Bài viết của Văn Lý

[MINH HUỆ 31-05-2012] Sự kiện 300 dân làng cùng ký tên vào đơn thỉnh nguyện kêu gọi trả tự do cho ông Vương Hiểu Đông, một người sống cùng thôn, đã khiến nhiều cấp cao trong chính quyền cộng sản lo sợ. Ngày càng có nhiều người theo dõi sát sao sự kiện này. Hiện tại, tòa án đã trả lại hồ sơ về phòng công an địa phương với lý do thiếu chứng cứ.

Tại thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc, cũng có một trường hợp tương tự khi ủy ban thôn và người dân cùng ký vào một lá đơn ủng hộ Pháp Luân Công. Nạn nhân, anh Lưu Xã Hồng, năm ngoái đã bị kết án phi lý bốn năm tù bởi Tòa án Vũ Hán, hiện anh vẫn bị giam ở trong tù.

Anh Lưu trước đây đã bị đi tù nhiều lần vì sử dụng chất gây nghiện và đánh nhau. Sau khi anh học cuốn Chuyển Pháp Luân, anh đã trở thành một người tốt. Tuy nhiên, anh đã bị bắt giam hai lần vì cự tuyệt từ bỏ tín ngưỡng của mình và đã bị giam giữ trong nhiều năm. Vào năm 2008, người dân ở thôn Đại Kiều, quận Hàm An, thành phố Hàm Ninh đã cùng thu thập chữ ký ủng hộ anh Lưu, vốn từ một người hay gây rối đã trở thành một người tốt. Chính quyền thôn cũng ra một thông báo yêu cầu đồn công an trả tự do cho anh.

Anh Lưu Xa Hồng

Bị kết án bốn năm lao động cưỡng bức vì dùng chất gây nghiện và đánh nhau

Anh Lưu Xa Hồng năm nay 45 tuổi. Anh từng là công nhân ở một công ty gỗ tại thành phố Vũ Hán. Vào năm 1993, anh đã bị nghiện và bị đưa đến nhà tù nhiều lần. Sau một thời gian dài dùng chất gây nghiện, sức khỏe của anh giảm sút rõ rệt. Vào tháng 12 năm 2006, anh trở lại nhà ông bà tại thôn Đại Kiều, quận Hàm An, thành phố Hàm Ninh. Sau đó, cả hai chân của anh bị sưng tấy và cả người anh trở nên thâm tím khiến anh còn không thể đi lại được. Người dân trong thôn nghĩ rằng có lẽ anh không sống được để đón năm mới. Tuy thế, anh Lưu vẫn tiếp tục mượn tiền của nhiều người và sau đó dùng nó để mua thuốc.

Cơn nghiện thuốc biến mất sau khi đọc sách Chuyển Pháp Luân trong bốn tháng, khiến nhiều người dân bị sốc

Tháng 01 năm 2007, anh Lưu nhận được một cuốn sách Chuyển Pháp Luân và bắt đầu đọc như thể anh đã tìm thấy một báu vật. Trong bản tuyên bố được viết sau đó bởi những người dân làng, họ nói “Một điều kỳ lạ đã xảy ra. Anh ấy thực sự kiên định và đọc sách ở nhà trong hơn một tháng. Trong thời gian đó, anh ấy ở nhà toàn thời gian và không rời khỏi thôn một lần để đi tìm thuốc. Không chỉ dừng việc dùng thuốc, anh ấy cũng bỏ thuốc lá. Cơ thể cũng như sắc mặt của anh ấy thay đổi hoàn toàn và nhìn anh ấy sung sức hơn rất nhiều người.

Từ đó, anh ấy luôn trở về thôn trong dịp Tết Nguyên đán và các kỳ nghỉ. Cứ hai tháng anh ấy lại trở về nhà để thăm mẹ, vợ chồng anh trai. Thể trạng của anh ngày một tốt hơn, và tính khí, lời nói và thái độ của anh cũng được cải thiện. Anh Lưu giúp gia đình việc nhà và luôn làm những việc nặng nhọc mà không kêu ca. Anh ấy đã thay đổi thành một người hoàn toàn khác, trở thành một người tốt.

