Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 04-01-2022]
Tên Trung Quốc: 仲淑娟 (Trọng Thục Quyên)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 66
Thành phố: Đại Liên
Tỉnh: Liêu Ninh
Nghề nghiệp: Nhân viên của Đại học Công nghệ Đại Liên
Ngày qua đời: 24 tháng 12 năm 2021
Ngày bị bắt cuối cùng: 28 tháng 6 năm 2016
Nơi bị giam giữ cuối cùng: Nhà tù Nữ Liêu Ninh
Bà Trọng Thục Quyên, 66 tuổi, ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã bị tra tấn không ngừng và bị ung thư vú trong khi thụ án tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Trọng đã qua đời trong Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào ngày 24 tháng 12 năm 2021, ba năm sau khi yêu cầu bảo lãnh điều trị y tế của bà bị từ chối. Thi thể bà đã bị hoả thiêu với sự có mặt của cảnh sát, công tố viên và thẩm phán, những người liên quan đến bản án của bà.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân truyền thống đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Trong hơn 22 năm qua, bà Trọng đã bị bắt bảy lần và bị giam tổng cộng 12 năm vì kiên định đức tin của mình. Bà bị giam trong trại tạm giam Đại Liên 18 ngày, một trung tâm cai nghiện ma tuý 28 ngày, Trại Cưỡng bức Lao động Đại Liên 2 năm 40 ngày và trại cưỡng bức lao động Mã Tam Gia hai lần, lần đầu là 2 năm 4 tháng và lần hai là 2 năm 16 ngày. Ngoài ra, bà còn bị giam tại Trung tâm Tẩy não La Đài Sơn trong 21 ngày vào tháng 7 năm 2009, tại một bệnh viện trong 15 ngày vào tháng 3 năm 2016. Bà đã bị kết án 7,5 năm tù sau lần bắt giữ cuối cùng vào ngày 28 tháng 6 năm 2016 và bị giam ở đó đến khi qua đời vào ngày 24 tháng 12 năm 2021.
Bà Trọng không phải là người duy nhất trong gia đình trở thành nạn nhân của cuộc bức hại. Con gái bà là cô Lý Tú Lệ đã bị rối loạn tâm thần vào năm 2007 ở tuổi 27 do bị sách nhiễu thời gian dài từ chính quyền. Cô không bao giờ hồi phục sau một cuộc truy quét của cảnh sát khi cô ở nhà một mình. Sau một trong những lần mẹ mình bị bắt giữ, cô Lý và cha cô là ông Lý Khoan đã bị tổn thương tâm lý nặng nề, đến nỗi họ không rời khỏi nhà trong hơn 40 ngày và chỉ cơm cháo qua ngày. Họ không dám trả lời điện thoại hay mở cửa khi ai đó gõ cửa. Nơi làm việc của chồng bà, Công ty Hoá chất Dầu khí Đại Liên, nghĩ rằng hai cha con đã chết tại nhà nên phá cửa xông vào nhà và phát hiện họ vẫn còn sống.
Sau lần bắt giữ cuối cùng của bà Trọng vào năm 2016, chồng bà đã bị giam nửa tháng và sau đó bị kết án 3,5 năm quản thúc tại gia. Tinh thần của con gái của họ lại càng suy sụp hơn nữa.
Bị bắt cùng con gái và bị giam gần hai tháng
Bà Trọng từng làm việc trong 20 năm tại cửa hàng lưu niệm của Đại học Công nghệ Đại Liên. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1994 và nhanh chóng khỏi bệnh viêm khớp nặng và đã cải thiện tính khí của mình. Bà được đồng nghiệp khen ngợi luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác.
Tháng 12 năm 2000, nhiều tháng sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, bà Trọng và con gái đã lên kế hoạch đi xe khách đường dài đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Với việc các học viên Pháp Luân Công từ khắp đất nước đến Bắc Kinh, công an Đại Liên đã tìm kiếm các học viên bằng cách lệnh cho mọi hành khách trên xe buýt phải lăng mạ Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Bất kỳ ai không tuân lệnh sẽ bị đưa đi. Vì bà Trọng và con gái từ chối làm theo lệnh nên đã bị họ khám xét và đưa đến Trung tâm Cai nghiện Ma tuý Đại Liên để bức hại.
