Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-02-2021] Bà Giả Ái Chí, 71 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh. Sau khi chính quyền đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà đã bị giam 2 năm tại trại lao động cưỡng bức và 10 năm trong tù vì lên tiếng bảo vệ tín ngưỡng của mình. Sau lần bà bị bắt gần đây nhất vào năm 2019, bà Giả lại bị kết án 5 năm tù và bị đưa vào Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh vào tháng 12 năm 2020.

Bà Giả bắt đầu tập Pháp Luân Công vào năm 1997. Một bác sĩ từng dự báo rằng bà chỉ còn sống được 3 tháng do mắc bệnh thần kinh ngoại biên giai đoạn cuối gây ra chứng teo cơ nghiêm trọng. Ấn tượng với những lợi ích to lớn về mặt sức khỏe của Pháp Luân Công, ngày 19 tháng 11 năm 1997, bà Giả bắt đầu thực hành môn tập như sự lựa chọn cuối cùng. Bà ngạc nhiên rằng mình không chỉ sống sót mà còn khỏe mạnh nữa.

Tuy nhiên, trong 20 năm qua, nguyện vọng có được sức khỏe tốt của bà đã khiến bà bị cảnh sát bắt giam nhiều lần sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Bà Giả đã bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn khi bà đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện quyền được tập Pháp Luân Công. Sau lần bị bắt đầu tiên đó, bà đã bị bắt giữ nhiều lần, bị đưa vào trại tạm giam, trung tâm tẩy não và nhà tù. Bà đã bị tra tấn tàn bạo và rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh nhiều lần.

Tài sản cá nhân của bà Giả cũng bị tịch thu. Mẹ của bà luôn thương nhớ bà trong suốt thời gian bà bị bỏ tù và đã qua đời trong đau khổ. Chồng bà bị ép phải ly dị bà và con bà cũng phải sống xa bà.

Hai lần bị bắt vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công

Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, bà Giả đã không lãng phí thời gian, ngay lập tức đi thỉnh nguyện cho môn tập vốn đã tích cực cải biến cuộc đời bà. Hai ngày sau đó, bà đến Bắc Kinh và bị bắt trên Quảng trường Thiên An Môn vì đã nói với mọi người rằng cuộc đàn áp là sai trái. Bà bị đưa đến sân vận động Thạch Cảnh Sơn vì các trại giam địa phương đã không còn chỗ để giam giữ các học viên Pháp Luân Công đến từ khắp nơi trên cả nước để thỉnh nguyện phản đối cuộc đàn áp. Hai mươi cảnh sát đã đá bà nhiều lần, khiến toàn thân bà bị thâm tím.

Vào ngày 2 tháng 3 và 18 tháng 7 năm 2000, bà Giả đã đến Bắc Kinh 2 lần nữa. Lần nào bà cũng bị bắt giam, đánh đập tàn bạo và bị bức thực trong khi bị giam.

Bị bức hại tại trại lao động cưỡng bức Ngô Gia Bảo Tử

Không lâu sau khi bà trở về nhà, bà Giả lại bị bắt ngày 25 tháng 8 năm 2000 và bị kết án 2 năm trong trại lao động cưỡng bức Ngô Gia Bảo Tử. Lính gác Tằng Thu Yên đã xúi giục tù nhân Trần Minh, một người từng tập Pháp Luân Công nhưng đã bỏ tập và hợp tác với chính quyền để bức hại các học viên, gây sức ép bắt bà Giả từ bỏ tín ngưỡng của mình.

Do bà Giả không bị tác động và thậm chí còn vạch trần những lời dối trá của Trần, Tằng đã trở nên tức giận. Cô ta dùng giày cao gót đá vào lưng, đánh và tát vào đầu bà. Trong khi đánh bà Giả, Tằng hét lên: “Chúng tôi đã phải cố gắng thế nào để chuyển hóa những người đó (các cựu học viên). Bây giờ bà lại muốn cải biến suy nghĩ của họ? Nếu tôi không đánh bà thì còn đánh ai nữa?”

Các lính gác đã cách ly bà khỏi những học viên khác. Người nhà bà không được phép vào thăm và gia đình bà đã phải đi xin chứng nhận đặc biệt để được gặp bà.

