Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 11-05-2023] Tổng cộng có 1.320 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin đã được báo cáo trong tháng 3 và tháng 4 năm 2023.
Trong số 689 trường hợp bị bắt giữ, có 4 trường hợp được ghi nhận vào năm 2021 đến năm 2022 và 685 trường hợp vào năm 2023 (7 trường hợp trong tháng 1; 158 trong tháng 2; 362 trong tháng 3 và 158 trong tháng 4). Trong số 631 trường hợp sách nhiễu, có 25 trường hợp vào năm 2022 và 606 trường hợp vào năm 2023 (8 trong tháng 1; 112 trong vào tháng 2; 372 trong tháng 3 và 114 trong tháng 4). Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các vụ bức hại thường không thể luôn luôn được báo cáo kịp thời, cũng như không phải tất cả đều có sẵn thông tin.
Các trường hợp mới được ghi nhận phân bố ở 23 tỉnh và 4 thành phố trực thuộc Trung ương (Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thượng Hải và Thiên Tân). Cát Lâm là tỉnh đứng đầu với tổng cộng 268 vụ bắt giữ và sách nhiễu, tiếp theo là Sơn Đông với 214 vụ, Liêu Ninh 106, và Hồ Bắc 102; 16 khu vực có số vụ ghi nhận ở mức hai con số (từ 10 đến 87); 7 khu vực khác có số trường hợp ghi nhận ở mức một con số (từ 1 đến 9).
Các học viên bị nhắm mục tiêu đến từ mọi tầng lớp xã hội, trong đó có 1 giáo sư đại học, 1 nhân viên chính phủ, 1 cựu giáo viên âm nhạc và 1 nghệ sỹ; 217 học viên bị bắt hoặc bị sách nhiễu từ 60 tuổi trở lên, trong đó 55 học viên ở ngoài 60 tuổi, 112 học viên ngoài 70 tuổi, 41 học viên ngoài 80 tuổi và 9 học viên ngoài 90 tuổi.
So với tổng số 624 trường hợp bắt giữ và sách nhiễu được báo cáo trong tháng 1 và tháng 2 năm 2023, tháng 3 và tháng 4 tăng 116% với 1.320 trường hợp được báo cáo. Sự bức hại gia tăng được châm ngòi bởi hai sự kiện mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi là nhạy cảm – đó là kỳ họp “Lưỡng Hội” thường niên diễn ra vào tháng 3 và ngày lễ kỷ niệm 24 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của 10.000 học viên ngày 25 tháng 4 năm 1999.
Trong những ngày được ĐCSTQ gọi là “ngày nhạy cảm”, chính quyền thường tăng cường giám sát và sách nhiễu các học viên nhằm ngăn cản họ phơi bày cuộc bức hại với công chúng, bao gồm việc nói chuyện trực tiếp với người dân, phân phát tài liệu hoặc đăng thông tin lên Internet.
Một số học viên bị nhắm mục tiêu đã từng bị bắt nhiều lần kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu. Một ví dụ là một người đàn ông vừa được trả tự do sau 20 năm ngồi tù vì tham gia chèn sóng truyền hình để phát chân tướng Pháp Luân Công. Một ví dụ khác là một phụ nữ mắc chứng rối loạn tâm thần do bị tra tấn trong khi bị giam giữ.
Sự sách nhiễu quanh những ngày “nhạy cảm” chính trị
Cả hai cơ quan lập pháp của Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (gọi tắt là Nhân Đại) và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Đảng, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính Hiệp), đều tổ chức các cuộc họp thường niên (gọi chung là “Lưỡng Hội”) vào cùng thời điểm hàng năm (mặc dù tổ chức riêng biệt). Kỳ họp Chính Hiệp năm nay bắt đầu vào ngày 4 tháng 3, và kỳ họp Nhân Đại bắt đầu vào ngày hôm sau. Các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc đều bị sách nhiễu trước kỳ họp “Lưỡng Hội”.
Từ cuối tháng 2, cảnh sát ở thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên bắt đầu triển khai sách nhiễu học viên địa phương, trong đó có ông Thi Bang Tài, bà Đường Húc Trân, ông Đặng Thế Dân, bà Lý Ngọc Lan và bà Bành Cống Thục. Cảnh sát và nhân viên ủy ban khu dân cư được lệnh chụp ảnh các học viên để xác nhận họ đã hoàn thành nhiệm vụ “thăm hỏi” được giao. Nếu không thể chụp ảnh, họ yêu cầu người nhà của các học viên đó làm điều này thay họ.
