Bài viết của Thiển Sơn
[MINH HUỆ 07-02-2023] Từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999, vô số học viên bị bắt giữ và kết án phi pháp vì kiên định đức tin. Lính canh tù vì bị dụ hoặc bởi phần thưởng và/hoặc thăng tiến nhờ thành tích chuyển hóa học viên Đại Pháp bị giam giữ, đã thường xúi giục phạm nhân hình sự trợ giúp họ tra tấn các học viên. Nhiều học viên bị thương tích, tàn tật, hoặc suy sụp tinh thần, thậm chí một số còn bị mất mạng.
Nhiều học viên tử vong vì bị tra tấn ngay sau khi bị bắt vào tù. Một ít học viên, sau khi bị cầm tù nhiều năm, đã chết trong những hoàn cảnh đáng ngờ chỉ vài tháng, hoặc thậm chí vài ngày trước khi mãn hạn tù. Lãnh đạo nhà tù huy động lính canh canh chừng thi thể, không cho người nhà nạn nhân đến gần hoặc khám nghiệm tử thi. Lính canh nói với gia đình các học viên rằng người thân của họ chết vì đột quỵ hoặc tim đột ngột ngừng đập. Gia đình nào kiên quyết muốn kiểm tra thi thể thường sẽ bị đe dọa. Thi thể của các học viên thường sẽ bị hỏa táng ngay sau khi họ qua đời.
Một số học viên bị uy hiếp phải giữ im lặng trước khi ra tù, một số khác bị tra tấn bằng những thủ đoạn hết sức man rợ đến mức mà hầu hết chúng ta khó mà tưởng tược được mức độ tàn ác của nó. Dưới đây là một số trường hợp học viên bị tra tấn tàn bạo trong tù hoặc bị giết ngay trước khi mãn hạn tù.
Bị giết hại ngay trước khi được trả tự do
1. Bị cầm tù oan sai gần 7 năm, người đàn ông qua đời chỉ 2 tháng trước khi mãn hạn
Sau 7 năm dài đằng đẵng mong ngóng được đoàn tụ với chồng, ngày 3 tháng 1 năm 2023, vợ ông Lại Chí Cường nhận được tin sét đánh ông qua đời khi chỉ còn 2 tháng nữa là mãn hạn tù.
Sau khi biết tin ông Lại qua đời, vợ ông vội vã đến Nhà tù Số 2 Ký Đông ở tỉnh Hà Bắc, chỉ để nhận được yêu cầu phi lý rằng bà phải trả 1.000 Nhân dân tệ để được xem thi thể của chồng. Không rõ liệu bà có trả khoản tiền đó hay không, nhưng đến ngày hôm sau bà mới được xem thi thể của chồng.
Theo lời kể của vợ ông Lại, thi thể của ông ở tư thế cuộn tròn, trên mặt có nhiều vết thương. 5 lính canh giữ bà lại, ngăn không cho bà lại gần hoặc chạm vào thi thể ông. Họ từ chối trao lại thi thể cho gia đình và lừa con gái ông ký vào giấy đồng ý hỏa táng.
Ông Lại, một cư dân thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, bị bắt vào ngày 31 tháng 3 năm 2016 và bị kết án bí mật 7 năm tù. Người mẹ già của ông vì quá đau buồn trước bản án oan sai của con trai mà đã qua đời không lâu sau đó.
2. Người phụ nữ tử vong trước khi mãn hạn tù 2 ngày
Bà Tô Vân Hà qua đời trong tù khi chỉ còn 2 ngày nữa là mãn hạn án tù 5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công.
Bà Tô, cư dân thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt vào ngày 7 tháng 9 năm 2016 sau khi bị tố giác vì nói với người dân về Pháp Luân Công trên đường phố. Để tìm kiếm tự do cho bà Tô, người chồng nằm liệt giường một thời gian dài của bà nhờ cháu gái của bà Tô giúp đẩy xe lăn để đưa ông tới đồn công an, nhưng ông bị chặn lại ở bên ngoài.
Cuối tháng 9 năm 2016, vụ bắt giữ bà Tô được phê chuẩn. Ngày 27 tháng 10, Viện Kiểm sát Quận Đạo Ngoại truy tố bà. Ngày 31 tháng 3 năm 2017, Tòa án Quận Đạo Ngoại kết án bà 5 năm tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ.
