Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 08-09-2024]

Tháng 7 và tháng 8 năm 2024 ghi nhận tổng cộng 94 trường hợp học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin.

Các trường hợp mới được báo cáo bao gồm 1 trường hợp xảy ra vào năm 2020, 10 trường hợp năm 2023, 55 trường hợp năm 2024 và 28 trường hợp không rõ năm kết án. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt, việc bức hại các học viên Pháp Luân Công không phải lúc nào cũng có thể được báo cáo kịp thời, cũng như không phải đều có sẵn tất cả thông tin.

Các học viên bị kết án phân bố ở 18 tỉnh và 3 thành phố trực thuộc trung ương. Sơn Đông, Cát Lâm và Tứ Xuyên đứng đầu danh sách với lần lượt 17, 14 và 11 trường hợp. 18 khu vực còn lại có số trường hợp ở mức 1 chữ số, từ 1 đến 6.

Án tù của các học viên dao động từ 3 tháng đến 9 năm, trong đó có 8 học viên bị phạt tù từ 5 năm trở lên. Tổng cộng có 28 học viên bị phạt tổng cộng 186.500 Nhân dân tệ, trung bình mỗi người bị phạt 7.173 Nhân dân tệ.

Trong số 52 học viên có thông tin tuổi tác tại thời điểm kết án, thì độ tuổi của họ từ 40 đến 86, bao gồm 4 học viên ở độ tuổi 40, 16 người ở độ tuổi 50, 7 người ở độ tuổi 60, 19 người ở độ tuổi 70 và 6 người ở độ tuổi 80.

Dưới đây là tóm tắt một số trường hợp học viên bị kết án. Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án có thể tải xuống tại đây (PDF) (tiếng Anh).

Kết án các học viên cao tuổi

Bác sỹ về hưu 86 tuổi bị bỏ tù để thụ án 1,5 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, trước đây đã từng bị kết án 7 năm

Bà Vương Tống Hà, một bác sỹ về hưu 86 tuổi ở thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, bị bắt vào ngày 8 tháng 5 năm 2022, khi bà đang trao đổi tài liệu thông tin Pháp Luân Công với một học viên khác. Theo một người trong cuộc, cảnh sát đã nghe lén điện thoại của họ và biết được kế hoạch gặp nhau của họ vào ngày hôm đó.

Bà Vương được bảo lãnh tại ngoại vào ngày hôm sau, nhưng liên tục bị sách nhiễu tại nhà. Bà nhận được bản cáo trạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023. Sau đó, tòa án địa phương kết án bà 1,5 năm tù với 5.000 Nhân dân tệ tiền phạt vào một ngày không xác định. Tháng 6 năm 2024, bà bị chuyển vào Nhà tù Nữ tỉnh Thiểm Tây.

Cụ ông 77 tuổi ở Hắc Long Giang bị kết án 3 năm tù vì kêu gọi cảnh sát dừng bức hại học viên Pháp Luân Công

Tháng 4 năm 2023, ông Bàng Thiện Hỷ, một cư dân 77 tuổi của thành phố Ngũ Đại Liên Trì, tỉnh Hắc Long Giang, viết một bức thư cho Đồn Công an Nông trại Long Trấn địa phương, kêu gọi họ không tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công. Đồn công an này báo cáo ông lên cơ quan giám sát, Công an Thành phố Ngũ Đại Liên Trì. Hai cơ quan này cử đặc vụ đột nhập nhà ông Bàng và tịch thu sách Pháp Luân Công của ông.

Tháng 1 năm 2024, Tòa án Thành phố Nộn Giang kết án ông Bàng 3 năm tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ. Ông bị chuyển đến Nhà tù Bắc An ngay sau đó, và 1 tháng sau thì bị chuyển sang Nhà tù Thái Lai.

