Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 21-04-2020] Năm 1999, khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, nhiều học viên đã bị bắt giữ, bỏ tù, tra tấn hay thậm chí bị giết chết. Những học viên này xuất thân từ mọi tầng lớp trong xã hội, và một trong số họ là một công an ở tỉnh Thanh Hải.

Ông Hạ Vạn Cát là một công an thuộc đơn vị an ninh tại Sở Công an Phân cục Đường sắt ở thành phố Tây Ninh. Ông cùng vợ là bà Triệu Hương Trung đã liên tục bị bắt vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Sau đó cả hai đã bị bức hại đến chết.

1afa823c1ac411bfa6c0ed840b1cb8f6.jpg

Ông Hạ Vạn Cát và vợ, bà Triệu Hương Trung

Sau đây là hoàn cảnh bị bức hại của gia đình:

Ông Hạ tình cờ biết đến Pháp Luân Công vào năm 1997 trong một chuyến đi công tác và đã giới thiệu môn tu luyện này cho vợ, con trai, cha mẹ và em trai sau khi trở về nhà. Ông đã khỏi chứng u não và nhiều căn bệnh khác trong khi người vợ khỏi chứng viêm thận, đau nửa đầu, viêm khớp và các căn bệnh khác.

Từ khi tu luyện Pháp Luân Công, ông Hạ rất tận tâm trong công việc và đã nhận được sự đánh giá cao từ đồng nghiệp và quản lý. Ông đã nhiều lần được công nhận là một nhân viên mẫu mực và là một thành viên tích cực của công đoàn.

Tuy nhiên, sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, vợ chồng ông đã liên tục bị bắt giữ. Ông đã bị kết án 17 năm tù vào ngày 30 tháng 12 năm 2002 vì đã tham gia chèn sóng truyền hình để phát chân tướng về Pháp Luân Công và đã qua đời vào ngày 28 tháng 5 năm 2003. Vợ ông qua đời tại nhà vào ngày 22 tháng 2 năm 2003 sau khi được thả ra khỏi trại lao động. Khi mẹ và em trai của ông bị giam, cha ông đã qua đời trong đau buồn.

Hai vợ chồng bị đưa đến trại lao động cưỡng bức

Vào năm 2000, ông Hạ đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện nhằm phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công sau khi ông bị mất việc không có lý do và không có cách nào để khiếu nại. Văn phòng thỉnh nguyện Trung ương và công an tại Quảng trường Thiên An Môn đã tiếp nhận ông cùng gia đình khi họ đến Bắc Kinh vào tháng 3 năm 2000, nhưng điều chờ đợi khi ông và vợ quay trở về nhà là cả hai đều bị kết án một năm lao động cưỡng bức.

Sau một năm ở trại lao động cưỡng bức, công việc của ông không được phục hồi. Vợ chồng ông đã đi ra ngoài để nói với mọi người về Pháp Luân Công và đã bị bắt ba tháng sau đó. Họ đã bị đánh đập, lưng và hai chân của ông bị đánh đến thâm tím và ông bất tỉnh cả ngày.

Cả hai đã bị kết án ba năm lao động cưỡng bức. Khi bị đưa đến trại lao động cưỡng bức, ông Hạ bị đánh đến mức đi đứng khó khăn.

Ông Hạ từng công khai việc mình bị bức hại trên trang Minh Huệ Net:

“Ngày 18 tháng 6 năm 2001, tại Bộ Công an Huyện Hoàng Trung, nhiều công an đã đánh đập tàn bạo vợ chồng tôi khi tôi đang chờ bị đưa đi lao động cưỡng bức. Trưa hôm đó, người của Đồn Công an Điền Gia Trại thuộc Bộ Công an Huyện Hoàng Trung đã xé áo chúng tôi, giật tóc và đập đầu chúng tôi vào bức tường kế bên lối vào của đồn công an. Tôi đã bất tỉnh ngay lập tức.

“Tối hôm đó công an trực lại đánh tôi khi tôi bị giam như một tội phạm tại trại tạm giam Bộ Công an Huyện Hoàng Trung. Anh ta không dừng lại thậm chí sau khi đấm vào mặt và đầu tôi. Anh ta lệnh cho nhiều tù nhân thay phiên đánh đập tôi. Tôi lại ngất đi. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trước ‘Phòng trực’ của trại tạm giam. Tôi bị đau đầu và buồn nôn dữ dội cũng như bị đau ở cơ lưng dưới và chân. Tôi chỉ có thể đi khập khiễng vào giờ ăn.

