Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-02-2022] Kể từ khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Lý Hồng Trân, một lính canh ở khu 4 của Nhà tù Nữ Tỉnh Hà Bắc ở thành phố Thạch Gia Trang, đã tích cực tham gia vào việc ngược đãi các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù nhằm cố gắng cưỡng chế họ từ bỏ đức tin của mình. Vì tích cực tham gia nhiều năm qua, nên bà ta đã được đề bạt làm tổ trưởng các Khu 6, 11, 17 trong trại giam.

Các phương pháp tra tấn mà Lý sử dụng bao gồm biệt giam, đánh đập, sốc điện, cấm ngủ và tấn công tình dục. Một học viên đã qua đời do hậu quả trực tiếp của cuộc tra tấn và những người khác bị thương nặng.

Dưới đây là một số trường hợp bức hại mà Lý đã tham gia.

Bà Cao Tố Trân qua đời do tra tấn trong nhà tù

Bà Cao Tố Trân, ở thành phố Thạch Gia Trang, đã bị kết án 4,5 năm tù vì ký đơn yêu cầu giải cứu một học viên bị giam giữ. Bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Hà Bắc vào năm 2014 và chuyển đến khu 17 một năm sau đó.

Lý Hồng Trân và các tù nhân không cho bà Cao ngủ. Họ cũng đặt một chiếc ghế đẩu bằng nhựa vào chân bà và sau đó ngồi lên đó. Hậu quả là chân bà bị gãy và chảy dịch vàng trong một thời gian dài.

Trong một chiến dịch năm 2016 để cải thiện “tỷ lệ chuyển hóa” của các học viên trong nhà tù, Lý đã ép buộc bà Cao nhìn các học viên khác bị tra tấn. Trong một trường hợp, họ nhốt một học viên trên ghế và bịt miệng bà ấy lại. Sau đó, họ gắn dây vào núm vú của bà và dùng một chiếc kẹp để xoắn và kéo dây cho đến khi ngực bà chảy máu.

Sợ hãi bản thân phải chịu đựng sự tra tấn tương tự, bà Cao đã ký vào một bản tuyên bố hứa sẽ từ bỏ đức tin của mình. Một thời gian ngắn sau đó, bà bị suy sụp tinh thần và trở nên loạn trí. Bà cũng bị mất thị lực và trở nên mất kiểm soát.

Bà Cao đã trải qua phần lớn trong năm cuối cùng của thời gian bị giam cầm trong bệnh viện của nhà tù. Nhà tù đã tống tiền gia đình hơn 30.000 Nhân dân tệ để trang trải các hóa đơn y tế. Thị lực của bà trở nên tồi tệ sau khi nhân viên bệnh viện sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Bà cũng bị cao huyết áp và lượng đường trong máu cao trong thời gian nằm viện. Bà bắt đầu bị suy gan, thận và tim.

Mặc dù bệnh viện đã đưa ra thông báo ba lần rằng bà đang trong tình trạng nguy kịch, tuy nhiên chức trách nhà tù đã không để bà được tạm tha điều trị y tế cho đến ngày 5 tháng 1 năm 2017, gần đến thời điểm mãn hạn tù.

Ngay cả sau khi bà được thả, cảnh sát và các nhân viên từ Phòng 610 địa phương vẫn tiếp tục sách nhiễu tại nhà. Gia đình bà đã chi hơn 200.000 Nhân dân tệ để điều trị y tế cho bà, nhưng bà vẫn qua đời sau khi bị suy đa tạng vào ngày 5 tháng 3 năm 2018.

Hai học viên bị suy sụp tinh thần

Bà Lý Hiểu Anh

Vào khoảng tháng 7 năm 2000, bà Lý Hiểu Anh, một giáo viên đại học ngoài 50 tuổi, đã bị kết án ba năm và bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Hà Bắc. Vì ủng hộ Pháp Luân Công, bà đã bị Lý Hồng Trân đánh đập, lúc đó [Lý Hồng Trân] là lính canh ở khu 4. Một bác sỹ nhà tù tên là Vương Tuấn Lan và tù nhân Phùng Chí Vân thường đánh đập và chửi bới bà Lý. Họ tát vào mặt khiến mắt bà thâm tím và sưng tấy. Họ cũng biệt giam bà và không cho phép bà nói chuyện với người khác. Đôi khi bà bị ép ăn chất thải trong nhà vệ sinh, điều này cuối cùng đã khiến bà suy sụp tinh thần.

