Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 17-1-2016] Cô Sài Quân Hiệp, một học viên Pháp Luân Công ở huyện Thiên Tây, thành phố Đường Sơn, bị bắt giữ phi pháp vào ngày 14 tháng 12 năm 2015 ngay tại cửa hàng của gia đình cô.
Cảnh sát tra hỏi cô về việc cô đệ đơn kiện cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân và tống giam cô vào Trại tạm giam Số 1 Đường Sơn. Viện Kiểm sát Huyện Thiên Tây đã phê chuẩn lệnh bắt cô vào ngày 25 tháng 12 năm 2015.
Ngày 29 tháng 12, tại trại tạm giam, cảnh sát Ngụy Vũ Đào của thuộc Bộ phận Điều trần Sơ bộ của Cục Công an Huyện Thiên Tây tra hỏi rằng có phải cô tự viết đơn tố cáo không.
Cô Sài Quân Hiệp nhiều lần bị bắt giữ, giam cầm, tra tấn, cưỡng bức tẩy não, và bị cầm tù bốn năm sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công khai màn vào năm 1999. Cô bị lục soát nhà và tịch thu đồ đạc cá nhân. Gia đình cô chịu nhiều thống khổ cả về tinh thần lẫn tài chính. Năm 2015, cô đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, yêu cầu ông ta phải chịu trách nhiệm vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Cô Sài Quân Hiệp cùng con trai
Chi tiết vụ bắt giữ
Ngày 14 tháng 12 năm 2015, một cảnh sát mặc thường phục của Đồn Cảnh sát Tân Trang Tử đã đến cửa hàng của gia đình cô Sài. Anh ta vờ làm khách hàng và hỏi cô mấy câu. Một số cảnh sát chờ sẵn trong hai chiếc xe cảnh sát ở gần đó rồi họ xông vào cửa hàng và bắt giữ cô Sài.
Cô Sài bị đưa đến Đội An ninh Nội địa Huyện Thiên Tây để thẩm vấn. Cô bị tra hỏi về việc kiện Giang Trạch Dân và bị ép điểm chỉ vào một tờ giấy trắng. Sau đó cảnh sát tống cô vào một trại tạm giam.
Cô bị đưa đi kiểm tra y tế, bác sỹ chẩn đoán cô bị rối loạn nhịp tim—một chứng bệnh về tim mạch. Bất chấp tình trạng sức khỏe của cô, họ vẫn đưa cô đến trại tạm giam Đường Sơn Số 1 vào tối ngày hôm đó. Cô nhiều lần phát bệnh tim trong thời gian bị giam cầm.
Trước khi bắt giữ cô, cảnh sát của Đồn Cảnh sát Tân Trang Tử từng hai lần sách nhiễu gia đình cô Sài. Dư Bằng Phi, Phó Trưởng đồn là người cầm đầu việc bắt của cô Sài.
Nhiều lần bị bắt giữ, giam cầm, và cưỡng bức tẩy não
Ngày 17 tháng 4 năm 2004, cảnh sát của Đội An ninh Nội địa huyện đã lục soát nhà cô Sài mà không hề có lệnh khám nhà và giam giữ phi pháp cô 48 giờ đồng hồ.
Cô Sài từ chối trả tiền chuộc theo yêu cầu của Đội An ninh Nội địa nên cảnh sát đã đến chợ và bắt giữ cô ngay tại quầy hàng của cô khi cô đang bán hàng.
Cô bị giam ở trại tạm giam Thiên Tây trong 15 ngày, từ ngày 27 tháng 3 đến ngày 12 tháng 4 năm 2004. Trịnh Y, bác sỹ nhà tù, đã tát vào mặt cô Sài. Cô bị còng tay ra sau lưng trong tư thế tay trên tay dưới trong 24 giờ. Khi bác sỹ nhà tù bức thực cô bằng dung dịch muối đậm đặc, cô đã bị vỡ thực quản và nôn ra máu.
Tái hiện cảnh tra tấn: Còng tay ra sau lưng
Ngày 14 tháng 5 năm 2004, cảnh sát huyện đã lục soát cửa hàng của cô mà không hề có lệnh lục soát.
Ngày 17 tháng 7 năm 2004, cô Sài bị iệt vào danh sách truy nã của Phòng 610 Huyện Thiên Tây. Cô Sài phải rời khỏi nhà trong sáu tháng để tránh bị bức hại thêm nữa.
Ngày 8 tháng 11 năm 2004, cô Sài lại bị bắt và đưa tới trung tâm tẩy não bắt buộc nằm trong Đại học Dệt May Đường Sơn trong 50 ngày. Họ cấm ngủ cô và bắt cô phải tham gia các phiên tẩy não. Cô thường bị lăng mạ và phải đứng trong nhiều giờ đồng hồ.
Ngày 16 tháng 4 năm 2007, cô Sài cùng chồng đến Tòa án Thiên Tây để hỏi thẩm phán Tề Quý Lượng về bản án của chị dâu cô, cô Sủy Thúy Quân. Cảnh sát đánh đập và bắt giữ họ. Cô Sài bị giam giữ một ngày, còn chồng cô bị giam giữ 15 ngày.
Đêm ngày 18 tháng 7 năm 2007, Chu Chấn Cương, Đội trưởng Đội An ninh Nội địa Huyện Thiên Tây; Trương Ấn Bác, Cục trưởng Phân cục Cảnh sát Thành Quan; cùng hơn chục cảnh sát mặc thường phục xông vào nhà cô Sài trong khi cả nhà đang ngủ. Họ bắt giữ cô Sài và lục soát nhà cô. Họ tịch thu nhiều vật dụng cá nhân, trong đó có một chiếc ti-vi, một đầu máy VCD, một máy tính để bàn, một máy nghe nhạc MP3, một máy in và một số sách Pháp Luân Công. Cảnh sát không hề đưa cho gia đình cô danh sách các vật dụng mà họ đã lấy.
