Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-09-2020] Kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu, Trại Lao động Cưỡng bức Nữ số 2 tỉnh Sơn Đông đã trở thành một nơi chuyên giam giữ các học viên Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Các lính canh của trại lao động đã được huấn luyện để tra tấn, lừa gạt và tẩy não các học viên bằng các thủ đoạn đen tối và ác độc. Những nhân viên đạt được tỷ lệ cao trong việc khiến các học viên từ bỏ đức tin sẽ được tặng thưởng bằng sự thăng tiến. Kết quả là, một số học viên đã bị bức hại đến chết, trong đó nhiều người trở nên tàn tật, rối loạn tinh thần và bị mắc bệnh nặng.

Các học viên Pháp Luân Công bị buộc phải tham gia các phiên tẩy não hoặc lao động không công từ 5:30 sáng đến 21:30 tối. Đôi khi, họ phải làm thêm giờ đến quá nửa đêm, thậm chí đến 2:00 sáng, họ buộc phải ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ liên tục trừ thời gian ăn cơm, đi vệ sinh hoặc làm những công việc lao động mà bắt buộc phải đứng.

Các học viên từ chối từ bỏ đức tin bị tra tấn bằng nhiều cách thức khác nhau, chẳng hạn như cấm ngủ trong thời gian dài đến hơn 40 ngày, biệt giam, còng tay, sốc điện bằng dùi cui, hạn chế sử dụng nhà vệ sinh và tắm rửa, đứng trong thời gian dài, ngồi xổm hoặc úp mặt vào tường, bị treo lên hoặc bị trói chặt.

Có hơn 1.000 học viên Pháp Luân Công bị giam trong 7 khu của trại lao động vào năm 2001. Trại này đã giảm xuống còn 4 khu vào năm 2004 và một số người nghiện ma túy và gái mại dâm cũng bị giam giữ ở đó, những người này bị lính canh xúi giục tha gia tra tấn các học viên. Trại lao động tiếp tục hoạt động cho đến tận năm 2013 khi hệ thống trại lao động bị giải thể ở Trung Quốc.

Nạn nhân ở Khu số 3

Một danh sách đáng chú ý về các nạn nhân trong Khu số 3 đã được tiết lộ. Cần lưu ý, tuổi của các học viên được đề cập dưới đây là tuổi của họ trong thời gian bị giam giữ.

Bà Vương Túc Lan, ngoài 50 tuổi, hầu hết thời gian bị giam trong xà lim, tầng hầm hoặc nhà vệ sinh. Bà thường bị chảy máu miệng sau khi bị đánh đập, và đôi khi bà bị đánh cho đến khi bất tỉnh. Bà cũng bị thiếu ngủ trong thời gian dài và bị hạn chế tắm rửa hoặc sử dụng nhà vệ sinh.

Cô Tống Tĩnh, khoảng 22 tuổi, là sinh viên Đại học Bắc Kinh. Cô thường xuyên bị đánh đập. Đôi khi, lính canh bắt đầu đánh đập cô sau nửa đêm. Để ngăn cô la hét, họ nhét tất hoặc giẻ bẩn vào miệng cô. Kết quả là cơ thể cô đầy vết bầm tím và chuyển sang màu đen. Cô bị giam trong nhà vệ sinh, tầng hầm, hoặc xà lim để không ai có thể nhìn thấy cơ thể bầm tím của cô. Cô không được phép ngủ hay tắm rửa trong một thời gian dài. Cơ thể cô có mùi hôi nồng nặc. Cô trở nên rối loạn tinh thần và dễ bị giật mình.

Bà Chu Lợi Chân, ở tuổi 50, bị mất trí nhớ do bị tra tấn trong thời gian dài. Có lần một lính canh túm tóc và đấm vào ngực bà rồi đập đầu bà vào giá sắt. Bà bị bất tỉnh vài lần. Bà bị thiếu ngủ và không được phép tắm. Bà bị bắt đứng quay mặt vào tường trong một thời gian dài.

Bà Trương Hồng, ngoài 50 tuổi, đã bị nhốt trong tầng hầm, xà lim hoặc phòng vệ sinh trong thời gian dài. Bà bị bắt đứng hoặc ngồi yên tại một vị trí và sẽ bị đấm đá nếu dịch chuyển. Các lính canh đã viết tên của Nhà sáng lập Pháp Luân Công vào một tờ giấy và bắt bà giẫm lên để khiến bà bị dằn vặt tâm lý.

Cô Tôn Khải Linh, khoảng 30 tuổi, bị bức thực và bị còng tay từ phía sau. Cô đã bị nhốt trong tầng hầm, xà lim hay phòng vệ sinh và bị thiếu ngủ trong một thời gian dài. Đôi khi, cô không được phép sử dụng nhà vệ sinh và phải tiểu tiện trong quần.