Sau nhiều lần bị sách nhiễu, người phụ nữ 78 tuổi bị kết án 18 tháng tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Chu Kính Dung, một cư dân 78 tuổi ở Trùng Khánh, bị tố giác vì phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công vào ngày 5 tháng 6 năm 2023, và bị bắt giữ 2 ngày sau đó. Khi bị cảnh sát thẩm vấn, bà cố gắng giảng chân tướng về Pháp Luân Công với cảnh sát, và kêu gọi họ không tham gia vào cuộc bức hại. Ngày 8 tháng 6, bà được bảo lãnh tại ngoại sau khi trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận bà vì bị huyết áp cao.

Ngày 18 tháng 7 năm 2023, cảnh sát đưa bà Chu trở lại Đồn Công an Thái Gia, và hỏi bà lấy tài liệu Pháp Luân Công ở đâu và ai đã in thông điệp lên tiền giấy. Bà từ chối trả lời. Cuối cùng, cảnh sát bắt bà ký giấy thừa nhận những món đồ bị tịch thu trước khi cho bà về nhà.

Trong vài tháng tiếp theo, cảnh sát liên tục sách nhiễu bà Chu và ra lệnh cho bà đến đồn công an để ký một số tài liệu. Người chồng 80 tuổi của bà vô cùng sợ hãi và bị huyết áp cao.

Ngày 8 tháng 5 năm 2024, bà Chu bị Tòa án quận Giang Bắc xét xử. Ngày 25 tháng 6, tòa án thông báo bà Chu rằng họ sẽ công bố bản án của bà vào lúc 3 giờ chiều ngày hôm sau. Chiều hôm sau, bà đến tòa án và nhận bản án 18 tháng tù. Bà từ chối ký vào bản án và đã nộp đơn kháng cáo.

Án tù của cụ ông 73 tuổi thay đổi từ 3,5 năm lên 5 năm mà không giải thích lý do

Bốn tháng sau khi ông Lưu Cát, một cư dân 73 tuổi ở huyện Vĩnh Cát, tỉnh Cát Lâm, bị kết án 3,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, chủ tọa phiên tòa đã thay đổi bản án của ông lên 5 năm tù mà không đưa ra lời giải thích.

Ông Lưu bị bắt vào ngày 30 tháng 10 năm 2023. Do sức khỏe yếu, trại tạm giam địa phương đã từ chối tiếp nhận ông và sau đó ông được bảo lãnh tại ngoại với thời hạn một năm. Viện kiểm sát quận Thuyền Doanh triệu tập ông Lưu hai lần vào tháng 3 năm 2024. Cùng tháng đó, ông bị buộc phải báo cáo cho Tòa án quận Thuyền Doanh ba lần và sau đó bị kết án 3,5 năm tù.

Ông Lưu được lệnh phải thụ án tại trại tạm giam huyện Vĩnh Cát, nhưng trại tạm giam từ chối tiếp nhận sau khi phát hiện ông bị huyết áp cao. Sau đó, tòa án đưa ông vào diện quản thúc tại gia 6 tháng.

Ngày 8 tháng 7 năm 2024, cảnh sát đưa ông Lưu đến tòa án, và ông được cho biết mình bị kết án 5 năm tù. Ông bối rối bởi ông đã bị kết án 3,5 năm chỉ mới bốn tháng trước đây, nhưng thẩm phán Lý không đưa ra bất kỳ giải thích nào.

Bà lão 71 tuổi bị kết án bí mật 4 năm tù vì đức tin, trước đây bị giam trái phép tổng cộng 8 năm

Trong 1 năm sau khi bà Trương Quân bị bắt vì đức tin vào Pháp Luân Công, cảnh sát giữ kín thông tin về nơi ở và tình trạng của bà với gia đình. Mãi đến tháng 4 năm 2024, cảnh sát mới thông báo cho gia đình bà về việc bà bị kết án bí mật 4 năm tù. Lý do cảnh sát liên lạc với người thân của bà Trương là để thu tiền án phạt 20.000 Nhân dân tệ của bà. Bất bình trước việc tùy tiện giam giữ và kết án bí mật, gia đình bà từ chối nộp tiền phạt.