Các cảnh sát cũng cấm các học viên không được ra ngoài hoặc nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công trong thời gian diễn ra kỳ họp “Lưỡng Hội”. Bởi cảnh sát không thể tìm thấy bà Bành Cống Thục sau khi bà chuyển đi, nên họ đã hủy bỏ thẻ căn cước của bà.
Ngày 24 tháng 2, hai học viên ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy là bà Lư Kim Vinh (74 tuổi) và bà Từ Vạn Trân (80 tuổi) bị lục soát nhà. Cảnh sát lấy đi các sách Pháp Luân Đại Pháp và ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công. Bà Lư được thả vào buổi chiều, còn bà Từ trở về nhà vào buổi tối. Cảnh sát trả lại số sách đã lấy của bà Từ.
Tại thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, cảnh sát sách nhiễu các học viên địa phương bằng cách đến nhà hoặc gọi điện thoại cho họ. Đôi khi họ còn tuyên bố là tiến hành điều tra dân số để lừa các học viên mở cửa.
Ngày 2 tháng 3, 5 cảnh sát có mặt tại nhà của ông cụ Tôn Sỹ Liên (84 tuổi) ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Họ khám xét từng phòng và chụp ảnh. Một cảnh sát đã cố giật lấy tấm ảnh nhà sáng lập Pháp Luân Công được treo trong phòng nhưng ông Tôn ngăn lại.
Ông Tôn nói với cảnh sát rằng ông nhanh chóng khỏi nhiều căn bệnh, bao gồm xơ gan, hen suyễn và viêm dạ dày nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Thế mà chỉ vì giữ vững đức tin của mình, ông lại bị tống giam 15 năm và suýt chết trong tù. Cảnh sát trưởng Triệu ra lệnh ông Tôn tới đồn công an vào sáng hôm sau để trả lời một số câu hỏi, nhưng ông từ chối hợp tác.
Sáng ngày 4 tháng 3, 4 cảnh sát mặc thường phục tiếp cận bà Trang Lệ, một cư dân thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, khi bà đang đi dạo trong khu phố. Bà kêu gọi họ không nên tham gia vào cuộc bức hại, và họ rời đi ngay sau đó.
Hồi đầu tháng 3, 1 học viên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cùng 3 học viên lớn tuổi khác họ Từ, họ Lý và họ Vương ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, cũng bị sách nhiễu. Cảnh sát cố gắng chụp ảnh họ, nhưng các học viên không để họ đạt được ý đồ.
Ông Tần Úy, một họa sỹ ở Bắc Kinh, đã bị sách nhiễu tại nhà 3 lần vào tháng 4, trước lễ kỷ niệm “Cuộc thỉnh nguyện 25 tháng 4”. Cảnh sát chụp ảnh ông và đôi khi còn gọi điện cho ông vào đêm khuya. Một cư dân Bắc Kinh khác là ông Hà Hưng Quốc cũng bị chính quyền theo dõi cả ngày lẫn đêm trong kỳ họp “Lưỡng Hội” (tháng 3 và trong 3 ngày từ ngày 24 đến 26 tháng 4).
Tại Thượng Hải, một công an mặc thường phục tiếp cận một cư dân địa phương là bà Bùi San Trân và yêu cầu bà xác nhận danh tính khi bà đi tảo mộ vào ngày 9 tháng 4 năm 2023. Ngày 22 tháng 4, nhân viên của ủy ban khu dân cư gõ cửa nhà bà nhiều lần. Những người này nói họ sẽ theo dõi cuộc sống hàng ngày của bà trong 4 ngày tiếp theo, cho đến khi ngày kỷ niệm niệm cuộc thỉnh nguyện 25 tháng 4 qua đi.
Các trường hợp sách nhiễu khác xảy ra xung quanh lễ kỷ niệm “Cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4” cũng được báo cáo ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy và thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông.
Bị bắt giữ vì lên tiếng cho Pháp Luân Công
Bắt giữ các học viên ngoài 90 tuổi
Ngày 2 tháng 4 năm 2023, bà Mạnh Chiêu Du (94 tuổi) ở Bắc Kinh đã bị bắt sau khi bị báo cảnh sát vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Bà bị thẩm vấn tại đồn công an từ 8 giờ sáng đến tận 3 giờ sáng ngày hôm sau.