Bà Trữ Liên Vinh

Vào ngày 18 tháng 9 năm 2007, bà Trữ Liên Vinh bị bắt và bị kết án bảy năm. Lý Hồng Trân, khi đó là trưởng khu 11, đã biệt giam bà và ra lệnh cho bác sỹ Nhà tù Vương Mạn và tù nhân Tôn Hi Vinh bức thực bà các loại thuốc độc hại, khiến bà có các triệu chứng mất trí nhớ.

Các trường hợp bị tra tấn

Cô Bành Vân

Cô Bành Vân, 42 tuổi, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 2001 đến năm 2002 trong khi bị giam giữ tại Nhà tù Hình Đài vì phạm tội. Cô vô cùng hối hận về những việc làm sai trái trong quá khứ của mình và ước rằng mình có thể tu luyện Pháp Luân Công sớm hơn. Trong phiên tòa của mình, cô ấy nói với thẩm phán rằng cô ấy quyết tâm sống theo Nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công kể từ đó và chính quyền không nên bức hại một pháp môn tu luyện tốt như vậy. Chính vì vậy, thẩm phán đã tuyên án cô một bản án chung thân tại Nhà tù Nữ Hà Bắc.

Cô bị giam tại khu 4 từ năm 2003 đến năm 2005, khi đó các lính canh Mã Mai, Lý Hồng Trân, và Trương Duy Hà đã đưa cô vào phòng biệt giam sáu lần. Đó là một căn phòng nhỏ không có cửa sổ và lúc nào cũng tối và không có không khí lưu thông. Phòng cực kỳ nóng vào mùa hè và lạnh buốt vào mùa đông. Cô Bành phải ăn, uống, ngủ và vệ sinh trong cùng một phòng. Hầu hết mọi người sẽ không thể chịu đựng việc bị biệt giam trong vài ngày, nhưng cô Bành đã từng bị giam giữ ở đó hơn 100 ngày, trong khi bị còng tay và liên tục bị sốc điện bằng gậy điện.

Vào tháng 7 và tháng 8 năm 2003, lính canh Lý Hồng Trân ra lệnh cho Dương Kiến Mĩ, Trần Hi Yến, Phạm Tú Cần và Phùng Thái Lệ tra tấn và tẩy não cô Bành. Dương đổ một cốc nước sôi vào mặt và mắng chửi cô. Trần túm tóc và tát vào mặt cô. Phùng đánh và đá cô Bành từ phía sau, và Phạm cố gắng nói cô Bành từ bỏ Pháp Luân Công.

Vào tháng 10 năm 2003 và tháng 1 năm 2004, các lính canh Mã Mai, Lý Hồng Trân, và tù nhân Diêu Ái Hương đã biệt giam cô Bành trong 100 ngày. Thời tiết lạnh giá và không có sưởi trong căn phòng đó. Cô bị tê cóng ở nhiều vùng trên cơ thể và rất yếu sau một tháng tuyệt thực. Mã và Lý đã dùng gậy điện chích vào cổ và mặt cô, khiến cô không thể nói được trong vài tháng.

Từ ngày 19 tháng 5 đến ngày 25 tháng 8 năm 2004, lính canh Trương Duy Hà và Dương Trân Hoa đã khám xét cơ thể cô Bành và biệt giam cô trong 100 ngày. Các tù nhân Quách Ngọc Bình và Phùng Chí Vân đã kéo lê cô Bành trên mặt đất cho đến khi áo cô bị tuột ra. Cô bị để hở ngực trần với phần ngực hướng lên trên. Lưng của cô chảy rất nhiều máu do bị trầy xước khi bị kéo lê, và máu của cô dính đầy mặt đất.

Thời tiết nóng bức và cô Bành đã tuyệt thực trong ba tuần trong khi bị giam giữ. Bất chấp tình trạng yếu ớt của cô Bành, các lính canh đã còng cô vào một cánh cổng kim loại, khiến cô không thể đứng hoặc ngồi. Cô Bành bất tỉnh và mất kiểm soát tiểu tiện. Khi các lính canh chuẩn bị thả cô ấy ra khỏi nơi giam giữ, họ không thể mở còng tay của cô ấy vì chúng đã bị rỉ sét nặng. Họ phải dùng một mũi khoan để mở.