Cô Lưu Diên Bình, ở độ tuổi 20, đã bị biệt giam trong xà lim, bị còng tay, bức thực và không được ngủ trong một thời gian dài. Có lần miệng cô phun ra máu sau khi bị lính canh Lâm Nguyệt Trân đánh.

Bà Tống Tú Mai, khoảng 60 tuổi, đã không được ngủ trong một thời gian dài. Bà có các triệu chứng cao huyết áp, tim mạch, viêm phế quản nặng nên nhiều lần được đưa đến bệnh viện thở ôxy. Tuy nhiên, bà vẫn bị bắt đi lao động. Bà chỉ được thả khi đang cận kề cái chết.

Bà Lưu Túc Mai, ở độ tuổi 60, đã không được phép ngủ trong một thời gian dài và bị giam trong tầng hầm, xà lim hoặc nhà vệ sinh, Bà bị bắt đứng yên hoặc quay mặt vào tường. Các lính canh tra tấn bà bằng cách bịt miệng và trói bà vào ống sắt. Bà bị ép phải viết thư từ bỏ Pháp Luân Công và bị đấm đá khi bà từ chối.

Bà Trương Hi Mĩ, khoảng 50 tuổi, đã từ chối từ bỏ đức tin của mình mặc dù bị tra tấn dưới nhiều hình thức khác nhau. Bà bị áp dụng kỷ luật nghiêm khắc và bị bắt phải ngồi 18 giờ một ngày mà không được di chuyển, hình phạt này áp dụng trong cả năm. Bà đã bị đánh khi dịch chuyển. Bà cũng bị hạn chế sử dụng nhà vệ sinh, tắm rửa hay giặt giũ. Bà không thể suy nghĩ bình thường và cơ thể bà bị sưng lên.

Cô Lương Hồng Chi, khoảng 45 tuổi, bị mất ngủ trong một thời gian dài và bị nhốt trong nhà vệ sinh. Bàn chân của cô bị sưng tấy nghiêm trọng và cô có các triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau. Đầu óc cô trở nên mụ mị.

Cô Cao Văn Mĩ, khoảng 46 tuổi, thường bị còng tay vào cửa sổ phòng vệ sinh. Cô buộc phải ngồi trên nền đất lạnh trong kỳ kinh nguyệt và không được phép thay băng vệ sinh. Cô bị thiếu ngủ trong thời gian dài. Cô đã phải trải qua các buổi “chuyển hóa” trong hơn một năm, nơi cô bị ép buộc phải từ bỏ đức tin của mình và thời hạn lao động cưỡng bức của cô đã được gia hạn thêm.

Lính canh Đinh Hải Anh không cho phép bà Lô Học Tỉnh, một học viên Pháp Luân Công 70 tuổi ở thành phố Châu Bình, tỉnh Sơn Đông sử dụng nhà vệ sinh. Khi bà Lô không thể chịu đựng được và chạy vào nhà vệ sinh, Đinh kéo bà lại. Để buộc bà Lô từ bỏ đức tin của mình, Đinh thậm chí còn may quần và áo của bà Lô dính vào nhau để bà không thể cởi quần ra để sử dụng nhà vệ sinh.

Những thủ phạm hành ác ở Khu vực số 3

Trần Tố Bình từng là trưởng Khu vực số 3 cho đến tháng 10 năm 2002. Bà ta đã lừa dối các học viên bằng lòng tốt giả tạo bề ngoài của mình nhưng lại triển khai các biện pháp tàn ác để bức hại họ. Sau đó bà ta trở thành đội trưởng của Đội quản lý.

Lý Ái Văn, trưởng Khu vực số 3, khoảng 45 tuổi. Đích thân cô ta đã đánh các học viên và ra lệnh cho những tù nhân hoặc lính canh khác tra tấn các học viên. Cô ta đã cống hiến hết mình cho Đảng Cộng sản Trung Quốc để theo đuổi sự thăng tiến và đánh mất nhân tính của mình.

Nhiều học viên trở nên rối loạn tinh thần, ốm yếu, hoặc cận kề cái chết trong Khu số 3.

Các thủ phạm khác trong Khu số 3 bao gồm: quản giáo Vương Vĩnh Hồng, phó đội trưởng Lâm Nguyệt Trân, các lính canh Đinh Hải Anh, Diêm Thục Bình, Ân Quế Hoa, Trương Xuân Hà, ​​Trương Phương, Thôi Hồng Văn và Hàn Tân Khắc.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/21/412031.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/16/187836.html

Đăng ngày 26-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share