Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 29-09-2024] Gần đây, có tin xác nhận rằng một người đàn ông ở huyện Tĩnh Ninh, tỉnh Cam Túc, đã bị kết án 3 năm 3 tháng tù vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với đức tin của ông, Pháp Luân Công.
Ngày 22 tháng 3 năm 2023, ông Vương Thế Quân bị bắt sau khi bị tố giác vì nói chuyện với học sinh về Pháp Luân Công bên ngoài một trường học. Cảnh sát bắt giữ đến từ Đội An ninh Nội địa Quận Tĩnh Ninh đã đưa ông đến Trại tạm giam Quận Tĩnh Ninh. Hiện chưa rõ thời điểm ông bị truy tố, xét xử hoặc tuyên án, nhưng được biết ông đã bị chuyển đến Nhà tù Lan Châu, và gia đình không được phép đến thăm.
Ông Vương, cựu giáo viên tại Trường làng Diêm Miếu ở thị trấn Bát Lý, huyện Tĩnh Ninh, tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1994, và nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Ông trở thành một giáo viên tận tâm hơn nhiều, và được học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp kính trọng. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông vẫn kiên định với đức tin, và đã bị bắt nhiều lần. Ông từng chịu án 3 năm lao động cưỡng bức (tháng 11 năm 2000 – tháng 11 năm 2003) và bị đuổi việc vào tháng 12 năm 2000. Sau khi bị bắt vào tháng 3 năm 2005, ông bị kết án tù (không rõ thời hạn chính xác). Ông bị tra tấn đến gần chết, và sau đó được thả ra trước thời hạn. Vợ ông phải vật lộn để chăm sóc con cái và cha mẹ già trong khi ông bị giam giữ. Bà bị bệnh thấp khớp và đau đớn quanh năm. Bà qua đời vào một ngày chưa xác định.
Bị nhắm đến trước khi cuộc bức hại chính thức bắt đầu
ĐCSTQ thành lập Phòng 610 vào ngày 10 tháng 6 năm 1999, trước khi chính thức phát động chiến dịch toàn quốc chống lại Pháp Luân Công 1 tháng sau đó, ngày 20 tháng 7. Phòng 610 được trao quyền vượt trên hệ thống thực thi pháp luật và tư pháp trong việc bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Giữa tháng 6 năm 1999, một người họ Chu từ Phòng 610 Quận Tĩnh Ninh đến trường của ông Vương và hỏi ông rất nhiều câu hỏi, chẳng hạn như ông đã tham dự khóa giảng nào của nhà sáng lập Pháp Luân Công vào thời gian nào. Vài ngày sau, Vương Bân (không liên quan gì đến ông Vương) từ Hội đồng Giáo dục Thị trấn Bát Lý đến văn phòng của ông Vương và tịch thu các tài liệu Pháp Luân Công của ông ở đó. Ngày 22 tháng 6 năm 1999, chính quyền Quận Tĩnh Ninh bắt đầu một cuộc đột kích hàng loạt vào nhà của các học viên Pháp Luân Công địa phương. Trưa hôm đó, Phó đội trưởng Lưu Văn Phong của Đội An ninh Nội địa Quận Tĩnh Ninh tịch thu sách Pháp Luân Công và các tài liệu khác của ông Vương.
Ông Vương được phân công coi thi cuối kỳ vào ngày 10 tháng 7 năm 1999. Ngày hôm đó, hội đồng giáo dục cử 3 người theo dõi ông.
Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, chế độ cộng sản chính thức tuyên bố rằng bất kỳ ai tu luyện Pháp Luân Công đều bị bức hại. Cảnh sát Lưu Tân Ngọc bắt ông Vương tại nhà và đưa ông đến nhà tạm giữ địa phương, nơi ông nhìn thấy nhiều học viên khác bị giam giữ.
Sau đó, cảnh sát giao ông Vương cho Đồn Công an Thị trấn Bát Lý. Ông bị giam ở đó 10 ngày, trước khi bị chuyển đến một phòng trong hội đồng giáo dục. Ông không được thả cho đến hết mùa hè.
Vợ của ông Vương, bà Vương Quốc Tiến, cũng bị bắt cùng thời điểm vì tu luyện Pháp Luân Công, và bị giam tại tòa nhà chính quyền địa phương. Các con nhỏ và cha mẹ già của hai vợ chồng phải tự lo liệu và đối phó với mùa vụ bận rộn.
