Bài viết của Anh Tử, một phóng viên Minh Huệ ở Canada

[MINH HUỆ 03-08-2021] Trong một cuộc phỏng vấn gần đây ở Toronto, Canada, bà Lý Nga Anh, một học viên Pháp Luân Công, người gốc ở tỉnh Giang Tô, đã kể về trải nghiệm của bản thân về cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hơn hai thập niên qua.

e7b311130a6430bb41ad3dc83e611494.jpg

Bà Lý Nga Anh luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công trong một cuộc mít-tinh kỷ niệm 22 năm đàn áp Pháp Luân Công trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Canada

Bà Lý bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 khi còn học đại học. Bà nhận ra rằng các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn là điều bà đang tìm kiếm. Lúc đó bà ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô và tham gia vào luyện công tập thể mỗi sáng.

Vì số học viên tại điểm luyện công của bà ở Hán Trung Môn đang tăng lên nên bà và nhiều học viên khác đã dời đến một địa điểm gần Phố Phượng Hoàng và lập một điểm luyện công mới ở đó. Bà tích cực tổ chức học Pháp nhóm, luyện công tập thể và các hoạt động quảng bá môn tập, do đó trở thành điều phối viên của điểm luyện công mới này.

Khi ĐCSTQ phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công ba năm sau đó, bà trở thành mục tiêu nhắm đến của chính quyền vì từ chối từ bỏ đức tin. Cuộc bức hại cũng khiến bà trở thành nạn nhân và là nhân chức cho tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ.

Bị đuổi ngay sau khi sinh

Bà Nga Anh đã bị cảnh sát giám sát và đột kích vào nhà sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. Khi những tuyên truyền thù hận của ĐCSTQ tràn ngập trên các kênh truyền thông do nhà nước kiểm soát, bà đã tự hỏi tại sao bà tu luyện Pháp Luân Công. Pháp Luân Công có giống như những gì trên TV nói không? Cuối cùng bà nhận ra rằng tuyên truyền của ĐCSTQ là hoàn toàn bịa đặt. Sự thay đổi về cả tinh thần lẫn thể chất mà bà đã trải nghiệm thông qua tu luyện Pháp Luân Công đã đủ để thuyết phục bà rằng môn này là chân chính. Bà Lý quyết định làm theo lương tâm và tiếp tục con đường tu luyện bất kể tương lai ra sao và không bao giờ từ bỏ.

Sau khi nhiều điều phối viên tình nguyện ở các điểm luyện công địa phương bị bắt giữ, bà và nhiều học viên khác đã đến chính quyền tỉnh để thỉnh nguyện cho họ được thả. Bà nhớ lại: “Tất cả chúng tôi đều đứng trong ôn hoà và im lặng. Nhưng nhiều cảnh sát đã đến trong chưa đầy nửa giờ. Sau khi một đoàn xe chống bạo động đến, họ đưa chúng tôi đi. Cảnh sát lôi chúng tôi vào xe buýt một cách thô bạo và một cảnh sát đã cào vào tay tôi. Vì ở đó có rất nhiều học viên nên chúng tôi đều bị đưa đi giam giữ trong một trường trung học. Cảnh sát đã chụp hình từng người trong các phòng học. Chúng tôi phải cho họ biết tên và địa chỉ để được thả ra.”

Sau khi bà Nga Anh có thai, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà và thường xông vào nhà bà. Bà bị ép phải báo cáo cho đồn công an mỗi khi cảnh sát triệu tập bà. Ở đó, họ la hét và lăng mạ bà.