Theo dự kiến, bà Tô được thả khỏi Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 6 tháng 9 năm 2021, nhưng trước đó 2 ngày, bà bị bức hại đến chết. Bà không thể trở về nhà để đoàn tụ với người thân. Bà hưởng thọ 67 tuổi.
Một người trong cuộc cho hay, ngày 4 tháng 9, tù nhân đánh bà Tô vì bà không từ bỏ Pháp Luân Công, và nhà tù cũng từ chối cấp cho bà thông báo thả người với lý do tương tự. Sau khi đánh bà đến chết, lính canh dùng một tấm vải trắng phủ lên thi thể bà và để ở ngoài hành lang khu số 8. Những tù nhân ở đó rất sợ hãi, không dám ra khỏi buồng giam để đi vệ sinh vào buổi tối.
3. Bị đánh đến chết trước khi được thả 10 ngày
Ông Phan Tự Quân
Ông Phan Tự Quân bị bắt giữ vào tháng 5 năm 2015 vì tu luyện Pháp Luân Công đã qua đời chỉ 10 ngày trước khi mãn hạn án tù oan sai. Gia đình ông Phan ở thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô đang nghi ngờ người đàn ông 55 tuổi này bị giết hại để thu hoạch nội tạng.
Ông Phan bị Tòa án huyện Phái kết án 5,5 năm tù vào năm 2016 và bị chuyển đến Nhà tù Hồng Trạch Hồ. Ngày 8 tháng 11 năm 2020, trước khi ông Phan được Nhà tù Hồng Trạch Hồ trả tự do theo dự kiến 10 ngày, gia đình ông được triệu tập tới nhà tù để “gặp ông”. Khi tới nơi, họ nhìn thấy thi thể của ông trong nhà xác. Một bác sỹ nhà tù cho gia đình xem một cơ quan nội tạng của ông (chưa rõ chi tiết), và nói họ đã khám nghiệm tử thi xong và xác định ông Phan chết do đột quỵ.
Theo tiết lộ của một người trong cuộc, ông Phan không chết vì bệnh mà bị chấn thương sọ não do bị tra tấn tàn bạo. Lính canh xúi giục tù nhân Lý Văn Hoa tra tấn ông để buộc ông từ bỏ đức tin. Ông chỉ được phép ngủ 2 tiếng mỗi ngày, và phải ngồi yên trên một ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ. Nếu ngủ gật, tù nhân Lý đánh đập, xịt nước ớt vào mặt hoặc tát vào mặt ông để ông tỉnh lại. Lý đánh mạnh vào thái dương khiến ông bị chấn thương sọ não, đó là nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của ông Phan.
4. Người phụ nữ lâm bệnh nặng và qua đời 5 tháng trước khi được thả
Bà Dương Thúy Phân, một cư dân huyện Khâu Bắc, tỉnh Vân Nam, đã đột ngột qua đời ở trong Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam, nơi bà đã bị giam giữ hơn 4 năm.
Tối ngày 2 tháng 10 năm 2013, gia đình bà Dương nhận được một cuộc điện thoại từ nhà tù, thông báo rằng bà Dương đang trong tình trạng nguy kịch và yêu cầu họ đến bệnh viện để ký tên vào một số giấy tờ. Tại bệnh viện, gia đình bà Dương thấy bà bị biến dạng đến mức không thể nhận ra nhận ra bà đang bất tỉnh và hấp hối.
Gia đình bà Dương không thấy bà có bất cứ điều gì bất thường về sức khỏe trong 4 năm qua khi họ đến thăm bà trong tù. Hai ngày trước khi tử vong, bà còn gọi điện về cho chồng nói sẽ được thả vào tháng 3 năm sau.
Phía nhà tù phủ nhận mọi điều liên quan đến cái chết của bà và tuyên bố bà tử vong sau khi chứng cao huyết áp của bà đột ngột trở nặng. Họ yêu cầu gia đình ký tên vào một văn bản ghi rằng bà Dương chết vì lý do thông thường. Khi họ từ chối, nhân viên nhà tù đe dọa sẽ hỏa thiêu thi thể của bà Dương và tự ý vứt bỏ đồ đạc của bà.
