Bài viết của một học viên bên ngoài Trung Quốc
[MINH HUỆ 10-08-2022] Ngày 20 tháng 7 năm nay ghi dấu kỷ niệm 23 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Trong hai tuần qua, các học viên Pháp Luân Công ở 38 quốc gia đã tổng hợp và đệ trình danh sách thủ phạm mới lên chính phủ của họ, nhằm kêu gọi truy cứu trách nhiệm của những thủ phạm này. Các học viên đề xuất cấm thủ phạm và người thân nhập cảnh vào 38 quốc gia đó, cũng như đóng băng tài sản của họ tại những quốc gia đó.
38 quốc gia này bao gồm Liên minh Ngũ Nhãn (Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand), 23 quốc gia trong Liên minh Châu Âu EU (Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Séc, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Luxembourg, Croatia, Slovenia, Latvia, Estonia, Síp, Malta); cùng 10 quốc gia khác ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein, Israel, Mexico, Chile và Dominica. Trong đó, Latvia, Chile và Dominica là các quốc gia lần đầu tiên tham gia vào nỗ lực chung này.
Danh sách được đệ trình bao gồm chi tiết về tội ác của thủ phạm được tổng hợp từ các báo cáo của Minh Huệ. Cách đây ba năm, các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhận xét rằng thông tin do các học viên Pháp Luân Công cung cấp trong quá khứ là đáng tin cậy và được trình bày một cách chuyên nghiệp, có thể dùng làm mẫu cho các tổ chức khác.
Các báo cáo nhân quyền và báo cáo tôn giáo hàng năm do chính phủ Hoa Kỳ công bố có trích dẫn số liệu thống kê từ cuộc bức hại (như các trường hợp tử vong, số học viên bị kết án và số học viên bị giam giữ), cũng như các trường hợp cụ thể, trực tiếp từ Minh Huệ.
Tương tự như những lần đệ trình danh sách trước đây, danh sách lần này có tên các quan chức ĐCSTQ tham gia vào cuộc bức hại ở các cấp chính quyền và trong các cơ quan, tổ chức khác nhau. Dưới đây là một số ví dụ:
- Đường Nhất Quân: Bí thư Ban thường vụ Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) Trung ương
- Lưu Chấn Vũ: Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Nguyên Phó Bộ trưởng Bộ Tư pháp
- Thiệu Lôi: Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Trại giam thuộc Bộ Tư pháp
- Từ Gia Tân: Bí thư Ban thường vụ Đảng ủy, Chánh án Tòa án Tối cao tỉnh Cát Lâm
- Đinh Thuận Sinh: Bí thư Ban thường vụ Đảng ủy, Viện trưởng Viện kiểm sát Tỉnh Hà Bắc
- Vệ Nhạn Minh: Bí thư Ban thường vụ Đảng ủy, Chánh án Tòa án Tối cao tỉnh Hà Bắc, Ủy viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) Hà Bắc
- Trương Giáp Thiên: Bí thư Ban thường vụ Đảng ủy, Chánh án Tòa án Tối cao tỉnh Sơn Đông, Viện trưởng Học viện Đào tạo Thẩm phán Sơn Đông
- Tất Bảo Văn: Bí thư Đảng ủy, Nguyên phó chủ tịch tỉnh Hắc Long Giang, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật, Giám đốc Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang, Chánh Thanh tra tỉnh
- Mã Đình Đống: Phó giám đốc Phòng 610 tỉnh Liêu Ninh, Phó bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Liêu Ninh
- Lâm Chí Mẫn: Bí thư Ban thường vụ Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp Liêu Ninh, Ủy viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Liêu Ninh
- Lâm Phong Hải: Nguyên ủy viên Tỉnh ủy Sơn Đông, bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Sơn Đông, phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Sơn Đông
- Dực Chấn Lập: Phó bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hà Nam, Giám đốc Phòng 610 tỉnh Hà Nam
- Phạm Hoa Bình: Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch tỉnh Sơn Đông, Phó bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Sơn Đông, Giám đốc Sở Công an tỉnh Sơn Đông, Viện trưởng Học viện Cảnh sát Sơn Đông
- Lưu Kiếm Dân: Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Bắc, Cục trưởng Cục Quản lý Trại giam tỉnh, Bí thư Đảng ủy
- Phùng Cương: Ủy viên Đảng ủy tỉnh Cát Lâm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cát Lâm, Bí thư Đảng kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Trại giam tỉnh
- Lưu Á Châu: Phó Chủ tịch thành phố Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang, Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Sở Công an Cáp Nhĩ Tân, Chánh Thanh tra thành phố, Chủ nhiệm Văn phòng Điều phối An ninh Thi hành Luật Hành chính Thành phố
- Ngô Triết: Nguyên Kiểm sát trưởng Viện Kiểm sát Thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh
- Kiển Bưu: Phó Bí thư Đảng ủy Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Thành phố Thẩm Dương (CPPCC) tỉnh Liêu Ninh, nguyên Bí thư Thành ủy Triều Dương tỉnh Liêu Ninh
- Dương Minh Hân: Giám đốc Nhà tù Nữ Hắc Long Giang
- Sử Canh Huy: Chính ủy Nhà tù Nữ Hắc Long Giang
- Đào Thục Bình: Trưởng Phân khu thứ chín của Nhà tù Nữ Hắc Long Giang
(Thủ phạm ở các cấp thấp hơn không được nêu ở đây.)