Ông Lý Khoan, chồng của bà Trọng, đã bị cảnh sát tống tiền hơn 4.000 Nhân dân tệ. Họ còn tiếp tục tống tiền ông mỗi khi họ bắt giữ vợ ông và khi ông đề nghị họ thả bà ra. Cảnh sát cũng hăm doạ bắt giữ con gái họ nếu cô ấy từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Cô đã bị giam 18 ngày khi từ chối từ bỏ đức tin của mình.
Tại Trung tâm Cai nghiện Ma tuý Đại Liên, bà Trọng từ chối học thuộc nội quy trung tâm như một cách để kháng nghị ôn hòa đối với việc giam giữ phi pháp. Lính canh đã còng tay bà và bắt bà đứng dựa vào tường. Họ đe doạ bà và không cho bà ngủ đến tận tờ mờ sáng. Một lính canh đã tát vào mặt con gái bà hơn 20 cái. Họ đánh thức bà vào 5 giờ sáng hôm sau và ép bà đứng cúi gập người suốt cả ngày.
Bà Trọng bị chuyển đến trại tạm giam Đại Liên và bị giam ở đó trong 28 ngày. Không lâu sau đó bà bị kết án hai năm lao động trong trại cưỡng bức lao động Đại Liên.
Tra tấn tàn bạo và ngược đãi tình dục tại trại cưỡng bức lao động
Tại trại cưỡng bức lao động Đại Liên, một tù nhân họ Cao đã tát vào mặt bà Trọng và tra tấn bà vì bà nói rằng bà sẽ tiếp tục tập các bài công pháp của Pháp Luân Công. Các lính canh đã bắt bà cúi gập với hai tay chắp lại chạm vào sau gáy và đầu đặt vào giữa hai chân. Họ sẽ đánh bà nếu bà cử động. Để phản đối bức hại, tất cả học viên Pháp Luân Công bị giam ở trại lao động đã bắt đầu tuyệt thực. Họ bị đưa đến một căn phòng và tại đây họ phải ngủ trên một tấm đệm rơm mỏng.
Ngày hôm sau các học viên bị đưa đến nhà ăn. Khi gọi đến tên của họ, hai nam lính canh sẽ túm lấy họ lôi ra ngoài và đẩy họ vào một chiếc xe buýt. Trong khi các lính canh đe doạ đưa họ đến trại cưỡng bức lao động Mã Tam Gia khét tiếng, chiếc xe buýt chỉ chạy vòng quanh trại lao động hai lần và dừng lại ở một toà nhà tồi tàn gần đó.
Sau khi bà Trọng bị đưa về lại trại cưỡng bức lao động Đại Liên, lính canh cấm bà ngủ và tiếp tục tra tấn bà. Bà đã bị biệt giam ba lần.
Khi bà bắt đầu tuyệt thực để phản kháng, lính canh đã bức thực bà bằng cái ống dẫn luồn qua mũi vốn đã từng sử dụng với một người khác và chưa được làm sạch. Vẫn còn bột ngô, bụi và tóc trên chiếc ống. Để khiến bà đau đớn hơn, lính canh liên tục rút ra cắm lại chiếc ống ở mũi bà khiến bà phải khóc gào vì đau đớn. Lính canh cũng sắp xếp một số cảnh sát trẻ mới tốt nghiệp ở học viện cảnh sát đứng xem việc bức thực, để biết cách tra tấn người như thế nào.
Khi bà Trọng bắt đầu ăn, lính canh đã còng tay bà ra sau lưng và biệt giam bà. Họ mở cửa sổ và cửa chính để bà phải hứng chịu những cơn gió lạnh của mùa đông.
Minh hoạ phương thức tra tấn: Còng tay ra sau lưng
Bà Trọng bị biệt giam lần thứ ba vì bà không đeo bảng tên của trại lao động. Lính canh đã khám xét người bà trước khi nhốt bà vào xà lim. Sau đó họ lột quần áo bà, nhét giẻ bẩn vào miệng bà và treo bà lên một thanh sắt trong xà lim. Sau đó họ kéo hai chân bà ra mọi hướng khiến bà đau đớn cực độ. Họ dùng kéo nhỏ đâm vào chân bà. Họ đặt một cái ghế dưới chân bà và liên tục dùng các góc nhô lên của của ghế đánh vào vùng kín của bà. Họ cũng đá vào vùng kín của bà và đâm bà bằng một cây lau nhà có đầu nhọn. Các vùng kín của bà bị rách, mưng mủ và sưng tấy. Bà chảy rất nhiều máu. Bà đau đến mức bật khóc và nhả miếng giẻ rách trong miệng ra. Sợi dây thừng dùng để trói bà đã bị đứt khi bà vùng vẫy.
