Bài viết của Cao Vi Vi và Cao Ly Ly

[MINH HUỆ 26-10-2014] Tiếp theo Phần 3

Mười năm trước, các cai ngục đã dùng dùi cui điện sốc lên mặt cô Cao Dung Dung trong vòng hơn bảy giờ đồng hồ. Cuối cùng khi họ dừng lại, máu và tóc vẫn còn dính trên lớp da đã bị đốt cháy, các vết bỏng giộp trên mặt và cổ của cô. Loạt bài này nhắc lại sự kinh khủng mà cô Cao đã phải chịu đựng, từ góc độ nhìn nhận của các thân nhân của cô.

Cô Cao bị giữ trong một khu bệnh viện được canh gác cẩn mật gần năm tháng cho đến khi cô được một nhóm các học viên Pháp Luân Công giải cứu, tuy nhiên sáu tháng sau cô lại bị bắt trở lại. Cô đã bị tra tấn đến chết vào ngày 16 tháng 06 năm 2005. Khi đó cô 37 tuổi.

Cô Cao Dung Dung trở thành một trường hợp điển hình trong cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện dựa trên các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. “Tội” duy nhất của cô đó là kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Đã hơn chín năm trôi qua kể từ cái chết của cô, nhưng cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn chưa chấm dứt. Hai chị gái của cô hiện giờ đang sống ngoài Trung Quốc muốn chia sẻ nỗi đau của gia đình họ với công chúng với hi vọng rằng nhiều người hơn nữa có thể nhìn thấu bản chất tàn bạo của ĐCSTQ và đứng lên phản đối cuộc đàn áp vô nghĩa.

Trong loạt bài bốn phần này, các chị gái của cô Cao kể lại chi tiết các sự kiện đã diễn ra trong thời gian từ ngày 14 tháng 03 năm 2004, ngày mà họ phát hiện ra em gái mình bị tra tấn, đến ngày 16 tháng 06 năm 2005, ngày mà cô qua đời.

Phần 4: thỉnh nguyện đòi công lý cho Dung Dung khiến gia đình bị sách nhiễu, và cô bị tra tấn đến chết

Viện kiểm sát thành phố cấu kết với Trại lao động

Có người bảo chúng tôi rằng có một Viện kiểm sát thành phố giữ nhiệm vụ giám sát trại lao động nơi Dung Dung đang bị giam giữ, nên nếu chúng tôi muốn kiến nghị thì có thể gửi đơn tới đó. Thật không dễ để tìm ra Viện kiểm sát – Thực tế thì tựa như họ không muốn bị tìm thấy. Nhưng dù thế nào thì cuối cùng chúng tôi cũng đã gửi được đơn kiến nghị và có cơ hội gặp mặt với các viên chức tại đó.

Tuy nhiên, buổi gặp mặt không thực sự mang lại điều gì. Các viên chức dường như quan tâm nhất đến thực tế rằng chúng tôi chỉ là các thường dân mà lại có thể liên hệ trực tiếp với họ, và hỏi nhiều câu hỏi xem chúng tôi đã hỏi [thông tin từ] ai và làm sao biết họ. Họ không thể hiện sự cảm thông cho hoàn cảnh của chị em chúng tôi và có lẽ họ cảm thấy sẽ bớt lãng phí thời gian hơn nếu bỏ qua khiếu nại của chúng tôi. Chúng tôi biết rằng một số viên chức này cũng chính là những người điều hành trại lao động cưỡng bức quanh năm, vì vậy chúng tôi đã mong đợi một vài phản kháng. Nhưng họ đã khiến chúng tôi ngạc nhiên bằng cách quay ra tra khảo chúng tôi.

Họ hăm dọa, chất vấn chúng tôi, muốn biết xem chúng tôi có phải cũng là các học viên Pháp Luân Công không. Vi Vi đáp lại: “Đúng vậy, chúng tôi là những học viên Pháp Luân Công. Chúng tôi tin vào nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Thế thì là xấu sao?” Viên chức đang chất vấn chúng tôi cúi đầu giữ im lặng. Chúng tôi rời đi trong tâm trạng rất nặng nề, vì tình trạng của Dung Dung và cũng vì thái độ của viên chức kia. Anh ta làm điều này vì lợi ích của bản thân mình hay cũng giống như vô số những người khác, anh ta đã bị những lời dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc lừa gạt?

