Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-02-2022] Kể từ khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, nhà chức trách ở tỉnh Hắc Long Giang đã tích cực phục tùng mệnh lệnh của chính quyền trong việc thực hiện chính sách bức hại, biến nơi đây trở thành một trong những khu vực bức hại diễn ra nghiêm trọng nhất.

Trong số 4.776 học viên Pháp Luân Công được xác nhận đã tử vong do bức hại kể từ năm 1999, Hắc Long Giang chịu trách nhiệm nhiều hơn bất kỳ tỉnh nào khác với 617 trường hợp (12,9%).

Trong việc điều hành cuộc bức hại, Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công, đã đóng vai trò trung tâm trong việc huy động tất cả các lực lượng — từ công an đến các ngành tư pháp, từ ủy ban khu phố đến các công ty đại chúng — để bắt giữ, giam giữ, tẩy não và tra tấn những học viên không chịu từ bỏ đức tin của mình.

Trong 23 năm qua, 5 trưởng phòng trước đây và hiện tại của Phòng 610 – Trương Kim Phong, Quốc Kiếm Trần, Thạch Lan Ba, Lý Hiếu Quân và Lưu Vĩ Quốc – chịu trách nhiệm chính về cuộc bức hại ở tỉnh Hắc Long Giang.

Thông tin về các thủ phạm

Trương Kim Phong (张金峰), sinh tháng 9 năm 1953, là người ở Hắc Long Giang. Ông ta giữ chức vụ trưởng Phòng 610 tỉnh Hắc Long Giang từ năm 2000 đến năm 2010.

2022-2-15-203904-0.jpg

Trương Kim Phong

Quốc Kiếm Trần (国 剑 尘), cũng là người gốc ở Hắc Long Giang, trở thành phó trưởng Phòng 610 tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 10 năm 2004. Ông ta đảm nhận vị trí trưởng phòng sau Trương. Vào tháng 10 năm 2011, ông ta đã tham dự “Cuộc họp trao đổi kinh nghiệm xóa bỏ các tổ chức tà giáo” tại thành phố Song Áp Sơn với Tôn Vĩnh Ba, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hắc Long Giang (UBCTPL), một cơ quan ngoài vòng pháp luật có quyền hạn giám sát các ngành tư pháp và an ninh.

Thạch Lan Ba (石兰波), quê ở Hắc Long Giang sinh tháng 4 năm 1958, là trưởng phòng thứ 3 của Phòng 610 tỉnh Hắc Long Giang. Ông ta cũng từng là giám đốc và phó bí thư của UBCTPL Hắc Long Giang.

2022-2-15-203904-1.jpg

Thạch Lan Ba

Lý Hiếu Quân (李孝军), sinh tháng 11 năm 1963, là ủy viên điều phối của Phòng 610 tỉnh Hắc Long Giang. Ông ta trở thành phó trưởng Phòng 610 kể từ tháng 5 năm 2012.

2022-2-15-203904-2.jpg

Lý Hiếu Quân

Lưu Vĩ Quốc (刘伟国) là phó trưởng Phòng 610 tỉnh Hắc Long Giang từ năm 2011.

2022-2-15-203904-3.jpg

Lưu Vĩ Quốc

Một số các trường hợp bị bức hại

Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các trường hợp được liệt kê dưới đây chỉ phản ánh một phần nhỏ các vụ bức hại đã diễn ra.

Bắt giữ và kết án

Vào tháng 4 năm 2002, cảnh sát thành phố Hạc Cương đã bắt giữ hơn 700 học viên trong sáu ngày. Trưởng Phòng 610 Trương Kim Phong đã đích thân đưa một số người trong số họ đến Trung tâm cai nghiện ma túy thành phố Cáp Nhĩ Tân để tiếp tục bức hại.

Sau khi bảy học viên ở thành phố Vũ Xương bị bắt vào năm 2004, Trương đã tống tiền gia đình các học viên trước khi thả họ.

Vào ngày 25 tháng 4 năm 2007, cảnh sát thành phố Đại Khánh đã bắt giữ hơn 20 học viên.

