Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 23-02-2023] Một cư dân của thị trấn Tân Điếm, thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, bị giam giữ trong ba năm sau khi lên tiếng cho Pháp Luân Đại Pháp, môn tu luyện bị bức hại ở Trung Quốc từ tháng 7 năm 1999. Ngày 25 tháng 10 năm 1999, cảnh sát bắt giữ bà Kiều Vân Hà, khi đó 37 tuổi, vì thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và kết án bà ba năm lao động cưỡng bức tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Thành phố Thạch Gia Trang, nơi bà bị tra tấn vì không từ bỏ đức tin của mình.

Lính canh đã sốc điện bà bằng dùi cui điện, bức thực bà bằng bột ớt, treo bà lên, dùng khăn ướt làm bà ngạt thở và đánh đập bà. Vì bà kiên định tu luyện Pháp Luân Công, lính canh đã bỏ các loại thuốc không rõ chủng loại vào thức ăn và bắt bà thực hiện nhiều xét nghiệm trong bệnh viện.

Không lâu sau, mặt và chân tay bà đã bị biến dạng, các cơ quan nội tạng đều suy kiệt, cơ bắp teo lại, mắt gần như bị mù và trí nhớ suy giảm. Bà bị khó thở và mất khả năng vận động. Tháng 1 năm 2001, khi lính canh để gia đình đưa bà về nhà, bà đã rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh.

Tra tấn thể xác

Ngày 22 tháng 12 năm 1999, sau khi bị đưa đến trại lao động, bà Kiều từ chối mặc quần áo tù nhân hay lao động không công. Bà nói mình không vi phạm pháp luật khi kiên định tu luyện. Tháng 3 năm 2000, lính canh ép tất cả các học viên bị giam giữ đứng yên ngoài trời, lưng dựa vào tường 17 tiếng mỗi ngày trong vòng hai tuần. Chân các học viên sưng phù, da mặt bong tróc do cháy nắng kéo dài, một số còn bị ngất.

Một lần, bà Kiều bị gọi lên văn phòng lính canh. Bảy lính canh thay nhau giẫm đạp bà xuống mặt đất. Họ buộc một sợi dây quanh cổ rồi buộc vào hai cánh tay bị vặn ra sau lưng, và siết chặt sợi dây, khiến bà gần như không thở được và cảm thấy vai có thể trật khớp bất cứ lúc nào. Sau khi họ tháo dây thừng ra, bà bị tê hết cánh tay, còn các khớp xương bị sưng lên, cánh tay phải của bà bị mất cảm giác tới sáu tháng.

Một lần khác, sau khi từ chối lao động cưỡng bức, bà bị lính canh đánh bằng dùi cui. Cơn đau khiến nhịp tim của bà tăng lên và bà gần như không thở được. Trong 47 ngày tiếp theo, mặc dù chân bị tê bì và người đầy vết bầm tím, lính canh vẫn bắt bà chạy, diễu hành hoặc đứng yên cả ngày.

Bà Kiều cùng một số học viên đã bị chuyển sang Đội 3. Lính canh ra lệnh cho một số tù nhân theo dõi và cấm họ rời khỏi buồng giam. Khi bà nhẩm thuộc lòng các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp hoặc luyện các bài công pháp, tù nhân đã đánh, túm tóc và dội nước lạnh lên đầu bà. Họ cũng dùng khăn ướt chà xát miệng bà cho đến khi miệng bà chảy máu và cạy răng bà bằng thìa. Một tù nhân tuyên bố có thể sử dụng các học viên để tập giết người, và kêu gọi hàng chục tù nhân khác đánh đập các học viên yếu thế.

Tháng 8 năm 2000, một lính canh đã xúi giục tù nhân bức thực bà Kiều bằng ớt vì bà đã nhẩm các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp. Bà lăn lộn trên mặt đất vì đau rát. Tù nhân đã khống chế bà bằng cách quấn một chiếc khăn tắm quanh cổ bà và nhét khăn vào miệng để bà không la hét được.

Khi bà cảnh cáo lính canh rằng họ có thể phạm tội sát nhân, lính canh nói với bà rằng có nhiều cách để trốn tránh trách nhiệm. Sau đó, trưởng ban quản lý nhà tù làm động tác tiêm và nói với bà: “Bà mà không nghe lời, mấy hôm nữa, tôi sẽ tiêm cho bà đấy.”

