhân viên tòa án đã không thông báo cho gia đình hoặc luật sư của họ về phiên tòa.
Ông Ngụy bị giam trong Nhà tù Môn Nguyên và bà Triệu bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Thanh Hải.
Ông Ngụy bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 4 năm 1997, nhờ đó bệnh hen suyễn nặng của ông đã biến mất. Ông sở hữu một công ty xây dựng và có danh tiếng tốt. Tuy nhiên, sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, các cảnh sát từ Phòng Công an Thành phố Tây Ninh và Cục An ninh Nội địa đã buộc ông phải đóng cửa công ty của mình.
Vợ của ông Ngụy là giáo viên Trường Tiểu học Triều Dương ở Tây Ninh. Bà nhiều lần được công nhận vì sự thể hiện xuất sắc của mình. Tuy nhiên, bà ấy đã bị giáng chức và bị cắt lương do đức tin vào Pháp Luân Công của mình. Bà bị buộc phải nghỉ dạy và làm công việc dọn dẹp. Khi bà bị bắt vào tháng 2 năm 2008, nhà trường đã ngừng trả lương cho bà.
Bà Đàm Nghênh Xuân có thể đã qua đời vì bị nghẹt thở
Bà Đàm Nghênh Xuân là giáo viên sinh học tại Trường Trung học Côn Lôn ở thành phố Tây Ninh. Vào ngày 29 tháng 12 năm 2002, bà bị tra tấn đến chết tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Tỉnh Thanh Hải. Khi ấy bà 46 tuổi.
Trước khi bà ấy chết, một học viên bị giam cùng bà đã nhìn thấy những vết thương đáng lo ngại trên chân của bà ấy. Một học viên khác chứng kiến các lính canh quàng dây quanh cổ bà và sau đó kéo bà về phía sau. Bà suýt chết vì ngạt thở.
Để tiêu hủy bằng chứng và che đậy tội ác của họ, trại lao động đã không đưa ra thông báo về cái chết của bà Đàm cho đến ba ngày sau đó. Ban quản lý trại tạm giam tuyên bố rằng bà ấy đã “treo cổ tự tử”. Tuy nhiên, khi một số học viên chỉ ra rằng nếu bà ấy treo cổ tự tử, thì sẽ có bằng chứng trên cổ bà, các lính canh tù nói: “Bà Đàm là có chuyên ngành sinh học. Bà ấy đã biết cách tự sát.”
Ông Trương Hữu Trinh bị làm nhục và tra tấn công khai
Ông Trương Hữu Trinh bị tra tấn đến chết ở tuổi 47. Ông là một cư dân của huyện Hỗ Trợ, tỉnh Thanh Hải. Ông là hiệu trưởng của Trường Tiểu học Thủy Động ở huyện Biên Than. Ông đã nhận được hơn mười danh hiệu vinh danh vì là một hiệu trưởng có trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, vì ông tu luyện Pháp Luân Công, ông đã bị còng tay với một tấm bảng treo trên cổ và bị sỉ nhục công khai trước hơn một vạn người. Để làm nhục ông ấy hơn nữa, ông đã bị diễu hành qua các đường phố.
Do bị tra tấn tàn bạo tại trại tạm giam Huyện Hỗ Trợ và Trại Lao động Cưỡng bức Tỉnh Thanh Hải, ông đã qua đời vào ngày 19 tháng 6 năm 2003.
Bà Trương Tú Cầm đã hôn mê và chết sau khi bị tra tấn
Bà Trương Tú Cầm qua đời khi bà khoảng 47, 48 tuổi.
Vào ngày 13 tháng 11 năm 2008, bà bị bắt và bị giam tại trại tạm giam Thành phố Tây Ninh vì đã phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.
Theo các lính canh trong trại tạm giam, vào khoảng nửa đêm ngày 7 tháng 12 năm 2008, bà Trương đột ngột bất tỉnh. Bác sỹ và y tá của trại tạm giam đã cố gắng hồi sức cho bà và sau đó đưa bà đến Bệnh viện Chữ thập đỏ Tỉnh Thanh Hải, nhưng bà Trương vẫn bất tỉnh.
Vào ngày 12 tháng 12, bệnh viện đã từ bỏ nỗ lực cứu chữa bà và yêu cầu chồng của bà Trương nhận toàn bộ trách nhiệm chăm sóc vợ mình. Bà qua đời vào lúc 4 giờ ngày 13 tháng 12, chỉ một tháng sau khi bà bị bắt.
Cô Phạm Lệ Hồng qua đời vì dùng thuốc quá liều không tự chủ sau khi bị tra tấn ở bệnh viện tâm thần
Vào ngày 6 tháng 5 năm 2001, các cảnh sát tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ khét tiếng tỉnh Thanh Hải đã chuyển cô Phạm Lệ Hồng đến một bệnh viện tâm thần, nơi cô bị ép uống một loại thuốc không rõ nguồn gốc. Sau đó, cô bị giam trong bệnh viện tâm thần nhiều lần. Thuốc khiến cô rối loạn tâm thần và cuối cùng cô bị suy sụp hoàn toàn. Vào tháng 1 năm 2002, thi thể của cô được tìm thấy tại Công viên Nhân dân Thanh Hải. Khi ấy cô 29 tuổi.
Liên tục bị khủng bố và xa lánh, hai học viên lớn tuổi đã qua đời
Bà Từ Xuân Phương, gần 70 tuổi, bà bị bắt và đưa đến trung tâm tẩy não vào tháng 10 năm 2015. Các cảnh sát trong trung tâm tẩy não đã tra tấn, uy hiếp và đe dọa bà. Họ ra lệnh cho bà ấy từ bỏ môn tu luyện của mình, điều này dẫn đến sự khó chịu nghiêm trọng trên cơ thể bà. Sau khi về nhà, người nhà đã đưa bà vào bệnh viện. Bà Từ đã qua đời vào ngày 22 tháng 4 năm 2016.
Bà Lý Ngọc Quân, 85 tuổi và các học viên khác đã bị các cảnh sát của Phòng An ninh Nội địa Thành phố Tây Ninh, Phòng Công an Thành Bắc và Đồn Công an Sinh Vật Viên Âu bắt giữ khi họ đang học các bài giảng Pháp Luân Công tại nhà của bà Lý vào ngày 21 tháng 6 năm 2018. Các cảnh sát tịch thu sách Pháp Luân Công và máy nghe nhạc. Bà Lý đổ bệnh sau khi trở về nhà. Bà cũng bị theo dõi và quản chế. Bà đã qua đời vào ngày 25 tháng 8 năm 2018.
Bài liên quan:
Một công an Thanh Hải và vợ bị bức hại đến chết vì đức tin của họ, người cha qua đời vì đau buồn
Tin muộn: Giáo viên Anh ngữ qua đời trong tù nhiều năm trước
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/25/419002.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/31/190189.html
Đăng ngày 04-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.