Sau đó lính canh cho nước vào đầy một chai cô-ca cỡ to đã qua sử dụng và đổ vào miệng bà. Nếu bà từ chối mở miệng, họ sẽ đánh bà bằng cái chai đó. Kết quả là miệng bà sưng lên. Sau đó lính canh mang một mảnh giấy và một chiếc bút đến và ra lệnh cho bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, lính canh tiếp tục tra tấn bà.
Cuộc tra tấn bắt đầu từ 1 giờ chiều đến tận 8 giờ tối. Khi bà Trọng được thả xuống thì bà đã ngã gục. Chân tay bà rất yếu và quần bà thấm đầy máu và nước tiểu. Ba tù nhân tra tấn bà ra lệnh cho bà phải viết rằng “Không đeo bảng tên trại lao động là sai”.
Sau đó hai lính canh lôi bà Trọng đến phòng “giám sát nghiêm ngặt” và trói bà vào chiếc “giường chết” (một dụng cụ tra tấn). Trên giường chỉ có vài ván gỗ và không có chăn hay ga giường. Vùng kín của bà bị chảy máu, khiến các thanh gỗ thấm đẫm máu. Họ cũng đặt một dụng cụ tra tấn trông giống chiếc mũ bảo hiểm lên đầu bà.
Sau đó bà được phép đi vệ sinh hai ngày một lần. Hai tay bà sưng phồng nghiêm trọng do bị tra tấn trên gường chết. Lính canh chỉ tháo còng tay cho bà khi bà đi vệ sinh hay dùng bữa. Hai tay bà bị thương nặng đến nỗi bà không thể cầm bất cứ thứ gì vào thời điểm đó. Phải mất một thời gian dài bà mới hồi phục lại cảm giác ở hai tay.
Bà Trọng bị đặt trên giường chết tám ngày và khiến người bà xuất hiện các vết loét do bị tì đè. Khi lính canh tháo chiếc mũ bảo hiểm ra khỏi đầu bà thì trên đầu bà có một khối u gây đau đớn và hai tai bà đỏ ửng và sưng vù. Chỉ khi đó các lính canh mới ngừng tra tấn bà.
Bà Trọng không thể ngủ vào ban đêm do quá đau đớn, nhưng lính canh vẫn ép bà lao động nặng nhọc mà không để cho bà có thời gian hồi phục. Nhằm ngăn các tù nhân khác nhìn thấy những vết thương của bà, ính canh không cho bà tắm và kéo dài thời hạn giam giữ của bà thêm 40 ngày.
Ngoài việc tra tấn liên tục, lính canh còn thường xuyên khám người bà Trọng. Bà đã bị phạt 200 nhân dân tệ khi họ tìm thấy các bài giảng của Pháp Luân Công trên người bà. Khi bà được thả vào tháng 11 năm 2002, chồng bà phải mất rất nhiều công sức để lấy lại 2.000 nhân dân tệ trong tài khoản ủy thác của bà (tài khoản nạp tiền trước để tù nhân sử dụng để mua đồ ở trong trại tạm, nhà tù).
Tra tấn trong trại cưỡng bức lao động Mã Tam Gia
Tháng 3 năm 2003, một tháng sau khi bà Trọng được thả khỏi trại cưỡng bức lao động Đại Liên, bà đã bị tố giác vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công tại Walmart và bị bắt giữ. Bà đã bị kết án hai năm trong trại cưỡng bức lao động Mã Tam Gia. Tại đó, bà bị đánh thức dậy lúc 4 giờ sáng và không được phép đi ngủ cho đến tận 11 giờ đêm hoặc nửa đêm. Việc tra tấn đã leo thang ba tháng sau đó khi bà vẫn từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị lính canh lăng mạ, cấm ngủ và phơi người trong giá lạnh.
Vào mùa thu, tù nhân bị ép phải bóc vỏ ngô. Bà Trọng có một khối u lớn ở cổ tay, nó đau đến nỗi bà không thể cầm dụng cụ để làm ngô. Khi bà Trọng từ chối tiếp tục công việc, lính canh đã lệnh cho bà đến nhà ăn để bóc tỏi.
