Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-3-2016] Năm 2003, cô Vương Ngọc Cần, một học viên ở thành phố Thất Đài Hà tỉnh Hắc Long Giang, đã bị kết án ba năm tù. Trong thời gian thụ án tù ở tuổi 30, cô bị còng tay ra sau lưng, bị biệt giam, bị còng tay và treo lên, và bị tra tấn bằng các phương thức khác.

Dưới đây là hồ sơ cá nhân về việc cô bị bức hại tại Nhà tù nữ Hắc Long Giang từ tháng 9 năm 2003 đến tháng 3 năm 2006.

Nhà tù đã tiếp nhận tôi khi mạch của tôi vô cùng yếu

Ngày 20 tháng 3 năm 2003, tôi bị cảnh sát từ Đồn cảnh sát Đào Bắc thành phố Thất Đài Hà bắt giữ và sau đó bị giam tại Trại tạm giam Số 1 địa phương, nơi tôi đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Ngày 12 tháng 9 năm 2003, khi bị đưa tới Nhà tù nữ Hắc Long Giang, tôi đã tuyệt thực trong 10 ngày.

Tôi rất yếu. Họ đã kéo tôi lên tầng bốn của tòa nhà giam giữ để kiểm tra sức khỏe. Huyết áp của tôi giảm chóng mặt và nhịp tim của tôi vô cùng yếu. Mặc dù vậy, các nhân viên nhà tù đã bỏ qua quy tắc không tiếp nhận những người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và giam giữ tôi.

Sau đó, một vài người báo tin nói với tôi rằng các nhân viên ở cả phòng cảnh sát và nhà tù đã bị mua chuộc để làm việc này. Cùng ngày, tôi cùng hơn 10 học viên Pháp Luân Công khác đã bị đưa tới nhà tù.

Bị bắt phải chạy vòng tròn

Đầu tiên, chúng tôi phải trải qua cái mà họ gọi là “huấn luyện thể chất.” Các lính canh đã xúi giục tù nhân bắt chúng tôi phải chạy vòng tròn vào buổi sáng sớm cho đến khi chúng tôi không thể chạy được nữa.

Khi chạy, chúng tôi thấy các học viên ở Khu 8, bị một nhóm phạm nhân vây quanh, đang chạy bên trong vòng tròn các học viên. Những phạm nhân hình sự mang theo các chai nước và dùi cui điện. Bất cứ khi nào thấy một học viên [chạy] chậm lại, họ sẽ đánh vào đầu và chửi bới học viên đó.

Không được gặp gia đình vì không tự nhận mình là tù nhân

Lính canh nhà tù đã cố gắng “chuyển hóa” chúng tôi theo các cách khác nhau. Ví dụ, họ không cho chúng tôi gặp gia đình, không cho phép chúng tôi gọi điện hay gửi thư.

Gia đình tôi lo lắng khi họ mất liên lạc với tôi. Họ không biết tôi ở đâu, tôi còn sống hay đã chết. Họ đã liên hệ với các nhân viên nhà tù, nhưng không thể nhận được chút tin tức nào thật. Điều này đã khiến người mẹ ở tuổi 70 của tôi lo lắng.

Lính canh trại giam và tù nhân bắt tôi phải học thuộc lòng cách báo cáo với các quan chức. Tôi được lệnh phải tự gọi mình là tù nhân. Tôi đã không làm theo.

Vì điều này, họ không cho tôi gặp gia đình. Gia đình tôi đã không thể gặp tôi trong ba tháng.

Bị giam trong “khu nghiêm quản” vì không chịu lao động khổ sai

Tháng 12 năm 2003, tôi bị chuyển đến Khu 1, khu bị kiểm soát gắt gao trong nhà tù, vì tôi không chịu lao động cưỡng bức. Tôi cùng một vài học viên khác bị bắt phải ngồi thẳng và không được cử động.

