Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ bên ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-01-2022] Gần đây, nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế 10 tháng 12 (năm 2021), học viên Pháp Luân Công tại 36 quốc gia đã đệ trình lên chính phủ nước sở tại danh sách mới về những thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Theo đó các học viên yêu cầu chính phủ cấm những thủ phạm và các thành viên gia đình họ nhập cảnh và đóng băng tài sản của họ ở nước sở tại.

Trong 36 quốc gia này có 5 nước thuộc Liên minh Ngũ Nhãn (Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Australia và New Zealand), 23 nước thuộc Liên minh Châu Âu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Czechia, Romania, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Luxembourg, Bulgaria, Croatia, Slovenia, Estonia và Malta) và 8 nước khác (Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia, Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein, Israel và Mexico).

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999. Trong cuộc bức hại này, nhiều học viên đã bị tra tấn đến chết và bị mổ cướp nội tạng. Gần đây, các học viên đã gửi nhiều danh sách những thủ phạm bức hại đến các quốc gia khác nhau, yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những kẻ vi phạm nhân quyền này. Lần đệ trình này đánh dấu lần đầu tiên quốc gia Estonia tham gia vào nỗ lực này.

Khang Phương, cựu bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Châu Diên Biên, tỉnh Cát Lâm, có tên trong danh sách thủ phạm bức hại lần này.

Thông tin thủ phạm

Tên đầy đủ: Khang Phương (康 芳)

Giới tính: Nữ

Ngày/tháng năm sinh: tháng 3 năm 1966

Chức danh: Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Khu Diên Biên, tỉnh Cát Lâm

2022-1-5-220543-0--ss.jpg

Chức vụ

Tháng 1 năm 2012 – tháng 11 năm 2016: Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Châu Diên Biên

Tháng 11/2016 – 4/2017: Phó Bí thư Đảng ủy Châu Diên Biên

Tháng 4/2017 – Hiện tại: Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Châu Diên Biên, tỉnh Cát Lâm

Tội ác chủ yếu

Kể từ khi Khang Phương nhậm chức bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Châu Diên Biên, bà ta rất tích cực thực thi chính sách bức hại nhắm vào Pháp Luân Công ở Diên Biên và các vùng lân cận.

Theo số liệu thống kê của Minghui.org, từ tháng 1 năm 2012 đến cuối năm 2020, khi Khang Phương là Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật và Phó Bí thư Đảng ủy Diên Biên của tỉnh Cát Lâm, các học viên Pháp Luân Công trong khu vực đã bị nhắm mục tiêu gắt gao. Ít nhất 427 người bị sách nhiễu, bắt giữ, phạt tiền, giam giữ và/hoặc bị lục soát nhà, bao gồm 284 người bị đưa đến các phiên tẩy não, 3 người bị kết án lao động cưỡng bức và 46 người bị kết án tù.

Bảy trong số các học viên đã qua đời vì cuộc bức hại: Vương Minh Xuân, Ngô Xuân Diên, Vương Yến, Lâm Phượng Liên, Trì Diệu Tài, Trương Thục Hiền, Lý Kì Ngọc. Do bị kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt, tình hình thực tế [của cuộc bức hại ở địa phương] được cho là còn tồi tệ hơn.

1. Một số trường hợp đã qua đời do cuộc bức hại

1) Ông Ngô Xuân Diên

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, ông Ngô Xuân Diên ở thành phố Diên Cát liên tục bị bắt và giam giữ. Ông đã bị đưa vào trại lao động hai lần và bị tra tấn. Ông bị rụng hết răng sau khi một tù nhân dùng giày tát vào mặt ông nhằm ép ông từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 3 tháng 3 năm 2016, ông Ngô bị bắt tại nhà riêng cùng với sáu người khác khi họ đang cùng nhau đọc sách Pháp Luân Công. Cảnh sát lục soát nhà của ông và tịch thu tất cả mọi thứ liên quan đến Pháp Luân Công của ông.

Mặc dù tất cả bảy học viên đã được thả sau 20 ngày bị giam giữ, thẩm vấn và tẩy não, ông Ngô và hai học viên khác đã bị quản thúc tại gia và thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu.

Áp lực to lớn từ việc sách nhiễu và bức hại kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến ông Ngô. Vào tháng 12 năm 2016, sức khỏe của ông giảm sút nhanh chóng và ông đã bị liệt. Sau sáu tháng trong bệnh viện, ông Ngô đã qua đời vào tháng 6, ở tuổi 58.