“Trong khi bị giam, tôi đã nhiều lần yêu cầu những người làm nhiệm vụ xem qua các vết thương của tôi nhưng không ai đoái hoài. Tại thời điểm tôi bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Đa Ba, vẫn còn có nhiều vết sẹo và vết bầm trên cơ lưng dưới và chân tôi sau khi bị họ đánh đập. Việc tra tấn đã gây ra sự tổn thương vĩnh viễn, bao gồm đau đầu kinh niên, buồn nôn, đau nhói không thể chịu đựng được ở cơ lưng dưới và tê liệt tứ chi. Tôi không còn có thể tự chăm sóc bản thân mình. Các khối u phát triển ở ngực trái của vợ tôi vì bị đánh đập.”

Sau khi hai vợ chồng bị đưa đến trại lao động cưỡng bức, công an đã lục soát nhà họ nhiều lần vào ban đêm.

Khi ông Hạ bị cầm tù ở Trại Lao động Cưỡng bức Thanh Hải, ông từng bị biệt giam trong bảy ngày. Ông đã được thả trước thời hạn sau khi bị ép viết một tuyên bố bảo đảm.

Vợ bị bức hại đến chết

Bà Triệu đã từ chối hợp tác với công an và bị tra tấn tàn bạo trong khi thụ án ba năm lao động cưỡng bức. Bà đã được bảo lãnh điều trị trong ba tháng vì bị một căn bệnh nặng.

Trong dịp Tết Cổ truyền 2002, bà Triệu bị bắt và bị đưa trở lại vào trại lao động lần thứ ba. Bà đã bị biệt giam 15 ngày và sau đó được thả ra vì bệnh nặng.

Lần thứ 4 là trước Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 16 vào tháng 11 năm 2002. Tổng cộng có sáu xe công an được điều đến bao vây nhà bà. Cả gia đình bà đều bị bắt và giam giữ, gồm cả hai cháu gái, một cháu 12 tuổi và một cháu mới 2 tuổi là con của một người họ hàng ông Hạ đang đến thăm nhà ông. Các cháu đã bị giam giữ hơn 12 tiếng.

Bà Triệu đã bị biệt giam tại trại lao động cưỡng bức và bị tra tấn tàn bạo. Nơi để ngủ chỉ là sàn bê tông lạnh lẽo và cứng. Khi được thả vào 20 ngày sau đó, bà không thể đi, cơ lưng dưới bị tê và bị đau ngực nặng. Bà hốc hác và không thể ăn uống. Bà bị liệt giường và rơi vào tình trạng nguy hiểm. Bà đã qua đời vào ngày 22 tháng 2 năm 2003.

Ông Hạ bị bức hại đến chết sau khi bị kết án 17 năm tù

Tháng 8 năm 2002, trong vòng ba ngày, các học viên đã phát sóng thành công hai đoạn phim chân tướng về Pháp Luân Công trên truyền hình ở thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải và một số khu vực nhất định ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Việc phát sóng kéo dài trong nửa giờ.

Những vụ phát sóng truyền hình này đã gây sốc cho các quan chức Trung Quốc. Sau khi xem các đoạn phim, nhiều người đã biết chân tướng về cuộc bức hại mà các học viên Pháp Luân Công chịu đựng. Giang Trạch Dân, cựu độc tài đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đã đưa ra một thời hạn chỉ định ngắn để giải quyết vấn đề, dẫn đến việc bắt giữ 15 học viên Pháp Luân Công, trong số họ có ông Hạ.

Chính quyền đã sử dụng nhiều hình thức tra tấn để lấy khẩu cung các học viên này. Vào ngày 30 tháng 12 năm 2002, trong phiên toà xét xử bốn học viên liên quan đến các vụ phát sóng truyền hình, gồm có ông Hạ, nhiều người đã chứng kiến các học viên có vết tích từ những hình thức tra tấn khác nhau trên cơ thể họ.

Toà án Trung cấp Tây Ninh đã kết án họ từ 7 đến 20 năm tù. Ông Hạ bị kết án 11 năm vì “Lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” và 9 năm vì “phá huỷ thiết bị truyền hình”. Ông đã bị kết án tổng cộng 17 năm.

Các học viên ngay lập tức đã nộp đơn kháng cáo.

Trong đơn khiếu nại của mình, ông Hạ viết rằng Pháp Luân Công dạy con người hành thiện và môn này được Tổng cục Điền kinh quốc gia đánh giá cao và được chào đón nồng nhiệt tại Hội chợ Sức khoẻ và Khí công Bắc Kinh vào năm 1992 và 1993. Ông nói thêm rằng Pháp Luân Công đã nhận được “Giải thưởng cho sự tiến bộ biên giới khoa học” duy nhất tại Hội chợ Sức khoẻ và Khí công Bắc Kinh 1993 và cuốn sách chính của Pháp Luân Công là Chuyển Pháp Luân là một trong những cuốn sách được hàng triệu người yêu thích ở Trung Quốc và khắp thế giới.