Bị tra tấn vì không chịu mặc đồng phục của tù nhân

Không tù nhân nào được phép cởi bỏ đồng phục tù nhân. Một vài học viên đã bị tra tấn tàn bạo vì cởi bỏ đồng phục tù nhân của họ, họ bị còng tay và treo lên. Tôi là một trong số những học viên đó.

2011-5-2-minghui-persecution-222413-1_elzt5vc.jpg

Minh họa phương thức tra tấn: Còng tay và treo lên

Tháng 3 năm 2004, một nhóm các tù nhân đã còng tôi vào một chiếc khung giường thấp. Tôi đã không có lựa chọn nào ngoài việc ngồi trên sàn bê tông trong hơn một giờ đồng hồ. Các lính canh đã xúi giục tù nhân chửi bới và đe dọa tôi, ép tôi phải mặc đồng phục tù nhân.

Sau đó, tôi cùng hơn 30 học viên khác bị giam trong căn phòng rộng chín mét vuông. Chúng tôi bị bắt phải ngồi cạnh nhau trong hơn bảy tháng. Cô Quán Tuyền Thủy, một học viên, đã bị cấm đi vệ sinh và buộc phải đi ngay trong phòng.

Ngày 3 tháng 4 năm 2005, một tù nhân đã quát vào mặt tôi: “Cô phải nghe lời chúng tôi vì cô đang mặc đồng phục tù nhân này. Cô phải phục tùng và tuân thủ các quy tắc của nhà tù.”

Khi nghe vậy, tôi cởi bỏ đồng phục ra và nói: “Tôi sẽ không mặc nó nữa.” Sáu tù nhân đã vây lấy tôi. Một vài tù nhân đe dọa và chửi bới trong khi những tù nhân khác đi tố cáo tôi với lính canh. Một tù nhân đã cầm một chiếc ghế đẩu và ném vào tôi.

Vài ngày sau, lính canh cùng tám tù nhân đã giữ tay chân tôi để ép tôi mặc đồng phục. Sau đó, họ lôi tôi ra ngoài để điểm danh.

Hai học viên thấy điều này và đã hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Một vài tù nhân đẩy họ xuống nền bê tông. Một vài tù nhân đã bịt miệng tôi để tôi không thể nói. Sau đó, tôi bị lôi sang một căn phòng khác.

Buổi tối ngày 7 tháng 4 năm 2004, năm tù nhân lại tiếp tục ép tôi mặc đồng phục. Khi họ cố gắng nhấc tôi dậy và tôi chống cự, một phạm nhân hình sự đã đánh vào mắt trái của tôi. Tôi hét lên với họ: “Các người đang phạm pháp!”

Họ lập tức bịt miệng và làm tôi nghẹt thở.

Ngày 8 tháng 4 năm 2005, lính canh và một số tù nhân đã cách ly tôi trong khu vực nấu ăn. Họ tiếp tục ép tôi mặc đồng phục. Họ còng tay tôi lại, sau đó khóa một tay của tôi vào khung giường trên và tay kia vào thang của giường tầng. Tôi không thể ngồi, đứng hay ngồi xổm.

Tra tấn tập thể

Tháng 9 năm 2004, lính canh đã giam giữ hơn 30 học viên trên tầng năm và tầng sáu của nhà tù và tra tấn chúng tôi. Tôi bị giam trên tầng sáu. Đường Hồng Vĩ, một tù nhân, đã bắt chúng tôi ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ, không cho chúng tôi nhắm mắt và sử dụng loa để làm ồn khiến chúng tôi không thể ngồi yên được.

Buổi đêm, khi chúng tôi bị đưa trở lại phòng giam, các tù nhân trong phòng giam tiếp tục theo dõi và ngăn chúng tôi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công.

Một phạm nhân tên là Lý Hiểu Hồng lên giường tầng của tôi và quấn quần len quanh cổ tôi. Trong khi đó, một phạm nhân khác bắt đầu đá tôi qua nệm.

