Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Thanh Hải
[MINH HUỆ 27-06-2020] Tỉnh Thanh Hải nằm ở phía Tây của Trung Quốc, tiếp giáp với Tây Tạng và Tân Cương, là nơi bắt nguồn của sông Dương Tử và Hoàng Hà. Giống như các tỉnh khác ở Trung Quốc, Thanh Hải cũng bức hại các học viên Pháp Luân Công kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch đàn áp pháp môn tu luyện này trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999.
Gần đây, theo thông tin mà Minh Huệ Net thu thập, ông Đường Phát Ban, một giáo viên Anh ngữ ở Tây Ninh, thủ phủ của tỉnh Thanh Hải, đã qua đời tại Nhà tù Môn Nguyên trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2015. Ông Đường đã bị cầm tù vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Khi ông Ngũ (hoá danh), một học viên bị giam tại Trại tạm giam Miên Hoà vào tháng 5 năm 2014, viên chức Trần Khiết trong khi đe doạ ông Ngũ đã tiết lộ việc ông Đường bị ngược đãi tại trại tạm giam.
Khi học viên Cố (hoá danh) bị đưa đến Nhà tù Đông Xuyên vào tháng 9 năm 2015, một công an nói với ông: “Đường Phát Ban đã chết trong Nhà tù Môn Nguyên này. Ông cũng sẽ có kết cục tương tự nếu không chịu từ bỏ đức tin của mình!”
Ông Đường không phải là học viên duy nhất ở Tây Ninh đã chết trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Một báo cáo trước đây đã xác nhận những cái chết sau:
Cô Phàn Lệ Hồng, 27 tuổi, qua đời vào tháng 1 năm 2002 sau khi nhiều lần bị đưa vào một bệnh viện tâm thần vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.
Bà Nghênh Xuân qua đời trong một trại lao động vào ngày 29 tháng 12 năm 2002 ở tuổi 46.
Bà Trương Học Phong qua đời vào ngày 20 tháng 11 năm 2003, chưa đầy một năm sau khi được thả khỏi một trại lao động.
Ông Hạ Vạn Cát qua đời vào ngày 28 tháng 5 năm 2003 khi đang thụ án 17 năm tại Nhà tù Môn Nguyên, và vợ ông là bà Triệu Hương Trung qua đời vào ngày 22 tháng 2 năm 2004, không lâu sau khi được thả.
Ông Bình Xuân Phong qua đời vào năm 2005 sau khi bị chuốc thuốc trong một trại lao động và bị suy sụp tinh thần.
Bà Hoàng Phượng Anh, 65 tuổi, qua đời vào năm 2006 sau khi bị chính quyền sách nhiễu liên tục.
Ông Nguỵ Hải Minh qua đời vào tháng 7 năm 2012, không lâu sau khi thụ án năm năm tù.
Ông Trương Hữu Trinh, một học viên ở huyện Hỗ Trợ, tỉnh Thanh Hải, cũng được xác nhận là đã qua đời vào ngày 19 tháng 6 năm 2003 vì bị tra tấn trong khi bị giam giữ.
Bị tra tấn trong trại lao động
Ông Đường là một giáo viên Anh ngữ tại Trường Tiểu học Nhạc Gia Loan. Ông đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, vì vậy mà ông đã bị mất việc.
Ông Đường đã bị giam ngắn hạn ba lần, tổng cộng 75 ngày. Ông cũng bị đưa đến các trại lao động ba lần, tổng cộng 784 ngày. Nhà ông bị lục soát hai lần.
Bản án đầu tiên ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Đa Ba của ông mãn hạn vào tháng 2 năm 2001, nhưng bởi ông từ chối từ bỏ đức tin, bản án của ông đã bị kéo dài. Ông Đường và một học viên khác là Lý Sinh Tỉnh đã bị viên chức Lỗ Hân còng tay ra sau lưng. Hai người họ đã bị ép phải chạy bộ dưới nắng nóng trong thời gian lâu, tiếp đó là bị biệt giam. Bảy ngày sau, ông Đường rơi vào tình trạng nguy kịch và đã quay lại phòng giam bình thường.
Sau khi được thả khỏi trại lao động vào ngày 16 tháng 12 năm 2001, ông Đường lại bị bắt vì đức tin của mình vào ngày 28 tháng 12 cùng năm và lại bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Đa Ba sau Năm mới. Lính canh đã đánh đập và sốc điện ông bằng nhiều dùi cui điện với điện thế 100.000 vôn trong hai giờ đồng hồ. Sau đó ông bị còng tay ra sau lưng và đã bị biệt giam trong bảy ngày. Để phản đối việc ngược đãi, ông đã bắt đầu tuyệt thực vào tháng 4 năm 2002. Trong hai năm tại trại lao động, ông đã nhiều lần rơi vào tình trạng nguy kịch do bị tra tấn.
Minh hoạ tra tấn: Sốc điện bằng dùi cui điện
Vì người của Phòng 610 sách nhiễu lãnh đạo đơn vị công tác và người thân của ông nhiều lần, nên sức khoẻ của cha mẹ ông xấu đi. Vợ ông không thể làm việc bình thường và con trai ông bị phân biệt đối xử.
Ngay khi được thả, ông Đường buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị sách nhiễu. Khi ông trở về nhà để gặp vợ và con trai, ông đã bị người của Đội An ninh Nội địa Tây Ninh và Đồn Công an Bành Gia Trại bắt giữ. Trong khi bị thẩm vấn tại Đội An ninh Nội địa Tây Ninh, ông bị trói vào “ghế cọp” (dụng cụ tra tấn với tứ chi bất động). Công an thay phiên nhau trông chừng ông và không cho ông ngủ. Tuy nhiên, ba ngày sau, ông Đường đã trốn thoát.
Bị ngược đãi trong tù
Người của Đội An ninh Nội địa Tây Ninh lại bắt giữ ông Đường vào ngày 8 tháng 9 năm 2009. Họ đưa ông đến trại tạm giam Nhị Thập Lý Phô và gửi hồ sơ vụ án của ông sang toà án.
Năm 2010, ông bị đưa đến Nhà tù Môn Nguyên và bị giam ở Đội 1. Ông bị biệt giam trong nhiều tháng vì từ chối từ bỏ đức tin của mình. Ông đã tuyệt thực để phản đối và bị bức thực.
Lính canh đã mở các băng thu âm lăng mạ Pháp Luân Công với âm lượng lớn khiến sức khoẻ của ông bị suy giảm. Cuối cùng ông bị suy tạng và qua đời tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Thanh Hải. Thời gian xảy ra cái chết của ông hiện vẫn đang được điều tra..
Nhiều viên chức phải chịu trách nhiệm vì bức hại ông Đường, gồm Quốc (chính trị viên phó của Khu 1 của nhà tù), Trần Khiết (giám đốc khoa tâm lý của Trung tâm Cai nghiện Cách Nhĩ Mộc, một trung tâm tẩy não với tên gọi trước kia là Trại Lao động Cách Nhĩ Mộc). Trần cũng tham giam tẩy não nhiều học viên ở Thanh Hải và tham gia bắt giữ ông Đường.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/27/408237.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/28/185679.html
Đăng ngày 18-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.