Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-01-2022]

Họ và tên: Khúc Thái Linh (Tên tiếng Trung: 曲彩玲)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 70
Thành phố: Phủ Thuận
Tỉnh: Liêu Ninh
Nghề nghiệp: Cán bộ Kế hoạch hóa gia đình
Ngày qua đời: 22 tháng 1 năm 2022
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: 9 tháng 10 năm 2002
Nơi giam giữ cuối cùng: Trại giam Số 2 Thành phố Phủ Thuận

Bà Khúc Thái Linh ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, bị tra tấn tàn bạo trong khi thụ án 1,5 năm lao động cưỡng bức và 9 năm tù giam vì kiên định đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999.

Do không thể chịu đựng nổi áp lực từ cuộc bức hại, chồng bà Khúc đã ly dị bà và giành được quyền nuôi cô con gái đang tuổi thiếu niên của họ. Năm 2000, cơ quan nơi bà làm việc đã đình chỉ lương hưu của bà sau khi bà bị bắt lần đầu tiên vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau nhiều năm chịu đựng đau khổ tinh thần và khó khăn tài chính, bà qua đời vào ngày 22 tháng 1 năm 2022, hưởng thọ 70 tuổi.

Bà Khúc từng làm việc cho Phòng Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Phủ Thuận. Trước kia bà từng mắc nhiều căn bệnh và hàng năm đều phải nằm viện. Vào tháng 2 năm 1997, bà đã xin nghỉ hưu sớm ở tuổi 45. Hai tháng sau, bà biết đến Pháp Luân Công, và sức khỏe của bà đã nhanh chóng hồi phục.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp vào năm 1999, người của Phòng 610 địa phương, nhân viên đơn vị công tác cũ, nhân viên cộng đồng nơi bà sinh sống đã thường xuyên sách nhiễu bà và tìm cách cưỡng ép bà từ bỏ Pháp Luân Công.

Bà bị giam tại đồn công an ba lần và gia đình bị tống tiền 1.000 nhân dân tệ. Vu Mãn Xương, trưởng Phòng 610 Quận Thuận Thành đã gây áp lực lên chồng bà và yêu cầu ông phải giám sát vợ mình. Vu Mãn Xương đe dọa sẽ đình chỉ việc giảng dạy của ông nếu ông không tuân thủ.

Bị kết án lao động cưỡng bức

Tháng 7 năm 2000, bà Khúc Thái Linh đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bắt và đưa về Phủ Thuận. Bà đã bị giam tại nhiều trại giam khác nhau. Bà đã tuyệt thực để phản đối sự bức hại và bảy ngày sau bà được trả tự do. Kể từ đó, Phòng 610 Quận Thuận Thành đã ra lệnh cho cơ quan bà treo lương hưu của bà.

Ngày 25 tháng 8 năm 2000, bà Khúc lại bị bắt và bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức. Bà bị viêm tụy và căn bệnh này đã khiến bà đau đớn vô cùng. Bất chấp tình trạng sức khỏe của bà, Hoàng Vĩ, giám đốc Trại Lao động Cưỡng bức Vũ Gia Bảo vẫn tiếp nhận bà. Ông ta nói: “Nếu là ai khác có tình trạng sức khỏe như thế thì chúng tôi không nhận. Nhưng đối với [học viên] Pháp Luân Công, chúng tôi phải giữ lại.”

Lính canh cưỡng bức bà làm việc không công mỗi ngày từ sáng sớm đến 9 giờ tối. Khi nào không có việc cho bà làm, họ bắt bà đứng dưới ánh nắng như thiêu như đốt và dùng thanh gỗ đánh đập bà. Nhiều học viên Pháp Luân Công khác cũng bị ngược đãi như vậy. Đầu và mặt họ sưng vù, toàn thân thâm tím.

e743807a5413dc044c857ebe916469d9.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: ngồi trên một chiếc ghế nhỏ

Ngày 22 tháng 9 năm 2000, 17 học viên không từ bỏ Pháp Luân Công, trong đó có bà Khúc, đã bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng. Lính canh bố trí hai tù nhân giám sát bà 24/24 và hàng ngày bắt bà ngồi trên một chiếc ghế nhỏ để xem tài liệu tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công. Bà liên tục bị đánh đập, chửi rủa. Có lần bà ngất xỉu do bị tra tấn.