Anh Lưu Xa Hồng nói “Pháp Luân Công đã thay đổi tôi và dạy cho tôi đồng hóa với các đặc tích của vũ trụ: Chân – Thiện – Nhẫn. Nếu không có Pháp Luân Công, cuộc đời của tôi sẽ mãi là một bi kịch.”

Anh Lưu bị đưa đến trại lao động vì trở thành một người tốt, người dân cùng nhau lên tiếng ủng hộ anh

Giấy tờ thuật lại hoàn cảnh của anh Lưu Xa Hồng, có chữ ký ủng hộ của người dân

Giấy chứng thực từ chính quyền thôn Đại Kiều, quận Hàm An, thành phố Hàm Ninh

Tháng 05 năm 2008, anh Lưu đã bị công an địa phương bắt giữ vì dán các chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” ở nơi công cộng. Khi người dân trong thôn biết việc anh bị bắt, họ đã viết một lá thư rồi ký vào đó. Chính quyền thôn cũng chính thức ra một thông báo, có đóng dấu chứng nhận việc anh Lưu đã thay đổi từ một người hay gây rắc rối, trở thành một người tốt. Họ yêu cầu công an trả tự do cho anh.

Phòng 610 Vũ Hán đã bỏ qua lời thỉnh cầu của người dân và chuyển anh Lưu đến Trại lao động Hà Loan ở thành phố Vũ Hán. Một số người từng quen biết anh Lưu trước kia cũng bị giam tại trại này, họ rất ngạc nhiên khi thấy sự thay đổi của anh và nói: “Trước đây ánh mắt của anh ấy rất dữ tợn. Hiện giờ trông anh ấy thật hiền lành và giàu lòng trắc ẩn. Pháp Luân Công thực sự kỳ diệu.

Tháng 12 năm 2010, anh Lưu Xa Hồng bị công an ở Đội an ninh nội địa thành phố Vũ Hán bắt giữ bởi anh treo nhiều biểu ngữ giải thích sự thật về Pháp Luân Công. Bị Phòng 610 điều khiển, Tòa án quận Hồng Sơn đã kết án anh bốn năm tù.

Nhiều sự kiện công khai ủng hộ Pháp Luân Công

Theo trang web Minh Huệ, trong hơn mười năm qua, những sự kiện công khai ủng hộ các học viên Pháp Luân Công đã diễn ra nhiều lần. Sau đây là một vài trường hợp trong số đó:

Vào ngày 08 tháng 11 năm 2001, bà Liêu Cầm Anh ở Võ Tiến, tỉnh Giang Tô đã bị công an bắt tại nhà. Một tiếng sau, bà đã chết thảm trong xe công an. Hai ngày sau, vào ngày 10 tháng 11, hơn 500 người dân ở nhiều khu vực xung quanh đã tình nguyện đến chính quyền thôn để tìm công lý cho bà.

Năm 2007, người dân ở thôn Đao Lan, thị trấn Khang Bình ở tỉnh Liêu Ninh đã cùng nhau viết một lá thư yêu cầu trả tự do cho học viên Kinh Vĩnh An.

Năm 2009, có 376 người dân ở năm thôn tại thị trấn Anh Ngạch Môn, huyện Thanh Nguyên, tỉnh Liêu Ninh đã cùng nhau thỉnh nguyện cho học viên Từ Đại Vi, người bị kết án tám năm tù và đã bị tra tấn đến chết tại nhà tù. Cuộc thỉnh nguyện đã khiến chính quyền cấp cao rất lo sợ.

Năm 2009, Chu Văn Sinh, một bác sỹ ở thôn Đông Phát, thành phố Triệu Đông ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt. Hơn 700 người dân và trưởng thôn đã cùng nhau ký vào một lá đơn yêu cầu chính quyền trả tự do cho anh.