Sau khi ông Vương được thả, đội trưởng Ngô Văn Chính của Đội An ninh Nội địa huyện Tĩnh Ninh thường đến trường của ông và yêu cầu ông viết báo cáo tư tưởng.
Bị bắt vào tháng 2 năm 2000 vì kháng cáo ở Bắc Kinh
Tháng 2 năm 2000, ông Vương đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công, và bị bắt. Ông bị đưa đến Văn phòng Liên lạc Tỉnh Cam Túc tại Bắc Kinh. Khoảng 5 ngày sau, đội trưởng Ngô, cảnh sát Diêm Quốc Tỏa và một người đàn ông khác đến đón ông. Ngô lục túi của ông, và tịch thu một bức thư ông viết cho chính quyền trung ương kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại. Sau đó, cả nhóm lên tàu trở về Cam Túc.
Ngay khi họ đến Lan Châu (thủ phủ của tỉnh Cam Túc), ông Vương bị đưa lên xe tuần tra của cảnh sát, và bị đưa đến nhà tạm giữ địa phương ở huyện Tĩnh Ninh. Phí giam giữ là 265 Nhân dân tệ được khấu trừ vào tiền lương của ông. Bí thư huyện, Lý Tuyết Phong, tổ chức một cuộc họp và tuyên bố rằng tiền lương của ông sẽ bị đình chỉ trong khoảng thời gian còn lại của năm. Ông bị giam đến tháng 5 năm 2000.
Ông Vương vẫn bị ép phải làm việc trong suốt mùa hè năm 2000 mà không được trả lương.
Bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức sau lần bắt giữ vào tháng 11 năm 2000
Tháng 11 năm 2000, ông Vương giao tài liệu Pháp Luân Công cho Ủy ban thôn Diêm Miếu, nơi chuyển tài liệu cho trường của ông. Ngày hôm sau, hiệu trưởng Lý Xương Sinh thông báo cho hội đồng giáo dục, và hội đồng này gọi cảnh sát. Đội trưởng Ngô và bí thư Trần Thượng Khổng vội vã đến trường của ông Vương và bắt giữ ông.
Ngô trói ông Vương vào một chiếc ghế kim loại, sau đó hắn cùng các cảnh sát khác thẩm vấn ông trong 4 ngày liên tiếp. Ông bị cấm ngủ. Sau đó, ông bị ngộ độc khí carbon monoxide và bất tỉnh trong nhiều giờ.
Tháng 12 năm 2000, 3 người, bao gồm bí thư Cảnh Trung Chính và kế toán Vương Quốc Trụ ( anh trai vợ của ông Vương) từ hội đồng giáo dục đến nhà tạm giữ để thông báo rằng ông đã bị sa thải, nhưng sẽ được trả lại số tiền lương đã bị đình chỉ vào năm 2000.
Sau đó, ông Vương bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức. Bác sỹ Trại Lao động Bình An Đài phát hiện ông bị nhiễm trùng phổi và từ chối tiếp nhận. Ngô đưa ông đến bệnh viện, nhưng họ cũng nói ông bị nhiễm trùng phổi. Lệ phí khám bệnh là 147 nhân dân tệ được khấu trừ vào lương của ông.
Tháng 4 năm 2001, Ngô thuyết phục được trại lao động nhận ông Vương, mặc dù ông được phát hiện mắc cùng loại bệnh nhiễm trùng phổi trong một cuộc kiểm tra khác vào tháng đó.
Tra tấn trong trại lao động
Vào ngày đầu tiên ở trại lao động, ông Vương bị trưởng phòng giam đấm vào mặt khi ông cố gắng giảng chân tướng về Pháp Luân Công.
Các tù nhân thay phiên nhau giám sát ông Vương suốt ngày đêm, thường là theo cặp. Ông không được phép nói chuyện với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ khác hoặc luyện các bài công pháp Pháp Luân Công. Khi ông chào hỏi một học viên khác, trưởng phòng giam là Lại Canh Thành đá vào ngực ông, khiến ông đau đớn trong vài tháng tiếp theo. Ông cũng bị bắt lau cửa sổ hoặc lau sàn khi các tù nhân không phải là học viên đang ngủ trưa.