Khi tất cả ngô được bóc hết, lính canh lại bắt đầu một đợt nỗ lực “chuyển hoá” khác. Các học viên bị tra tấn và cấm ngủ nếu họ không từ bỏ đức tin. Có một lần bà Trọng không được ngủ trong sáu ngày liên tục, lính canh bắt bà đứng và bà cảm thấy buồn ngủ trong lúc đứng.
Bà từng bị chín tù nhân sỉ nhục bằng cách dán giấy lên mặt, mũi và cổ của bà. Họ đội một cái mũ cao cho bà và đeo một chiếc thắt lưng bằng giấy có những lời lăng mạ Pháp Luân Công lên người bà. Họ lột quần áo bà và viết những từ lăng mạ Pháp Luân Công lên cơ thể và quần áo của bà. Bà bị ép phải đi vòng quanh và vừa đi vừa bị đánh đập. Lính canh và tù nhân xô đẩy, đánh đập vào véo bà. Hình thức tra tấn này kéo dài khoảng ba tháng.
Sau đó, người của bên công an đã đến thẩm vấn bà Trọng. Họ hỏi bà có bị tra tấn và bà có phạm tội nào không. Bà trả lời rằng bà không phạm tội gì và đã nói với họ bà đã thụ ích ra sao nhờ tu luyện Pháp Luân Công.
Trong lúc bức hại leo thang, các học viên chỉ được cho ăn bánh ngô hấp và dưa chua cho cả ba bữa mỗi ngày trong suốt sáu tháng. Bắp ngô không được nấu chín và còn sống ở bên trong. Bà Trọng bị biệt giam vào Tết Nguyên đán 2005 và sau đó họ đã kéo dài thời hạn giam giữ của bà thêm bốn tháng trước khi bà được thả vào tháng 7 năm 2005.
Giam giữ lần thứ hai trong trại cưỡng bức lao động Mã Tam Gia
Tháng 3 năm 2007, bà Trọng bị tố cáo khi phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà bị cảnh sát của Đồn Công an đường Hoa Đông bắt giữ và bị kết án hai năm trong trại cưỡng bức lao động Mã Tam Gia. Mỗi ngày, bà bị cưỡng bức lao động nặng nhọc từ 5 giờ sáng đến tận nửa đêm, làm khối lượng công việc của ba người.
Tranh vẽ minh họa phương thức tra tấn: Còng tay, sốc điện bằng dùi cui điện, đánh đập và đá vào người
Cuối tháng 7 năm 2007, lính canh Triệu Quốc Vinh đã lệnh cho các tù nhân khác ép bà Trọng ký vào một bảng đánh giá. Khi bà từ chối, họ đánh đập bà, đẩy bà xuống đất và tiếp đánh đập bà tàn bạo. Quần áo của bà bị xé rách và toàn thân bầm tím, hai tay bà chảy máu. Triệu còn đập đầu bà vào một cái tủ sắt khiến đầu bà sưng một khối u lớn.
Cuối tháng 8, Triệu lại lệnh cho các tù nhân bắt bà Trọng ký tên vào một bảng đánh giá. Một tù nhân đã sốc điện bà bằng dùi cui điện. Khi bà Trọng phản kháng, một tù nhân khác đã vặn tay phải của bà ra sau lưng và đẩy bà xuống một cái bàn. Sau đó hai tù nhân đã túm lấy tay bà và cố ép bà ký tên.
Đến đầu tháng 10, khi bà Trọng vẫn từ chối ký tên, Triệu đã đánh đập bà và lôi bà vào văn phòng làm việc. Giày của bà Trọng bị tuột ra và quần áo bà bị rách trong khi bà bị lôi đi. Triệu tát vào mặt bà và đánh bà bằng một cây gậy bọc vải. Người bà Trọng bị thâm tím và mũi bà chảy máu. Một tù nhân khác đã dùng dép đánh bà cho đến khi quần áo và mặt bà bê bết máu.
Một lính canh khác đã lệnh cho các bác sỹ áp dụng “tra tấn kéo căng” đối với bà Trọng. Đầu bà bị đặt dưới tầng trên của giường tầng, hai tay bị còng vào hai bên của giường tầng trên, hai chân bà bị trói vào giường tầng dưới với sự hỗ trợ của một cái giá ba chân bằng kim loại, buộc bà phải cong người tại phần thắt lưng. Vài phút bị tra tấn theo hình thức này là không thể chịu nổi nhưng bà đã bị kéo căng như thế này trong hai ngày.