Việc xử phạt những người vi phạm nhân quyền đã được thực hiện ở ngày càng nhiều quốc gia. Đạo luật Magnitsky Toàn cầu của Hoa Kỳ, được thông qua vào năm 2016, ban đầu được thiết kế chỉ có hiệu lực trong sáu năm và hết hạn vào ngày 23 tháng 12 năm 2022. Nhưng năm nay Quốc hội Hoa Kỳ đã chỉnh sửa dự luật này để luật có hiệu lực vĩnh viễn.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khuyến khích các tổ chức tôn giáo và tín ngưỡng đệ trình danh sách các thủ phạm nhân quyền. Họ cho biết có nhiều chế tài để buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm.
Ngoài Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, còn có Điều 7031 © của Bộ Ngoại giao, Hoạt động Đối ngoại, và Các Chương trình Liên quan liên quan đến vi phạm nhân quyền. Hơn nữa, có luật về nhập cư và an ninh biên giới nói chung. Một quan chức tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết luôn có ít nhất một chế tài có thể áp dụng. Mặc dù các thủ tục pháp lý liên quan đến Đạo luật Magnitsky Toàn cầu có thể phức tạp, nhưng cũng có các luật khác dễ thực hiện hơn và có thể áp dụng cho cả thủ phạm và người thân của họ. Việc được cấp thị thực là một đặc ân, bởi vậy cũng không cần phải giải thích khi thị thực bị từ chối. Bản thân thủ phạm sẽ biết lý do tại sao đơn xin thị thực của họ có thể bị từ chối, cho dù lý do có thể không được công khai.
Hiện tại, luật về trách nhiệm giải trình nhân quyền đã được thực thi ở Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc và tất cả 27 quốc gia EU. Na Uy, mặc dù không thuộc EU, nhưng cũng có “Đạo luật thực thi các biện pháp trừng phạt quốc tế” đối với những người vi phạm nhân quyền. Nghị viện và các nhóm nhân quyền ở Nhật Bản cũng đang thảo luận về luật tương tự. Các quan chức nước này cho biết chính phủ Nhật Bản có thể tham khảo các luật thương mại và ngoại giao hiện hành để xử phạt thủ phạm nhân quyền bằng cách đóng băng tài sản của họ hoặc từ chối nhập cảnh.
Các nước phương Tây cũng đang chia sẻ thông tin về các thủ phạm nhân quyền. Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh đã hợp tác chặt chẽ về vấn đề này thông qua các cuộc họp liên chính phủ định kỳ hàng năm, và có mời các nhóm tôn giáo và tín ngưỡng bị bức hại (trong đó có Pháp Luân Công) tham dự. Trong những cuộc họp này, các chính sách và luật về trách nhiệm giải trình nhân quyền được đưa ra thảo luận. Các câu hỏi và đề nghị từ các nhóm bị bức hại cũng được xem xét.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế thường niên lần thứ hai diễn ra tại Washington DC vào cuối tháng 6 năm 2022, các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm quyền tự do tôn giáo là một chủ đề nóng và được các thành viên hội nghị hết sức quan tâm. Các quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về an ninh và nhân quyền cũng đã đến thăm quầy thông tin của các học viên Pháp Luân Công. Sau khi nghe về cuộc bức hại ở Trung Quốc, họ nói rằng sự đàn áp là quá sức tưởng tượng và là một cuộc diệt chủng.
Bất kỳ hình thức bức hại nào đối với các học viên Pháp Luân Công đều là bất hợp pháp và thủ phạm cuối cùng sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong bài viết này, chúng tôi cảnh báo các thủ phạm không nên manh động, vì sớm muộn họ cũng sẽ bị đưa vào danh sách xử phạt ở các nước phương Tây. Việc tiếp tục tham gia vào cuộc bức hại sẽ ngăn cản các cá nhân và người thân của họ đi du lịch, học tập, kinh doanh hoặc định cư tại những quốc gia đó. Bằng cách chấm dứt hành vi sai trái của mình, họ có thể làm những điều để bù đắp tổn thất mà họ đã gây ra cho các học viên Pháp Luân Công.
Trong cuộc chiến giữa thiện và ác, tất cả chúng ta đều phải đưa ra lựa chọn đứng về phía nào. Các thủ phạm, bao gồm những người trong cơ quan thực thi pháp luật, công tố viên, thẩm phán và lính canh của các cơ sở giam giữ, có nghĩa vụ bảo vệ và duy trì công lý cho người vô tội. Thế nhưng, theo chỉ thị của Phòng 610, họ đã theo chính sách bức hại để làm hại các học viên vô tội. Khi đến ngày ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những tội ác của nó đối với các học viên, họ sẽ không thoát khỏi công lý. Chúng tôi chân thành hy vọng họ ngừng nghe theo ĐCSTQ làm những việc xấu, cũng chính là giúp các học viên Pháp Luân Công và chính bản thân họ.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/10/447488.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/11/202738.html
Đăng ngày 15-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.