Viện kiểm sát tỉnh từ chối tiếp nhận “các vụ việc Pháp Luân Công”

Vì Viện kiểm sát thành phố đã phớt lờ lời thỉnh nguyện của chúng tôi, chúng tôi đã phải thỉnh nguyện tới cơ quan cấp cao hơn – Viện kiểm sát tỉnh Liêu Ninh. Không ngạc nhiên khi chúng tôi bị chặn ở văn phòng đăng ký vì họ “không cho phép tiếp nhận các vụ việc liên quan đến Pháp Luân Công.”

Chúng tôi nhất quyết không chịu đi và kiên quyết ở lại đó cho đến có người nào đó đã đồng cảm gọi giúp chúng tôi văn phòng giám sát kiểm sát. Chúng tôi được một viên chức quan tâm, ông kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của chúng tôi và nói rằng mặc dù ông không thể trực tiếp tiếp nhận các vụ liên quan đến Pháp Luân Công, nhưng ông có thể giúp chúng tôi cách khác. Nhờ được ông giúp đỡ, cuối cùng chúng tôi đã đăng ký được vụ việc của Dung Dung với Viện kiểm sát tỉnh Liêu Ninh. Nhưng sau đó yêu cầu của chúng tôi lại bị chuyển trở lại Viện kiểm sát thành phố Thẩm Dương.

Viện kiểm sát cấp thành phố chuyển tiếp vụ việc lên cấp tỉnh

Rất mừng là nhân viên mà chúng tôi nói chuyện tại Viện kiểm sát Thẩm Dương là một người tốt. Anh nói rằng việc giám định các thương tích của em gái chúng tôi sẽ không gặp vấn đề gì cả. Nhưng nếu muốn vụ của Dung Dung nhận được sự quan tâm đặc biệt thì chúng tôi không nên để Viện kiểm sát tự giám định, vì nếu như vậy thì vụ việc sẽ chỉ được giữ ở cấp thành phố.

Anh ấy khuyên chúng tôi rằng nếu nộp đơn xin giám định thương tích tới Viện kiểm sát thành phố Thẩm Dương, có lẽ họ sẽ tự mời các chuyên gia từ Viện kiểm sát tỉnh Liêu Ninh tới làm giám định, vì vậy đưa vụ việc này lên cấp tỉnh sẽ nhận được sự quan tâm đúng mức hơn.

Các viên chức cấp tỉnh cố gắng từ chối vụ việc

Chúng tôi chỉ được phép vào Viện kiểm sát tỉnh Liêu Ninh một lần – khi Tần Xuân Thực, trưởng phòng giám sát kiểm sát Viện kiểm sát, gọi chúng tôi tới phòng làm việc của ông ta. Tần để lại ấn tượng cho chúng tôi là một người cộc cằn và luôn cố gắng tránh xa chúng tôi khi chúng tôi vào phòng làm việc của ông ta.

Vẫy vẫy bức ảnh khuôn mặt biến dạng của Dung Dung trong tay, ông ta nói với chúng tôi: “Đừng có ghi lại những gì tôi nói, hiểu không? Hãy để vụ việc của Dung Dung lại cho tôi, và đừng đưa vụ này đến chỗ nào khác nữa. Tôi đã thu xếp nhiều vụ việc cho phó thị trưởng trước đây. Các cô không cần phải gặp ai khác nữa.” Lúc đó, tôi không hiểu chính xác ý ông ta là gì. Chúng tôi nghĩ điều này nghĩa là ông ta ít nhất sẽ bắt đầu một số bước điều tra vụ của Dung Dung – chắc chắn đối với một người quyền lực như ông ta, thì việc này không khó.