Một ngày nọ, bà Khúc cố gắng ngồi tĩnh tọa luyện bài công pháp của Pháp Luân Công. Ngay khi bà vừa ngồi xuống, hơn 10 tù nhân đã lao tới, tát vào mặt bà, túm tóc kéo bà vào phòng vệ sinh. Họ nhét giẻ vào miệng bà và bắt bà ngồi xổm. Sau đó, lính canh tên Vương Ái Miên đã đưa bà đến phòng của anh ta. Một lính canh khác tên Khâu Bình đã sốc dùi cui điện lên cổ, cánh tay và bàn tay bà. Khâu Bình còn bức thực bà bằng những thứ thuốc không xác định.

Sau sự việc đó, mỗi ngày, cứ sau 8 giờ tối, các tù nhân cho bà vào nhà vệ sinh và bắt bà ngồi xổm cho đến nửa đêm rồi mới cho bà trở lại buồng giam ngủ. Sau một tháng bị tra tấn theo hình thức này, bà Khúc phát bệnh cao huyết áp, bệnh tim và tiểu đường. Bà bị sụt từ gần 80kg xuống còn khoảng 50kg. Bà còn bị suy gan, thận và có lần bà đã bị đột quỵ.

Lính canh đưa bà đến một bệnh viện tâm thần và ra lệnh cho tù nhân bức thực bà bằng những loại thuốc không xác định hai lần một ngày. Bà nằm liệt giường trong một tháng rưỡi. Chỉ sau khi họ dừng tiêm thuốc, bà mới có thể đứng dậy và đi lại được.

Tháng 4 năm 2001, Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia đưa 10 học viên Pháp Luân Công kiên định đến các trại lao động cưỡng bức khác ở trên địa bàn tỉnh Liêu Ninh. Bà Khúc bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Trương Sỹ. Trước đó, huyết áp của bà tăng cao ở mức nguy kịch và bà bị suy giảm thị lực. Cuối cùng, khi thấy bà đang ở bờ vực của cái chết, lính canh mới thả bà ra.

Phòng 610 thuê nhiều người để tiếp tục sách nhiễu bà. Thỉnh thoảng, họ đá cửa nhà bà vào lúc nửa đêm. Một số người lởn vởn bên ngoài nhà để giám sát bà. Có lần, bà bị bắt trong khi đang đi bộ trên đường và bị đưa đến đồn công an.

Trong khi bà Khúc bị giam ở trại lao động cưỡng bức, chồng bà bị đau tim hai lần và suýt tử vong. Khi ông nhập viện điều trị, con gái 10 tuổi của họ phải tự học cách chăm sóc bản thân. Cô bé cũng đến thăm cha mỗi ngày sau khi tan học.

Sau khi xuất viện, ông ấy vẫn luôn sống trong nỗi sợ hãi. Ông phải chịu đựng chứng đau tim và mắc thêm nhiều căn bệnh khác. Vì không chịu nổi áp lực từ cuộc bức hại, ông đã ly dị bà.

Trong khi đó, vì quá lo lắng cho bà nên sức khỏe của người mẹ già của bà cũng nhanh chóng suy giảm và bà cụ đã qua đời vào ngày 30 tháng 11 năm 2000.

