Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 14-09-2022] Ngày 20 tháng 7 năm 2022 ghi dấu 23 năm từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công vào năm 1999. Nhân dịp này, học viên Pháp Luân Công ở 38 quốc gia đã đệ trình một danh sách cập nhật các thủ phạm, bao gồm những người làm việc trong cơ quan hành pháp, tư pháp và Ủy ban Chính trị và Pháp luật, lên chính phủ của nước sở tại để kêu gọi cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản đối với những người trong danh sách này cũng như người thân của họ.

38 quốc gia này bao gồm: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc, New Zealand, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Séc, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Luxembourg, Croatia, Slovenia, Latvia, Estonia, Síp, Malta, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein, Israel, Mexico, Chile và Dominica.

Vui lòng tham khảo bài viết “Danh sách thủ phạm mới được đệ trình lên 38 chính phủ vào dịp kỷ niệm 23 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công” để biết thêm chi tiết.

Trịnh Châu Nga và Vu Vân Hà, hai nhân viên Phòng 610 của Nhà tù Nữ Quảng Đông, là hai thủ phạm nằm trong danh sách này.

Thông tin thủ phạm

Họ và tên: Trịnh Châu Nga (郑珠娥)

Giới tính: Nữ

Quốc tịch: Trung Quốc

Ngày tháng năm sinh: 29/09/1973

Nơi sinh: Chưa xác định

e7a4489a2431131aaeed07774c90239b.jpg

Trịnh Châu Nga

Họ và tên: Vu Vân Hà (于云霞)

Giới tính: Nữ

Quốc tịch: Trung Quốc

Ngày tháng năm sinh: 19/03/1973

Nơi sinh: tỉnh Hà Nam

Chức vụ:

Trịnh Châu Nga

-Từ năm 2002 tới hiện tại: Phó giám đốc và Giám đốc Phòng 610 của Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông

Vu Vân Hà

– Nhân viên Phòng 610 của Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông

– Phó trưởng Khu Giám sát Đặc biệt chuyên dùng để bức hại các học viên Pháp Luân Công

Những tội ác chính

Từ tháng 7 năm 1999, Nhà tù Nữ Quảng Đông đã khét tiếng với việc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Hàng trăm học viên bị giam giữ tại đây đã bị tra tấn tàn khốc cả về thể chất lẫn tinh thần. Phòng 610 có một chi nhánh ở trong nhà tù này và lập một khu biệt giam chuyên để bức hại các học viên.

Từ năm 2002, Trịnh Châu Nga đã đảm nhiệm vị trí phó giám đốc rồi giám đốc của Phòng 610. Cô ta đã chỉ thị cho lính canh và tù nhân bức hại những học viên không chịu từ bỏ đức tin. Nhiều học viên đã qua đời, nhiều người hơn nữa bị tàn tật cả về thể chất lẫn tinh thần.

Từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, Vu Vân Hà đã tiên phong và tích cực trong việc cưỡng ép các học viên từ bỏ đức tin của mình. Cô ta đã trở thành “chuyên gia” với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc tẩy não các học viên và được trao danh hiệu phụ nữ kiểu mẫu cùng huân chương vào năm 2017.

Vu thường xuyên kích động thù hận giữa các tù nhân chống lại các học viên nhằm gia tăng áp lực tinh thần lên họ. Cô ta cũng xúi giục các tù nhân tra tấn họ và có những lời phát biểu phỉ báng Pháp Luân Công nhằm tẩy não tù nhân cũng như lính gác.

Các hình thức bức hại

1.“Giáo dục đầu vào”

Khi các học viên được đưa tới nhà tù, đầu tiên họ sẽ bị giam ở Khu thứ tư để “giáo dục đầu vào”. Lính gác ở đây đã được lựa chọn cẩn thận. Hầu hết họ đã tốt nghiệp trường luật và đặc biệt có khả năng thuyết phục người khác. Vu Vân Hà chính là một trong số đó. Lãnh đạo nhà tù yêu cầu tỷ lệ học viên chuyển hóa đạt 100%.