Bà Trương, một cư dân 71 tuổi của thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt tại nhà vào ngày 23 tháng 5 năm 2023. Cảnh sát từ chối cho gia đình biết nơi bà bị giam giữ. Do điều kiện tài chính kém, gia đình bà không thể thuê luật sư để đòi lại công lý cho bà.

Ngày 3 tháng 6 năm 2024, gia đình bà Trương đến thăm bà tại Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang. Không rõ bà bị chuyển đến đó từ khi nào. Vì bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, nên quản giáo nhà tù chỉ cho phép gia đình bà thăm bà mỗi 3 tháng một lần.

Một cụ bà Thiên Tân 75 tuổi xuất hiện triệu chứng bệnh trong khi bị giam giữ và bị kết án 2,5 năm tù vì kiên định đức tin

Bà Nhiễm Quan Quyền, 75 tuổi, cư dân Thiên Tân, bị kết án 2,5 năm tù và phạt 8.000 Nhân dân tệ sau 2 phiên tòa vào đầu năm 2024.

Ngày 1 tháng 12 năm 2023, bà Nhiễm bị bắt và đưa đến trại tạm giam Số 1 Tân Hải. Kể từ giữa tháng 2 năm 2024, bà bắt đầu cảm thấy yếu ớt. Bà cần hỗ trợ để đi lại và ra khỏi giường. Thị lực của bà bị suy giảm. Bà bị ngất 2 lần, và đại tiểu tiện không tự chủ. Gia đình bà cho biết trước khi bị bắt bà hoàn toàn khỏe mạnh, và họ lo rằng bà mắc bệnh do bị tra tấn và ngược đãi.

Ngay sau khi bà Nhiễm ngã bệnh, bà được đưa đến bệnh viện. Vì bà cự tuyệt phối hợp trong quá trình khám, phó giám đốc trại tạm giam tát vào mặt bà ít nhất 4 lần. Ông ta cũng từ chối tiết lộ kết quả khám của bà. Mặc dù các triệu chứng của bà vẫn tiếp diễn, ban quản lý nhà tù vẫn từ chối cho bà bảo lãnh tại ngoại, và kết án bà 2,5 năm tù sau 2 phiên xét xử vào ngày 26 tháng 3 và ngày 2 tháng 4 năm 2024.

Cụ bà 70 tuổi ở Ninh Hạ bị kết án hai năm tù với bằng chứng giả mạo

Ngày 4 tháng 7 năm 2024, bà Tân Lâm Nguyên, một cư dân 70 tuổi ở thành phố Ngân Xuyên, Khu tự trị Ninh Hạ, bị kết án 2 năm tù và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ.

Bà Tân, một cựu kế toán, bị Tòa án quận Đại Vũ Khẩu xét xử vào ngày 6 tháng 6 năm 2024. Chồng bà Tân là ông Trần Kiến Quốc (77 tuổi), người bào chữa không phải luật sư trong phiên tòa xét xử của bà, nhận được bản án của bà sau vài ngày bà bị kết án. Ông nhận thấy bản án trích dẫn 3 bằng chứng truy tố làm cơ sở cho việc kết án vợ ông.

Bằng chứng thứ nhất cho biết bà Tân quảng bá Pháp Luân Công, nhưng không có bằng chứng hỗ trợ nào được đưa vào phán quyết. Tại Trung Quốc không có điều luật hình sự hóa Pháp Luân Công. Ngay cả khi bà Tân quảng bá Pháp Luân Công, thì việc đó cũng không phạm pháp.

Bằng chứng thứ hai gồm những đồ vật được cho là tịch thu từ nhà bà Tân, gồm 1 máy in, 1 ổ USB, máy nghe nhạc MP3 và tiền giấy in thông tin Pháp Luân Công. Tuy nhiên, danh sách tài sản tịch thu kèm với phán quyết không mô tả chi tiết về từng đồ vật và xác định nguồn gốc của chúng theo quy định của pháp luật.

