Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 04-08-2021] Từ ngày 20 tháng 7 năm 2021 đến nay đã hơn hai tuần trôi qua, nhưng ngày đặc biệt này vẫn thu hút ngày càng nhiều sự chú ý.
Khi gõ từ khóa “7.20” trên các công cụ tìm kiếm của Trung Quốc, sẽ cho ra hàng ngàn vạn kết quả. Hai kết quả xuất hiện đầu tiên là trận lũ lụt ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam và phát hiện biến thể Delta của virus corona ở sân bay Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, đều xảy ra vào ngày 20 tháng 7 năm 2021.
Trận lũ lụt ngày 20 tháng 7 ở tỉnh Hà Nam đã qua, nhưng vẫn còn nhiều người bị mất tích và số người thiệt mạng hiện vẫn chưa thể xác định được. Tuy nhiên, thay vì điều tra nguyên nhân gốc rễ của trận lũ lụt thảm khốc và có biện pháp phòng ngừa khả năng xảy ra thảm họa tương tự, các phương tiện truyền thông do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát lại hạ thấp mức độ nghiêm trọng của thảm họa. Tin tức tràn ngập những câu chuyện ca tụng “thành tích” cứu người của ĐCSTQ.
Khi biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở sân bay Nam Kinh vào ngày 20 tháng 7, nó đã nhanh chóng lan rộng ra tỉnh Giang Tô và các nơi khác. Hơn 300 trường hợp nhiễm biến thể Delta có tính lây nhiễm cao đã được xác định, trong đó, ít nhất 12 tỉnh đã báo cáo các trường hợp có liên quan trực tiếp đến đợt bùng phát ở Nam Kinh.
Hai vụ việc xảy ra cùng một ngày phải chăng là ngẫu nhiên? Soi lại lịch sử có thể cho chúng ta một số góc nhìn, tìm ra manh mối, và bài học.
Nhân quả thiên tai và tù oan trong lịch sử
Tôn kính Thần Phật đã thấm nhuần trong văn hóa Trung Hoa hàng nghìn năm. Người Trung Quốc cổ đại tin vào sự hòa hợp của Thiên-Địa-Nhân. Cụ thể, con người biết quý trọng đức hạnh sẽ được ban cho sức khỏe và sự thịnh vượng. Khi thiên tai xảy ra, mọi người sẽ tự xem xét bản thân đã làm gì sai, rồi tu sửa.
Rất nhiều câu chuyện về nhân quả đã được ghi chép rõ ràng trong lịch sử, từ hoàng đế đến quan lại địa phương. Mỗi khi xảy ra nạn úng hại, Hoàng đế thường bàn bạc với các đại thần xem họ có phạm phải sai lầm lớn, hay ở đâu có oan sai. Ví dụ, vào năm Trinh Quán thứ 8 của triều đại nhà Đường, lũ lụt thường xuyên xảy ra ở tỉnh Sơn Đông cũng như dọc theo sông Dương Tử và sông Hoài. Khi Hoàng đế Đường Thái Tông hỏi thị thần nguyên nhân, Bí thư giám Ngu Thế Nam trả lời: “Mưa lớn ở Sơn Đông dai dẳng đã lâu mà chưa dứt e là do án oan, phải xem lại chính sách giam cầm. Đây có lẽ là thiên ý. Vả lại, thiên tai không thể thắng được đức hạnh, tu đức có thể tiêu trừ tai họa.” Đường Thái Tông nghe xong, hết sức coi trọng, bèn phái sứ giả đi cứu tế nạn đói, xem xét các án kiện oan khuất, và ân xá cho rất nhiều tù nhân.
Quân vương thời cổ đại biết rõ quân quyền đều do Thần ban cho, gặp tai biến tự tìm lỗi của mình, và yêu cầu quan viên thuộc hạ tu tỉnh. Vào năm Vĩnh Lạc thứ 9 triều nhà Minh, tháng 7 năm 1411, đã xảy ra một trận đại dịch ở tỉnh Thiểm Tây. Hoàng đế Minh Thành Tổ đã viết “chiếu xưng tội”, thành khẩn nhận lỗi và cật lực cứu trợ, khắc phục hậu quả của đại dịch cho người dân. Thực ra, sơ kỳ và trung kỳ của triều đại nhà Minh, dân chúng thường đùm bọc, tương trợ nhau, quan viên có chuẩn mực đạo đức cao thượng. Những điều này đều được ghi lại trong sử sách.