Bị kết án chín năm tù

Chiều ngày 9 tháng 10 năm 2002, bà Khúc bị bắt một lần nữa vì đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản, vi đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công. Bà Khúc bị đưa đến Đồn Công an Hoa Sơn, và tại đây bà bị còng tay và cùm chân. Trưởng đồn dùng một quyển sách dày tát vào mặt bà, lột áo khoác của bà ra rồi cho mở cửa sổ để gió lạnh thổi vào bà. Ông ta còn dội nước lạnh lên đầu bà.

Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, cảnh sát lột quần áo của bà chỉ để lại đồ lót, rồi trói bà vào một chiếc cột kim loại ở ngoài sân. Sau đó, họ dội nhiều xô nước lạnh lên đầu bà. Bà hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo“ để phản đối. Thấy vậy, cảnh sát đã nhét giẻ vào miệng bà. Đến 3 giờ rưỡi chiều họ mới dừng việc tra tấn này lại.

Sang ngày thứ ba, bà Khúc bị đưa đến Trại giam Số 2 Thành phố Phủ Thuận. Một tháng sau, cảnh sát lại thẩm vấn bà trong lúc trói bà vào ghế kim loại.

Sau đó, bà Khúc bị kết án chín năm tù với tội danh “phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ được quy chuẩn hòng khép tội các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Trong trại giam, bà tuyệt thực nên đã bị bức thực. Lính canh nhét ống dẫn thức ăn vào dạ dày bà và trộn vào thức ăn các loại thuốc không xác định.

Tháng 6 năm 2003, trong một nỗ lực cưỡng chế bà Khúc từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh ra lệnh cho các tù nhân tra tấn bà mỗi ngày 5 tiếng đồng hồ. Bà bị gãy hai chiếc răng do bị đánh đập. Lính canh còn nhốt bà trong lồng sắt khiến cho bà không thể đứng thẳng hay ngồi xổm.

Tháng 7 năm 2003, trại giam tìm cách đưa bà đến Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh, nhưng nhà tù đã từ chối tiếp nhận vì sức khỏe của bà rất kém. Tòa án xem xét trường hợp của bà và cho phép bà thụ án tại nhà. Tuy nhiên, đến ngày 19 tháng 7, cảnh sát lại bắt bà trở lại trại tạm giam.

Tháng 9 năm 2003, lính canh Trương Kính Huệ ra lệnh cho nhiều tù nhân khiêng bà Khúc ra hành lang khi thấy bà loạng choạng do huyết áp tăng quá cao. Trương đá bà, còng tay và cùm bà lại. Bà còn bị biệt giam và trói trên ghế cọp. Bởi đệ đơn tố cáo Trương Kính Huệ nên bị tra tấn nặng nề hơn nữa.

Trong một đợt tra tấn khác, Trương lột áo khoác của bà, xích bà vào ghế sắt rồi mở tất cả cửa sổ của phòng thẩm vấn. Trương đá vào hai chân bà và chửi mắng bà. Phiên tra tấn kéo dài hai ngày.

Huyết áp của bà Khúc tăng lên rất cao, và bà đã nhiều lần rơi vào tình trạng nguy kịch. Cuối cùng, đến tháng 10 năm 2004, bà mới được thả khỏi trại tạm giam.

Không có việc làm, không có lương hưu, bà Khúc không còn nguồn thu nhập nào khác. Do tình trạng ly hôn và sức khỏe quá kém để có thể làm việc. Nhiều lần bà đã đến Ủy ban Chính trị và Pháp luật và Phòng 610 để yêu cầu khôi phục lương hưu của bà nhưng vô ích.

Sau một thời gian chống chọi với tình trạng sức khỏe yếu kém và cảnh cơ hàn, sức khỏe của bà Khúc ngày càng sa sút và trải qua ba lần hồi sức tích cực. Đến cuối năm 2020, số tiền con gái bà vay mượn để chi trả chi phí y tế cho bà đã lên tới 150.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên bà đã Khúc đã không thể hồi phục sức khỏe và qua đời vào ngày 22 tháng 1 năm 2022.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/26/437290.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/28/198330.html

Đăng ngày 18-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share