Tranh vẽ minh họa phương thức tra tấn: Tra tấn vươn người ở trong trại cưỡng bức lao động Mã Tam Gia
Ngày 30 tháng 11 năm 2007, khi bà Trọng đang làm việc trong xưởng, Triệu lại lệnh cho bà ký tên vào bảng đánh giá. Khi bà từ chối, Triệu đã tát vào mặt bà, đẩy bà xuống đất và đá mạnh vào người bà. Bà Trọng đã nôn ra máu, miệng bà bị rách, mặt sưng vù và toàn thân bầm tím. Sau đó bà rất đau đớn mỗi khi nói chuyện hay thở và rất khó khăn khi nằm xuống hay ngồi dậy. Bà ăn uống khó khăn trong hơn 10 ngày nhưng bất chấp tình trạng sức khỏe của bà, trại vẫn ép phải tiếp tục lao động.
Bà Trọng bị tra tấn đến mức bị khủng hoảng tinh thần. Nếu một lính canh lục soát xà lim của bà vào ban đêm và chạm vào người bà, bà sẽ sợ hãi và la lên: “Có người đánh tôi! Có người đánh tôi!”
Bị kết án 7,5 năm tù
Ngày 11 tháng 3 năm 2016, bà Trọng bị người của Đồn Công an Trung Hoa Lộ bắt giữ khi đang nói chân tướng Pháp Luân Công với người dân. Sau đó, bà Trọng đã nhảy xuống từ tầng hai của đồn công an để trốn thoát và bị chấn thương. Bà Trọng được đưa tới Bệnh viện Nhân dân Số 3 Đại Liên, và tại đó bà vẫn bị cảnh sát giám sát. Kết quả chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ cho thấy đốt sống thắt lưng của bà Trọng bị thương tổn. Sau 15 ngày nằm viện bà Trọng cương quyết muốn xuất viện về nhà.
Khi về nhà, hàng ngày bà Trọng đọc các bài giảng của Pháp Luân Công và luyện các bài công pháp. Không lâu sau bà đã có thể ngồi dậy, đi bộ và làm các công việc nhà như trước. Tuy nhiên, sau khi sức khỏe của bà hồi phục thì bà lại bị bắt trở lại.
Sáng ngày 28 tháng 6 năm 2016, cảnh sát lục soát nhà của bà Trọng và tịch thu nhiều sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, một máy tính, một máy in, một ổ ghi đĩa và một số các đồ vật khác. Ba thành viên trong gia đình của bà Trọng bị đưa tới Đồn Công an Xuân Hải. Đêm hôm đó, chồng và con gái bị bệnh tâm thần của bà Trọng được thả ra nhưng vẫn bị cảnh sát giám sát.
Bà Trọng bị chuyển tới trại tạm giam Diêu Gia ở Đại Liên. Ngày 22 tháng 7, lệnh bắt giữ bà Trọng được phê chuẩn và sau đó bà bị kết án 7,5 năm tù. Bà bị giam trong trại tạm giam hơn hai năm và bị chuyển đến Nhà tù Nữ Liêu Ninh vào ngày 28 tháng 8 năm 2018.
Dù luật pháp cho phép các tù nhân kháng cáo, song Nhà tù Nữ Liêu Ninh không cho các học viên Pháp Luân Công được kháng cáo, hơn nữa còn ép họ viết các tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Những ai từ chối sẽ không được cấp giấy vệ sinh hay băng vệ sinh. Bà Trọng và nhiều học viên khác đã bị tịch thu đồ đạc cá nhân ngay khi vừa đến nhà tù. Họ không được cung cấp giấy vệ sinh và buộc phải làm sạch người bằng một lượng nước ít ỏi.
Sau khi bị cầm tù 3,5 năm, bà Trọng bị chẩn đoán ung thư vú. Gia đình đề nghị được bảo lãnh bà tại ngoại để chữa trị y tế, nhưng đã bị từ chối. Bà đã qua đời vào ngày 24 tháng 12 năm 2021.
Cảnh ngộ của gia đình: Con gái bị bệnh tâm thần, chồng bị giam giữ nửa tháng
Cuộc bức hại đã cướp đi sinh mạng của bà Trọng nhưng cũng gây ra những mất mát không thể bù đắp cho chồng và con gái bà.