Án oan trong thế kỷ 21
ĐCSTQ chà đạp giá trị truyền thống và không dung nạp những người tuân theo các giá trị đó, càng không thể chấp nhận những người tu luyện Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một môn tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Cuộc bức hại Pháp Luân Công mà nó phát động từ 22 năm trước, ngày 20 tháng 7 năm 1999, cho đến nay vẫn không có chiều hướng suy giảm.
Theo báo cáo của Minghui.org (trang web Minh Huệ tiếng Trung), sáu tháng đầu năm 2021 có ít nhất 667 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh: Hà Nam (70), Liêu Ninh (66), Hắc Long Giang (65), Cát Lâm (56 ), Sơn Đông (54), Quảng Đông (46), Tứ Xuyên (43), Hà Bắc (31), Thành phố Thiên Tân (23), An Huy (23), Hồ Bắc (21) và Giang Tô (20).
Những thành phố có nhiều trường hợp bị kết án nhất là Nam Dương (41), Trường Xuân (32), Cáp Nhĩ Tân (20), Đại Liên (20), Thâm Quyến (18), Đại Khánh (15), Vũ hán (14), Thành Đô (13), Giai Mộc Tư (12), Ngân Xuyên (12), Chu Khẩu (11), Thẩm Dương (10) và Xích Phong (10).
Hà Nam là một trong những tỉnh bức hại Pháp Luân Công nghiêm trọng nhất
Dữ liệu trên cho thấy tỉnh Hà Nam đứng đầu danh sách năm 2021 với 70 học viên Đại Pháp bị kết án tù, trong đó, 41 học viên ở thành phố Nam Dương, đứng đầu danh sách các thành phố. Theo báo cáo của Minghui.org, các quan chức, cán bộ của Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC), Phòng 610 và các cơ quan khác đã kết án các học viên với mức án tối đa lên tới 13 năm tù, với số tiền phạt là 639.000 nhân dân tệ. Nhất là Tòa án Vạn Thành ở thành phố Nam Dương, đã kết án 27 học viên, bao gồm cả ông Triệu Bồi Viên (赵培员), từng bị kết án 13 năm và phạt 50.000 nhân dân tệ.
Dưới đây là một số ví dụ:
Cựu Cục trưởng Cục Công nghiệp Thương mại bị kết án
Ông Vương Thiết Tráng (王铁壮), nguyên Cục trưởng Cục Công nghiệp Thương mại thành phố Nam Dương. Từ khi tu luyện Pháp Luân Công, ông luôn tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong mọi phương diện của cuộc sống. Ông quan tâm đến người khác và giúp mọi người giải quyết vấn đề. Điều đó khiến ông trở thành một ngoại lệ hiếm gặp trong hầu hết các quan chức tham nhũng của ĐCSTQ.
Năm 2000, sau khi ông Vương đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, Bí thư Thành ủy Nam Dương và cảnh sát trưởng đã ép ông từ bỏ đức tin.Vì không nhượng bộ, ông Vương bị kết án lao động cưỡng bức 3 năm ở Trại Lao động Số 3 tỉnh Hà Nam, nơi ông bị tra tấn dưới hình thức trói chặt ở các tư thế gây đau đớn, và bị lăng mạ. Vì không ngừng hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và kêu gọi công lý cho các học viên đã bị tra tấn đến chết, như anh Lý Kiến (李建), mà ông Vương bị kéo dài mức án thêm một năm.
Tái hiện hình thức tra tấn: Trói chặt
Tháng 3 năm 2020, ông Vương lại bị bắt và bị giam cầm phi pháp trong 18 tháng. Mới đây, ông đã bị kết án 7 năm tù với số tiền phạt 20.000 nhân dân tệ.
Ông lão 81 tuổi bị kết án hơn 9 năm
Ông Trịnh Gia Kim (郑家金), 81 tuổi, là một cựu kỹ sư của Cục Đường hầm Đường sắt thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam. Ông từng bị vàng da nặng. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, mọi bệnh tật của ông, gồm cả bệnh vàng da, đều được chữa khỏi.
Ngày 23 tháng 2 năm 2021, ông Trịnh bị kết án 9 năm 2 tháng tù với số tiền phạt là 10.000 nhân dân tệ.
Chủ doanh nghiệp qua đời sau một tháng bị bắt
Ông Lý Hiện Tập (李现习) là cư dân thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam. Những người quen biết đều nhận xét ông là một người khiêm tốn, không ngần ngại giúp đỡ người khác. Ông điều hành một cửa hàng bán lẻ để kiếm sống. Ngày 21 tháng 5 năm 2021, ông bị cảnh sát bắt và tạm giam. Ngày 13 tháng 6, gia đình ông Lý nhận được thông báo rằng ông đã qua đời trong trại giam một ngày trước đó.