Từ ngày 29 tháng 5 đến ngày 20 tháng 6 năm 2005, các lính canh Lý Hồng Trân và Trương Duy Hà đã nhốt cô Bành trong ngục. Cô Bành được trả tự do sau 14 ngày tuyệt thực.

Từ ngày 3 đến ngày 20 tháng 10 năm 2005, tù nhân Mã Hồng Diễm đã tố cáo cô Bành đọc các sách của Pháp Luân Công. Các lính canh Trương Duy Hà và Trịnh Vĩ Huy đã nhốt cô Bành vào lúc 2 giờ sáng ngày 3 tháng 10 năm 2005. Cô Bành được thả sau 17 ngày tuyệt thực.

Từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2006, tù nhân Mã Hồng Diễm đã lại tố cáo cô Bành và do đó cô lại bị nhốt. Cô được trả tự do sau 3 tuần tuyệt thực.

Tính đến nay, cô Bành đã bị giam giữ trong nhà tù 20 năm, và các lính canh đe dọa rằng họ có thể sẽ giam cô thêm 10 năm nữa. Có lần, lính canh tìm thấy một lõi bút bi trong tay cô và cưỡng chế lấy nó đi vì sợ rằng cô có thể dùng nó để sao chép các bài giảng của Pháp Luân Công. Khi cô chống cự, họ túm tóc và đập đầu cô vào tường. Cô bị chấn thương não và bắt đầu nói không mạch lạc.

Cô Trần Yến Vũ

Vào ngày 16 tháng 4 năm 2003, khi cô Trần Yến Vũ, một cư dân thành phố Thừa Đức ngoài 30 tuổi, bị đưa đến nhà tù, cô đã tuyệt thực hơn sáu tháng. Các lính canh đã cấm ngủ, đánh đập và làm nhục cô để ép cô ăn.

Tù nhân Đinh Thục Quyên từng bóp cổ cô nhưng cho rằng là đang xoa bóp cho cô. Sau đó, cô ta và các tù nhân khác trói cô trong tư thế đại bàng dang cánh và bức thực cô qua ống mũi. Không được vệ sinh đúng cách, cô đã bị viêm mũi và họng.

Trong một lần tra tấn vào ngày 12 tháng 4 năm 2004, lính canh đã viết những lời lẽ sỉ nhục lên mặt, cơ thể và quần áo của cô Trần, khiến cô bị tổn thương sâu sắc.

Vào ngày 19 tháng 5 năm 2004, lính canh Lý Hồng Trân đã nhốt cô trong một khu biệt giam và không cho phép cô nói chuyện với người khác hoặc đến căng tin để lấy thức ăn.

Cô An Kim Đình

Cô An Kim Đình, ngoài 40 tuổi, vì đã tuyệt thực để phản đối việc tra tấn cô Bành Vân, bác sỹ Nhà tù Vương Tuấn Lan đã bức thực cô. Vương đã kéo ống truyền thức ăn qua lại trong mũi cô, gây chảy máu nghiêm trọng và đau đớn tột cùng.

Vào tháng 7 năm 2005, lính canh Lý Hồng Trân ra lệnh cho các tù nhân Phùng Chí Vân và Thân Kiến Hà giám sát chặt chẽ cô An và không cho phép cô nói chuyện với người khác.

Cô Hình Tuấn Hoa

Vào ngày 15 tháng 4 năm 2008, cô Hình Tuấn Hoa, ngoài 40 tuổi, bị đưa đến khu 11 của nhà tù. Lý Hồng Trân ra lệnh cho cô viết một bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng cô từ chối thực hiện.

Vào mùa hè năm 2010, Khi cô Hình phản đối cuộc bức hại bằng cách hô lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, Lý đã ra lệnh cho các tù nhân treo cô lên bằng cổ tay trong hơn 5 giờ, với chân cô không chạm đất. Họ cũng chụp đầu cô bằng băng keo và dùng giày tát vào mặt cô. Họ dùng đầu gối đá vào đùi trong của cô và khiến chân cô đi khập khiễng trong nhiều tháng. Trong một lần tra tấn khác, các tù nhân trói cô trên giường và kéo dang hai tay cô ra. Cô cảm thấy cánh tay của mình gần như trật khớp vì bị tra tấn.