“Họ không chỉ sách nhiễu tôi vào ban ngày và còn thường xuyên gọi cho tôi lúc 2 hay 3 giờ sáng mà không có ai nói gì ở đầu dây bên kia. Thay vào đó, tôi nghe đủ mọi âm thanh đáng sợ và the thé. Họ thậm chí còn sách nhiễu tôi trước khi tôi sinh con một tuần bằng cách đi theo tôi đến bệnh viện để giám sát tôi.” Bà nhớ lại: “Người của uỷ ban dân cư địa phương đã đến nhà tôi mỗi ngày khi tôi sắp sinh con. Khi tôi đến bệnh viện sinh con, họ và cảnh sát đều đi theo tôi đến đó. Tôi hoàn toàn không có tự do.”

Sau khi bà trở về nhà từ bệnh viện, người của uỷ ban dân cư lập tức đến nhà để sách nhiễu và đe doạ bà. Trước khi đứa bé được một tháng tuổi, cảnh sát đã hăm doạ chủ nhà và ra lệnh cho ông ta phải đuổi bà. Họ cũng đến nhà bà mỗi ngày để đưa bà đi. Chủ nhà bất lực nói với Nga Anh: “Tôi biết cô là người tốt nhưng tôi không có lựa chọn nào cả. Nếu để cô ở đây thì tôi sẽ bị đe doạ. Hãy nhanh chóng dọn đi.”

Bà Nga Anh nhớ lại: “Không ai dám cho một học viên Pháp Luân Công thuê chỗ trong hoàn cảnh đó. Chúng tôi phải dọn ra ngoài. Một người bạn tốt sẵn lòng cho chúng tôi mượn nhà của anh ấy, và chúng tôi đã có một chỗ tạm thời để ở.”

“Tháng 8 năm 2002, khi con tôi được hai tuổi, tôi đã bị bắt vì phân phát tài liệu về cuộc bức hại. Anh tôi, người đang sống ở nước ngoài, đã quay lại Trung Quốc. Anh đã nhờ một người bạn bảo lãnh tôi ra. Tôi được thả sau 10 ngày bị giam.”

Bà Nga Anh nói: “Sau khi trở về nhà, cảnh sát đã sống trong nhà chúng tôi khoảng nửa tháng. Họ đã lấy đi máy in, máy tính và nhiều sách Pháp Luân Công của tôi. Cả gia đình tôi không được phép ra ngoài. Khi bảo mẫu ra ngoài mua tạp hoá, cảnh sát cũng theo cô ấy. Chồng tôi không tu luyện Pháp Luân Công vào thời điểm đó cũng bị bắt.”

Bị lấy mẫu máu

Tháng 10 năm 2014, con gái của bà Nga Anh, khi đó là học sinh lớp 7, đã bị giáo viên tố giác với chính quyền vì nói chuyện với các học sinh khác về cuộc bức hại Pháp Luân Công trại trường. Người của Đội An ninh Quốc gia đã đến trường để hăm doạ cô bé. Một tuần sau bà Nga Anh bị bắt.

Vào sáng ngày bị bắt, khi bà Nga Anh về nhà sau khi đưa con gái đến trường như thường lệ, cảnh sát đã xông vào nhà bà. “Cảnh sát của Sở Công an Vô Tích và Phòng 610 Quận Tân Hồ đều đến. Họ nói họ sẽ đưa tôi vào tù. Tôi bị đưa đến Đồn Công an Đông Gián.”

Khi đến đồn công an, cảnh sát đã lấy mẫu máu của bà. Mẫu máu được dán nhãn và đặt trong hồ sơ của bà. Bà Nga Anh thấy nhiều hồ sơ của học viên Pháp Luân Công ở đó, với thông tin chi tiết cá nhân của họ, gồm cả thông tin về họ hàng xa. Bà để ý rằng tại đồn công an chỉ có các học viên Pháp Luân Công là bị lấy mẫu máu dù có rất nhiều tù nhân trong xà lim.

Sau khi bà Nga Anh chuyển đến Canada vào khoảng tháng 12 năm 2019, cảnh sát thuộc Đội Anh ninh Nội địa của Tư Hưng, tỉnh Hồ Nam, đã đe doạ gia đình bà rằng họ sẽ xông vào nơi ở của bà Nga Anh ở Tư Hưng và tịch thu tài sản cá nhân của bà ở đó. Họ cũng hăm doạ gia đình bà để cố lấy thông tin liên lạc của bà.