Bằng chứng thứ ba là “sự thật” rằng bà Tân từng nhiều lần cung cấp tài liệu Pháp Luân Công cho một học viên địa phương khác là bà Lý Chi Hương. Cảnh sát tự tuyên bố trong biên bản thẩm vấn của bà Lý và bà Tân rằng hai người ban đầu không biết nhau mặc dù cả hai đều là học viên Pháp Luân Công. Bất chấp điều đó, cảnh sát vẫn tuyên bố rằng bà Lý từng đến nhà bà Tân 3 lần để nhận tài liệu Pháp Luân Công. Ba lần này sau đó trở thành “nhiều lần” trong cáo trạng và phán quyết.

Phán quyết còn nêu ra hai kịch bản mà chính quyền phát hiện “bà Lý nhận tài liệu Pháp Luân Công từ nhà bà Tân”. Kịch bản thứ nhất là lời chứng từ cảnh sát Lưu Bằng Phi của Công an quận Đại Vũ Khẩu. Lưu nói cảnh sát theo dõi bà Lý đến nhà bà Tân, và phát hiện bà Lý lấy tài liệu Pháp Luân Công từ nhà bà Tân. Kịch bản thứ hai nói rằng vẫn còn hình ảnh của video giám sát chụp được việc bà Lý có mặt tại nhà bà Tân để nhận tài liệu Pháp Luân Công.

Về lý thuyết, cả hai kịch bản đều có thể đúng (nghĩa là cảnh sát theo dõi bà Lý tới nhà bà Tân và camera giám sát cũng ghi lại được hình bà Lý có mặt tại nhà bà Tân). Tuy nhiên, phán quyết gây ra ấn tượng rằng hai kịch bản là tình huống “hoặc…hay”. Một lần nữa, theo luật, mô tả của cùng một dữ kiện nên nhất quán và chính xác. Tất nhiên, đây chỉ là thảo luận về thủ tục pháp lý. Khi nói đến sự thật chúng ta không nên quên rằng bà Lý chưa từng tới nhà bà Tân vì họ không biết nhau.

Bên cạnh những phản bác như trên của chồng bà Tân đối với cáo buộc trong phán quyết, ông và luật sư bào chữa cũng nêu bật những điều sau trong phiên tòa xét xử.

Gia đình và bạn bè của bà Tân (ngoại trừ chồng bà) bị cấm vào phòng xét xử, và luật sư của bà đã phản đối hành vi phi pháp của chấp hành viên tòa án. Chấp hành viên đã xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên của họ và cuối cùng 8 người thân và bạn bè của bà Tân được phép vào trong.

Luật sư của bà Tân tiếp tục làm chứng chống lại cảnh sát vì bắt giữ bà không tuân theo thủ thục pháp lý. Họ không đưa ra lệnh khám trong khi lục soát nhà bà, và cũng không cho bà xác định những đồ vật bị tịch thu hoặc cho bà danh sách tài sản bị tịch thu theo luật định.

Ông Trần làm chứng chống lại công tố viên Trương vì những sai sót thực tế trong bản cáo trạng như sau:

– Bằng cao đẳng của bà Tân bị ghi sai là bằng tốt nghiệp trung cấp nghề.

– Cảnh sát nộp hồ sơ vụ án tới viện kiểm sát vào ngày 4 tháng 3 năm 2024, nhưng ngày được viết trên cáo trạng là ngày 8 tháng 3 năm 2023.

– Bà Tân bị bắt giữ vào ngày 12 tháng 8 năm 2011 vì tu luyện Pháp Luân Công và nhanh chóng được trả tự do vô điều kiện. Tuy nhiên, công tố viên Trương lại liệt kê vụ bắt giữ giống như bằng chứng rằng bà Tân bị tạm giữ hành chính vào năm 2011, ngay cả khi ông ta thừa nhận không có hồ sơ chính thức cho việc “tạm giữ hành chính” như vậy.

