Bài viết của học viên Uông Thải Hà tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-02-2016] Chú thích của người biên tập: Uông Thải Hà, một học viên Pháp Luân Công từ thành phố Lan Châu, đã bị bắt giam 64 ngày sau khi đệ đơn kiện hình sự cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Tôi tên là Uông Thải Hà, 48 tuổi. Tôi ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 1 năm 1996, và sức khỏe và cuộc sống của tôi đã được cải thiện.

Sau khi cuộc đàn áp của chế độ Cộng sản Trung Quốc bắt đầu vào năm 1999, chồng tôi đã bỏ tôi vì áp lực và tôi đã nhiều lần bị bắt giam. Trong khi bị giam giữ, tôi bị tra tấn dưới nhiều hình thức như treo lên không trong tư thế hai tay bị còng, bị đánh đập, bức thực tàn bạo, bị tiêm những loại thuốc không rõ tên.

Ngày 1 tháng 5 năm 2015, một chính sách mới có hiệu lực quy định Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao phải đảm bảo tiếp nhận và xử lý mọi đơn khiếu nại hình sự và dân sự. Vì vậy, tôi đã đệ đơn tố cáo Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Bị cảnh sát sách nhiễu

Tháng 8 năm 2015, một cảnh sát từ Đồn cảnh sát thành phố Gia Dự Quan đã điện thoại cho chị tôi và bảo chị ấy rằng tôi ra đồn nói chuyện với họ, nhưng tôi không đến.

Ngày 5 tháng 11 năm 2015, Dương Cần Hoành, Trưởng Đồn Công an Thành phố Gia Dự Quan, và cảnh sát Cao Sỹ Thành đã chặn đường khi tôi đi làm. Họ ra lệnh cho tôi theo họ đến đồn công an. Tôi đã từ chối nên họ theo tôi về nhà.

Một phụ nữ họ Dương đã vào nhà tôi. Bà giới thiệu mình là bí thư đảng của khu vực. Bà ấy bảo tôi rằng tôi đã sai khi kiện Giang Trạch Dân. Bà ta liên tục yêu cầu tôi viết ba biên bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Tôi nói với bà ta là tôi kiện Giang Trạch Dân vì đó là điều luật pháp cho phép. Sau đó, tôi đã giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho bà ấy. Cuộc đối chất hôm đó kéo dài hơn hai giờ đồng hồ.

Bị bắt giữ và tra tấn

Tôi đã bị bốn cảnh sát bắt giữ vào sáng ngày 1 tháng 12 năm 2015 trên đường đi làm. Hai cảnh sát đã đẩy tôi vào một xe cảnh sát. Tôi cố gắng chống lại nhưng họ lại ấn tôi xuống ghế xe và đưa tôi đến đồn công an.

Cảnh sát lục soát tôi và sau đó xích chân tay tôi vào một chiếc ghế sắt.

Dương Cần Hoành đã đến và nói rằng tôi đã phạm luật. Ông ta ra lệnh cho tôi viết cam kết hứa phải từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng tôi đã từ chối.

Hai cảnh sát đã còng tay tôi ra sau lưng và đưa tôi vào một xe cảnh sát. Dương đưa tôi đến Trung tâm phục hồi chức năng Cung Gia Loan.

Trương An Khánh, nguyên giám đốc phòng 610 quận Thất Lý Hà, đã ép tôi xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Họ cố ép tôi ký vào bản cam kết một lần nữa nhưng tôi lại từ chối.

Vì tôi không từ bỏ Pháp Luân Công, viên cảnh sát có tên Mưu Hướng Dương đã cấm gia đình tôi đến thăm tôi. Để gặp được tôi, Dương lệnh cho bố tôi phải thuyết phục tôi từ bỏ Pháp Luân Công.

Qua 58 ngày tôi ở trại giam, bố và chị tôi đã được phép gặp tôi. Bởi vì tôi từ chối ký bản cam kết từ bỏ Pháp Luân Công nên Mâu đã không thả tôi.

Tôi đã được thả ra vào ngày 2 tháng 2 năm 2016, sau 64 ngày bị giam giữ bất hợp pháp.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “ Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.

Bài viết liên quan: Bà Uông Thải Hà chịu đựng cuộc bức hại trong tám năm


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/2/11/323986.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/2/17/155605.html

Đăng ngày 16-4-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share