Vào ngày 10 tháng 3 năm 2005, ông Lý Mẫn và vợ là bà Đỗ Tú Trân ở thành phố Cáp Nhĩ Tân bị bắt và bị đưa đến Trung tâm tẩy não thành phố Vũ Xương. Trương và Kỳ Gia Dân, trưởng Phòng 610 thành phố Cáp Nhĩ Tân, đã hai lần đến trung tâm tẩy não và ra lệnh cho ông Lý từ bỏ Pháp Luân Công. Ông đã từ chối tuân thủ và bị kết án tám năm. Ông bị tra tấn đến chết trong nhà tù Đại Khánh vào năm 2009.

Vào ngày 13 tháng 11 năm 2011, các nhà chức trách đã cử hơn 100 sĩ quan vũ trang đến thành phố Cáp Nhĩ Tân, dẫn đến việc bắt giữ 56 học viên, những người đang tập trung tại nhà của một học viên. Trong số đó, 36 người bị kết án lao động cưỡng bức và 7 người bị kết án.

Từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 12 năm 2011, hơn 50 học viên đã bị bắt tại thành phố Song Thành và thành phố Cáp Nhĩ Tân.

Vào ngày 31 tháng 12 năm 2011, cảnh sát thành phố Cáp Nhĩ Tân đã bắt giữ hơn 30 học viên trong vài giờ cuối năm. Gần 20 học viên đã bị kết án tù, trong đó có ông Trương Thịnh Quốc và vợ ông, bà Hầu Anh Hoa, mỗi người bị kết án 9 năm. Một số người khác đã bị kết án tại trại lao động.

Vào tối ngày 29 tháng 3 năm 2013, 61 học viên đã bị bắt tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, huyện Y Lan, huyện Phương Chính, và huyện Thông Hà. Mười bốn người trong số họ bị kết án từ 3 đến 13 năm.

Vào ngày 11 tháng 7 năm 2015, cũng tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, hơn 80 học viên đã bị bắt. Bốn trong số họ sau đó đã bị kết án tù.

Từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 13 tháng 10 năm 2017, ít nhất 29 học viên đã bị bắt ở huyện Y Lan và huyện Hoa Xuyên. Mười bốn người trong số họ đã bị kết án.

Vào ngày 9 tháng 11, ít nhất 87 học viên ở Cáp Nhĩ Tân đã bị bắt và 61 học viên ở Đại Khánh. Ít nhất 17 học viên ở Đại Khánh và 33 học viên ở Cáp Nhĩ Tân đã bị kết án.

Vào ngày 11 tháng 9 năm 2019, 7 học viên đã bị cảnh sát huyện Thông Hà bắt giữ.

Tẩy não và tuyên truyền

Trong những năm qua, Trương Kim Phong và Quốc Kiếm Trần thường giảng bài tại Trường Đảng Hắc Long Giang cho các quan chức chính phủ các cấp, huấn luyện họ cách bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Từ ngày 7 đến ngày 17 tháng 9 năm 2010, Phòng 610 Hắc Long Giang đã tổ chức một lớp học khí công tại Nhà tù nữ tỉnh Hắc Long Giang và buộc các học viên phải tham dự, cố gắng chuyển hướng họ sang các phương pháp luyện tập khác.

Vào tháng 10 năm 2016, Thạch Lan Ba đã tham dự một hội nghị “báo cáo tin tức sáng tạo” tại một khách sạn ở Cáp Nhĩ Tân. Ông ta cũng thường xuyên đăng các bài báo bôi nhọ Pháp Luân Công trên các tờ báo khác nhau.

Vào tháng 5 năm 2017, một số cuộc triển lãm công khai bôi nhọ Pháp Luân Công đã được tổ chức tại một số thành phố ở Hắc Long Giang. Các tài liệu bôi nhọ Pháp Luân Công đã được phát cho người đi đường. Thạch đã tham dự sự kiện tại Cáp Nhĩ Tân.

Bốn tháng sau, vào tháng 9 năm 2017, Thạch Lan Ba, Lưu Vĩ Quốc và Lý Hiếu Quân đã tham dự một lễ trao giải tôn vinh “Huyện kiểu mẫu không có tổ chức tà giáo”.