Án tù nặng

Người đàn ông Thiên Tân bị kết án 9 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công

Ngày 4 tháng 2 năm 2024, ông Tề Chí Ngân, một cư dân Thiên Tân 62 tuổi, bị bắt tại nhà con gái ông ở Bắc Kinh. Ông bị áp giải trở lại Thiên Tân, bị tạm giam tại trại tạm giam địa phương và bị kết án 9 năm tù vào tháng 7 năm 2024.

Ông Tề bị bắt 5 năm sau khi ông buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại. Trước đó, ông từng bị bắt vào ngày 28 tháng 12 năm 2017 trong một cuộc truy quét của cảnh sát ở Thiên Tân. Ông tuyệt thực để phản đối việc bức hại, và được thả 40 ngày sau đó, khi ông đang hấp hối. Sau đó, Tòa án Thiên Tân ra lệnh triệu tập ông, yêu cầu ông đến trại tạm giam. Để tránh bị bức hại, ông phải sống phiêu bạt, nhưng lại bị bắt sau 5 năm, và bị kết án 9 năm tù.

Người phụ nữ Hà Bắc bị kết án 5 năm tù vì mang theo tiền giấy có in thông điệp về Pháp Luân Công

Bà Lý Hiểu Nham, 60 tuổi, cư dân thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2004. Bà đã thay đổi từ một người tranh cường háo thắng và hay tính toán thành một người rộng lượng và thấu hiểu lòng người. Bà hối hận vì đã không học Pháp Luân Công sớm hơn, nếu không bà đã không ly hôn chồng.

Ngày 27 tháng 7 năm 2023, khi đi qua điểm kiểm tra an ninh tại Ga tàu Thạch Gia Trang, bà Lý bị cảnh sát đường sắt chặn lại vì căn cước của bà bị đánh dấu. Họ bắt giữ bà sau khi tìm thấy tiền giấy có in thông điệp về Pháp Luân Công trong ví của bà. (Do sự kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc, nhiều học viên sử dụng những phương thức sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, bao gồm cả việc in thông điệp trên tiền giấy.)

Cảnh sát đưa bà Lý về nhà để lục soát nhà bà. Khi bà từ chối mở cửa, cảnh sát buộc người nhà bà Lý đang ở bên trong phải mở cửa. Sách Pháp Luân Công và tài liệu thông tin của bà bị tịch thu.

Sau đó, Tòa án Giao thông Đường sắt Thạch Gia Trang kết án bà Lý 5 năm tù. Bà kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Giao thông Đường sắt Bắc Kinh, tuy nhiên đến cuối tháng 5 năm 2024, tòa án này ban hành phán quyết giữ nguyên bản án sơ thẩm của bà. Bà bị chuyển vào Nhà tù Nữ Thạch Gia Trang không lâu sau đó.

Nữ học viên Sơn Đông bị cảnh sát Hà Nam bắt giữ, bị kết án sáu năm tù chỉ vì phơi bày cuộc bức hại tàn bạo của ĐCSTQ trên mạng

Từ năm 2019, cảnh sát tỉnh Hà Nam đã hoạt động ngoài phạm vi tỉnh để bắt giữ nhiều công dân chỉ vì họ đăng thông tin trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội để phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công. Có ít nhất 22 trường hợp được ghi nhận, trong đó có cô Ngô Giai Kiện, bị bắt vào cuối năm 2020 và bị kết án 6 năm tù vào thời điểm trước hoặc trong năm 2023 (chưa rõ ngày chính xác).

Cô Ngô, 40 tuổi, cư dân thành phố Lai Tây, tỉnh Sơn Đông, bị cảnh sát ở Lai Tây và thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, bắt giữ vào ngày 7 tháng 11 năm 2020. Cảnh sát không xuất trình giấy tờ tùy thân, và yêu cầu cô đến đồn công an kia để xác minh thông tin. Khi ấy, cô đang mặc quần áo ngủ, và họ thậm chí còn không để cô đi tất chân.