Trong khoảng thời gian đó, Dung Dung đầu tiên bị chuyển từ Trại lao động cưỡng bức Long Sơn tới Bệnh viên Đa khoa Quân đội, sau đó tới Bệnh viện Cảnh sát và sau đó là tới Bệnh viện số 1 Đại học Y khoa Thẩm Dương. Suốt toàn bộ quá trình, cô ấy luôn bị trại lao động cưỡng bức giám sát. Mọi thứ được ghi chép lại khá rõ ràng, không có gì cản trở việc công khai điều tra. Nhưng sau một khoảng thời gian không thấy có động tĩnh gì, chúng tôi dần nhận ra rằng Tần Xuân Thực chỉ muốn chúng tôi giữ im lặng và ngăn không cho vụ việc của Dung Dung được đưa đến những cơ quan khác. Cấp trên của ông ta từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Phòng 610 đã yêu cầu ông ta làm như vậy, và ông ta là ai mà dám không vâng lệnh?

Người giám định phẫn nộ: “Các người đúng là phát xít!”

Vào ngày 01 tháng 07 năm 2004, bốn cảnh sát từ Viện kiểm sát thành phố Thẩm Dương và Phòng Công tố viên thành phố Thẩm Dương đã đến bệnh viện nơi Dung Dung đang bị giữ để điều tra vụ việc của cô. Họ đã tiến hành nhiều ghi chép và chụp các bức ảnh về Dung Dung.

Một vài người trẻ tuổi trong đội điều tra đã bị sốc khi thấy tình trạng của Dung Dung và vô cùng cảm thông cho cô. Một người phụ nữ trẻ phải nâng tóc của Dung Dung lên để chụp ảnh nhưng tóc đã bị mắc kẹt trong tai và cổ của cô vì các vết phồng rộp do bị sốc điện. Người phụ nữ trẻ nhẹ nhàng chạm vào mái tóc của Dung Dung và nói: “Tôi thật sự xin lỗi – Tôi hy vọng không làm chị đau! Tôi chỉ muốn chụp hình cổ chị cho rõ để làm tư liệu cho vụ việc. Chỉ một cái thôi.” Sau khi làm xong, cô tháo kẹp tóc của mình ra và dùng nó để kẹp tóc cho Dung Dung.

Người đàn ông trẻ đang cầm đèn chiếu cố hết sức đứng gần Dung Dung để soi rõ vết thương của cô, cố gắng để không chạm phải đôi chân và bàn chân bị thương của cô ấy. Vào ngày 08 tháng 07 năm 2004, Viện kiểm sát thành phố Thẩm Dương đã mời các bác sĩ từ Viện kiểm sát tỉnh Liêu Ninh tới giám định vết thương của Dung Dung và thu thập bằng chứng. Ngay khi các bác sĩ bước vào phòng và thấy các chấm trắng trên mắt cá chân và tay của Dung Dung, họ đã rất tức giận.

Sau đó họ xem xét phần cổ và khuôn mặt đã bị biến dạng của Dung Dung. Người ta khó có thể nhận ra những nét đặc trưng trên phần còn lại của khuôn mặt Dung Dung. Da mặt của cô đồng thời bị lột nhiều lớp. Thật thần kỳ là cô còn có thể nhìn được, mắt của cô chỉ còn là một khe nhỏ trên khuôn mặt.

Một trong các bác sĩ trưởng đã lập tức xông ra ngoài đối chất với viên cảnh sát đang trực ở hành lang. Ông gào lên: “Các người đúng là phát xít! Tra tấn là trò bẩn thỉu, hèn hạ của Cách mạng Văn hóa, không phải của xã hội ngày nay! Sao các người có thể làm ra chuyện này! Cô ấy đã làm gì sai để phải chịu đựng điều này?” Tất cả những người tham gia cuộc điều tra đã kinh hoàng khi thấy em gái chúng tôi bị tra tấn tàn nhẫn và máu lạnh. Cả những người trẻ tuổi và nhiều tuổi, từng trải lẫn chưa từng trải đều vô cùng giận giữ khi thấy Dung Dung bị đối xử như vậy.