Một học viên khác là bà Hướng Đức Ngọc (90 tuổi) ở thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên đã bị báo cảnh sát vì nói với người dân về Pháp Luân Công tại một trạm xe buýt và bị bắt giữ vào đầu tháng 3 năm 2023. Nhân viên ủy ban khu dân cư dẫn theo cảnh sát đột kích vào nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà.
Cuối buổi chiều, khi bà được đưa về nhà, một nhân viên ủy ban khu dân cư đưa ảnh bà Hướng trên điện thoại di động của ông ta cho nhân viên an ninh khu phố. Anh ta nói: “Chúng tôi biết tường tận bà ta đã làm gì vào lúc nào“. Chỉ khi đó bà Huớng mới phát hiện mình đã bị giám sát trong một thời gian dài.
Ngày 18 tháng 4 năm 2023, cảnh sát và nhân viên ủy ban khu dân cư lại sách nhiễu bà Hướng. Họ cố chụp ảnh bà nhưng bà không để họ đạt được mục đích.
Bà Sầm Hoa, một phó giáo sư đã nghỉ hưu tại đại học tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh, bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 14 tháng 4 năm 2023 vì bị tình nghi phân phát thông tin về Pháp Luân Công. Cảnh sát cũng đưa luôn cả người mẹ già vốn đã 88 tuổi và mắc bệnh Alzheimer của bà Sầm về đồn và giữ mẹ bà ở đó một thời gian ngắn.
Ngày 17 tháng 4 năm 2023, cô Lý Tùng Nguyên, hiện đang sống tại Ireland, tổ chức một cuộc họp báo trước Lãnh sự quán Trung Quốc kêu gọi lập tức trả tự do cho mẹ cô. Ông Richard Boyd Barrett, thành viên của một trong ba đảng chính trị của Ireland, tham dự buổi họp báo và cho biết ông ủng hộ những nỗ lực của cô Lý.
Ông Richard Boyd Barrett phát biểu rằng việc bức hại một nhóm người tu luyện ôn hòa đã lộ rõ bản chất dối trá và tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông yêu cầu ĐCSTQ lập tức trả tự do cho Giáo sư Sầm Hoa và chấm dứt ngay cuộc bức hại tàn bạo đối với hàng triệu học viên Pháp Luân Đại Pháp.
Cuộc họp báo trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Ireland nhằm kêu gọi trả tự do lập tức cho bà Sầm Hoa, học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Bắc Kinh, ngày 17 tháng 4
Một công chức ở Hồ Bắc đối mặt với truy tố vì treo các băng rôn về Pháp Luân CôngÔng Phạm Kim Hoà, một nhân viên chính quyền ở thành phố An Lục, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt vào ngày 26 tháng 1 năm 2023 vì treo những băng rôn có nội dung nói về lợi ích sức khoẻ của Pháp Luân Công.
Trước ngày ông Phạm bị bắt, cảnh sát lục soát nhà ông và tịch thu máy tính, máy in và các băng rôn Pháp Luân Công của ông. Cảnh sát tuyên bố họ thấy ông treo các băng rôn thông qua những đoạn video giám sát. Vì ông Phạm không có ở nhà khi họ đến nên họ nhanh chóng rời đi và quay trở lại bắt ông vào ngày hôm sau.
Việc bắt giữ ông được phê chuẩn vào ngày 24 tháng 2 năm 2023. Hiện cảnh sát đang chuẩn bị chuyển hồ sơ vụ án của ông đến viện kiểm sát, cáo buộc ông tội “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ quy chuẩn nhằm khép tội các học viên Pháp Luân Công.
Một người phụ nữ 26 tuổi bị chính quyền bắt và thẩm vấn vì nói với mọi người về Pháp Luân Công
Một người phụ nữ 26 tuổi mới bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công cách đây không lâu bị bắt vào ngày 20 tháng 2 năm 2023, khi đang nói với người dân về đức tin của mình.
Cảnh sát trói cô Trương Giác vào một “ghế hổ” (một dụng cụ tra tấn), chiếu ánh sáng mạnh vào mắt cô rồi thẩm vấn cô suốt đêm mà không cho cô ngủ. Tiếp đó, họ đưa cô đến bệnh viện vào ngày hôm sau để khám sức khỏe và lấy mẫu máu của cô dù cô không đồng ý. Ba cảnh sát đưa cô trở lại nơi cô bị bắt và chụp ảnh cô để làm bằng chứng chống lại cô.
Cô Trương được thả vào ngày 27 tháng 2, sau khi bị giam tại Đồn Công an Vĩnh Dương trong 7 ngày.