Vào tháng 12 năm 2017 và tháng 2 năm 2018, Thạch đã tổ chức hai cuộc họp của các thành viên Phòng 610 của tỉnh thúc đẩy các chiến thuật bức hại quyết liệt hơn.

Trung tâm tẩy não Ngũ Thường

Trung tâm tẩy não Ngũ Thường, được biết đến bên ngoài là “Trung tâm Giáo dục Pháp luật Ngũ Thường”, được thành lập bởi Phòng 610 và UBCTPL vào năm 2000. Trung tâm nhận được tài trợ từ chính quyền tỉnh và thuộc Văn phòng Kế hoạch Gia đình thành phố Ngũ Thường. Ngoài bức hại các học viên trong tỉnh, nơi đây còn tiếp nhận các học viên ngoài tỉnh.

Để thực hiện “Kế hoạch‘chuyển hóa’ba năm từ năm 2010 đến năm 2012” do Chu Vĩnh Khang, Bí thư Trung ương UBCTPL ra lệnh từ năm 2007 đến năm 2012, Trương Kim Phong và Quốc Kiếm Trần đã ra lệnh bắt giữ hàng hoạt và tẩy não các học viên. Hơn mười trung tâm tẩy não đã được thành lập, bao gồm cả Trung tâm tẩy não Thanh Long Sơn khét tiếng, nơi các luật sư nhân quyền đã bị tra tấn vào tháng 3 năm 2014 vì yêu cầu trả tự do cho các học viên.

Một vài trường hợp tử vong

Ông Lưu Tinh Minh qua đời sau chưa đầy hai tháng trong tù

Vào tháng 10 năm 2006, ông Lưu Tinh Minh bị kết án 12 năm. Ông bị đưa đến nhà tù Thái Lai vào ngày 8 tháng 2 năm 2007. Khi ông chống lại việc tẩy não, các lính canh bắt đầu tra tấn ông vào ngày 22 tháng 3. Ông qua đời ba ngày sau đó khi 39 tuổi.

Theo gia đình, thi thể của ông bị thương tích một cách khủng khiếp. Phần đầu bên phải bị lõm vào. Có những vết xước dài trên trán, lông mày phải và bên mặt phải. Mặt ông sưng vù và bầm tím. Ông bị chảy máu ở mũi và tai. Áo len và quần dài của ông ướt đẫm máu, nhưng quần lót và tất của ông không có bất kỳ vết máu nào. Chân trái của ông có dấu hiệu có thể bị tra tấn. Có một lỗ có đường kính khoảng 5 đến 6 cm ở chân phải của ông. Chân phải của ông bị trẹo và cả hai đầu gối tím bầm. Trong khi rõ ràng rằng ông đã bị tra tấn đến chết, nhà tù cho rằng ông đã nhảy lầu tự tử.

Ông Trương Hiểu Xuân qua đời do bị bức thực

Vào tháng 1 năm 2001, ông Trương Hiểu Xuân bị bắt vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại trong hơn 20 ngày và được thả. Cảnh sát lại bắt ông vào đầu tháng 2 và đưa ông đến Trại lao động cưỡng bức Phú Dụ. Ông đã tuyệt thực lần nữa vào tháng 6 và bị bức thực.

Vào ngày 19 tháng 6 năm 2001, nhà chức trách đã chuyển ông Trương đến trại tạm giam Phú Dụ và giam giữ ông ở đó trong một năm. Vào ngày 19 tháng 6 năm 2002, ông tiếp tục tuyệt thực và qua đời vì bị bức thực mười ngày sau đó. Ông mất khi 43 tuổi. Cảnh sát đã hỏa táng thi thể ông mà không thông báo cho phía gia đình.

Ông Tôn Bồi Thần bị tra tấn đến chết

Vào ngày 26 tháng 5 năm 2004, ông Tôn Bồi Thần, một giáo viên cấp hai bị bắt. Cảnh sát đã đánh ông vào đầu, ngực và bụng. Ông bị ngất đi mấy lần.