Cựu giáo viên bị bắt và qua đời trong thời gian tạm giam
Ông Quách Bảo Quân (郭保军), một cựu giáo viên, cư dân thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Ngày 10 tháng 11 năm 2019, khi đang phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công, ông đã bị bắt và bị kết án 2 năm tù. Ngày 14 tháng 3 năm 2021, gia đình ông nhận được tin nhắn từ Trại tạm giam Số 3 Trịnh Châu, báo tin ông Quách đã qua đời.
Tuyên truyền ồ ạt nhằm kích động thù hận ở Nam Kinh
Trong hơn 22 năm bức hại, các học viên Pháp Luân Công đã bị phân biệt đối xử, bắt giữ, giam cầm, tra tấn và bị giết. Còn công chúng lại trở thành nạn nhân của những tuyên truyền phỉ báng của ĐCSTQ trên quy mô lớn.
Nam Kinh là một ví dụ. Năm 2015, sau khi các học viên Pháp Luân Công địa phương gửi đơn kiện cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Riêng trong năm đó, tổ chức gọi là Hiệp hội Chống Tà giáo Nam Kinh đã gửi 30.000 tin nhắn để bôi nhọ làn sóng kiện Giang, đồng thời thực hiện 350 buổi trình chiếu và phân phát hơn 200.000 bản in tài liệu phỉ báng Pháp Luân Công.
Cơ quan này cũng sản xuất hơn 400 áp phích và biểu ngữ phỉ báng, cùng hơn 60.000 mặt hàng rẻ tiền như tú lơ khơ, cốc giấy, quạt giấy, túi và ô mang thông điệp chống Pháp Luân Công. Nhiều cơ quan khác cũng tham gia chiến dịch chống Pháp Luân Công, bao gồm các cơ quan trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, tôn giáo, thể thao và luật pháp, cũng như Ban Tuyên giáo và các ủy ban dân cư địa phương. Nhiều hoạt động phỉ báng đã diễn ra tại các địa điểm đông người như ga tàu điện ngầm, quảng trường công cộng. Ngay cả học sinh trung học cơ sở và tiểu học cũng bị ép tham gia.
Chiến dịch bôi nhọ đã đầu độc người dân và kích động thù hận đối với Pháp Luân Công đã đẩy mọi người xa rời nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Trong khi bịa đặt và tuyên truyền dối trá về Pháp Luân Công, ĐCSTQ đang che đậy cuộc bức hại tàn khốc đối với các học viên Pháp Luân Công.
Mảnh đất u ám và dối trá
Khi gõ “7.20” trên các công cụ tìm kiếm của Trung Quốc, mặc dù có hàng trăm nghìn kết quả xuất hiện về nhiều loại sự kiện, đặc biệt là trận lũ lụt ở Trịnh Châu và sự bùng phát virus corona ở Nam Kinh, nhưng không hề có bất cứ kết quả nào về cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.
Khi tìm kiếm trên Minghui.org với từ khóa “7.20”, sẽ cho ra 41.267 kết quả, đều là những câu chuyện bi thảm về các học viên Pháp Luân Công bị bức hại vì giữ vững đức tin và phơi bày chân tướng cuộc bức hại.
Trong 22 năm qua, hàng triệu học viên đã bị sách nhiễu, bắt giữ, giam giữ, tra tấn, và giết hại. Hơn 4.000 học viên được ghi nhận trên Minghui.org đã mất mạng vì cuộc bức hại. Do việc đưa thông tin ra ngoài Trung Quốc rất khó khăn, nên con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Tỉnh Hà Nam có nhiều bản án tù nhất dành cho các học viên Pháp Luân Công, và thành phố Nam Kinh là một trong những nơi tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công rầm rộ nhất. Có thể nào trận lũ lụt gần đây và sự bùng phát virus xảy ra ở hai nơi này không đơn giản là thiên tai hay thảm họa do con người gây ra? Mà còn có những nguyên nhân sâu xa hơn nữa.
Chúng tôi chân thành hy vọng tất cả mọi người được khỏe mạnh và an toàn. Chúng tôi muốn nhắn nhủ mọi người rằng đứng về phía chính quyền ĐCSTQ độc ác sẽ đẩy con người đi vào con đường hận thù, tàn bạo và nguy hiểm. Khi từ chối ĐCSTQ và trân quý lương tâm thuần khiết, mọi người sẽ tìm lại được con đường tươi sáng hơn ở phía trước.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/4/两个“7·20”-在告诉人们什么–429096.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/6/194468.html
Đăng ngày 15-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.