Minh họa tra tấn: Ghế hổ
Người phụ nữ Liêu Ninh đối mặt với truy tố vì nói với người dân về đức tin của mình
Ngày 1 tháng 3 năm 2023, bà Tề Tố Mai, 64 tuổi, cư dân ở huyện Hắc Sơn, tỉnh Liêu Ninh bị tố giác vì nói với người dân về Pháp Luân Công ở chợ nông sản. Cảnh sát bắt bà đến Trại tạm giam thành phố Cẩm Châu. Trại đã từ chối tiếp nhận bà vì huyết áp cao, do vậy bà được tại ngoại.
Ngày 21 tháng 3 năm 2023, bà Tề đến Đại đội An ninh Nội địa huyện Hắc Sơn, cố gắng thuyết phục đội trưởng Vương Chấn không tham gia vào cuộc bức hại nữa. Vương từ chối lắng nghe và cố gắng đưa bà đến Viện Kiểm sát thành phố Lăng Hải, cơ quan được chỉ định xử lý các vụ án về Pháp Luân Công trong khu vực. Bà Tề bám chặt lấy chiếc ghế mình ngồi trong đội an ninh nội địa nên cảnh sát không thể di chuyển bà. Sau 1 giờ đồng hồ bế tắc, họ thả bà về nhà.
Ngày 27 tháng 3, Vương và một vài nhân viên của viện kiểm sát đã đến nhà bà Tề, yêu cầu bà đi cùng họ đến đồn công an để trả lời một số câu hỏi. Bà Tề từ chối để họ vào nhà. Con trai bà lúc đó đang ghé thăm vợ chồng bà, nói với cảnh sát rằng cha anh ấy, một người từng bị đột quỵ, đang bị họ dọa cho khiếp sợ và họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu bệnh tình ông ấy trở nặng do áp lực tinh thần. Cảnh sát nhanh chóng rời đi.
Ngày 3 tháng 4, hai thư ký của Tòa án thành phố Lăng Hải cùng cảnh sát đến nhà bà Tề. Họ nói với bà rằng bà đã bị truy tố. Con trai bà thay mặt ký vào đơn truy tố.
Bà Tề nói với họ: “Tôi không hề vi phạm luật nào cả.”
“Sau khi thẩm phán kết án, bà sẽ là tội phạm”, thư ký tòa án nói với bà rồi rời đi.
Người phụ nữ Hà Bắc bị bắt sau 2 năm sống trôi giạt, hiện đang đối mặt với truy tố ở tỉnh lân cận
Ngày 1 tháng 4 năm 2023, trong khi bà Mã Tú Quyên đang đi bộ trên phố ở thị trấn Nam Dinh, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, người phụ nữ 52 tuổi bất ngờ bị cảnh sát bắt giữ, cảnh sát cho rằng bà trông giống một học viên Pháp Luân Công có tên trong danh sách truy nã của họ.
Họ đối chiếu và nhận thấy bà chính là người mà Viện Kiểm sát thành phố Hãn Châu thuộc tỉnh Sơn Tây lân cận đang truy nã. Họ liên lạc với cảnh sát Hãn Châu, những người này đến vào ngày 4 tháng 4 và đưa bà về Hãn Châu.
Khổ nạn của bà Mã bắt nguồn từ một vụ bắt giữ trước đó của bà xảy ra vào ngày 21 tháng 10 năm 2019 do cảnh sát thành phố Nguyên Bình, tỉnh Sơn Tây thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hãn Châu thực hiện. Bốn tháng trước vụ bắt giữ của bà, cha mẹ bà (hiện đang sinh sống ở Nguyên Bình) từng bị bắt giữ cùng với 10 học viên khác. Nghi ngờ bà Mã phối hợp với các học viên này trong việc nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, cảnh sát cũng bắt giữ bà.
Bà Mã bị giam ở trại tạm giam thành phố Hãn Châu và được tại ngoại sau 37 ngày. Cuối năm 2020, Quách Chí Hoành, cựu đội trưởng Đội An ninh Nội địa thành phố Nguyên Bình, chuyển vụ án của bà tới Viện Kiểm sát quận Hãn Phủ, thành phố Hãn Châu.
Bà Mã thuê luật sư đại diện cho mình nhưng công tố viên Hầu Húc Minh gây khó dễ cho luật sư và không cho phép ông ấy xem hồ sơ vụ án của bà Mã.
Sau khi phê chuẩn vụ bắt giữ bà Mã vào tháng 5 năm 2021, Hầu ra lệnh cho bà tới viện kiểm sát để trả lời một số câu hỏi và đe dọa kết án tù nếu bà không có mặt.
