[MINH HUỆ 14-01-2021] Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc và trong mọi loại vi phạm nhân quyền trong thế giới hiện đại thì cưỡng bức thu hoạch nội tạng là hành động tàn bạo nhất được biết đến. Vấn nạn này được báo cáo lần đầu vào năm 2006 và được các luật sư nhân quyền gọi là “tội ác chưa từng có trên hành tinh này”.
Trong 14 năm qua, hơn 2.000 bản ghi âm và lời kể của các nhân chứng đã được thu thập, trong đó miêu tả chuỗi cung ứng nội tạng tàn ác với sự tham gia của chính quyền cộng sản, cảnh sát quân sự, và bệnh viện ở Trung Quốc.
Vào cuối tháng 12 năm 2020, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) đã công bố một tài liệu từ một nhân chứng cung cấp thông tin chi tiết về các mối liên hệ, cơ sở, quy trình, và mô tả về quy trình thu hoạch nội tạng.
Nhân chứng đã cung cấp thông tin, gồm cả một băng ghi âm, cho WOIPFG vào cuối năm 2016. Nhân chứng này ẩn danh vì lo ngại về an toàn cho đến tháng 12 năm 2020, khi ông cảm thấy buộc phải tiết lộ tên thật của mình và những gì ông biết về tội ác thu hoạch nội tạng.
Lời khai
Nhân chứng, ông Lục Thọ Hằng, sinh ra ở Trung Quốc vào năm 1950. Ông có thẻ xanh Hoa Kỳ vào năm 2016, và điều hành một công ty cải tạo nhà.
Khi ông Lục trở về Thượng Hải để thăm họ hàng vào năm 2002, người chị vợ Châu Thanh và chồng đã nhờ ông giúp giới thiệu các bệnh nhân Hoa Kỳ đến Thượng Hải để phẫu thuật cấy ghép nội tạng.
Bà Châu là Trưởng khoa phụ sản của Bệnh viện Phổ Đông, sau đó trở thành Chủ tịch Bệnh viện Uyển Bình. Chồng bà, ông Mao Thúc Bình, từng là Cục phó Cục Cải tạo Lao động Thượng Hải và sau đó là Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thượng Hải. Ông có quan hệ mật thiết với Ngô Chí Minh, khi đó là Bí thư Đảng ủy Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thượng Hải (PLAC). Ngô là cháu của Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kẻ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.
Trong một cuộc trò chuyện, ông Mao cho biết phí hoa hồng để giới thiệu một bệnh nhân ghép tạng có thể cao hơn nhiều so với lợi nhuận từ việc sửa chữa mấy căn nhà. Khi ông Lục hỏi có những loại phẫu thuật cấy ghép nào, ông Mao trả lời: “các cơ quan như thận, gan hoặc giác mạc”.
Theo các cuộc điều tra trước đó của WOIPFG, Bệnh viện Số 1 của Đại học Y Trung Quốc đã tính 60.000 USD cho ghép thận, 100.000 USD cho ghép gan và 150.000 USD cho ghép phổi và tim.
Khai thác nội tạng sống
Ông Lục làm chứng rằng bà Châu là một bác sỹ phẫu thuật có kinh nghiệm. Nhưng sau vài lần tham gia thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công, bà đã không làm nữa, bởi những cảnh tượng kinh hoàng thường khiến bà gặp ác mộng.
Trong quá trình bà Châu lấy nội tạng, các nạn nhân la hét vì đau đớn. Ông Lục đã từng hỏi tại sao bà Châu không tiêm thuốc mê cho họ. Bà giải thích: “Có những vị trí không nên tiêm thuốc mê, đặc biệt là những cơ quan dễ bị tổn thương.”
Cách thức thu hoạch nội tạng sống này hoàn toàn khác với cách thức cấy ghép bằng nội tạng của người hiến tạng bị chết não, thường được cộng đồng y tế chấp nhận.
Lời khai của ông Lục cũng xác nhận rằng các nạn nhân bị đẩy vào phòng phẫu thuật trong tình trạng bị trói, là học viên Pháp Luân Công, vì họ kêu: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Điều này cho thấy ít nhất hai điều: thứ nhất, họ là những học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, chứ không phải là tử tù như ĐCSTQ đã tuyên bố là nguồn cung nội tạng cho đến năm 2015; thứ hai, họ là những người khỏe mạnh, còn tỉnh táo, chứ không phải những người hiến tạng bị chết não.
