[MINH HUỆ 05-10-2014] Tiếp theo Phần 2
Mười năm trước, các cai ngục đã dùng dùi cui điện sốc lên mặt cô Cao Dung Dung trong vòng hơn bảy giờ đồng hồ. Cuối cùng khi họ dừng lại, máu và tóc vẫn còn dính trên lớp da đã bị đốt cháy, các vết bỏng giộp trên mặt và cổ của cô. Loạt bài này nhắc lại sự kinh khủng mà cô Cao đã phải chịu đựng, từ góc độ nhìn nhận của các thân nhân của cô.
Cô Cao bị giữ trong một khu bệnh viện được canh gác cẩn mật gần năm tháng cho đến khi cô được một nhóm các học viên Pháp Luân Công giải cứu, tuy nhiên sáu tháng sau cô lại bị bắt trở lại. Cô đã bị tra tấn đến chết vào ngày 16 tháng 06 năm 2005. Khi đó cô 37 tuổi.
Cô Cao Dung Dung trở thành một trường hợp điển hình trong cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện dựa trên các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. “Tội” duy nhất của cô đó là kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.
Đã hơn chín năm trôi qua kể từ cái chết của cô, nhưng cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn chưa chấm dứt. Hai chị gái của cô hiện giờ đang sống ngoài Trung Quốc muốn chia sẻ nỗi đau của gia đình họ với công chúng với hi vọng rằng nhiều người hơn nữa có thể nhìn thấu bản chất tàn bạo của ĐCSTQ và đứng lên phản đối cuộc đàn áp vô nghĩa.
Trong loạt bài bốn phần này, các chị gái của cô Cao kể lại chi tiết các sự kiện đã diễn ra trong thời gian từ ngày 14 tháng 03 năm 2004, ngày mà họ phát hiện ra em gái mình bị tra tấn, đến ngày 16 tháng 06 năm 2005, ngày mà cô qua đời.
Phần 3: Dung Dung liên tục bị giám sát tại Bệnh viện số 1 Đại học Y Trung Quốc
Ngày 18 tháng 05, Dung Dung bị đưa trở lại Phòng phẫu thuật chỉnh hình số 2, tại Bệnh viện số 1 Đại học Y Trung Quốc. Các lính canh rất lo lắng và không muốn ai thấy cô. Tuy nhiên, vì lúc này cô đã quá yếu và vì một số cán bộ y tế phải có mặt trong lúc vận chuyển, nên họ đã gọi một xe cứu thương.
Mặt của Dung Dung đầy những vết bỏng do bị tra tấn bằng dùi cui điện. Cô cũng bị gẫy xương do cố gắng trốn thoát.
Trong quá trình làm thủ tục nhập viện, nhiều người đã kéo đến xem. Họ đã rất sốc và chúng tôi đã phải đứng lại nhiều lần để giải thích cho họ về chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi nói: “Vụ tự thiêu Thiên An Môn là giả, còn việc em gái của tôi bị tra tấn đến mức mặt bị biến dạng là thật.” Lúc này, các lính canh không dám nhìn vào mắt bất cứ ai.
Cuối cùng, khi chúng tôi đến nơi, đội trưởng Lương Chân bắt đầu quát nạt chúng tôi: “Sao các người không hô ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’ đi. Sao không hô nữa đi!” Nhưng Ly Ly chỉ đáp lại: “Nó rất tốt.” Sau đó, Lương tự lặp lại: “Sao không hô ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’ đi. Sao không hô nữa đi!” Ly Ly chỉ bình tĩnh nói: “Đúng vậy, nó rất tốt.”
Người đàn ông bí ẩn hóa ra lại là giám đốc Cục Tư pháp
Vi Vi đã ở lại với Dung Dung vào đêm đầu tiên tại Bệnh viện số 1. Sáng hôm sau, các lính canh đánh thức họ dậy bằng cách la hét và chửi rủa. Hôm đó, Ly Ly đến bệnh viện và ở lại đó cùng Dung Dung.
Ly Ly thấy hai người mặc đồ đen đứng cạnh giường của Dung Dung. Một người là nam và người kia là nữ. Cả hai đều rất cao.
Người đàn ông có một khuôn mặt dài, mái tóc chải ngược ra phía sau. Ông ta mặc một chiếc áo sơ mi ngắn tay, sơ vin trong một chiếc quần tây màu đen và mang một chiếc thắt lưng lớn màu đen. Cặp kính đen che lấp khuôn mặt. Ông ta cúi xuống và kiểm tra các vết bỏng trên mặt Dung Dung. Người phụ nữ cũng mặc đồ đen, buộc tóc đuôi ngựa và cũng đeo một cặp kính đen. Cô mang một xấp tài liệu trên tay.
Khi Ly Ly ngước lên hỏi họ là ai, họ liền quay người bỏ đi.
Sau đó, Ly Ly nhìn Dung Dung. Cô ấy hé mắt nhìn Ly Ly. Ly Ly hỏi: “Em có thấy họ không?” Dung Dung gật đầu. “Em có biết họ là ai không?” Dung Dung nhẹ nhàng đáp: “Không.”