Ngồi quá lâu trên chiếc ghế đẩu nhỏ đã khiến chúng tôi bị thương. Mông của tôi xuất hiện những vết lở loét đầy mủ. Một số học viên sau đó gặp khó khăn khi đi lại. Lính canh Vương Sơn và Lý Chấn Anh nói: “Tại sao chúng tôi lại bắt các người ngồi trên ghế đẩu nhỏ? Chỉ là để các người không thể đi lại được.”

Mỗi học viên liên tục bị năm tù nhân hình sự giám sát chặt chẽ. Chúng tôi bị bắt phải ngồi ở đó bất động cả ngày.

Không được phép nói chuyện thẳng thắn khi gặp gia đình

Ngày 10 tháng 4 năm 2005, chị gái tôi đến thăm tôi. Tôi bắt đầu nói với chị những gì mình đã phải chịu đựng trong tù, nhưng lính canh Hà Tĩnh đã ngăn tôi lại. Cô ta nói: “Cô sẽ không được gặp gia đình nếu còn tiếp tục nói những điều kia.”

Sau đó, tôi nói với chị rằng: “Nếu em không nói là em ổn, có lẽ em sẽ không thể gặp lại chị. Em không phạm pháp và chưa từng làm trái pháp luật.”

Chị tôi biết nỗi khổ của tôi, nhưng chị không biết chính xác những gì đã xảy ra với tôi. Chị đã khóc và nói: “Em gái ngoan của chị, chuyện gì đã xảy ra với em vậy?” Lính canh đã lập tức đẩy chị ra khỏi phòng thăm.

Sau đó, tôi bị đưa trở lại phòng giam và bị còng tay. Họ tiếp tục tra tấn tôi và bắt tôi phải mặc đồng phục của tù nhân.

Bị đánh đập vì không chịu chụp ảnh và kiểm tra máu

Cuối năm 2004, lính canh đã chụp ảnh các học viên trong nhà tù. Một số học viên, bao gồm cả tôi, không chịu làm theo. Sau đó, lính canh đã kéo chúng tôi ra khỏi phòng giam để chụp ảnh.

Năm tù nhân trèo lên chiếc giường tầng của tôi, túm tóc, đè tôi xuống, kéo và túm tóc cùng quần áo. Các nhà chức trách nhà tù cũng bắt chúng tôi lấy máu [xét nghiệm] mặc dù chúng tôi không muốn.

Chứng kiến các học viên khác bị tra tấn

Bị đâm [bằng kim tiêm] hàng trăm lần

Đầu năm 2004, khi tôi bị giam ở Khu số 1, một học viên giam cạnh chúng tôi ở Khu số 8 bị một tù nhân lĩnh án tử hình hoãn thi hành trói bằng dây thừng. Tù nhân đã đâm học viên hàng trăm nhát bằng kim tiêm, cố gắng bắt cô ấy từ bỏ Pháp Luân Công.

Bị ném tàn bạo vì không chịu ngồi xổm và trả lời điểm danh

Sau đó, tôi được biết về những gì mà các học viên bị giam trên tầng năm phải chịu đựng. Những học viên không trả lời điểm danh bị tra tấn tàn bạo.

Tù nhân liên tục quăng và ném họ. Cô Trương Lâm Văn đã bị ngã và đập gáy xuống sàn bê tông đến bất tỉnh.

Mặt cô tím tái và tình trạng có vẻ xấu. Sau khi tỉnh lại, đội trưởng Hạ bắt cô đứng trong phòng làm việc của cô ta và chửi mắng cô cho đến nửa đêm.

Bị bắt phải ngồi trên nền ướt vì không trả lời điểm danh

Khi tôi bị cách ly và bị giam trong khu nấu ăn, hai học viên (cô Lý Hồng Hà và cô Tống Thanh) đã bị các tù nhân đá vì không trả lời điểm danh. Các tù nhân đã đổ nước lên sàn bê tông và bắt họ ngồi lên đó.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/3/13/325286.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/5/156161.html

Đăng ngày 20-4-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share