Để tránh bị kết án, bà Mã phải rời nhà sống lang bạt, và bị liệt vào danh sách truy nã của viện kiểm sát.
Vào lúc 3 giờ sáng một ngày tháng 7 năm 2022, 4 cảnh sát ở Thạch Gia Trang đột nhập vào nhà của người mẹ chồng 90 tuổi của bà Mã để tìm kiếm bà Mã. Cảnh sát nói rằng họ tìm kiếm bà Mã theo yêu cầu của cảnh sát Hãn Châu. Vụ đổ bộ của cảnh sát khiến cả gia đình vô cùng hoảng sợ.
Khi gia đình báo cáo cuộc bức hại với Minh Huệ Net, cảnh sát Hãn Châu đe dọa họ và cáo buộc họ “câu kết với thế lực phản Hoa ở nước ngoài“.
Bức hại triền miên
Người phụ nữ Thượng Hải bị bắt lần thứ 6 vì đức tin vào Pháp Luân Công
Ngày 4 tháng 4 năm 2023, trong khi một cư dân Thượng Hải chuẩn bị lên tàu hỏa thì bị cảnh sát đường sắt chặn lại và lục soát túi xách. Cảnh sát bắt giữ bà Ứng sau khi phát hiện bà có một ổ đĩa flash chứa thông tin về Pháp Luân Công. Nhà của bà cũng bị lục soát cùng ngày, và bà bị giam giữ tại trại tạm giam quận Trường Ninh.
Bà Ứng Ngọc
Đây là lần thứ 6 bà Ứng (khoảng 50 tuổi) bị bắt vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Ngay sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà Ứng bị bắt vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị kết án 2 năm trong trại lao động.
Ngày 2 tháng 6 năm 2006, bà Ứng đi cùng mẹ là bà Kim Tuyết Hoa đến thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông để thăm một người họ hàng. Bà Ứng để quên ví trên tàu. Khi bà sực nhớ ra nó, thì nhân viên tàu đã giao chiếc ví bà để quên cho cảnh sát sau khi nhìn thấy các tài liệu Pháp Luân Công trong đó. Bà Ứng bị bắt giữ khi quay lại nhà ga xe lửa để tìm ví.
Cảnh sát đường sắt Quảng Châu thông báo cho cảnh sát ở Thượng Hải, sau đó họ đến và áp giải hai mẹ con bà Ứng trở về và giam giữ họ tại trại tạm giam quận Phổ Đà. Đồng thời, hơn 10 cảnh sát lục soát nhà bà Ứng và tịch thu máy tính cùng các sách Pháp Luân Công của bà.
Sau đó cả hai người phụ nữ bị đưa đến Trường Giáo dục Pháp luật Thượng Hải (một trung tâm tẩy não trá hình) và bị giam trong 3 tháng. Cảnh sát và nhân viên ủy ban khu dân cư liên tục sách nhiễu họ sau khi họ được thả. Người chủ lao động thuê bà Ứng cũng bị gây áp lực phải đuổi việc bà. Ngay khi bà Ứng tìm được một công việc mới, cảnh sát lại sách nhiễu và ép buộc người chủ mới phải sa thải bà.
Ngày 22 tháng 2 năm 2008, mẹ của bà Ứng bị bắt trong lúc xem Biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun do Đài truyền hình Tân Đường Nhân phát sóng tại nhà cùng với 10 học viên lớn tuổi khác. Cảnh sát xông vào và đưa tất cả các học viên đến trại tạm giam quận Phổ Đà. Hầu hết các học viên bị giam giữ trong vài tháng.
Lần bắt giữ tiếp theo của bà Ứng là vào ngày 25 tháng 5 năm 2008, cùng với 3 chị em họ là bà Quá Nguyệt Cầm, bà Quá Nguyệt Phân và bà Quá Nguyệt Phương. Nhà bà Ứng bị lục soát, và bà bị giam tại trại tạm giam quận Phổ Đà trong 1 tháng trước khi được tại ngoại.
Sau đó vài tuần, ngày 16 tháng 7 năm 2008, bà Ứng lại bị bắt giữ. Cảnh sát buộc tội bà viết thư cho chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Jacques Rogge về những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là sự bức hại đối với gia đình bà. Khi còn 3 tuần nữa là khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh, cảnh sát nói việc bà viết thư là một vấn đề nghiêm trọng. Bà đã bị giam giữ 1 tháng và được thả vào ngày 15 tháng 8.