Ngoài việc tra tấn thể xác, các lính canh còn bức thực cô bằng thuốc tâm thần vì cho rằng cô có vấn đề về tâm thần khi hô lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.

Bà Sài Quân Hiệp

Vào ngày 18 tháng 7 năm 2007, bà Sài Quân Hiệp bị bắt và bị kết án 4 năm tù vào ngày 12 tháng 4 năm 2008. Vào tháng 1 năm 2009, vì bà từ chối trả lời điểm danh để phản đối cuộc bức hại, lính canh Ngô Hồng Hà đã ra lệnh cho bà đến văn phòng. Ngô đánh vào mặt bà Sài bằng dùi cui điện và khi bà Sài hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Ngô cũng dùng gậy điện đánh vào lưng bà. Lưng bà Sài bị bầm tím nhiều, cổ bị thương do sốc điện. Khi bà vẫn không chịu khuất phục, Ngô đã ra lệnh cho các tù nhân Quách Vĩ và Mã Quốc Phượng đánh bà. Bà bị còng tay vào một cánh cửa kim loại và bị treo lên với chỉ đầu ngón chân chạm đất. Sau khi để bà ở đó, chịu cái lạnh mùa đông, trong suốt đêm, cánh tay phải của bà Sài bị thương tật vĩnh viễn.

Các lính canh sau đó đưa bà Sài vào phòng biệt giam. Họ lột trần, khiến bà run rẩy vì lạnh. Bà liên tục phải di chuyển để giữ ấm. Bà cũng bị cấm ngủ. Tù nhân Lý Na và một người khác họ Thạch được giao nhiệm vụ theo dõi bà suốt ngày đêm.

Sau khi bà Sài trở lại phòng giam, hai tù nhân này nhận được lệnh từ Lý Hồng Trân, lúc đó là trưởng khu 6, để tiếp tục tra tấn bà. Các tù nhân kéo dang tay bà ngang hai khung giường và còn bắt bà đứng ngoài hành lang suốt 60 giờ liên tục không cho phép nhắm mắt. Đôi mắt của bà bị thương và thường xuyên bị đau.

Bà Vương Tố Lan

Vào năm 2009, bà Vương Tố Lan, ngoài 50 tuổi, bị bắt tại Bắc Kinh và bị Tòa án Quận Huyền Vũ ở Bắc Kinh kết án 9 năm tù. Bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Hà Bắc vào ngày 20 tháng 3 năm 2010. Các lính canh ra lệnh cho các tù nhân cấm ngủ và đánh đập bà. Bà cũng bị bắt đứng trong nhiều giờ liền mà không được cử động. Sự đau khổ về tinh thần đã khiến cho căn bệnh cũ vốn đã được chữa khỏi sau khi tu luyện Pháp Luân Công nay lại tái phát.

Trong vòng sáu tháng, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tử cung. Lính canh Lý Hồng Trân đã ra lệnh cho chồng bà phải trả 10.000 Nhân dân tệ cho ca phẫu thuật của bà. Sau đó, ông phát hiện ra rằng 3.000 Nhân dân tệ đã vào túi của Lý và 7.000 Nhân dân tệ đã được đưa cho bệnh viện của nhà tù. Vào ngày dự kiến ​​phẫu thuật, Trương Hoán Vinh, giám đốc bệnh viện nhà tù, đòi thêm 4.000 Nhân dân tệ từ ông và tuyên bố rằng họ sẽ làm phẫu thuật ngay khi nhận được tiền.

Khi chồng bà đưa tiền xong, bác sỹ đã đợi hơn một tháng trước khi phẫu thuật cho bà. Bà đã trải qua hai cuộc phẫu thuật lớn và bốn đợt hóa trị trong vòng một tháng vào cuối năm 2010. Sau đó, quản lý nhà tù đã không cung cấp thức ăn hoặc dịch vụ chăm sóc phù hợp cho bà nên sức khỏe của bà ngày càng giảm sút. Họ đã đề nghị tạm tha y tế cho bà vào tháng 3 năm 2012, nhưng Sở Tư pháp Đường Sơn và các tổ chức khác đã từ chối để bà đi vì bà “không phải là tội phạm mà là một học viên Pháp Luân Công”. Bà Vương sau đó được đưa vào khu hồi sức cho đến khi hết thời gian thụ án vì bà không còn khả năng lao động.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/16/438998.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/25/200046.html

Đăng ngày 09-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share