Khi nhập trại, các học viên bị cắt bỏ tất cả những nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày, không được gặp hay liên lạc với gia đình trừ khi họ viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Các học viên bị kiểm soát chặt chẽ và liên tục bị các tù nhân khác giám sát, ngay cả khi họ đi tắm hay đi vệ sinh. Những tù nhân này sẽ báo cáo nhất cử nhất động của các học viên cho lính gác. Sự kiểm soát chặt chẽ như thế bắt đầu từ ngày đầu tiên cho tới khi họ được thả.

Những tù nhân tham gia vào sự bức hại này sẽ được thưởng hoặc được giảm án nếu có một viên từ bỏ Pháp Luân Công. Phần thưởng này sẽ được xem xét hàng tháng. Một số tù nhân cũng được miễn trừ lao động khổ sai.

2. Cưỡng bức tẩy não

Mục đích của việc tẩy não là khiến các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ. Để đạt được mục đích, lính gác sẽ cố gắng làm các học viên lẫn lộn trong việc nhận định thiện ác, thị phi.

Các phương pháp tẩy não bao gồm việc không ngừng buộc các học viên xem các video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công, hàng ngày phải viết những nội dung tẩy não và lao động khổ sai. Các học viên bị ép phải viết “thư đảm bảo” trái với mong muốn của họ để đạt được yêu cầu 100% chuyển hóa.

Các trường hợp tử vong

1. Bà Hoàng Đình Hữu chết vì bệnh bạch cầu chưa đầy một tháng mãn hạn tù

Bà Hoàng Đình Hữu bị bắt vào năm 2003 và bị kết án 5 năm tù giam tại Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông. Các bác sỹ nhà tù lấy lý do kiểm tra sức khỏe đã thường xuyên lấy mẫu máu và tủy xương của bà. Bà bị ép phải tiêm một lượng lớn những loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Tháng 7 năm 2007, nhà tù bất ngờ thông báo cho gia đình đến đón người. Sau khi đưa bà về nhà, người thân của bà mới nhận gia rằng, bà Hoàng, người hoàn toàn khỏe mạnh trước khi bị bỏ tù, nay đã bị ung thư máu giai đoạn cuối. Họ cũng phát hiện ra rằng trong thời gian bị cầm tù, bà đã bị các tù nhân khác giám sát và không được phép nói chuyện trong nhiều năm. Sau khi về nhà, ngay cả nói chuyện bà cũng không nói. Bà qua đời vào ngày 8 tháng 8 năm 2007, chưa đầy một tháng sau khi bà được thả.

cb6c5b5617a38189cb21457ede755393.jpg

Bà Hoàng Đình Hữu

2. Bà Triệu Bình qua đời bởi sách nhiễu sau khi thụ án 3 năm tù

Bà Triệu Bình, nguyên giảng viên tại Đại học Cán bộ Quản lý An ninh Công cộng Quảng Châu, thanh tra cảnh sát bậc hai kiêm luật sư, đã bị giam cầm 17 năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bắt giữ lần tiếp theo vào tháng 8 năm 2008 trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic Bắc Kinh và sau đó bị kết án 3 năm tù giam, thụ án tại Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông.

Bà Triệu có lần kể lại rằng bà đã bị tẩy não vô nhân tính và lao động không công trong tù. Bà viết: “Trong không gian vô cùng chật hẹp, tôi đã mất đi tự do, tôi đã bị những tù nhân được chỉ định giám sát 24 giờ mỗi ngày. Nhất cử nhất động của tôi có thể bị báo cáo bất kỳ lúc nào. Tôi không được nói chuyện với bất kỳ ai hay tự ý làm bất cứ điều gì, gồm cả việc giặt giũ, tắm giặt và đi vệ sinh. Sự ‘kiểm soát chặt chẽ’ này bắt đầu ngay khi tôi bước chân vào nhà tù này và kéo dài cho tới khi tôi được thả. Kiểu ‘nhà tù trong nhà tù’ như thế này thật ngột ngạt và đủ để làm suy sụp tinh thần.”