Tra tấn tàn bạo và bị cưỡng bức lao động khổ sai suốt bốn năm tù giam
Ngày 12 tháng 4 năm 2008, Tòa án Huyện Thiên Tây kết án cô Sài bốn năm tù giam. Cô Sài bị giam giữ trong Nhà tù Nữ Tỉnh Hà Bắc. Thời điểm đó, con trai cô còn chưa được 10 tuổi. Dưới áp lực nặng nề, cha cô đã bị đột quỵ ngay sau khi cô bị kết án. Ông chưa hồi phục mà đầu óc cũng chưa tỉnh táo trở lại kể từ đó.
Cô Sài Quân Hiệp bị tra tấn và lao động nặng nhọc ở trong tù.
Lính canh tù Ngô Hồng Hà dùng dùi cui điện sốc điện vào mặt và lưng cô. Họ treo cô lên cửa ra vào trong những ngày đông buốt giá lên đến cực điểm. Cô bị tống vào khu biệt giam. Họ bắt cô lao động nặng nhọc hơn 14 giờ một ngày và đôi khi là 18 giờ một ngày.
Tái hiện cảnh tra tấn: Sốc bằng dùi cui điện
Ngày 8 tháng 1 năm 2009, lính canh Ngô Hồng Hà gọi cô Sài đến phòng làm việc và dùng dùi cui điện sốc vào mặt, đầu và cổ cô. Sau đó cô ta đập mạnh dùi cui vào lưng cô Sài, gây ra những vết bầm tím lớn. Sau đó, cô Sài bị giam trong buồng biệt giam và phải ngồi trên sàn bê tông lạnh lẽo. Trong suốt thời gian đó, lính canh ra lệnh cho tù nhân Thạch Quân ngồi lên đầu cô Sài để ngăn không cho cô ngủ. Khi cô quay trở lại phòng giam tập thể, cô bị các tù nhân đánh đập và nhục mạ ngay trước mặt trưởng khu giam Lý Hồng Trân.
Để ép cô Sài từ bỏ Pháp Luân Công, hàng ngày nhà tù cấm ngủ cô và bắt cô đứng suốt từ 10 giờ tối đến tận 1 giờ sáng liên tục trong tháng Hai và tháng Ba năm 2009. Cô không được phép nói chuyện với người khác và cũng không được phép đánh răng rửa mặt.
Do bị ngược đãi với cường độ cao nên sức khỏe của cô Sài xấu đi, và từ đó, cô thường xuyên bị lên cơn đau tim.
Tu luyện Pháp Luân Công: Hạnh phúc và khỏe mạnh
Cô Sài bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ cuối năm 1997. Cô ấn tượng sâu sắc với các nguyên lý thâm sâu của Đại Pháp.
Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bệnh đau nửa đầu hành hạ cô suốt tám năm trời đã biến mất. Bệnh dị ứng đeo bám cô từ khi còn nhỏ cũng biến mất. Bệnh đau mắt nặng suốt bao năm qua khiến cô không thể đọc vào ban đêm nay cũng đã khỏi.
Trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, cô Sài vốn là người tính khí nỏng nảy và hay tranh cãi với người khác. Sự thay đổi đáng chú ý nhất là cô trở nên khoan dung, cởi mở, lạc quan và tốt bụng hơn. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công cô biết suy nghĩ vấn đề trên một góc độ khác và trở nên chu đáo hơn. Năm 2003, sau khi chuyển nhà, cô mở một cửa tiệm. Bởi cô rất trung thực và thẳng thắn, nên việc làm ăn kinh doanh của cô rất có uy tín.
Gia đình cô Sài gồm chín người: Cha mẹ chồng, ba người trong gia đình nhỏ của cô (chồng là anh Sủy Chí Cương, cô Sài, và con trai cô), cùng bốn người trong gia đình anh rể cô. Mọi người đều tu luyện Pháp Luân Công, và cả ba thế hệ chung sống hạnh phúc dưới một mái nhà suốt hơn 10 năm. Bởi họ sống rất hạnh phúc và thành đạt, nên hàng xóm láng giềng rất ngưỡng mộ và kính trọng đại gia đình họ.
Cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài hơn 16 năm qua đã mang bao thống khổ cho gia đình cô Sài. Nhiều người trong gia đình cô bị bắt giữ và giam cầm.
Các bên tham gia bức hại cô Sài:
- Lý Siêu Anh, Giám đốc Ủy ban Chính trị và Pháp Luật Huyện Thiên Tây: 86-13831527098(di động), 86-315-5615885(văn phòng)
- Lý Thiệu Phong, Đội trưởng Đội An ninh Nội địa Huyện Thiên Tây: 86-315-5623455(văn phòng), 86-13832988248(di động)
- Lý Hiểu Phi, Trưởng Đồn Cảnh sát Thị trấn Tân Trang Tử: 86-13832983653(di động)
- Dư Bằng Phi, Phó trưởng Đồn Cảnh sát Thị trấn Tân Trang Tử: 86-13532986237(di động)
- Tôn Ngạn Tống, Giám đốc trại tạm giam Đường Sơn Số 1: 86-315-2532517(văn phòng), 86-13832980206(di động)
Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2016/1/17/322334.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/2/7/155171.html
Đăng ngày 20-4-2016; Bản dịch có thể hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.