Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 13-11-2020] Một người dân thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt vào ngày 4 tháng 12 năm 2019, vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Sau 11 tháng bị giam giữ tại Trại tạm giam thành phố Thẩm Dương, bà Đổng Mai bị Tòa án quận Thẩm Hà xét xử vào ngày 28 tháng 10 năm 2020. Ngày 9 tháng 11 năm 2020, gia đình bà được thông báo rằng bà đã bị kết án hai năm. Bà đã kháng cáo đối với bản án.
Bà Đổng, 50 tuổi, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện và thiền định cổ xưa vào năm 1996. Bà cho biết môn tu luyện đã giúp bà đề cao tâm tính và chữa khỏi bệnh viêm da đã gây phiền phức cho bà trong suốt hai thập kỷ. Vì không chịu từ bỏ đức tin của mình sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Đổng đã nhiều lần bị bắt và bị giam hai lần tại Trại Lao động Cưỡng bức Long Sơn.
Lần thụ án thứ nhất tại trại lao động
Vào tháng 10 năm 1999, bà Đổng, khi đó 29 tuổi, đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và đã bị bắt. Bà bị đưa đến trại tạm giam số 5 thành phố Thẩm Dương vào ngày 22 tháng 10 và bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Long Sơn vào ngày 14 tháng 11.
Vì tập các bài công pháp của Pháp Luân Công ở đó mà bà Đổng đã bị bắt phải đứng hoặc ngồi xổm trong nhiều giờ. Trong một lần tra tấn, lính canh bắt bà đứng chống cả hai tay vào tường và sốc điện bà bằng dùi cui điện khi bà không thể giữ tay vì mỏi.
Một lần, bà Đổng bị đưa đến phòng làm việc của lính canh và bị bắt phải ngồi xổm với hai tay ôm đầu. Một lính canh đã dẫm lên người bà và đẩy bà ngã xuống đất và sau đó một lính canh khác dùng dùi cui điện sốc điện vào tay và đầu bà. Dòng điện mạnh khiến cơ thể bà co giật.
Lần thụ án thứ hai tại trại lao động
Bà Đổng bị bắt một lần nữa vào ngày 7 tháng 7 năm 2001 vì phát tặng tài liệu thông tin về Pháp Luân Công trong một trường đại học. Bà bị giam hai năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Long Sơn và vì từ chối bỏ đức tin của mình, thời hạn của bà đã bị kéo dài thêm ba tháng.
Có lần lính canh đã đè bà xuống đất, túm tóc và đập đầu bà xuống sàn bê tông. Trong một lần tra tấn khác, họ kéo bà qua lại trên sàn bê tông với chân trần khiến xương mắt cá chân của bà bị lộ hẳn ra ngoài.
Trong một lần khác, các tù nhân bắt bà ngồi trên sàn nhà, họ ấn đầu bà xuống chạm đến chân và vặn tay bà ra sau lưng. Trong khi đó, họ gào thét những lời tục tĩu vào tai bà. Bà cảm thấy đầu mình như sắp nổ tung. Tóc và quần áo của bà ướt đẫm mồ hôi, bà cảm thấy ngực thắt chặt lại và khó thở. Đến khi được phép đứng dậy, bà đã mất cảm giác ở chân. Mãi đến hai tháng sau đó bà mới có thể tự đi lại được.
Lính canh thường xuyên đánh đập bà, khiến khuôn mặt bà trở nên biến dạng. Bà cũng bị bắt phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ mỗi ngày, trừ lúc ăn hoặc sử dụng nhà vệ sinh. Hình thức tra tấn này khiến mông bà bị mưng mủ. Khi bà tuyệt thực để phản đối việc bức hại, các lính canh đã bức thực bà.
Ngày 7 tháng 10 năm 2003, ngày cuối cùng của thời hạn thụ án tại trại lao động, thay vì thả bà, các nhà chức trách lại đưa bà đến một trung tâm tẩy não và giam bà ở đó thêm hai tháng nữa, đến ngày 15 tháng 12 năm 2003.
Bài viết liên quan:
Sống sót sau nhiều năm bị tra tấn, bà Đổng Mai đang đối mặt với việc bị xét xử vì đức tin của mình
Học viên Đổng Mai ở Thẩm Dương đệ đơn kiện Giang Trạch Dân vì những đau khổ mà bà phải chịu
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/13/415039.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/20/188338.html
Đăng ngày 27-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.