Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-03-2023] Ngày 4 tháng 8 năm 2022, một cư dân 60 tuổi của thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt giam vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bởi hiện tại vẫn chưa có thông tin cụ thể về tình hình hiện tại của ông Quan Văn Long, bài viết này nêu chi tiết về những hình thức tra tấn mà ông phải chịu đựng trước đây.

Ông Quan từng là người có nóng tính và thường xuyên vùi đầu vào cờ bạc, rượu chè. Ở nhà, ông thường hành hung vợ con. Thế nhưng, ngay sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào đầu năm 1999, cuộc sống của ông đã thay đổi hoàn toàn và gia đình trở nên hòa thuận. Trước lần bắt giữ gần đây nhất, ông từng phải ngồi tù 7 năm và 1,5 năm ở trong trại lao động vì không từ bỏ Pháp Luân Công.

Bảy năm bị tra tấn ở trong tù

Tháng 1 năm 2002, ông Quan bị bắt tại nhà và bị Tòa án quận A Thành kết án phi pháp 7 năm tù. Ông bị giam giữ tại 4 nhà tù khác nhau, gồm Nhà tù Ngọc Tuyền, Nhà tù Số 3 Cáp Nhĩ Tân, Nhà tù Mẫu Đơn Giang và một nhà tù mới được xây dựng.

Ở trong Nhà tù Ngọc Tuyền, ông Quan bị 8 tù nhân luân phiên canh chừng suốt ngày đêm, kể cả lúc ăn, ngủ, hay đi vệ sinh. Họ đánh đập ông một cách tùy hứng. Ban ngày, ông buộc phải làm việc trong một mỏ đá. Có lúc ông bị thương ở chân và không thể đi lại, nhưng lính canh vẫn bắt ông làm việc. Khi thấy ông không thể chịu đựng được nữa, một tù nhân đã ném ông vào hầm nước và bắt ông ngâm mình trong nước suốt cả ngày.

2023-3-18-205046-0.jpg

Minh họa tra tấn: Hầm nước

Sau đó tù nhân lôi ông ra ngoài, rồi bắt ông Quan đứng trên một tảng đá lớn và nơi này thường xuyên có gió thổi qua. Với bộ quần áo ướt sũng, ông Quan run rẩy vì lạnh. Mãi đến chập tối, tù nhân mới cho ông cởi bộ quần áo ướt nhẹp đó.

Tháng 4 năm 2003, ông Quan bị chuyển đến Nhà tù Số 3 Cáp Nhĩ Tân. Vì không từ bỏ Pháp Luân Công, ông bị ép ngồi trên một chiếc ghế đẩu vuông bằng gỗ từ sáng sớm cho đến nửa đêm. Tù nhân lao vào đánh đập ông nếu ông hơi khẽ cử động hoặc mở miệng nói chuyện.

Sau đó, ông Quan bị đưa đến phòng biệt giam. Trong ngày đầu tiên bị nhốt ở đó, ông bị bỏ đói cả ngày. Đến đêm, ông phải nằm ngủ trên một tấm ván gỗ, không có lót giường hay chăn đắp. Từ ngày thứ hai, ông được cung cấp một thìa cháo ngô vào buổi sáng và buổi tối. Ông đói lả và hốc hác sau 2 tuần.

Một năm sau, vào tháng 4 năm 2004, ông Quan bị đưa đến khu 8 của Nhà tù Mẫu Đơn Giang. Đầu tháng 9 năm 2004, ông bị tù nhân tra tấn đến trọng thương và không thể lao động được. Lính canh Vũ Học Quân đánh ông bằng dùi cui điện và bắt ông đi làm mặc dù ông đang bị thương. Ngày 22 tháng 11 năm đó, hai tù nhân khác hành hung ông thêm vài lần nữa.