Không ai có thể tin được hình thức trừng phạt tàn độc và bất thường này có thể tồn tại, đặc biệt lại được áp dụng cho những người tốt mà “tội” duy nhất của họ là tin theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Các bác sĩ nói với chúng tôi: “Ngay khi có kết quả giám định thương tích, Dung Dung có lẽ sẽ được thả về nhà. Họ không thể để cô ấy lại với những tên tội phạm này trong khi những vết thương nghiêm trọng của cô ấy đang phục hồi. Những tên tội phạm đó sẽ bị xét xử trước pháp luật – gây thương tích đến biến dạng cho người khác cũng nặng như tội cưỡng bức, xứng đáng bị tử hình.”

Sách nhiễu trong suốt quá trình điều tra và sau điều tra

Từ ngày phát hiện ra khuôn mặt của Dung Dung đã bị biến dạng vì tra tấn, chúng tôi bị tai mắt của Ủy ban Chính trị và Pháp luật và Phòng 610 giám sát. Chúng tôi thường thoát hiểm trong gang tấc. Thật vô ích khi tìm kiếm công lý – tất cả các cơ quan của chính phủ và tư pháp được lệnh không giải quyết các vấn đề liên quan đến Pháp Luân Công và cơ quan kiểm duyệt truyền thông cũng cấm họ giúp đỡ chúng tôi.

Để ngăn chúng tôi công khai các kết quả điều tra thương tích của Dung Dung, các nhân viên từ Phòng 610 Thẩm Dương và Ủy ban Chính trị và Pháp luật thường xuyên tới lui bệnh viện vào ngày 1-2 tháng 07 năm 2004. Mục đích của họ là quấy rối và ngăn không cho người khác thăm cô ấy. Thật kỳ lạ là việc này rất khớp với khoảng thời gian cuộc điều tra của Viện kiểm sát diễn ra.

Các lính canh từ Trại lao động cưỡng bức Long Sơn phân công thay phiên nhau giám sát và sách nhiễu Dung Dung vào ngày 1-2 tháng 07 năm 2004.

Trong quá trình điều tra, các nhân viên Vương Huệ và Lưu Cách đã hỏi chúng tôi các câu hỏi để ghi chép lại. Họ muốn biết bằng cách nào chúng tôi có được những bức ảnh của Dung Dung và ai đã chụp những bức ảnh đó. Kết quả phim chụp X-quang lần kiểm tra sức khỏe của Dung Dung cũng biến mất một cách bí ẩn vào một đêm, trong khi nữ cảnh sát Vương Xuân Mỹ đang trực gác trong phòng. Cuối cùng chúng tôi đã thấy chúng trong tủ đựng tài liệu của cảnh sát, được cất dấu để tiêu hủy.

Họ cũng đã nói chuyện với Dung Dung. Khi cô ấy nói với họ rằng năm học viên khác tại Trại Long Sơn cũng đã bị sốc bằng dùi cui điện tương tự cô, họ đã phớt lờ. Lưu Cách quay lại cùng Lô Tĩnh Thần từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật và Ngụy Quân từ Phòng 610 vào sáng hôm sau. Họ nói với Dung Dung rằng: “Các lãnh đạo thành phố đã đặc biệt chú ý đến vụ việc của cô.” Họ quay lại vào buổi chiều cùng một lãnh đạo khác từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật, ông Lý. Trong khi nói chuyện với Dung Dung, Lý đã định bóc lớp vảy trên mặt của Dung Dung. Chúng tôi đã ngăn ông ta lại trước khi ông ta có thể làm điều đó, sau đó họ đã vội vã rời đi.

Lưu Cách và Vương Huệ đến bệnh viện lần thứ tư vào buổi tối và đòi chúng tôi cho thông tin cá nhân. Chúng tôi đã từ chối nói cho họ biết, vì vậy họ đã rất bực mình. Trong khoảng thời gian này, có nhiều người lạ vào phòng đứng bên giường của Dung Dung. Khi chúng tôi hỏi họ là ai, họ liền rời đi mà không nói gì.