Chúng tôi có cảm giác lạ lùng sau khi họ rời đi, nhưng chúng tôi lại thấy họ ở hành lang vào khoảng 10 giờ sáng hôm đó. Họ nhìn vào phòng của Dung Dung qua khung kính trên cửa. Họ đã ở đó suốt buổi sáng.
Chúng tôi bắt đầu thỉnh nguyện tới một số bộ phận liên quan tại Cục Tư pháp Thẩm Dương, nộp đơn khiếu nại các lính canh trại giam vì những gì họ đã gây ra cho Dung Dung.
Các quan chức tại Trại lao động cưỡng bức Long Sơn tuyên bố rằng vết bỏng trên mặt của Dung Dung là do cô bị ngã. Chúng tôi chất vấn Trưởng ban quản lý Vương Học Đào lý do tại sao họ lại nói dối, nhưng ông ta chỉ nói rằng báo cáo đưa tới Cục Tư pháp đã nêu ra như vậy. Khi chúng tôi hỏi ai đã viết báo cáo, ông ta đáp rằng các trưởng nhóm đã hợp tác cùng làm.
Chúng tôi đã đến Cục Tư pháp nhiều lần. Mỗi lần, Giám đốc Lưu Bác lại gặp chúng tôi. Ông chỉ lắng nghe mà không ngắt lời hay nhận xét gì cho đến khi chúng tôi yêu cầu thủ phạm phải được đưa ra xét xử. Ông ta đã phủ nhận việc khuôn mặt biến dạng của Dung Dung được gây ra do dùi cui điện hay bất kỳ hành vi phạm pháp nào.
Chúng tôi cứ khăng khăng muốn gặp giám đốc cục, và Lưu Bác cuối cùng đã đáp ứng, ông dẫn chúng tôi lên văn phòng ở tầng trên nơi tòa nhà trung tâm. Lưu Bác giới thiệu cho chúng tôi giám đốc Cục Tư pháp. Chúng tôi nói với giám đốc về những gì đã xảy ra với em gái của chúng tôi và nói với ông rằng cô ấy hiện giờ vẫn đang bị các lính canh trại giam giám sát tại bệnh viện.
Giám đốc né tránh giải đáp mối quan tâm của chúng tôi. Khi chúng tôi hỏi ông là cục sẽ xử lý vụ việc của em gái tôi như thế nào, ông ta nói hiện vẫn đang điều tra. Lúc này, chúng tôi rất bực mình – Toàn bộ hệ thống an ninh công cộng, từ trên xuống dưới, thông đồng với nhau để bao che cho việc tra tấn và ngược đãi các học viên Pháp Luân Công.
Sau đó, Ly Ly nhận ra ông ta giống người đàn ông đã theo dõi Dung Dung tại bệnh viên. Ông ta đuổi chúng tôi ra ngoài khi Ly Ly nhận ra ông ta.
Về sau, chúng tôi biết được tên ông ta là Trương Hiến Sinh từ Cục Tư pháp thành phố Thẩm Dương. Ông ta đã gặp Dung Dung tại bệnh viện, nhưng lại giả vờ không biết chút gì về cô ấy.
Bị giám sát suốt ngày đêm
Một vài ngày sau khi Dung Dung được đưa tới Bệnh viện số 1 Đại học Y Trung Quốc, Vương Học Đào, nhân viên tại Trại lao động cưỡng bức Long Sơn, đã tìm cách giữ Dung Dung ở đó lâu hơn.
Mỗi lần cô ấy được đưa ra ngoài để kiểm tra sức khỏe, các lính canh lại tỏ vẻ rất lo lắng. Cũng phải thôi, vì bất cứ khi nào Dung Dung đến, các bệnh nhân khác và người thân của họ sẽ hỏi tất cả các loại câu hỏi khác nhau về khuôn mặt biến dạng của cô và chúng tôi sẽ nói với họ về việc Dung Dung đã bị tra tấn.
Các lính canh luôn ngăn cản và đe dọa chúng tôi, nói rằng họ sẽ gọi 110 (số điện thoại để báo cảnh sát) để báo cáo về chúng tôi. Một lần trong thang máy, khi có một vài người hỏi về khuôn mặt của Dung Dung, Tất Ấn Hồng, cảnh sát từ Ban quản lý Trại lao động cưỡng bức Long Sơn, đã vung nắm đấm đe dọa cô Cao Vi Vi.
Bức ảnh cô Cao Dung Dung chụp vào ngày 07 tháng 05 năm 2004, 10 ngày sau khi mặt cô bị sốc bằng dùi cui điện.
Đôi lúc, khi muốn giải tán người xem, các cảnh sát liền nổi điên và quát tháo mọi người. Lương Chân, phó chỉ huy Nhóm 2 tại Trại lao động cưỡng bức Long Sơn từng hét lên: “Phải đó, chúng tao đã sốc điện cô ta – chúng tao đã làm đấy!” Hai cảnh sát khác, Tô Chí Trung và Vương Xuân Mai, cũng hét trong hành lang: “Đúng, chúng tao đã sốc điện cô ta. Thì sao nào? Đáng lẽ chúng tao phải sốc điện cô ta đến chết!”