“Một nhóm tù nhân đã được lựa chọn và đào tạo để tra tấn chúng tôi. Bọn họ thô lỗ, hung ác và phải có trình độ văn hóa nhất định. Quản lý nhà tù sẽ khen thưởng hoặc trực tiếp giảm án tùy theo số người trong chúng tôi từ bỏ Pháp Luân Công. Họ có thể dùng bất kỳ thủ đoạn hèn hạ nào để ép buộc chúng tôi”.

Bởi bà Triệu lên tiếng về việc bị tra tấn trong tù sau khi được thả nên bà và gia đình liên tục bị sách nhiễu và đe dọa. Hành động sách nhiễu này càng gia tăng vào năm 2015 sau khi bà viết đơn khiếu lại hình sự đối với Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chế độ cộng sản Trung Quốc, kẻ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công. Bà qua đời vào ngày 14 tháng 5 năm 2016, hưởng thọ 58 tuổi.

3. Bà Trần Chính Dung qua đời, nghi ngờ bị tiêm thuốc độc

Bà Trần Chính Dung, một cư dân của thành phố Thâm Quyến, bị bắt vào ngày 29 tháng 5 năm 2010. Bà bị kết án 4 năm tù giam, thụ án tại Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông. Bà qua đời vào ngày 11 tháng 12 năm 2013, chỉ hơn 2 tháng sau khi được thả vào ngày 28 tháng 9, ở độ tuổi 60. Bà có nhiều vết kim tiêm trên cánh tay. Gia đình bà nghi ngờ rằng bà đã bị tiêm thuốc độc trước khi được trả tự do.

4. Bà Lâm Thiếu Na qua đời sau khi bị ung thư trong tù

Bà Lâm Thiếu Na ở thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông, bị bắt và nhận bản án 3 năm tại Nhà tù Nữ Quảng Đông vì đã phổ biến cho mọi người về Pháp Luân Công. Do bị tra tấn trong tù, sức khỏe của bà suy giảm nhanh chóng và bà đã bị ung thư vú.

Nhà tù từ chối bảo lãnh tại ngoại để điều trị, buộc bà phải phẫu thuật và điều trị hóa trị nhiều lần, mặc dù bác sỹ điều trị chuẩn đoán rằng việc phẫu thuật không thích hợp. Sau hơn 2 năm thụ án, cuối cùng nhà tù cũng cho bà được tại ngoại để điều trị. Nhưng sau khi về nhà, bà đã không thể bình phục và qua đời vào ngày 26 tháng 6 năm 2013.

5. Bà Bành Văn Tú qua đời sau hơn một năm thụ án

Bà Bành Văn Tú bị bắt vào tháng 6 năm 2014 vì phát tặng các tài liệu Pháp Luân Công. Bà bị kết án 4 năm tù giam tại Nhà tù Nữ Quảng Châu 6 tháng sau đó. Do bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần trong tù nên răng bà bị rụng và bà không thể ăn được. Một năm sau, vào ngày 24 tháng 12 năm 2015, bà qua đời ở tuổi 60.

6. Bà Lý Tùng Phương qua đời vì mắc bệnh nan y trong tù

Bà Lý Tùng Phương bị bắt vào ngày 20 tháng 2 năm 2008 vì dán các thông tin về Pháp Luân Công. Bà bị xét xử bí mật và kết án 4 năm tù giam ở Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông. Khi chồng bà nhận được bản án, ông chấn động tới mức mắc bệnh tâm thần và phải đưa đến phòng điều trị tích cực của bệnh viện để điều trị.

Sau ba năm bị tra tấn và tẩy não trong tù, sức khỏe của bà Lý trở nên rất yếu. Bà bị ung thư tử cung giai đoạn cuối, viêm đường niệu và chảy máu dạ dày. Nhà tù thông báo cho gia đình đến đón bà vào ngày 18 tháng 3 năm 2011 khi bà đang hấp hối. Bà được đưa tới một bệnh viện để điều trị nhưng đã qua đời vào ngày 3 tháng 5 khi ở độ tuổi 50.