Kể từ sau đó, mọi khía cạnh cuộc sống của Dung Dung bị giám sát nghiêm ngặt. Các lính canh từ Trại lao động cưỡng bức Long Sơn đến gác phòng của Dung Dung trong bệnh viện cả ngày và cũng tuần tra cả các hành lang của bệnh viện. Họ nói về Dung Dung bằng giọng điệu mỉa mai, và đùa cợt những thương tích của cô ấy. Ai vào bệnh viện thăm cũng phải bị kiểm tra giấy tờ. Nhà của Dung Dung cũng bị giám sát. Các lính canh và cảnh sát có lẽ cũng rất mệt mỏi, và thường hỏi bác sĩ: “Khi nào cô ta chết?”

Nhưng chúng tôi cũng cần phải cảnh giác. Một đêm, khi chúng tôi rời phòng Dung Dung, nữ cảnh sát Vương Xuân Mỹ bắt đầu lắc cơ thể yếu đuối của Dung Dung và hét lên với cô. Vương cũng bảo đồng nghiệp của mình Tô Chí Trung bóc lớp vảy trên mặt Dung Dung – nếu chúng tôi đến đó muộn hơn một chút, họ có lẽ đã làm vậy. Chúng tôi nói với Vương rằng chúng tôi sẽ kiện cô ta nếu cô ta còn tiếp tục manh động.

Để thương tích của Dung Dung nặng hơn, Lưu Ba từ Cục Tư pháp, Lý Phượng Thạch và đội trưởng các lính canh tại Trại lao động cưỡng bức Long Sơn, đã gây áp lực cho quản lý của bệnh viện ép họ không được tiết lộ bất cứ thông tin gì về tình hình sức khỏe của Dung Dung.

Giải cứu Dung Dung

Nhiều học viên Pháp Luân Công tại địa phương rất lo lắng cho Dung Dung nên đã nhiều lần tới bệnh viện thăm cô, lặng lẽ hỗ trợ cô. Một nữ học viên đã bí mật vào phòng gặp Dung Dung trong khi lính canh ra ngoài phòng và sau khi thấy Dung Dung bị ngược đãi như vậy, quả thực cô không muốn rời đi. Khi lính gác Tô Chí Trung trở lại và thấy có người đến thăm Dung Dung, anh ta đã đánh đập và chửi bới học viên đó. Họ đưa cô tới phòng an ninh của bệnh viện và chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra với cô sau đó.

Tuy nhiên, vào ngày 05 tháng 10 năm 2004, một số học viên Pháp Luân Công tại địa phương đã tìm cách giải cứu Dung Dung khỏi bệnh viện – nơi họ đã giam giữ cô gần năm tháng. Phòng 610 có phản ứng tức thời. Họ gần như đã không bỏ sót ngóc ngách nào để tìm Dung Dung. Toàn bộ gia đình chúng tôi, cùng những nơi chúng tôi làm việc, đều bị họ sách nhiễu tra hỏi về tung tích của Dung Dung.

Một xe lưu động (RV – Recreational Vehicle) được đặt bên ngoài nhà bố mẹ chúng tôi ở Thẩm Dương và các lính canh đã ở đó cả ngày lẫn đêm, để theo dõi cha mẹ chúng tôi. Các hàng xóm sau đó kể với chúng tôi rằng các lính canh thậm chí còn theo dõi cả thư từ của họ mỗi ngày, một vài lính canh đứng gác bên ngoài cửa nhà bố mẹ chúng tôi. Vì an toàn, nên chúng tôi đã không bao giờ quay lại Thẩm Dương nữa.

Để ngăn không cho chúng tôi đưa Dung Dung ra nước ngoài, những người lãnh đạo đứng đầu Đảng là Giang Trạch Dân, La Cán và Chu Vĩnh Khang – cũng chính là những người chịu trách nhiệm đối với toàn bộ cuộc đàn áp – đã lệnh cho các quan chức tại Thẩm Dương tập hợp một lực lượng đặc nhiệm để tìm kiếm Dung Dung.