Vào lúc 7 giờ sáng ngày 18 tháng 4 năm 2017, một toán cảnh sát mặc thường phục xông vào nhà bà Ứng và bắt giữ bà. Họ đột kích nơi ở của bà ấy chỉ với tờ lệnh khám xét để trống. Ban đầu bà bị giam trong một trại tạm giam và sau đó bị chuyển đến một trung tâm tẩy não. Không biết gì về tung tích của con gái, người mẹ già ngoài 80 tuổi của bà thường xuyên đến đồn công an để yêu cầu thả bà. Cảnh sát cự tuyệt với lý do bà Ứng không từ bỏ Pháp Luân Công.
Từng bị giam 17 năm, một người đàn ông ở tỉnh Hồ Nam lại bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công
Đã từng phải thi hành 1 án phạt lao động cưỡng bức và 2 bản án tù tổng cộng là 17 năm, một cư dân ở thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam lại bị bắt vì tín ngưỡng của mình vào Pháp Luân Công.
Một số cảnh sát ập vào nhà ông Dương Thế Nghĩa ngày 20 tháng 2 năm 2023 và đưa ông đến trại tạm giam thành phố Tương Đàm. Cảnh sát gọi điện cho con trai ông vào ngày hôm sau và bảo anh gửi một số quần áo cho bố mình. Họ cũng nói ông Dương và 5 học viên khác đã treo những biểu ngữ có thông tin về Pháp Luân Công và rằng họ đã cố gắng bắt được ông (trong khi 5 học viên kia đã trốn thoát). Nhưng ông Dương phủ nhận việc treo những tấm biểu ngữ đó.
Ông Dương đã quan tâm đến việc tu luyện tinh thần từ khi ông còn trẻ. Ông đã đi khắp nước để tìm kiếm một chính pháp môn nhưng không tìm thấy. Khi Pháp Luân Công được đưa ra công chúng vào năm 1992, ông đã cảm thấy lôi cuốn vì những lời giảng sâu sắc của môn tập và bắt đầu tu luyện. Mẹ ông, trước kia từng là một ni cô đã bị bắt phải lập gia đình trong chiến dịch chính trị của chính quyền cộng sản Trung Quốc, đã cảm thấy rất mừng cho ông.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông Dương chỉ được ở với gia đình mình trong những khoảng thời gian rất hữu hạn do ông đã bị bắt giam nhiều lần. Khi ông không bị giam, ông và gia đình cũng phải đối mặt với việc sách nhiễu không ngừng của các cơ quan chính quyền.
Ông Dương bị phạt 1,5 năm lao động cưỡng bức tại trại lao động Tân Khai Phổ sau khi bị bắt vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công năm 2000. Ông lại bị bắt vào tháng 3 năm 2003 vì phát tài liệu Pháp Luân Công và bị kết án 8 năm và bị giam tại Trại tù Vương Lệnh. Ông bị giam tại một trung tâm tẩy não trong 1 tháng sau một lần bị bắt nữa vào ngày 27 tháng 9 năm 2011. Lần ông bị bắt tiếp theo là vào ngày 14 tháng 1 năm 2013, vì phát tài liệu Pháp Luân Công, vì thế ông bị kết án 7,5 năm tù và bị giam tại Trại tù Vương Lệnh. Mẹ ông rất đau lòng và qua đời 1 năm sau đó.
Khi ông Dương được phóng thích vào tháng 7 năm 2020, ông phải đảm đương trách nhiệm chăm sóc cho người cha già 98 tuổi của ông và đứa con trai bị rối loạn tâm thần của ông.
Bố của ông Dương bị gãy xương hông và nằm liệt giường vào đầu năm 2022. Ông Dương phải làm vệ sinh cho cụ và nấu ăn cho cụ, mà không nhờ đến sự giúp đỡ của em trai và em dâu. Hai tháng sau khi cha ông qua đời, ông Dương lại bị bắt vì tín ngưỡng của mình.
Người đàn ông Cam Túc liên tục bị sách nhiễu sau 20 năm thụ án oan sai vì kiên định đức tin
Ngày 13 tháng 8 năm 2022, cuối cùng ông Ngụy Tuấn Nhân cũng được trở về nhà sau 20 năm thụ án tù oan sai chỉ vì chèn sóng truyền hình nhằm phơi bày những tuyên truyền phỉ báng phô thiên cái địa đối với Pháp Luân Công của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông buồn bã khi chứng kiến căn nhà mình hoang tàn đổ nát.