Bị bức hại tại trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia

Vì bà Giả vẫn kiên định với tín ngưỡng của mình, bà và 6 học viên khác đã bị chuyển đến trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng vào ngày 20 tháng 9 năm 2000. Sáu học viên khác là bà Khúc Tài Linh, bà Vương Tiểu Yến, bà Trầm Nhã Lâm, bà Lương Ngọc Hồng, em gái của bà Lương Ngọc Hồng, và bà Hoàng Quý Vinh.

Ngay sau khi đến, đầu tiên họ bị cấm ngủ trong 15 ngày. Nhưng việc tra tấn liên tục suốt ngày đêm vẫn không thay đổi được niềm tin kiên định của họ vào Pháp Luân Công. Bà Giả từng bị treo lên bằng cổ tay trong 15 ngày trong khi không được ngủ. Bà buộc phải đi tiểu ra quần khi đứng, nhưng không thể đi đại tiện trong thời gian đó. Lúc được đưa xuống, hai chân bà bị sưng lên đến nỗi bà không thể co chân được. Bà cũng bị sốt cao và cực kỳ tức ngực.

Bà Giả cũng bị bắt ngồi xổm trên một viên ngói có diện tích chỉ vào khoảng 0.09 m2 từ 9 giờ sáng đến sau nửa đêm. Ngoài giờ ăn và giờ đi vệ sinh rất ngắn, bà bị bắt phải ngồi xổm trong hơn 10 giờ.

Trong 9 tháng tiếp theo, cho dù các lính gác đã sử dụng đủ mọi hình thức tra tấn nhưng bà Giả vẫn không từ bỏ tín ngưỡng của mình.

bf3447e33147c6b24e3e5257c1b371ac.jpg

Minh họa hình thức tra tấn: Bức thực

Vào ngày 2 tháng 6 năm 2001, bà Giả đã tuyệt thực để phản đối việc bức hại. Đến ngày thứ 5, các lính gác đã bức thực bà. Bà Giả không hợp tác và yêu cầu họ trả tự do cho bà. Sau hơn 10 lần cố gắng, các lính gác vẫn không thể nhét ống bức thực vào dạ dày bà nên phải từ bỏ.

Bị bức hại trong trại lao động cưỡng bức

Ngày 8 tháng 01 năm 2002, bà Giả lại bị bắt trong khi đi thỉnh nguyện ở Bắc Kinh và bị giam ở một trung tâm tẩy não trong 15 ngày trước khi bị chuyển đến trại lao động Phủ Thuận. Ở đó, bà lại tuyệt thực để phản đối việc tra tấn những học viên khác.

Các lính gác lấy cớ rằng bà bị bệnh viêm gan lây nhiễm và bị ghẻ nên đã giam bà trong một khu quản lý nghiêm ngặt. Lính gác đã xếp một tù nhân nam “đứng gác và theo dõi” bà cùng những nữ học viên khác. Cửa xà-lim để mở. Nếu các học viên ngủ, các lính gác sẽ đánh tù nhân nam kia.

Bà Giả đã phản đối và yêu cầu đóng cửa xà-lim vào ban đêm vì lý do riêng tư như thay quần áo và ngủ. Lính gác đáp lại yêu cầu của bà bằng cách ra lệnh cho tù nhân nam đó dùng băng dính trói hai tay hai chân bà vào tường, bắt bà đứng trong một thời gian dài. Việc tra tấn này đã khiến bà nôn ra máu.

Một lính gác có tên là Lưu Bảo Tài đã dẫm lên đầu bà và xoay quanh như thể đó là một quả bóng. Việc tra tấn này đã khiến bà ngất đi.

Bị kết án 10 năm tù

Ngày 8 tháng 10 năm 2002, bà Giả lại bị bắt cùng với các học viên Miêu Thư Thanh và Cao Quý Vinh. Cảnh sát đã tịch thu điện thoại di động, máy nhắn tin và tiền mặt của những học viên này. Cảnh sát không tìm thấy bất cứ cớ gì để giam bà Giả, nhưng họ vẫn giam bà, nói rằng bà “quá tích cực và có tầm ảnh hưởng” trong các học viên.

Họ đã lột bỏ áo khoác mùa đông của bà và đổ nhiều chai nước lên người bà. Sau khi bà bị ướt sũng, họ đã cố gắng sốc điện bà bằng dùi cui điện. Tuy nhiên, mặc dù các dùi cui điện được sạc đầy, chúng không có tác dụng đối với bà.