Bà Dương bị bắt ngày 31 tháng 8 năm 2009, trong khi phân phát tờ tài liệu thông tin về Pháp Luân Đại Pháp. Sau đó bà bị kết án 5 năm tù và bị chuyển đến Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam.
Những hình thức tra tấn tàn bạo không thể diễn tả bằng lời mà các học viên kiên định phải chịu đựng
1. Lột trần, hạ nhục và kéo lê hàng trăm mét cho đến khi trầy da tróc thịt
Bà Tín Thục Hoa, một cư dân thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh, đã bị giam giữ phi pháp 3 lần trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia ở thành phố Thẩm Dương. Tháng 12 năm 2005, khi nhiệt độ xuống âm 30o C, lính canh lột trần bà và bắt bà đứng ngoài trời cùng với nhiều tù nhân khác hòng làm nhục bà. Lính canh cũng lột trần và nhốt bà trong một nhà vệ sinh với cửa sổ mở toang và còng tay bà vào lò sưởi trong 60 ngày.
Vì bà Tín không từ bỏ đức tin, lính canh sử dụng một thủ đoạn tra tấn khác đối với bà. Vào giờ ăn mỗi ngày, bà bị kéo lê qua lại từ buồng giam đến nhà ăn. Khi đến nhà ăn, lính canh kéo bà xuống cầu thang bằng cách lôi 2 chân đang bị cùm của bà, trong khi mặt bà ngửa lên, khiến bà bị thương ở vùng đầu. Trên đường quay trở lại buồng giam, họ lại kéo lê bà bằng còng tay trong khi mặt bà úp xuống cầu thang. Con đường dẫn đến nhà ăn dài 300m trải đày sỏi đá. Bà Tín bị thương nặng và máu của bà nhuộm đỏ lối đi và cầu thang.
2. Bị tra tấn nhiều lần và cuối cùng bị giết hại
Ông Khương Quốc Ba nguyên là quan chức nhà nước ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông bị bắt tổng cộng 13 lần, bị đưa vào trại lao động cưỡng bức 2 lần và bị kết án 5 năm tù. Ở trong nhà tù, lính canh sốc điện ông bằng dùi cui điện, xích ông vào một chiếc ghế sắt, cưỡng chế ông ngồi lên “ghế cọp” và bức thực ông bằng nước ớt và những loại thuốc độc (không rõ tên). Nhiều lần ông đã suýt mất mạng vì bị tra tấn.
Khi trở về nhà vào năm 2014 sau khi mãn hạn 5 năm tù vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công, ông Khương phải chịu những biến chứng lâu dài do bị cưỡng chế tiêm thuốc độc ở trong tù. Ông thường cảm thấy buồn nôn và ói mửa, chướng bụng và đi ngoài có máu trong phân. Ông rất yếu và chóng mặt, đôi khi còn ngất xỉu. Sau 7 năm chống chọi với tình trạng sức khỏe yếu, ông Khương qua đời vào ngày 29 tháng 4 năm 2021 ở tuổi 58.
Ông Khương từng nói: “Tôi đã phải chịu đựng sự tra tấn không thể tưởng tượng nổi ở trong Trại tạm giam. Tôi bị bức thực bằng thuốc độc và nước ớt cay với tiêu đặc. Những gì tôi nôn ra toàn là mủ xanh. Tôi cũng bị trói vào thập tự giá trong 20 ngày và thỉnh thoảng mới được thả xuống một thời gian ngắn. Xương sống của tôi bị gãy do va đập vào một khối gỗ. Tôi không thể nhìn bằng mắt phải trong một thời gian dài. Tôi gặp khó khăn khi tiểu tiện và từng bị táo bón trong 26 ngày. Có lúc tôi sụt gần 45kg chỉ trong 3 tuần. Tôi không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần kề cận cửa tử nữa“.
3. Nam học viên bị đánh bằng roi bện từ dây diện và nữ học viên bị tấn công tình dục
Ngày 1 tháng 10 năm 2000, các viên chức từ thị trấn Nghĩa Hòa Trang, thành phố Trác Châu, tỉnh Hà Bắc đã đi tới Bắc Kinh để áp tải 5 học viên địa phương đi thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, trong đó có ông Trương Mạc và người mẹ già của ông. Họ đánh ông Trương bằng dùi cui và roi bện từ dây điện. Khi nghe tiếng ông Trương la hét thất thanh, mẹ ông vô cùng đau đớn. Một viên chức đã tiêm vào người bà những loại thuốc độc (không rõ tên).