Cảnh sát sau đó đã kết án ông Tôn 3 năm tù tại Trại lao động cưỡng bức Trường Lâm Tử, nơi ông thường xuyên bị sốc điện và tấn công tình dục. Một lính canh đã từng lột quần áo và bóp vỡ tinh hoàn của ông. Một lính canh khác đã sốc điện ông bằng một dùi cui điện. Khi cả hai mệt mỏi, họ nghỉ ngơi và sau đó lại sốc điện vào tinh hoàn và các bộ phận nhạy cảm khác của ông Tôn. Một lần khác, họ đè ông xuống đất và dùng cùi chỏ đánh vào ngực và lưng ông một cách thô bạo. Họ cũng đá vào ngực và lưng ông. Họ thậm chí còn túm vào dương vật và kéo ông lên.

Lính canh Zhao Shuang từng nói: “Miễn là chúng ta không giết họ là được. Ngay cả khi chúng ta giết chết họ, chúng ta chỉ cần điền vào một bản báo cáo. Chúng ta có thể báo cáo sự việc như một cái chết bình thường. Dù sao thì trại lao động cưỡng bức cũng có hạn ngạch tử hình”.

Hậu quả của việc tra tấn, ông Tôn bị rụng nhiều răng và khó thở. Vào ngày 7 tháng 6 năm 2006, ông được thả khi bên bờ vực của cái chết và qua đời 20 ngày sau đó, vào ngày 3 tháng 7 năm 2006. Ông mất khi 47 tuổi.

Bà Hác Trí Mai qua đời 10 ngày sau khi bị bắt

Bà Hác Trí Mai là một giáo viên đã nghỉ hưu. Vào ngày 16 tháng 3 năm 2005, bà bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam. Vào tối ngày 18 tháng 3, trong khi bị thẩm vấn, cảnh sát đã buộc 4 chiếc bàn chải đánh răng lại với nhau, đưa vào âm đạo của bà và chà mạnh. Bà qua đời vào ngày 25 tháng 3. Khi cảnh sát thông báo cho gia đình về cái chết của bà, họ cho rằng bà qua đời do một cơn đau tim. Các lính canh đã đứng quanh thi thể bà trong lễ tang và không cho phép gia đình chụp ảnh bà. Bà mất khi 61 tuổi.

Ông Lô Ngọc Bình chết vì tra tấn trong tù

Vào tháng 5 năm 2002, ông Lô Ngọc Bình bị kết án 14 năm tù. Ông bị tra tấn dữ dội trong nhà tù Thái Lai. Vào mùa đông, ông buộc phải đi chân trần trên tuyết trong bộ quần áo mỏng. Các lính canh cũng ngâm ông vào thùng nước dùng để giặt giẻ lau. Sau khi ông ướt sũng, họ bắt ông đứng bên cạnh cửa sổ trong thời tiết gió lạnh. Sau đó, họ đưa ông trở lại phòng giam và bắt các tù nhân đấm đá ông. Ông cũng bị trói vào cột và buộc phải ngồi trên vỉa hè đóng băng. Đôi khi lính canh ra lệnh cho các tù nhân nhấc ông lên và sau đó ném ông xuống đất.

Sự tra tấn khiến ông Lô bị suy đa tạng. Ngay cả sau khi ông bị đưa đến bệnh viện nhà tù, các lính canh vẫn tiếp tục xúi giục các tù nhân khác đánh ông, làm ông bị thương ở thận và tàn tật cánh tay. Phòng 610 và UBCTPL đã hai lần từ chối lệnh ân xá của ông. Ông qua đời trong nhà tù vào ngày 30 tháng 5 năm 2009. Ông mất khi 51 tuổi.

Ông Từ Chí Thành qua đời vì bị bức thực 11 ngày sau khi bị bắt

Vào ngày 23 tháng 9 năm 2005, ông Từ Chí Thành, một kỹ sư, bị bắt. Ông bị đưa đến trại tạm giam 4 ngày sau đó. Các lính canh đã bức thực ông khi ông bắt đầu tuyệt thực, thường là cả một túi muối trộn với bột đậu nành hoặc bột ngô. Đôi khi họ bức thực ông bằng muối nấu chảy. Vào ngày 3 tháng 10, ông đã qua đời 11 ngày sau khi bị bắt. Ông mất khi 44 tuổi.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/16/439046.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/24/200034.html

Đăng ngày 05-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share