2) Bà Vương Yến

Ngày 19 tháng 9 năm 2011, bà Vương Yến đã bị bắt tại nhà bởi hơn mười cảnh sát của Công an Châu Diên Biên. Cảnh sát đã lấy các tài sản cá nhân của bà như tài liệu Pháp Luân Công và máy tính. Bà bị giam 15 tháng ở trong trại lao động cưỡng bức.

Để ép bà Vương từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, lính canh trại liên tục đưa bà vào phòng biệt giam, dùng dùi cui điện sốc điện, bắt bà đứng trong thời gian dài và lao động cưỡng bức, đồng thời tẩy não bà. Bà Vương bị thương nặng và bị phù từ thắt lưng trở xuống.

Tại thời điểm rời trại lao động, bà không thể đi lại hoặc tự chăm sóc bản thân. Tình trạng của bà tiếp tục xấu đi và bà đã qua đời vào ngày 26 tháng 7 năm 2016, ở tuổi 47.

3) Ông Trì Diệu Tài

Ngày 2 tháng 9 năm 2011, ông Trì Diệu Tài bị bắt và đưa tới Đồn Công an Biên phòng Tân Hoa. Ông đã bị kết án 2 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Triều Dương Câu ở Trường Xuân vào ngày 20 tháng 9 năm 2011. Ông bị tra tấn trong trại giam và bị tăng huyết áp.

Sau khi được tạm tha y tế vào ngày 27 tháng 4 năm 2012, ông nói với gia đình rằng các lính canh đã bắt ông truyền 2 chai dung dịch vào tĩnh mạch vài tuần trước. Ông nghi ngờ rằng chúng có chứa thứ gì đó độc hại vì ông bắt đầu bị sốt liên tục khi trở về nhà. Ông ngứa ngáy khắp người, da và mắt chuyển sang màu vàng, bụng ông phình lên. Trước khi qua đời vào ngày 11 tháng 2 năm 2015, ông liên tục nôn ra thứ chất lỏng sẫm màu. Ông hưởng dương 55 tuổi.

4) Bà Trương Thục Hiền

Ngày 7 tháng 8 năm 2014, bà Trương Thục Hiền, 53 tuổi, bị bắt trên xe buýt. Trong vòng 24 giờ, bà đã bị tra tấn đến chết. Gia đình thấy cơ thể bà với đầy những vết tím đen từ ngực xuống đùi, bộ răng giả cũng không còn. Chồng bà đã rất tức giận và sốc khi nhìn thấy bà.

2. Cưỡng bức “chuyển hóa”, tẩy não và ngược đãi tinh thần

Một trong những mục tiêu của cuộc bức hại là cưỡng chế các học viên từ bỏ đức tin của mình. Trong các trung tâm tẩy não, nơi thường được gọi là “hắc lao”, các học viên bị tra tấn về thể chất và tinh thần, với mức độ thậm chí có thể còn tồi tệ hơn trong các trại lao động và nhà tù, bởi các cơ sở này hoạt động bí mật.

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, hàng năm Phòng 610 ở Diên Biên đều tổ chức các phiên tẩy não nhắm vào các học viên Pháp Luân Công. Trong các phiên tẩy não, các học viên bị tước bỏ mọi quyền tự do cá nhân. Nhiều người đã bị giám sát và theo dõi trước khi họ bị bắt.

Hầu hết học viên bị giam trong các phòng biệt giam và tất cả các tài sản cá nhân của họ, bao gồm điện thoại di động và các tài sản khác, đều bị lấy đi. Họ bị giám sát 24/24 và bị cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, kể cả với gia đình. Các nhà chức trách bắt hầu hết gia đình của họ phải trả chi phí sinh hoạt cho các học viên tại các trung tâm tẩy não. Một số học viên đã bị chính quyền khấu trừ tiền lương để chi trả chi phí đó.

Các kỹ thuật tẩy não cường độ cao đã được sử dụng đối với các học viên. Những người được giao nhiệm vụ giám sát họ thường xuyên vu khống Nhà sáng lập Pháp Luân Công và chửi bới các học viên. Ngoại trừ lúc họ ăn và ngủ, thời gian còn lại trong ngày họ dùng để cưỡng chế các học viên xem các nội dung phỉ báng Pháp Luân Công.Trong các phiên tẩy não, các học viên bị buộc phải ghi chép và sau đó viết “báo cáo tư tưởng”. Các báo cáo này phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định, nếu không các học viên sẽ lại tiếp tục bị tra tấn tinh thần hàng ngày. Các học viên bị đe dọa kết án tù nếu không chịu “chuyển hóa”.