Mùa thu năm 2001, một tù nhân 20 tuổi họ Mã được giao nhiệm vụ giám sát ông Vương. Ông Vương bị yêu cầu phải làm cùng khối lượng lao động khổ sai như Mã. Ông không thể theo kịp, nên Mã đấm vào ngực và bụng ông mỗi ngày, đôi khi hai lần một ngày. Ông ước tính Mã đã đánh ông ít nhất 100 lần trong vài tháng. Mã cho hay cậu ta không muốn làm như vậy, nhưng sợ bị trưởng phòng giam đánh nếu không “làm nhiệm vụ của mình”.
Sức khỏe của ông Vương suy yếu theo thời gian. Đôi khi ông cảm thấy mình sắp ngất đi nếu đứng lâu hơn một chút. Một đêm nọ, một giáo đạo viên yêu cầu ông uống một loại thuốc không rõ chủng loại. Ông từ chối, và bị đưa đến một phòng giam khác để còng tay ra sau lưng vào một chiếc giường tầng. Sau đó, ông bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm trên giường, và bác sỹ trại lao động đang kiểm tra mạch và hơi thở của ông.
Giáo đạo viên vẫn còng tay ông vào giường, nhưng với hai tay ở phía trước. Ông chỉ được phát nửa bánh bao hấp mỗi bữa. Người tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát ông cảm thấy điều này quá tệ, nên bí mật đưa cho ông một cái bánh bao khác. Tay ông bị sưng tấy dữ dội. Cuối cùng, giáo đạo viên tháo còng tay 8 ngày sau đó. Đến lúc đó, ông chưa đi đại tiện trong 8 ngày.
Sau khi ông được đưa trở lại phòng giam, một tù nhân đi ngang qua bình luận rằng “ông già đó” gầy gò thế nào. Ông Vương lúc đó mới 45 tuổi, nhưng chỉ còn da bọc xương vì bị tra tấn không ngừng.
Ông Vương và các học viên khác, bất kể tuổi tác, bị bắt lao động cưỡng bức, bao gồm đủ loại công việc chân tay, từ chở phân bón đến chăn nuôi. Họ bị đấm đá khi không theo kịp, và được cho rất ít thức ăn.
Mùa xuân năm 2003, khi mặt đất vẫn còn đóng băng, ông Vương bị bắt đào hố để trồng cây non. Trưởng phòng giam là Vương Cương đánh ông mỗi ngày vì ông quá chậm. Ông bị đau bụng và tiêu chảy. Sau đó, cai ngục đưa ông đến bệnh viện, nhưng bắt ông phải làm việc và tiếp tục tra tấn ông sau khi ông khỏe hơn một chút.
Một đêm nọ, ông Vương bị đưa đến phòng vệ sinh, và bị bắt cúi gập người 45 độ, với đầu ép vào tường. Ông bị bắt giữ nguyên tư thế đó trong nhiều giờ, trước khi 2 tù nhân đưa ông trở lại phòng giam và bắt ông đứng để ông không thể ngủ. Khi trời sáng, ông lại bị buộc phải lao động khổ sai.
Có lần, một cai ngục đưa ông Vương đến một văn phòng, và tát vào mặt ông hơn 1 giờ. Sau khi một tay mỏi, hắn nghỉ ngơi một lúc rồi lại đổi tay kia tát ông Vương.
Sau khi ông Vương được thả vào tháng 11 năm 2004, ông được vợ mình cho biết bà đã bị bắt vào đầu năm 2003. Cảnh sát tống tiền 2.500 Nhân dân tệ để thả bà. Cuối cùng, cha của ông phải bán con bò của mình để trả tiền phạt, rồi bà mới được thả.
Bị kết án tù sau khi bị bắt vào năm 2005
Tháng 3 năm 2005, ông Vương lại bị bắt và bị kết án tù. Theo báo cáo gửi Minghui.org, có 3 thời hạn tù của ông: 3 năm, 3,5 năm và 4 năm. Án tù chính xác vẫn đang được điều tra.
Trong thời gian thụ án tại Nhà tù Thiên Thủy, ông Vương bị tra tấn như trong trại lao động, do đó sức khỏe của ông ngày càng suy giảm. Ông yếu đến mức không thể cầm chổi quét sàn hay nói chuyện được. Sau đó, nhà tù gọi chính quyền địa phương đến đón ông.
Trong vài năm tiếp theo, 2 cảnh sát sách nhiễu ông Vương tại nhà 5 lần. Sở Quản lý Trại giam Tỉnh Cam Túc cũng cử người đến nhà ông 2 lần để xem ông có còn kiên định với đức tin không.
Báo cáo liên quan bằng tiếng Trung:
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/29/483400.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/10/3/221099.html
Đăng ngày 29-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.