Một chuỗi cung ứng công nghiệp
Khi bà Châu thực hiện phẫu thuật nội tạng vào năm 2002, bà không thực hiện ở Bệnh viện Phổ Đông, nơi bà làm việc. Bà tiến hành việc này ở Bệnh viện Cảnh sát Vũ trang Thượng Hải, vốn không nằm trong danh sách các cơ sở y tế được cấp phép ghép tạng. Hơn nữa, bệnh viện này lại được nhận một trong những danh hiệu “Bệnh viện kiểu mẫu đáng tin cậy của nhân dân” vào năm 2004.
Điều này khẳng định sự tham gia sâu rộng của các bệnh viện quân đội trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng, bao gồm cả những cơ sở không có giấy phép ghép tạng.
Bên cạnh các bệnh viện quân đội, một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng là những nơi giam giữ các học viên Pháp Luân Công, đặc biệt là các trại lao động và nhà tù, nơi các học viên bị giam giữ trong thời gian dài. Cả trại lao động (đã bị bãi bỏ vào năm 2013) và nhà tù đều hoạt động dưới sự quản lý của sở tư pháp mà ông Mao, chồng bà Châu, giám sát.
Nhờ lập trường cứng rắn trong vụ Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 mà Giang Trạch Dân đã trở thành lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ. Tương tự, nhiều quan chức theo sát chính sách bức hại Pháp Luân Công của ông ta đã được thăng chức. Mao là một trong những trường hợp như vậy. Sau khi có được sự tin tưởng của Ngô, cháu trai của Giang và là Giám đốc Sở cảnh sát Thượng Hải, kẻ cầm đầu cuộc bức hại ở khu vực này, Mao đã biết được nhiều thông tin nội bộ, rồi trở thành đồng phạm và đi theo Giang trong tội ác thu hoạch nội tạng.
Để tiếp tục lạm dụng chuỗi cung ứng này để thu lợi cho bản thân, Mao còn sắp xếp để vợ mình lấy nội tạng tại Bệnh viện Cảnh sát Vũ trang Thượng Hải. Hơn nữa, ông ta đã nhờ bạn bè và người thân như ông Lục tìm thêm bệnh nhân từ nhiều nơi, kể cả Hoa Kỳ.
Tội ác đen tối trong hệ thống tư pháp Trung Quốc không chỉ dừng ở thu hoạch nội tạng. Mao cho biết ông và các quan chức khác trong hệ thống tư pháp cũng chấp nhận các yêu cầu hoán đổi tù nhân và sử dụng tù nhân để làm thí nghiệm y tế. Yêu cầu hoán đổi tù nhân đến từ các quan chức cấp cao hơn ở Bắc Kinh, họ yêu cầu chuyển các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở các cơ sở do Mao giám sát đến các cơ sở ở Bắc Kinh. Đổi lại, một số tù nhân không phải học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh sẽ được đưa đến Thượng Hải.
Sau các phong trào chính trị như Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ đã tử hình một số quan chức cấp thấp làm con dê tế thần để xoa dịu sự tức giận của công chúng. Để chuẩn bị cho tình huống này, Mao cho biết ông đã lưu các giấy tờ yêu cầu hoán đổi tù nhân và ghi lại các cuộc điện thoại liên quan. Ông nói: “Tôi đã lưu lại một bản sao của những tài liệu này.”
Cảnh cáo và đe doạ
Để dụ dỗ ông Lục tìm bệnh nhân cấy ghép cho họ, bà Châu và ông Mao đã tiết lộ thông tin nội bộ trên khi ông sang thăm Thượng Hải vào năm 2002. Sau khi vụ cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ lần đầu tiên bị phanh phui vào năm 2006, hai vợ chồng này cảm thấy áp lực và đã đe dọa ông Lục phải giữ im lặng.
Những người khác trong gia đình cũng tham gia vào việc bịt miệng ông Lục. Năm 2010, con rể bà Châu nói với ông Lục rằng, nếu ông lên tiếng về nạn thu hoạch nội tạng, anh ta sẽ tìm cách để chính phủ Hoa Kỳ trục xuất ông về Trung Quốc.
Ông Lục đáp: “Không đời nào!”
Con rể bà Châu giải thích: “Ông quá ngây thơ rồi. Ông sẽ có hành lý ký gửi hoặc các chuyến hàng khác đến Hoa Kỳ, đúng không? Chúng tôi sẽ đặt gì đó vào. Hoa Kỳ sẽ trục xuất ông khi họ phát hiện ra ông có ma túy.“
Ông Lục biết lời đe dọa này không phải là vô căn cứ, vì ông đã từng nghe những câu chuyện như thế này.