Một gia đình ba người mất tích

Vào tháng 3 năn 2019, khi bà Nga Anh đón taxi từ thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô đến gần Thượng Hải, người tài xế, ngoài 30 tuổi, đã kể cho bà nghe câu chuyện của một trong những người bạn tiểu học của anh. Người tài xế ở tỉnh An Huy và gia đình người bạn học đều tu luyện Pháp Luân Công. Cả người tài xế và bạn học đều 10 tuổi khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999. Một ngày, một giáo viên nói với lớp rằng người bạn học đã nghỉ học vì cậu ấy đang bị áp lực tinh thần rất nhiều.

Bà Nga Anh nói: “Tôi không nghĩ đây là một lý do hợp lý. Cha mẹ ở Trung Quốc rất coi trọng giáo dục, và dường như không cha mẹ nào cho con nghỉ học ở tuổi đó hoặc cho con tự ý nghỉ học vì áp lực tinh thần. Người tài xế nói rằng cả gia đình người bạn đã biến mất sau đó và không ai trở về nhà.”

Bà Nga Anh nói rằng bà đã biết về nạn mổ cướp tạng sống của các học viên Pháp Luân Công do ĐCSTQ thực hiện sau khi bà rời khỏi Trung Quốc, điều này khiến bà nghi ngờ liệu bạn của người tài xế có thể là nạn nhân hay không.

Bà Nga Anh nhớ lại một báo cáo của Minghui.org về một nhân chứng từ Thượng Hải, người đang làm việc sửa sang nhà cửa ở Hoa Kỳ. Nhân chứng, ông Lục Thụ Hằng, đã kể chi tiết về những gì ông biết trong dây chuyền mổ cướp tạng. Ông nói rằng chị gái của chị dâu ông, Chu Thanh, đã trực tiếp tham gia mổ cướp tạng của các học viên Pháp Luân Công khi họ vẫn còn sống. Theo bà Chu, trong quá trình mổ cướp tạng sống, ban đầu các học viên hô lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, nhưng sau đó họ khóc và hét lên trong đau đớn. Có bốn hay năm bác sỹ quân y có mặt trong phòng phẫu thuật cùng các cảnh sát vũ trang đứng bên cạnh để bảo vệ hiện trường.

Bà Nga Anh nói rằng các học viên Pháp Luân Công sống ở vùng nông thôn Trung Quốc dễ bị nhắm làm mục tiêu mổ cướp tạng hơn vì họ không có tiền hay quyền lực, có ít khả năng tìm kiếm công lý cho bản thân và gia đình.

Ngày 17 tháng 6 năm 2019, Toà án Trung Quốc Độc lập, do Ngài Geoffrey Nice từ Anh quốc chủ trì, đã đưa ra phán quyết của ông tại Luân Đôn sau nhiều tháng điều tra về vấn đề mổ cướp tạng sống từ những tù nhân lương tâm ở Trung Quốc. Các thành viên của Toà án nhất trí tin tưởng rằng ĐCSTQ đã mổ cướp tạng từ những tù nhân lương tâm trong một thời gian dài và số lượng nạn nhân là rất lớn; các học viên Pháp Luân Công là nguồn tạng chính; và ĐCSTQ đã phạm tội ác chống lại loài người và tội ác tra tấn.

Toà án lần đầu tiên công bố Báo cáo Phán quyết dài đầy đủ 160 trang vào ngày 1 tháng 3 năm 2020, kèm theo 300 trang lời khai và tuyên bố của các nhân chứng. Ngài Geoffrey nói rằng không ai có thể bác bỏ hay phản đối phán quyết của toà án kể từ lần đầu tiên nó được công bố cho đến nay.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/3/429083.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/6/194472.html

Đăng ngày 15-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share