Không còn nơi nào để đi, người đàn ông 54 tuổi ở huyện Kính Xuyên, tỉnh Cam Túc này đành phải tá túc ở nhà anh trai vài ngày. Tuy nhiên, cảnh sát tìm ra ông và tiếp tục sách nhiễu ông tại nhà của anh trai.
Trốn chạy cảnh sát để tránh bị sách nhiễu trở thành một thói quen mới trong cuộc sống của ông Ngụy. Cũng vì bị sách nhiễu nên không chủ lao động nào dám giữ ông lại, buộc ông phải liên tục thay đổi công việc.
Trong những ngày đầu ông Ngụy ngồi tù, vợ ông nhờ cha mẹ ông chăm sóc hai con trai nhỏ của họ, còn bà làm việc ở Lan Châu (thủ phủ của tỉnh Cam Túc) để chu cấp cho cả gia đình. Nhưng do không may bị ngộ độc khí gas, bà qua đời vào ngày 19 tháng 1 năm 2006.
Hai người con trai của ông Ngụy đều bỏ học từ năm 15 tuổi và rời nhà đi tha phương kiếm sống.
Cha mẹ già của ông lần lượt qua đời vào năm 2020, trước khi ông được trả tự do.
Ông Ngụy bị bắt giữ vào tháng 8 năm 2002 và bị kết án 20 năm tù vì hành động chính nghĩa nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. 12 học viên khác cũng bị kết án và lĩnh án tù từ 7 đến 20 năm. Hai học viên bị tra tấn đến chết trong tù.
Người phụ nữ lớn tuổi vốn bị tra tấn đến rối loạn tâm thần lại tiếp tục bị chính quyền sách nhiễu
Bà Lý Trung Phương, một cư dân thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, mắc chứng rối loạn tâm thần do bị tiêm thuốc độc trong khi đang thụ án 3,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi được trả tự do vào đầu năm 2021, tình trạng của bà không cải thiện chút nào, và đến nay bà vẫn phải chật vật để chăm sóc bản thân. Tuy vậy, chính quyền vẫn không ngừng sách nhiễu bà và đe dọa con gái bà.
Cuối tháng 9 năm 2022, ngày đầu tiên sau khi thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên dỡ bỏ lệnh phong tỏa 2 tuần toàn thành phố vì đại dịch COVID, khi con gái bà Lý đang đi ra ngoài thì bị một cảnh sát và một nhân viên ủy ban khu dân cư chặn đường, yêu cầu được gặp mẹ cô. Bởi cô từ chối, nên họ đã đi theo cô suốt một chặng đường dài. Khi cô trở về nhà vào buổi tối, hai người này, cùng với hai nhân viên ủy ban dân cư khác vẫn đứng bên ngoài nhà cô. Đến nửa đêm họ mới rời đi.
Trong vài ngày tiếp theo, cảnh sát và các quan chức ủy ban khu dân cư liên tục gọi điện cho con gái của bà Lý. Cảnh sát cũng cố gắng tìm ra địa chỉ của bà Lý thông qua ban quản lý tài sản khu phố nơi con gái bà sinh sống.
Khi cảnh sát kiên quyết rằng họ phải tìm ra bà Lý, con gái của bà hỏi ý định của họ là gì, vì bà Lý đã bị rối loạn tâm thần. Một cảnh sát nói anh ta biết về tình trạng của bà Lý, nhưng theo lệnh của cấp trên, anh ta buộc phải gặp mặt bà trực tiếp và để yêu cầu bà ký tên vào bản cam kết từ bỏ Pháp Luân Công.
Sau này, con gái của bà Lý đã xác minh được rằng chính Ân Thuấn Nghiêu, thành viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Thành Đô kiêm giám đốc của Trung tâm tẩy não Tân Tân, đã chỉ đạo một lực lượng đặc nhiệm nhắm mục tiêu vào mọi học viên Pháp Luân Công địa phương và cưỡng chế họ ký cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Một cảnh sát tiết lộ họ đã bắt đầu thu thập thông tin về bà Lý và con gái bà từ năm ngoái.
Để tránh bị cảnh sát sách nhiễu thêm, con gái của bà Lý phải chuyển chỗ ở tới nơi khác.