Con gái bà là cô Lý Tú Lệ, là một người con ngoan ở nhà và là một trong sinh viên có thành tích học tập cao nhất của một trường kỹ thuật liên kết với Đại học Tài chính và Kinh tế Đông Bắc. Cô tốt nghiệp cao đẳng vào năm 1999 ở tuổi 20. Cha cô đã dùng các mối quan hệ của mình để tìm cho cô một công việc nhưng cô kiến quyết tự tìm việc cho mình.
Năm 2003, khi cảnh sát của Đồn Công an Hoa Đông lục soát nhà bà Trọng, cô Lý (khi đó 24 tuổi) đã cố ngăn họ lại. Kết quả là cô bị cảnh sát đã lôi từ tầng bốn xuống tầng một và sau đó đưa đến đồn công an. Cô khiếp sợ và sau đó bị trầm cảm. Khi nhà họ bị lục soát lần thứ hai vào năm 2007, lúc đó chỉ có một mình cô ở nhà và cô đã bị tổn thương tâm lý. Cô bị suy sụp và bị bệnh tâm thần kể từ đó. Cô thường xuyên rời khỏi nhà và đi lang thang. Sức khỏe của cha cô, ông Lý Khoan, đã suy giảm nghiêm trọng do áp lực to lớn từ cuộc bức hại và tình trạng bệnh tật của con gái, và ông đã bị rụng hết răng.
Cô Lý được đưa đến một bệnh viện tâm thần và sau khi chữa trị, cô muốn gặp mẹ mình. Cha đã đưa cô đến trại cưỡng bức lao động Mã Tam Gia nhưng yêu cầu được gặp bà Trọng của họ bị từ chối. Cô Lý đã quỳ xuống và van xin lính canh nhưng lính canh vẫn không cho họ gặp bà. Cô Lý đã rời đi trong nước mắt. Sau đó, cô trở nên cáu kỉnh và khó chịu, các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Cô thường xuyên chạy ra khỏi nhà khiến ông Lý phải đi khắp nơi để tìm kiếm. Tình trạng bệnh của cô càng nặng hơn sau mỗi lần mẹ cô bị bắt.
Năm 2017, cô Lý khóc liên tục sau khi không gặp mẹ hơn một năm sau lần bắt giữ cuối cùng. Không có cách nào khác, ông Lý đành phải đưa con gái đến trại tạm giam. Cô đã gào khóc khi lính canh nói rằng họ không được vào thăm bà Trọng.
Bà Trọng bị xét xử trong một phiên toà bí mật đối vào ngày 10 tháng 4 năm 2017, mà ông Lý không hề được thông báo. Vài tháng sau đó, khi ông đến toà án để hỏi về tình hình của vợ mình, thẩm phán đã từ chối cung cấp thông tin cập nhật về vụ việc, nhưng ra lệnh cho ông ký vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Đến đầu tháng 2 năm 2018, Vị thẩm phán đó đã triệu tập ông Lý và yêu cầu ông ký vào các tuyên bố đức tin của mình, nhưng ông một lần nữa từ chối.
Vào ngày 7 tháng 3 năm 2018, thẩm phán này lại triệu tập ông Lý. Ông đã bị bắt giữ ngay khi vừa đến toà án. Trong lúc ông bị giam giữ, người của uỷ ban khu phố đã lục soát nhà ông. Sức khoẻ của con gái ông nhanh chóng xấu đi sau khi ông bị bắt và cô không thể ngủ vào ban đêm.
Vì ông Lý không ký vào các tuyên bố từ bỏ đức tin nên không được về nhà. Cảnh sát đã cho ông xem đoạn video con gái ông khóc ở nhà. Không có lựa chọn nào khác, ông đã ký vào các bản tuyên bố. Sau đó ông biết rằng mình đã bị kết án 3,5 năm quản thúc tại gia. Ông đã được thả ra sau nửa tháng nhưng bị ép phải đeo một thiết bị theo dõi điện tử và bị cấm đến thành phố Thẩm Dương để thăm người thân.
Bài liên quan:
Bà Trọng Thục Quyên – học viên Phá Luân Công ở Đại Liên gần như bị liệt sau khi bị giam sáu tháng
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/4/436398.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/9/198044.html
Đăng ngày 27-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.