Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-01-2022]

Tên tiếng Trung: 袁玉珍 (Viên Ngọc Trân)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 81
Thành phố: Nam Kinh
Tỉnh: Giang Tô
Nghề nghiệp: Giáo viên
Ngày mất: 19 tháng 11 năm 2021
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: 16 tháng 3 năm 2011
Nơi giam giữ cuối cùng: Trung tâm tẩy não Quận Cổ Lâu

Cụ bà Viên Ngọc Trân, một cựu giáo viên ưu tú ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô đã qua đời vào ngày 19 tháng 11 năm 2021, sau hai thập kỷ bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà hưởng thọ 81 tuổi.

Bà Viên bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995. Bà tin rằng pháp môn đã chữa khỏi nhiều căn bệnh của bà, trong đó có bệnh tim, viêm khớp dạng thấp và thoát vị đĩa đệm thắt lưng.

Tuy nhiên, chỉ bởi sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Công và việc giúp phục hưng các giá trị truyền thống mà chính quyền cộng sản Trung Quốc đã tìm cách diệt trừ pháp môn này và phát động cuộc bức hại vào năm 1999.

Bà Viên đã đến Bắc Kinh ba lần để kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà cũng từng bị bắt và bị lục soát nhà. Bà cũng bị cưỡng bức lao động một năm sau khi bị đưa trở lại Nam Kinh. Việc bắt giữ, giam cầm và sách nhiễu sau đó đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bà, và cuối cùng đã cướp đi mạng sống của bà.

Bà Viên bị bắt lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2000 khi bà đến Bắc Kinh để kháng nghị. Bà bị giam trong một cái lồng kim loại và bị xích vào ghế kim loại. Những chiếc ngạnh trên sợi xích cứa sâu vào da thịt bà. Sau khi được chuyển trở lại Nam Kinh, bà đã bị giam một tháng trong trại tạm giam Thành phố Nam Kinh. Nhà của bà cũng bị lục soát.

2016-9-5-minghui-torture-kunbang--ss.jpg

Tranh vẽ minh họa phương thức tra tấn: trói chặt vào ghế

Bà Viên đã đến Bắc Kinh để kháng nghị lần thứ hai vào tháng 10 năm 2000. Cảnh sát Bắc Kinh đã đánh vào đầu bà khiến đầu bà sưng tấy. Mặt bà bầm tím và răng bị chảy máu. Cảnh sát cũng giẫm lên các ngón tay của bà, treo bà lên bằng cổ tay với cánh tay bị bẻ ngoặt ra sau lưng và sốc điện bà bằng dùi cui điện khiến bà bất tỉnh. Sau đó cảnh sát đưa bà trở lại Nam Kinh và lục soát nhà bà một lần nữa.

2010-5-18-chutian5-04--ss.jpg

Tái hiện phương thức tra tấn: treo người và sốc điện bằng dùi cui điện

Bà Viên lại đến Bắc Kinh để kháng nghị lần thứ ba vào tháng 12 năm 2000. Bà bị bắt khi đang giơ biểu ngữ trên Quảng trường Thiên An Môn. Ban đầu bà bị giữ tại Đồn Công an Thiên An Môn, sau đó bị chuyển đến một đồn công an ở quận Hải Điến. Lính canh đã đánh đập và tra tấn bà khi bà từ chối tiết lộ danh tính và địa chỉ của mình. (Ghi chú: Bởi chính sách liên lụy của chính quyền Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công thường từ chối tiết lộ danh tính của họ để bảo vệ các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp và các cộng sự khác của họ.)

Một tuần sau, cảnh sát Bắc Kinh chuyển bà Viên đến một trại tạm giam ở tỉnh Liêu Ninh gần đó. Họ cũng đã cố gắng tống bà vào bệnh viện tâm thần, nhưng bác sĩ từ chối nhận bà. Sau đó, bà bị đưa đến một nhà tù và bị giam giữ cùng với các tử tù, trước khi bị đưa trở lại trại tạm giam, nơi bà bị buộc phải khai báo danh tính và địa chỉ.

Sau khi bị đưa trở lại Nam Kinh, bà Viên bị giam một tháng trong trại tạm giam Thành phố Nam Kinh, sau đó bị giam một năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Cú Đông. Lính canh trại lao động đã đánh đập, giật tóc, đập đầu bà vào tường và tát vào mặt bà. Bà cũng bị đưa đến một trung tâm tẩy não và răng bà đã bị gãy gần hết do bị đánh đập ở đó.

Vào khoảng tháng 4 năm 2007, một nhóm cảnh sát đã đột nhập vào nhà của bà và bắt giam bà trong Trung tâm Tẩy não Quận Cổ Lâu 12 ngày.

Bà Viên lại bị bắt vào ngày 16 tháng 3 năm 2011, vì nói chuyện với những người ở bên ngoài một siêu thị. Hai cảnh sát mặc thường phục là Đinh Dương và Lưu Giang Đào đã đẩy bà vào một chiếc xe hơi và xịt vào mặt bà một hợp chất độc hại. Bà lại bị giam tại Trung tâm tẩy não Quận Cổ Lâu.

Trong thời gian bị giam giữ, cảnh sát đã gọi điện cho chồng bà là ông Lý Vạn Khôn và nhấn mạnh rằng họ cần nói chuyện với ông. Ông Lý nói rằng ông đang không có ở nhà và sẽ nói chuyện với cảnh sát vào ngày hôm sau. Tuy nhiên khi trở về nhà vào cuối ngày hôm đó, ông đã vô cùng hoảng hốt khi phát hiện cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông và lục tung mọi thứ. Khi ông hỏi cảnh sát tại sao lại đột kích vào nhà ông khi không có ai ở nhà, cảnh sát trả lời: “Chúng tôi không thể chỉ vì ông không có ở nhà mà không chấp hành công vụ.” Ông Lý uất ức đến mức suýt ngất xỉu. Sau đó, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông, khiến người đàn ông lớn tuổi này bị sang chấn tâm lý và sống trong sợ hãi.

Bà Viên lại bị sách nhiễu và đe dọa vào tháng 6 năm 2015, sau khi cảnh sát biết rằng bà đã nộp đơn tố cáo Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản Trung Quốc, vì đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công. Sau đó bà bắt đầu bị cao huyết áp cao, đôi khi bị khó thở và run rẩy mất kiểm soát. Bà sống trong nỗi sợ hãi tột độ, tinh thần khủng hoảng và sức khỏe giảm sút nhanh chóng. Cuối cùng bà đã qua đời vào ngày 19 tháng 11 năm 2021.

Danh tính và thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại:

Từ Cẩm Huy (徐锦辉), Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Nam Kinh
Vương Hiểu Minh (王晓明), Trưởng Phòng 610 Nam Kinh
Cao Hồng Hoa (高洪华), Đội trưởng Đội An ninh Nội địa Nam Kinh: +86-25-86015780, +86-25-84420854

(Thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại khác có trong bản gốc tiếng Hán.)

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/8/436564.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/9/198057.html

Đăng ngày 17-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share