Thử nghiệm thuốc trên người sống

Trước khi mọi người bắt đầu ăn, Mã Ngọc Liên, một con nghiện ma túy, đề nghị đi lấy thức ăn cho bà Kiều. Ngay sau bữa ăn, bà Kiều bắt đầu nôn mửa, và chất nôn của bà có mùi hôi bất thường. Vài ngày sau, bà mất hết sức lực đến nỗi không tự chăm sóc được bản thân. Các lính canh ra lệnh cho Mã giúp bà và lấy mẫu nước tiểu của bà.

Một lần lính canh đưa bà Kiều vào bệnh viện và tiêm cho bà mấy mũi, nói rằng đó là đường glucose. Bà trở nên đờ đẫn và không thể di chuyển theo ý muốn. Mắt bà mờ đi, và nhịp tim tăng nhanh. Bà cần sự giúp đỡ của người khác để có thể đi lại. Sau đó, bà bị đưa trở lại bệnh viện, và hai người đàn ông đã lấy mẫu máu của bà.

134c3abdb96cac0247949cad8f73d9cf.jpg

Tái hiện tra tấn: tiêm thuốc không rõ chủng loại

Lính canh đưa bà đến bệnh viện để kiểm tra phản ứng bằng cách bắt bà ngồi trước máy và nhấn nút ngay khi nhìn thấy một chấm sáng trên màn hình. Một lần khác, người ở bệnh viện đã kẹp tay bà và kết nối với một thiết bị. Ngay lập tức bà cảm thấy một luồng điện mạnh đi vào não, giống như bị búa đập vào đầu, mỗi lần lại mạnh hơn, khiến bà đau khôn tả.

Đầu tháng 12 năm 2000, ban quản lý trại giam gửi thông báo cho gia đình bà Kiều rằng bà đang trong tình trạng nguy kịch, nhưng không cho phép đưa bà về nhà. Họ tiếp tục đưa bà đến bệnh viện để thực hiện một loạt xét nghiệm.

Khoảng giữa tháng 1 năm 2001, bà Kiều đang trên bờ vực của cái chết, lính canh lại đưa bà đến bệnh viện. Khi ngồi trên băng ghế, bà gần như không thở được và bị đau tức ngực, tâm lý bất ổn. Một lính canh đưa cho bà một viên thuốc, nói là để giảm đau trong quá trình kiểm tra sức khỏe. Ba người đàn ông khác đến ngồi trước mặt bà như thể đang chờ đợi điều gì đó xảy ra. Bà uống viên thuốc và nôn ra ngay lập tức khiến người lính canh bực bội.

Bà Kiều sinh bệnh thần kinh ngoại vi, các cơ quan nội tạng và cơ bắp của bà bị thoái hóa. Bà bị mất phản ứng, khuôn mặt và tứ chi bị biến dạng. Bà gần như không còn thị lực và mất trí nhớ, tim đập nhanh và thở gấp. Cơ thể bà lạnh cóng, hầu như không cử động được. Bà chịu đựng cơn đau đớn tột cùng như bị ai đó cạo xương, lóc gân. Bà cũng có cảm giác bỏng rát, như bị axit sunfuric hoặc dòng điện chạy qua cơ thể. Đầu bà đau nhói như bị dùi đâm, khiến mặt, mắt và miệng bà co giật. Mỗi giây trôi qua đều như vô tận và khó mà chịu đựng được. Nhưng bà vẫn giữ ý chí mạnh mẽ để sống và không chịu chết ở đó.

Ngày 20 tháng 1 năm 2001, khi bà chỉ còn hơi thở cuối, ban quản lý trại lao động đã gọi gia đình đến đón bà. Trước khi thả, họ muốn bà ký vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp. Bà từ chối tuân theo. Ba ngày sau, chính quyền gọi gia đình bà nhiều lần trong ngày để giục họ đưa bà về nhà, vì bà sắp chết và họ không muốn gánh vác trách nhiệm. Ngày 23 tháng 1, bà đã trở về nhà.

Khi về nhà, bà thường xuyên học các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp và luyện công. Không cần sự chăm sóc y tế, bà Kiều, một người từng bị suy đa tạng thập tử nhất sinh, đã hoàn toàn hồi phục.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/23/457030.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/14/207660.html

Đăng ngày 01-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share