Năm 2009, ông Triệu Thủ Kim từng là phó chủ tịch xã Thập Bát Gia Tử ở huyện Xương Đồ, tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án ba năm tù sau khi ông bị bức hại tại một bệnh viện tâm thần. Người dân ở nhiều thôn đã ký và gửi một lá đơn yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho ông Triệu và vợ ông.

Năm 2009, có 63 giáo viên, sinh viên và phụ huynh cùng ký vào một lá đơn yêu cầu công lý và kêu gọi trả tự do cho giáo viên Tưởng Hân Ba, cựu giáo viên cấp 2 tại Nông trại Tiền Tiến ở khu Tam Giang, tỉnh Hắc Long Giang.

Năm 2010, hơn 300 người ở thôn Hưng Long, Tế Nam, tỉnh Sơn Đông đã cùng nhau ký và gửi một giấy xác nhận cho học viên Lưu Ngọc Tinh.

Năm 2010, ông Viên Ngọc long, con trai ông là Viên Thủ Giang và con dâu Cung Kim Phân ở thành phố Phú Cẩm, tỉnh Hắc Long Giang đã bị công an bắt giữ. Hơn 95% người dân sống ở thôn đã cùng ký vào lá đơn, yêu cầu đồn công an ngay lập tức thả những người bị giam giữ.

Năm 2010, hơn 80 hộ dân ở thôn Quang Minh Sơn, thành phố Trang Hà, tỉnh Liêu Ninh đã cùng nhau ký vào một lá đơn giải cứu học viên Trịnh Đức Tài.

Năm 2011, người dân ở khu Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã liên tiếp ký vào một lá đơn, yêu cầu trả tự do cho một người dân sống trong thôn là học viên Trương Quốc Tường. Trong thư, họ yêu cầu đồn công an trả tự do cho ông cũng như trả lại số tiền 6.000 nhân dân tệ công an tịch thu của ông.

Năm 2011, Tòa án huyện Thanh Nguyên ở Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh đã xét xử học viên Trịnh Hồng Anh, với ý định kết tội bà. Khi người dân trong thôn biết điều này, họ đã cùng nhau gửi một lá đơn yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho bà.

Năm 2011, có 2.300 người dân ở cùng quê với học viên Chu Hướng Dương tại huyện Xương Lê, Tần Hoàng Đảo đã cùng nhau hỗ trợ kháng cáo cho anh. Khi chính quyền bắt vợ anh, cô Lý San San, có thêm 500 người dân cùng nhau giải cứu cô Lý. Trong năm đó, người dân ở thôn Thương Đài ở thị trấn Vạn Dữu, huyện Hoa Dung ở tỉnh Hồ Nam đã cùng yêu cầu trả tự do cho học viên Tạ Triều Viêm.

Tháng 02 năm 2012, ông Trịnh Tường Tinh, một chủ doanh nghiệp nhỏ ở trụ sở Thập Tràng tại huyện Đường Hải, tỉnh Hà Bắc đã bị công an bắt giữ, sau đó họ còn tịch thu hai xe ôtô có giá trị. Khi ông bị tra tấn đến mức nguy kịch, có 562 người dân đã cùng ký vào một lá đơn yêu cầu bảo lãnh cho ông.

Tháng 09 năm 2005 và tháng 03 năm 2006, đã có 1.061 người nhà của nhiều học viên ở thành phố Chu Châu tại Hồ Nam đã cùng nộp một lá đơn đến tổ chức nhân quyền quốc tế, kêu gọi sự chú ý đến việc bức hại các học viên ở Trại lao động Bạch Mã Lũng. Tháng 08 năm 2009, có 56 người cùng gửi một bản cáo trạng ra nước ngoài – “Thân nhân các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hắc Long Giang buộc tội chính quyền Cộng sản đàn áp Pháp Luân Công.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/5/31/签名、公章声援回头浪子-258300.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/6/13/133944.html

Đăng ngày: 16 – 7 – 2012. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share