Ngày 2 tháng 10 năm 2022, khi con gái của bà Lý đến thăm mẹ mình, cô phát hiện một thanh niên đang nhòm ngó vào căn hộ của bà Lý. Cô nhìn xung quanh và thấy có chăn nệm ở hành lang gần thang máy. Khi cô bước xuống cầu thang, người thanh niên cũng đi theo cô.
Con gái bà Lý biết rằng nhiều người hàng xóm thường than phiền về một người thanh niên sống ở hành lang. Một số cư dân nhìn thấy anh ta hút thuốc lá ở đó vào lúc nửa đêm. Khi họ hỏi anh ta đang làm gì ở đây, anh ta xua tay và nói đó không phải việc của họ. Nhiều cư dân còn cho biết, thường xuyên có người lạ gõ cửa nhà họ với đủ mọi thứ lý do. Họ cảm thấy rất bất an và lo lắng. Thế nhưng khi họ khiếu nại với ban quản lý tài sản, họ không bao giờ nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Cưỡng chế tiêm thuốc độc trong khi bị giam giữ
Ngày 1 tháng 8 năm 2017, bà Lý bị bắt giữ trong khi đang mua hàng tạp hoá. Bà tuyệt thực trong trại tạm giam thành phố Thành Đô để phản đối sự bức hại và bức thực. Theo một nguồn tin nội bộ, lính canh đã cho một lượng lớn bột trắng vào thức ăn của bà.
Sau đó, bà Lý bị đưa tới Bệnh viện quận Thanh Dương liên kết với trại tạm giam. Lính canh còng tay và cùm chân bà vào giường. Bà liên tục bị truyền tĩnh mạch, nhưng y tá từ chối tiết lộ đó là thuốc gì.
Ngày 10 tháng 4 năm 2018, khi bà Lý bị xét xử tại Toà án quận Thanh Dương, trông bà rất yếu ớt và run rẩy, môi của bà bị giật. Phải mất nhiều thời gian để bà trả lời một câu hỏi, tuy nhiên bà không thể nói rõ chữ hay diễn đạt đầy đủ ý của mình.
Sau đó, bà Lý bị kết án 3,5 năm tù và bị đưa tới Nhà tù Nữ tỉnh Tứ Xuyên ở thành phố Thành Đô vào ngày 2 tháng 7 năm 2018. Bà bị tra tấn và đánh đập bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhà tù không cho phép gia đình vào thăm bà.
Ngày 11 tháng 7 năm 2018, khi bà bị đưa tới khu 3 của nhà tù, các tù nhân đã cưỡng chế bà mặc quần áo tù và cắt tóc của bà. Bà bị giam giữ trong phòng 412, nơi giam giữ các học viên Pháp Luân Công từ chối từ bỏ đức tin. Tù nhân đánh đập bà suốt đêm cho đến tận sáng ngày hôm sau.
Kể từ đó, lính canh bắt đầu ép bà Lý uống thuốc điều trị tâm thần với lý do là bà bị rối loạn tâm thần. Thậm chí, họ còn cố gắng ép gia đình bà thuyết phục bà hợp tác và uống thuốc. Gia đình bà từ chối và nói rằng bà có sức khoẻ tốt trước khi bị bắt giữ và thắc mắc tại sao bà lại đổ bệnh trong khi ở trong nhà tù. Nếu bà thực sự bị bệnh, nhà tù nên cho bà được tại ngoại điều trị y tế để sớm hồi phục. Nhưng lãnh đạo nhà tù từ chối yêu cầu bảo lãnh của gia đình với lý do thủ tục bảo lãnh cho bà rất rắc rối.
Được biết mỗi ngày bà Lý bị ép phải uống thuốc không rõ nguồn gốc hai lần trong suốt hai năm. Nhà tù còn thông qua camera giám sát để quan sát xem bà có nuốt thuốc hay không. Đến tháng 9 năm 2018, chỉ hai tháng sau khi bà bị đưa vào nhà tù, bà bị bức hại đến thần trí không tỉnh táo. Bà nằm trên giường, chảy nước dãi, khạc nhổ và thường xuyên choáng váng. Hai mắt của bà đờ đẫn và trông bà vô cùng tiều tụy.
Khi được trả tự do vào đầu năm 2021, bà không thể phân biệt được ngày và đêm. Bà cần người nhà chăm sóc. Đôi khi bà thốt lên vài từ liên quan đến những tra tấn mà bà phải chịu đựng ở trong tù. Bà trông vô cùng lo lắng và kích động mỗi khi gia đình hỏi về việc tiêm độc dược.
Bài liên quan:
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/11/460129.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/23/209505.html
Đăng ngày 24-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.