Các trường hợp bị chấn thương tinh thần bởi tra tấn

Bà Ngô Chúc Quân bị kết án 4 năm tù giam vào năm 2007. Bị tra tấn trong tù và bị tiêm những loại thuốc không xác định khiến bà gặp vấn đề về tinh thần và không thể tự ăn uống hay đi lại. Bà được trả tự do vào năm 2012. Nhưng thậm chí tới giờ, sức khỏe tinh thần của bà vẫn chưa bình phục. Bà không thể nhớ được những gì mình đã trải qua khi bị bức hại trong tù.

Bà Liễu Mộc Lan, một học viên ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã được chuyển tới Khu số 4 của Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông vào ngày 10 tháng 1 năm 2012. Chỉ trong vòng một vài tháng, cả thể chất và tinh thần của bà đã giảm sút nghiêm trọng. Vì không từ bỏ Pháp Luân Công nên nhà tù tuyên bố bà bị “huyết áp cao” và ép bà hàng ngày phải tiêm những loại thuốc không xác định. Những loại thuốc này đã khiến bà bị rối loạn tâm thần, ảo giác, mờ mắt và sụt cân nhanh chóng. Chân của bà bị sưng tấy và bà gặp khó khăn khi nói.

Bà Tạ Khôn Hương, một cựu nhân viên cảnh sát, bị kết án 3,5 năm tù giam vào năm 2005. Trong Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông, bà bị tra tấn đến mức rối loạn tâm thần. Mặc cho tình trạng của bà, nhà tù vẫn ép bà phải lấy mẫu máu nhiều lần và tiêm cho bà những loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Bà Dương Tiểu Lan, bị giam giữ tại Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông từ tháng 12 năm 2004 tới tháng 10 năm 2006. Lính gác đã cưỡng chế cắt tóc và ép bà mặc quần áo tù nhân. Họ cũng ép bà làm việc không công, đứng úp mặt vào tường trong một thời gian dài và tra tấn bằng dùi cui điện. Bà đã từng bị kéo lê trên trền nền bê tông trong khi chân của bà bị thương nghiêm trọng.

Các tù nhân khác đã cấm bà dùng nhu yếu phẩm hàng ngày như băng vệ sinh, xà phòng và giấy vệ sinh. Khi bà phản đối việc bức hại, bà bị ép ngồi trên ghế đẩu nhỏ mà không được cử động trong thời gian dài và bị tiêm thuốc độc. Hậu quả là bà bị động kinh và mắc bệnh tâm thần.

Những trường hợp bị tra tấn khác

Bà Tô Quế Anh ở thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, bị bắt vào ngày 31 tháng 8 năm 2016, và bị kết án bốn năm tù giam. Trong tù, bà bị đánh đập, bắt đứng trong thời gian dài, phơi nắng, không được dùng nhà vệ sinh và cấm ngủ. Lính canh còn dùng tăm chọc vào mí mắt, dội nước lạnh hoặc nước sôi lên người, cấu véo và chải vùng kín của bà. Bà còn bị giam trong một bệnh viện tâm thần và bị tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Bà Lý Mỹ Bình vốn là thẩm phán của Tòa án Quận Mai Giang, thành phố Mai Châu. Bà bị bắt vào ngày 10 tháng 11 năm 2004 vì phát tặng các tài liệu Pháp Luân Công. Sau đó, bà bị kết án 5 năm tù giam. Quản giáo nhà tù đã tiêm vào âm đạo của bà những loại thuốc không xác định. Bà bị chảy máu âm đạo và vô kinh trong hai tháng. Sau đó, bà đứng dậy khó khăn và bị đau dữ dội ở phần thân trên, đặc biệt là vùng lưng.

Bà Lưu Bồi Trân ở thành phố Thâm Quyến, bị kết án 8 năm ở Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Châu vào tháng 4 năm 2006. Do hậu quả của việc bức hại, bà gần như bị mù hoàn toàn. Bà không thể đọc sách hay tự chăm sóc bản thân.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/14/449574.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/9/21/203953.html

Đăng ngày 08-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share