Một vài trường hợp bị tẩy não

1) Bà Lý Kỳ Ngọc

Tháng 7 năm 2012, bà Lý Kỳ Ngọc, một học viên Pháp Luân Công cao tuổi người dân tộc Triều Tiên ở thành phố Diên Cát, đã bị bắt và bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Long Tỉnh. Bà bị trói trong 36 giờ và không được phép cử động hay sử dụng nhà vệ sinh. Kết quả là trên cánh tay của bà xuất hiện những vết bầm tím to bằng lòng bàn tay, bà cũng bị sa hậu môn, chảy máu hậu môn và phù nề toàn thân. Vào lúc được sử dụng nhà vệ sinh, bà đã ngất đi. Sau đó, bà bị chuyển đến lớp tẩy não ở Đập chứa nước Hòa Long Á Đông. Bà qua đời vào ngày 21 tháng 7 năm 2014, ở tuổi 68.

2) Bà Tôn Khánh Cúc

Ngày 5 tháng 5 năm 2012, bà Tôn Khánh Cúc bị bắt giữ. Bà bị tra tấn trong trung tâm tẩy não vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Cánh tay của bà bị gãy và đầu thì sưng tấy. Cảnh sát đã cố gắng đưa bà đến trại tạm giam vào buổi tối hôm đó, nhưng trại từ chối tiếp nhận bà vì bà bị gãy tay. Sau đó bà bị đưa trở lại trung tâm tẩy não.

3) Bà Trì Tố Linh

Vào khoảng trưa ngày 17 tháng 5 năm 2012, bà Trì Tố Linh bị bắt giữ tại nơi làm việc. Bà bị đưa đến trung tâm tẩy não nằm trong Viện Dưỡng lão Tùng Lâm và bị tăng huyết áp do bị tra tấn.

4) Bà An Anh Cơ

Ngày 1 tháng 7 năm 2012, bà An Anh Cơ bị bắt tại nơi làm việc và bị đưa đến một trung tâm tẩy não ở thành phố Diên Cát. Ban đầu họ tra tấn bà bằng cách bắt bà bị bắt đứng nghiêm. Khi bà sắp gục xuống, một số lính canh đã dựng bà dậy và bắt bà phải tiếp tục đứng. Họ còng tay bà vào lan can cửa sổ, khiến mu bàn tay của bà bị sưng nghiêm trọng.

Sau đó lính canh đã trói chặt bà trong tư thế hai chân bắt chéo, hai tay ngoặt ra sau lưng và trói chặt cổ và chân bà trong suốt một ngày.

3. Kết án tù oan sai

1) Năm học viên bị kết án tù

Trong năm 2012, Lý Xương Hoa, Lý Xương Lập, Chúc Diên Văn, và một học viên họ Trương ở thành phố Diên Cát, mỗi người bị kết án 3 năm tù. Học viên Đổng Quế Chi bị kết án 5 năm.

2) Bà Lang Diễm Mai bị giam giữ ngay sau khi được thả khỏi trại lao động cưỡng bức

Ngày 18 tháng 5 năm 2012, khi mãn hạn ở Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hắc Chủy Tử, bà Lang Diễm Mai ở thành phố Diên Cát lại bị bắt và bị kết án 5 năm trong Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm.

3) Các thành viên trong gia đình cùng bị kết án

Ông Phan Nghĩa Văn bị kết án 7 năm tù và vợ ông là bà Vương Duyệt Hân 5 năm vào năm 2014.

Bà Mã Quế Mẫn bị kết án 3 năm và con gái bà Viên Lỵ 4 năm, cũng vào năm 2014.

Ông Phan đã bị đưa vào Nhà tù Công Chủ Lĩnh và ba học viên nữ đã bị đưa vào Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm.

4) Sau khi liên tục bị bức hại, bà Chu Hỷ Ngọc lại bị tống giam

Ngày 17 tháng 10 năm 2020, bà Chu Hỷ Ngọc, 67 tuổi, ở thành phố Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, được thả sau khi thụ án 4 năm tù và lại bị bắt vào tháng 3 năm 2021. Lương hưu của bà cũng bị đình chỉ. Bà đã bị tống vào Nhà tù Nữ Cát Lâm lần thứ ba (không rõ chi tiết bản án).

Sau khi bà được thả vào tháng 10 năm 2020, cơ quan Quản lý An sinh Xã hội Diên Biên đã tống tiền gia đình bà Chu 200.000 nhân dân tệ. Bà đã nộp đơn kiện và yêu cầu họ trả lại số tiền trên. Tòa án đã thụ lý hồ sơ của bà. Không rõ liệu vụ bắt giữ gần đây nhất của bà có liên quan đến vụ kiện này hay không.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/10/436506.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/3/199377.html

Đăng ngày 06-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share