Ngày hôm sau, cô Ngô bị đưa đến Lạc Dương, bị giam giữ tại trại tạm giam thành phố Lạc Dương và bị từ chối thăm thân. Viện Kiểm sát quận Giản Tây ở Lạc Dương truy tố cô vì cô chia sẻ video về Pháp Luân Công trên WeChat. Ngày 25 tháng 4 năm 2021, vụ án của cô bị chuyển tới Tòa án quận Giản Tây. Gia đình cô không được cung cấp thêm bất kỳ thông tin cập nhật nào về tình trạng vụ án của cô, chỉ tới năm 2023 họ mới biết cô bị kết án 6 năm tù. Họ không biết bất cứ thông tin nào khác về việc xét xử hay tuyên án cô.

Việc cô Ngô bị bắt giữ đã gây ra một cú sốc lớn đối với mẹ cô, bà Tống Tịnh Thư. Sức khỏe bà Tống suy giảm, và bà đã qua đời ngày 6 tháng 2 năm 2022, đúng vào ngày 6 Tết Cổ truyền, mà không được gặp con gái mình lần cuối.

Bức hại không ngừng nghỉ

Sau chín năm phải ngồi tù phi pháp, nữ học viên 56 tuổi tại Thiểm Tây lại phải chịu thêm án tù 3,5 năm chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lưu Xuân Hà, 56 tuổi, cư dân thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, bị bắt tại nơi làm việc vào khoảng 5 giờ chiều ngày 6 tháng 5 năm 2023, 13 ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á được tổ chức tại Tây An. Sự kiện có tham dự của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Theo những người thực hiện vụ bắt giữ, chính quyền địa phương tiến hành một chiến dịch “kéo lưới” trước hội nghị này. Thông thường, trước các sự kiện lớn hoặc hội nghị chính trị được tổ chức ở một thành phố nhất định, chính quyền đều tăng cường bắt giữ và sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công, nhằm ngăn họ nâng cao nhận thức về cuộc bức hại và “gây rắc rối” cho chế độ này.

Sau khi trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận bà Lưu vì phát hiện bà bị huyết áp cao, cảnh sát đưa bà đến một bệnh viện tâm thần do ngành công an quản lý. Nhiều học viên không có vấn đề về sức khỏe tâm thần bị giam giữ tại đây, và bị buộc dùng thuốc điều trị tâm thần.

Bà Lưu bị chuyển đến trại giam địa phương. Bà bị Tòa án Quận Liên Hồ đưa ra xét xử 2 lần, vào ngày 7 tháng 12 năm 2023 và ngày 16 tháng 4 năm 2024, trước khi bị kết án 3,5 năm tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ vào ngày 30 tháng 8 năm 2024.

Đây không phải lần đầu bà Lưu, một kỹ sư, bị nhắm mục tiêu chỉ vì đức tin của mình. Bà bị kết án 5 năm tù sau khi bị bắt vào tháng 10 năm 2001 vì tham dự hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp do các học viên Pháp Luân Công địa phương tổ chức. Án tù của bà bị kéo dài thêm 70 ngày, và tới tận ngày 9 tháng 12 năm 2006, bà mới được thả.

Sau khi được trả tự do, bà bị Công ty Huệ Bang thuộc Tập đoàn Huệ An ở tỉnh Thiểm Tây sa thải. Bà phải làm nhiều việc vặt để mưu sinh. Bà lại bị bắt vào ngày 21 tháng 3 năm 2017 và bị kết án 4 năm tù vào ngày 4 tháng 1 năm 2018. Chồng bà ly hôn bà khi bà còn ở trong tù. Sau khi được thả về vào tháng 3 năm 2021, bà chuyển tới ở cùng con trai. Bà tìm được công việc tại một công ty quản lý bất động sản. Sự chăm chỉ nỗ lực của bà đã giúp bà nhận được sự tôn trọng từ chủ lao động và các đồng nghiệp.