Ông Hạ nói rằng ông đã làm theo những lời dạy trong sách để trở thành một người tốt và đã thực sự làm tốt công việc của mình là bảo vệ vận hành đường sắt.

Trong đơn, ông cũng chỉ ra rằng các học viên Pháp Luân Công đã tìm kiếm các phương thức hoà bình để giảng chân tướng về Pháp Luân Công theo quyền lập hiến được bảo đảm theo Hiến pháp của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và phương thức chèn sóng truyền hình cũng dựa trên hiến pháp và tinh thần của Công ước Liên Hợp Quốc về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Ông cũng cho biết thêm rằng nội dung của việc chèn sóng truyền hình đều là sự thật và những gì được thảo luận cũng là thật.

Tháng 1 năm 2003, Toà án Nhân dân Cấp cao Thanh Hải đã giữ nguyên các bản án. Sau đó ông Hạ bị giam ở Nhà tù Hạo Môn tại Khu Tự trị Tây Tạng Hải Bắc.

Ông Hạ vẫn rất khoẻ mạnh khi thân nhân thăm ông trong tù vào tháng 4 năm 2003. Tuy nhiên, vào ngày 28 tháng 5 năm 2003, gia đình ông nhận một thông báo rằng ông đã qua đời vì bị đột quỵ, mặc dù gia đình nghi ngờ rằng ông bị giết hại.

Khi gia đình đến lấy xác ông Hạ vào ngày hôm đó, họ thấy máu chảy ra từ mũi của ông, tay phải có những viết thương màu xanh và tím, và có những đốm trông như các vết tiêm. Công an yêu cầu “phí điều trị” là 30.000 nhân dân tệ. Gia đình đã từ chối trả. Gia đình đã thương lượng với các quan chức nhà tù và cuối cùng được trả 500 nhân dân tệ cho chi phí tang lễ.

Mẹ và em trai bị giam, người cha qua đời vì đau buồn

Mẹ ông Hạ là bà Triệu Ngọc Lan và em trai ông là ông Hạ Vạn Châu cũng bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công.

Mẹ ông bị giam trong 40 ngày vào năm 2001 khi bà thăm ông tại Trại Lao động Thanh Hải để chuyển những bài giảng mới của Pháp Luân Công cho ông. Nhà của em trai ông bị người của Phòng 610 lục soát vào năm 2002. Công an đã tịch thu hơn 6.000 nhân dân tệ tiền mặt. Ông đã bị kết án ba năm lao động cưỡng bức.

Sau khi ông Hạ bị bức hại đến chết vào năm 2003, dưới chỉ đạo của trưởng Sở Công an Tỉnh Thanh Hải, con trai ông đang làm việc tại một đội cứu hoả đã bị chuyển ra khỏi thành phố Tây Ninh đến một khu vực xa xôi và sau đó bị ép phải bỏ việc.

Người cha già của ông, ông Hạ Thọ An, hơn 80 tuổi, đã qua đời vào ngày thứ chín sau Tết Cổ truyền 2004 vì bị căng thẳng và buồn bã.

Giữa đêm ngày 13 tháng 5 năm 2004, sáu công an ở Bộ Công an Huyện Hoàng Trung Thanh Hải và đồn công an địa phương đã xông vào nhà mẹ của ông Hạ và lục soát.

Bà đã bị bắt và bị đẩy vào một xe công an. Khi bà bị lôi đi bằng còng tay, hai cổ tay của bà đã bị còng tay cắt vào và hai tay đầy máu.

Sau khi đến trại tạm giam, bà thấy ba học viên khác ở cùng làng. Công an đã sẵn sàng ghi chép và ghi âm. Ngày hôm sau, một công an đến và hỏi bà sẽ tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công không. Khi bà trả lời có, người này đã đá bà rất mạnh.

Bốn học viên đã bị đưa đến một cánh đồng lúa mì để nhổ cỏ dại trước khi được thả sau 15 ngày sau khi họ trả 150 nhân dân tệ.

Năm 2015, mẹ của ông Hạ đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân lên Toà án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc vì vai trò của ông ta trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Báo cáo liên quan:

Hơn 70 học viên tại thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải đệ đơn kiện Giang Trạch Dân

Chèn sóng truyền hình nhà nước tại Trung Quốc: Góc nhìn lịch sử về cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công đối với cuộc bức hại tại Trung Quốc


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/21/403995.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/3/185350.html

Đăng ngày 20-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share