Một trạm phát thanh địa phương thậm chí còn phát thông báo công khai rằng: “Một phụ nữ trẻ tuổi tên là Cao Dung Dung đã bị bắt cóc và Cục Tư pháp đang thay mặt cha mẹ cô ấy tìm cô. Nếu ai nhìn thấy cô ấy, xin hãy báo cảnh sát. Cha mẹ cô xin cảm ơn và hậu tạ.”

Các đồn cảnh sát, trạm xe lửa, cơ quan vận chuyển công cộng và chính quyền các vùng lân cận ở những quận và thành phố gần đó đều nhận được thông báo từ Cục Tư pháp Thẩm Dương để mắt đến Dung Dung.

Lần bắt giữ cuối cùng và cái chết của Dung Dung

Dung Dung và các học viên đã giúp đỡ cô, cố tìm cách lẩn trốn. Nhưng không lâu sau, họ đã bị phát hiện và bắt giữ vào ngày 06 tháng 03 năm 2005.

Cha mẹ chúng tôi biết Dung Dung bị đưa tới Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng. Tuy nhiên, họ đã không nói với chúng tôi về việc này vì họ không muốn chúng tôi bị liên lụy. Đây là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng chúng tôi nghe được tin tức về cô ấy.

Vào ngày 16 tháng 06 năm 2005, em gái Cao Dung Dung của chúng tôi đã bị bức hại đến chết. Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với cô ấy trong ba tháng cuối cùng, trừ việc em bị biệt giam. Cha mẹ chúng tôi muốn đến trại lao động nhiều lần để thăm Dung Dung, nhưng họ đã không bao giờ được gặp cô ấy. Túc Kính, lãnh đạo trại lao động cưỡng bức, thậm chí còn nói với họ rằng Dung Dung đang rất tốt. Khi mẹ của chúng tôi cứ khăng khăng muốn tận mắt thấy Dung Dung ra sao, Túc Kính đã lệnh cho cảnh sát địa phương bắt giữ bà.

Chúng tôi cũng nghe tin rằng La Cán, cựu lãnh đạo Phòng 610, người đã lệnh cho các quan chức địa phương giải quyết vụ việc một cách kín đáo và kiểm duyệt các thông tin về những bức hại mà Dung Dung đã phải chịu.

Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng Bộ Công an, thậm chí còn đích thân tới Thẩm Dương để chỉ đạo vụ bắt giữ, tăng cường bức hại Dung Dung và những người giải cứu cô ấy.

Sau khi Dung Dung qua đời, Viện kiểm sát đã đưa tất cả tài liệu về cô tới Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Phòng 610 cũng lấy hồ sơ của Dung Dung tại Học viện Nghệ thuật Lỗ Tấn, nơi Dung Dung làm việc. Các thông tin xác minh về Dung Dung đã hoàn toàn bị tiêu hủy.

Chúng tôi không bao giờ có cơ hội nhìn thấy thi thể Dung Dung, các quan chức đã thủ tiêu gần như ngay lập tức.

Phần kết

Viết ra loạt bài này thật không dễ dàng đối với chúng tôi – cho tới hôm nay, hồi tưởng lại những chuyện này không khỏi gợi lại những đau đớn, sức ép và sự sợ hãi mà chúng tôi phải chịu đựng trong suốt khoảng thời gian đó. Dung Dung thật can đảm. Cô ấy đã dùng mạng sống của chính mình để vạch trần sự tàn bạo và sự thật xấu xa đằng sau chế độ Cộng sản tại Trung Quốc ra trước thế giới.

Có lẽ những thủ phạm sẽ không bao giờ hiểu được tại sao Dung Dung lại kiên định vào đức tin của mình như vậy. Và ít có điều gì có thể lay chuyển một người một khi họ đã tìm được đức tin chân chính của mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/10/6/298484.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/10/26/146568.html

Đăng ngày 09-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share