Ngày 29 tháng 5 năm 2003, tại tòa án quận Tân Phúc, bà Giả bị thẩm phán Mã Hồng Vệ kết án 10 năm tù.

Trại tù đã từ chối tiếp nhận do bà bị viêm gan. Bất chấp thực tế rằng bà Giả không thể giữ được bất cứ đồ ăn nào trong bụng và ăn gì nôn nấy, cũng như việc bà bị huyết áp thấp, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Phủ Thuận đã từ chối đơn đề nghị của trại giam trả tự do cho bà vì lý do y tế.

Sau đó, gia đình bà Giả đã bị họ tống tiền 2.300 tệ để chi trả cho việc điều trị cấp cứu cho bà ở bệnh viện. Chính quyền nói rằng bà bị huyết áp thấp và tim đập yếu. Sau khi điều trị, họ đã tiếp tục giam giữ bà.

Bà Giả bị giam ở Trại giam số 2 Phủ Thuận trong hơn 3 năm. Năm 2007, bà bị chuyển đến nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh.

Lính gác ở đó đã chỉ đạo cho các phạm nhân đánh bà Giả và những học viên khác. Kẻ nghiện ma túy Lưu Vân và tử tù Sử Lập Ngạn đã đánh nhiều lần vào đầu bà, gây ra chảy máu nặng ở miệng và mũi bà. Trong một lần đánh đập đã khiến một cái xương sườn của bà bị gãy và làm bà bất tỉnh.

Lại bị kết án 5 năm tù nữa

Tháng 4 năm 2019, bà Giả lại bị bắt một lần nữa sau khi cảnh sát nghi ngờ rằng bà đã treo một tấm biểu ngữ về Pháp Luân Công.

Ngày 13 tháng 12 năm 2019, bà đã bị xét xử bởi Tòa án quận Đông Châu. Công tố viên đã đưa ra một bức ảnh chụp tấm biểu ngữ viết “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”. Ông ta nói tấm biểu ngữ này được tìm thấy ở gần một trường học, giống hệt tấm biểu ngữ mà bà Giả mang khi bà bị bắt.

Các công tố viên cũng bật một đoạn video giám sát được ghi vào khoảng 11 giờ đêm ngày 29 tháng 3 năm 2019. Đoạn video cho thấy hai người đi xe máy treo tấm biểu ngữ, nhưng đoạn video mờ đến nỗi không thể biết được giới tính hay tuổi của hai người đó. Cảnh sát và công tố viên đều nói rằng một trong hai người đó là bà Giả.

Khi luật sư của bà Giả lập luận rằng bằng chứng đó không đủ thuyết phục, thẩm phán đã không cho ông nói tiếp. Thẩm phán cũng chối bỏ quyền tự bảo chữa của bà. Bà bị kết án 5 năm và bị phạt 20.000 tệ.

Bị tống tiền

Ngoài khoản tiền phạt 20.000 tệ nằm trong bản án mới nhất, trong những lần bị bắt trước kia, bà Giả đã bị phạt nhiều lần tổng cộng là 106.000 tệ.

Tháng 3 năm 2000, Gia Toàn ở Ủy ban Chính trị và Pháp luật quận Thuận Thành đã phạt bà 3.000 tệ.

Ngày 11 tháng 4 năm 2002, Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia đã tống tiền bà 3.000 tệ.

Ngày 11 tháng 10 năm 2002, bà bị giam ở Trại giam thành phố Phủ Thuận. Hác Kiến Quang, Hác Thế Phúc, và Quan Dũng ở Phòng 1 của Sở cảnh sát Phủ Thuận đã tống tiền bà 20.000 tệ.

Ngày 11 tháng 4 năm 2016, Ô Ba, phó trưởng đồn cảnh sát Kiến Thiết đã bắt bà Giả. Bà bị phạt 10.000 tệ sau 5 ngày bị giam giữ.

Năm 2019, bà Giả bị bắt phải nộp lại khoản lương hưu mà bà đã nhận trong 10 năm bị cầm tù. Bà đã đi vay 70.000 tệ để trả lại khoản tiền đó, nhưng phòng bảo hiểm xã hội địa phương vẫn từ chối nối lại việc trả lương hưu cho bà.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/1/419376.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/7/191278.html

Đăng ngày 17-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share