Năm 2001, các viên chức từ thị trấn Nghĩa Hòa Trang bắt giữ và tra tấn 3 nữ học viên vì họ đã đi tới Bắc Kinh để kháng nghị cuộc bức hại. Họ lột quần áo của các học viên, đè họ xuống và sốc điện vào vùng kín, đùi và ngực bằng dùi cui điện, khiến 1 học viên bị tâm thần.
4. Một giáo sư mang đầy thương tích và tổn thương thần kinh sau khi bị tra tấn
Bà Chu Hàng là phó giáo sư tại Đại học Bách khoa Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ngày 30 tháng 8 năm 1999, bà bị đưa vào trại tạm giam Diêu Gia ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh chỉ vì luyện các bài công pháp Pháp Luân Công.
Trong trại tạm giam, bà Chu và các học viên khác kiên trì nhẩm đọc các bài giảng cũng như luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Kết quả là lính canh đánh đập, còng tay, xiềng xích và cấm bà Chu ngủ trong thời gian dài. Họ dùng tăm và kim chọc vào mặt, trán và lông mày của bà ngay khi bà vừa nhắm mắt. Đôi khi họ luân phiên tát vào mặt bà. Vì bà luôn bị xiềng xích, mắt cá chân của bà bị sưng lên và bị nhiễm trùng, lở loét. Khi trại tạm giam liên lạc với chồng của bà Chu để đưa bà về nhà, bà đang bị thương nặng và suy sụp tinh thần.
Bà Chu đã được đưa đến bệnh viện để điều trị thương tích trên cơ thể. Sau khi bà hồi phục, gia đình đư bà đến Bệnh viện Tâm thần Đại Liên và bà bị cưỡng chế tiêm thuốc độc làm tê liệt hệ thần kinh. Khi bà cự tuyệt, các bác sỹ trói tay chân của bà lại và chế tiêm thuốc cho bà.
5. Hai vợ chồng bị tra tấn, người chồng mất mạng
Ông Vu Trụ ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, là một nhạc công tài năng đã tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh. Ngày 26 tháng 1 năm 2008, ông cùng vợ là bà Hứa Na bị bắt trên đường về nhà sau một buổi biểu diễn. Ông bị bắt đến trại tạm giam quận Thông Châu ở Bắc Kinh. Chưa đầy 2 tuần sau đó, vào ngày 6 tháng 2, đúng vào Đêm giao thừa, gia đình ông nhận được thông báo ông qua đời. Ông hưởng dương 42 tuổi.
Ông Vu Trụ và bà Hứa Na
Bà Hứa vợ ông Vu Trụ là một họa sỹ và cũng là một học viên Pháp Luân Công. Bà bị kết án 5 năm tù vì đón các học viên ngoại tỉnh đến Bắc Kinh để kháng nghị phản bức hại. Bà bị tra tấn ở trong Nhà tù Nữ Bắc Kinh. Trong một bài báo, bà cho biết: “Tôi ước mình bị nhốt trong trại tập trung Auschwitz (Trại tập trung thời Đức Quốc Xã) chứ không phải nhà tù ở Trung Quốc. Một người có thể chết ngay lập tức trong phòng khí độc (hơi ngạt) của Đức Quốc Xã, nhưng ở Nhà tù Nữ Bắc Kinh thì họ sẽ khiến cho bạn sống không bằng chết.”
Bài liên quan:
Tỉnh Hắc Long Giang: Một người phụ nữ tử vong ở trong tù ngay trước khi mãn hạn tù hai ngày
Bà Tín Thục Hoa bị tra tấn, bị đe dọa mổ lấy nội tạng ở trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia
Những hình thức tra tấn mà tôi đã phải chịu trong nhà tù và các trại tạm giam Trung Quốc
Bị bắt 13 lần, ông Khương Quốc Ba đang trong tình trạng nguy kịch (Ảnh)
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/7/456511.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/2/207909.html
Đăng ngày 01-05-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.