Trải qua 11 năm sau song sắt, một bà lão ở Vân Nam bị kết án thêm bốn năm tù vì đức tin của mình

Bà Quách Linh, một phụ nữ 67 tuổi ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị cảnh sát chặn lại khi đang đi bộ về nhà vào khoảng 9 giờ tối ngày 24 tháng 9 năm 2022. Không xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc lệnh khám xét, họ lục soát nơi ở của bà và tịch thu nhiều đồ đạc cá nhân.

Bà Quách bị đưa đến Đồn Công an Hải Khẩu vào khoảng nửa đêm. Bà bị ép ngồi trên ghế qua đêm, trong khi 2 nâm cảnh sát theo dõi bà. Cảnh sát thẩm vấn bà vào buổi sáng, và chiều hôm đó thu thập dấu vân tay cùng mẫu máu của bà trái với ý muốn của bà. Do bị thương ở chân trong thời gian thụ án trước đó, trại tạm giam từ chối tiếp nhận, và bà được thả vào tối cùng ngày.

Sau khi bà được thả, cảnh sát và các viên chức ủy ban khu dân cư tiếp tục sách nhiễu bà Quách. Khoảng 8 giờ sáng ngày 16 tháng 7, cảnh sát đưa bà Quách đến Tòa án Quận Tây Sơn. Bà Quách từ chối để luật sư chỉ định của tòa án đại diện, và tự bào chữa cho mình. Bà yêu cầu các nhân chứng ra tòa để đối chất, nhưng thẩm phán Trương từ chối. Thẩm phán cũng liên tục ngắt lời bà Quách khi bà đang trình bày.

Ngày 19 tháng 7, bà Quách bị triệu tập đến đồn công an, nơi thẩm phán Trương thông báo bà bị kết án 4 năm tù. Bà quyết định không kháng cáo.

Đây là lần thứ 3 bà Quách Linh, nhân viên về hưu của một công ty thực phẩm, bị kết án vì đức tin của mình. Bà bị kết án 7 năm tù vào năm 2003 và 4 năm tù vào năm 2009.

Bên trong Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam, lính canh buộc bà phải ngồi yên trên ghế đẩu nhỏ trong 16 giờ mỗi ngày, trong suốt 2 năm trời. Việc tắc nghẽn lưu thông khí huyết gây ra tổn thương mô vĩnh viễn, dẫn đến hoại tử ở chỏm xương đùi của bà.

Việc thường xuyên bị biệt giam ảnh hưởng đến thần kinh của bà, khiến bà bị chứng “rối loạn hoang tưởng dẫn tới kích động”. Chính quyền chỉ thả bà cho đến khi gia đình bà nộp đơn tố cáo ban quản lý nhà tù. Thời điểm được tạm tha y tế vào tháng 11 năm 2011, bà đã bị liệt toàn thân.

2011-4-4-kuxing-06.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Ngồi yên cả ngày trên ghế đẩu nhỏ

Sau khi bà Quách về nhà, cảnh sát cùng các viên chức cộng đồng tiếp tục sách nhiễu, và còn yêu cầu bà phải thường xuyên báo cáo tình trạng của mình cho cảnh sát. Không chịu được áp lực tinh thần to lớn từ cuộc bức hại, chồng bà đệ đơn ly hôn. Bà buộc phải dọn ra ngoài sống và thuê một nhà trọ bằng đồng lương hưu ít ỏi của mình. Để có thể bức hại bà, Phòng An sinh Xã hội quận Ngũ Hoa, thành phố Côn Minh, đình chỉ lương hưu của bà, và yêu cầu bà hoàn trả số tiền lương hưu đã nhận được trong khi ở tù.

Báo cáo liên quan:

Báo cáo nửa đầu năm 2024: 447 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 5 năm 2024: 71 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 4 năm 2024: 84 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 3 năm 2024: 73 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 2 năm 2024: 56 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Báo cáo tháng 1 năm 2024: 122 học viên Pháp Luân Công bị kết án vì kiên định đức tin

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/8/481690.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/14/219961.html

Đăng ngày 22-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share