Vào năm 2013, chị vợ của ông Lục, em gái của bà Châu, cũng cảnh báo ông Lục không được tiết lộ với người khác về việc thu hoạch nội tạng.
Tiếng gọi của lương tâm
Bất chấp rủi ro, ông Lục quyết định vạch trần tội ác bằng tên thật của mình. Ông giải thích: “Tôi không thể im lặng lâu hơn nữa. Vì tôi biết cách thức ĐCSTQ thu hoạch nội tạng, tôi cần phải lên tiếng.”
Hành động dũng cảm và lương tâm này sẽ giúp chấm dứt cuộc bức hại, tra tấn và thu hoạch nội tạng mà các học viên vẫn đang phải đối mặt.
Trong 14 năm kể từ khi hành vi thu hoạch nội tạng tàn ác được báo cáo công khai, nhiều người đã tránh đề cập đến chủ đề này vì nó quá “vô nhân đạo”. Nhưng cái ác không dừng lại chỉ vì chúng ta phớt lờ nó. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi Jan Karski nói với các quan chức Hoa Kỳ, gồm cả Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thẩm phán Tòa án Tối cao Felix Frankfurter về những gì ông trực tiếp chứng kiến về tội ác đối với người Do Thái Ba Lan, mọi người đều bác bỏ.
Ông Frankfurter, cũng là người Do Thái, nói: “Tôi không thể tin lời ông nói.“
“Felix, ông không thể nói thẳng với người đàn ông này rằng anh ta đang nói dối”, Đại sứ Ba Lan nói. “Anh ấy đại diện cho chính phủ tôi.”
“Ngài Đại sứ, tôi không nói rằng người thanh niên này đang nói dối. Tôi chỉ nói rằng tôi không thể tin được anh ta”, ông thẩm phán trả lời. “Là khác nhau mà.”
Chúng ta có thể đã học được từ nhiều sự đau thương dưới các chế độ độc tài. Mặc dù các quan chức ĐCSTQ đã cố gắng che giấu tội ác và xóa dấu vết của họ, những nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công và các nhà điều tra độc lập đã tìm ra một lượng lớn bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Một tòa án nhân dân độc lập ở London được thành lập để điều tra nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc. Tòa án đã công bố những phát hiện của mình vào ngày 17 tháng 6 năm 2019 và kết luận rằng ĐCSTQ đã thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc trong nhiều năm, và tội ác này vẫn còn tiếp diễn.
Tòa án đã xem xét lời khai của 29 nhân chứng và 26 chuyên gia trong hai phiên điều trần. Bằng chứng bao gồm cả những học viên Pháp Luân Công đã nhiều lần bị lấy mẫu máu trái với ý muốn của họ, cũng như các đoạn ghi âm cuộc nói chuyện qua điện thoại với các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ, các quan chức quân sự cấp cao, các bác sỹ và những người môi giới ghép tạng.
Chủ tọa phiên tòa, ngài Geoffrey Nice, một chuyên gia hàng đầu về luật nhân quyền cho biết: “Kết luận cho thấy rất nhiều người đã chết một cách rùng rợn không thể diễn tả được không vì lý do nào hết.”
Năm 2020, thế giới đã trải qua nhiều thách thức, từ đại dịch virus corona cho đến cuộc tổng tuyển cử ở Hoa Kỳ. Khi chúng ta bước vào năm 2021 với không ít bất ổn, việc suy ngẫm về những điều căn bản – như làm người tốt và đi theo lương tâm – có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.
Xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử, người Trung Quốc luôn tin rằng “thiện ác hữu báo”. Ở phương Tây có câu: “Chúa sẽ giúp những người tự giúp mình”.
Chúng tôi hy vọng nhiều người hơn nữa, bất kể họ ở đâu, ở Trung Quốc, Hoa Kỳ hay đâu đó trên thế giới, hãy giữ vững các nguyên tắc đạo đức và lên tiếng chống lại chế độ cộng sản độc tài Trung Quốc. Cho dù đại dịch và các hỗn loạn khác có xảy ra thế nào, Thần vẫn đang dõi theo chúng ta. Tương lai của mỗi người, kể cả sức khỏe và sự an toàn, đều phụ thuộc chủ yếu vào sự trung thực và chính trực của họ, cũng như lựa chọn sẽ làm điều đúng đắn trong giai đoạn khó khăn này.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/14/418525.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/17/189952.html
Đăng ngày 23-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.