Ngày 4 tháng 11 năm 2005, ông Quan nhập viện vì bị thương nặng do bị lính canh họ Vũ đánh đập. Chỉ 2 ngày sau, lính canh Trương Kiện dùng vũ lực lôi ông ra khỏi bệnh viện. Ngày 17 tháng 11, họ biệt giam ông trong 7 ngày. Ông chỉ được mặc quần áo mỏng dù phòng biệt giam không có hệ thống sưởi ấm. Mỗi ngày, đồ ăn của ông chỉ gồm 2 miếng bánh quy nhỏ.

Ngày 23 tháng 2 năm 2006, lính canh Trần Chiêm Phong và Vũ sốc điện ông Quan bằng dùi cui điện và đánh đập ông.

Ngày hôm sau, lính canh Vũ và Lưu Ba kéo ông Quan vào phòng vệ sinh nơi không có camera giám sát để sốc điện ông bằng dùi cui điện và đánh ông bằng dùi cui cao su. Sau một tiếng tra tấn, chân phải của ông Quan bị thương và tù nhân phải khiêng ông ra ngoài. Lính canh Vũ đi phía sau và dùng một chiếc dùi đâm vào lưng và chân phải của ông. Đến giữa trưa, lính canh lôi ông trở lại nhà vệ sinh và đánh ông cho đến khi tất cả tù nhân ăn xong bữa trưa. Mặt ông sưng vù và bầm tím.

Khi lính canh Vũ quay lại làm việc vào hôm sau, anh ta lôi ông Quan vào nhà vệ sinh và tra tấn ông bằng dùi trong nửa tiếng đồng hồ nữa.

Ngày 23 tháng 7 năm 2008, ông Quan không thể làm việc do vết thương ở chân. Lính canh lôi ông vào một căn phòng nhỏ và sốc điện vào các đầu ngón tay của ông bằng dùi cui điện, đồng thời lăng mạ ông bằng những từ ngữ thô tục.

Ngày 31 tháng 7 năm 2008, khi ông Quan từ chối mặc quần áo tù nhân, lính canh nói với ông: “Lần trước chúng tôi chỉ sốc điện ông bằng dùi cui 10.000 vôn. Hôm nay chúng tôi sẽ dùng dùi cui 30.000 vôn“.

Lính canh lệnh cho hơn 10 tù nhân giữ chặt ông Quan. Một người ngồi đè lên đầu ông, trong khi những người khác giữ tay và chân của ông. Họ cởi quần áo của ông và lính canh Ngô Kế Triết sốc điện vào ngực, bụng và toàn thân ông. Vụ tra tấn kéo dài từ sáng đến trưa. Căn phòng tràn ngập mùi khét của thịt cháy. Khi tù nhân kéo ông Quan vào buồng giam, mắt cá chân phải của ông bị thương nặng và xương lộ cả ra ngoài.

2023-3-18-205046-2.jpg

Minh họa tra tấn: kéo lê trên mặt đất

Ông Quan được trả tự do vào tháng 1 năm 2009.

Một năm rưỡi trong trại lao động

Ngày 29 tháng 12 năm 2009, chỉ 11 tháng sau khi ông Quan được phóng thích, cảnh sát lại bắt giữ và lục soát nhà ông. Ông bị giam tại Trại tạm giam Số 2 A Thành và sau đó bị phạt phi pháp lao động cưỡng bức 1,5 năm.

Ngày 14 tháng 1 năm 2010, ông Quan bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Vạn Gia, vài ngày sau, ông lại bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Trường Lâm Tử. Lính canh đánh đập ông khi ông phản đối bức hại.

Sau khi Trại Lao động Cưỡng bức Trường Lâm Tử bị đóng cửa, tất cả học viên Pháp Luân Công ở đó bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Tuy Hóa vào ngày 8 tháng 10 năm 2010.

Lính canh thường xuyên đánh đập ông Quan. Lính canh Phạm Hiểu Đông thường đấm vào mặt và ngực ông Quan mỗi lần say rượu. Lính canh Thạch Kiếm từng đánh vào đầu ông Quan khiến ông xây xẩm mặt mày.

Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông Quan sau khi ông được thả vào ngày 25 tháng 6 năm 2011.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/19/457899.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/28/207849.html

Đăng ngày 16-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share