Các lính canh tại Trại lao động cưỡng bức Long Sơn thay phiên nhau trông chừng Dung Dung. Họ làm việc cả 24 tiếng một ngày và đôi lúc có bốn cảnh sát ở lại làm nhiệm vụ. Đôi lúc ba người họ cùng giám sát chặt chẽ khu vực, giám sát tất cả chúng tôi và cản mọi người thăm Dung Dung.
Các lính canh chưa bao giờ rời khu vực của Dung Dung. Trong khoảng thời gian này, một vài người trong số họ bao gồm: Vương Xuân Mai, Tô Chí Trung, Mã Tái Minh và Lương Chân tiếp tục leo thang sách nhiễu Dung Dung. Các lính canh khác ghi chép chi tiết về tình trạng của Dung Dung và mọi liên hệ của cô với những người khác.
Các ghi chép hàng ngày của các lính canh trại giam mà giám sát Dung Dung
Khi lần đầu tiên Dung Dung được chuyển tới bệnh viện này, bác sĩ đầu tiên của cô là một người đàn ông trẻ có vẻ giống một người tốt và ngay chính. Khi anh biết những gì đã xảy ra với Dung Dung, anh xem cô như “Hoàng Dung” (một nhân vật hư cấu trong phim, là người thông minh và dũng cảm). Tuy nhiên, vị bác sĩ này đã sớm bị thay thế vì không làm theo những yêu cầu của các cảnh sát tại Trại lao động cưỡng bức Long Sơn, Cục Tư pháp thành phố Thẩm Dương, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thẩm Dương.
Không bao giờ được thả – Dù tính mạng nguy kịch
Các cảnh sát tại Cục Tư pháp thành phố Thẩm Dương và Trại lao động cưỡng bức Long Sơn yêu cầu Dung Dung phải được phẫu thuật càng sớm càng tốt, để họ có thể đưa cô trở lại trại lao động. Họ nói chuyện với Đảng ủy của bệnh viện, những người này sau đó đã gây áp lực buộc bác sĩ của Dung Dung tiến hành phẫu thuật.
Xương hông bên trái của Dung Dung bị gãy và cần ít nhất 14 ngày điều trị; tuy nhiên vì đã bị tra tấn một thời gian dài, cô rất yếu. Các bác sĩ cố gắng kiểm soát tình trạng của cô vì cô bị sốt, các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cũng rất chần chừ khi tiến hành phẫu thuật cho cô.
Giám đốc phòng phẫu thuật chỉnh hình lúc đầu thể hiện sự đồng cảm với Dung Dung, nhưng sau khi bị Phòng 610 và Cục Tư pháp Thẩm Dương gây áp lực, ông ta lại bắt đầu đổ lỗi cho chúng tôi. Khi tới kiểm tra cho Dung Dung, ông ta phàn nàn về việc mẹ tôi không cho thực hiện phẫu thuật cho Dung Dung. Nhưng các cảnh sát từ Trại lao động cưỡng bức Long Sơn và Cục Tư pháp Thẩm Dương cứ liên tục giục ông làm phẫu thuật.
Ông ta điên tiết và quát lên với họ. Ông nói: “Tôi làm sao mà phẫu thuật được nếu cơn sốt của cô ấy không hạ? Nếu tôi tiến hành, cô ấy sẽ không thể phục hồi được. Sau đó thì mọi chuyện sẽ còn tệ hơn nếu những chỗ khác bị viêm!” Các bác sĩ phẫu thuật khác cũng đồng ý với quan điểm của ông.
Là thân nhân của Dung Dung, chúng tôi yêu cầu cảnh sát Trại lao động cưỡng bức Long Sơn và Cục Tư pháp thành phố Thẩm Dương thả cô. Chúng tôi muốn đưa cô về nhà. Tuy nhiên, họ lại từ chối vì họ sợ khuôn mặt biến dạng của Dung Dung sẽ vạch trần hành vi tàn ác của họ ra trước công chúng. Cuối cùng, họ quyết định sẽ không bao giờ thả cô – cho dù cô có chết đi chăng nữa.
Trưởng phân cục của Cục Tư pháp thành phố Thẩm Dương đã bóng gió về kế hoạch không bao giờ thả cô ấy. Ông ta nói: “Ngay khi cô ta phẫu thuật xong, chúng tôi sẽ đưa cô ta trở lại Trại lao động cưỡng bức Long Sơn và dành cho cô ta một phòng riêng để điều trị.”
Họ nói với cha tôi về kế hoạch này một vài lần. Họ liên tục nói: “Chúng tôi sẽ đưa Dung Dung về Long Sơn hoặc cho cô ấy được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhà tù Đại Bi”. Hiểu hết tất cả, cha tôi đã không đồng ý.
(Còn tiếp)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/10/5/298483.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/10/25/146550.html
Đăng ngày 08-12-2014. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.