Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở Nội Mông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-06-2022] Sống sót sau 8,5 năm bị tra tấn ở trong tù vì tu luyện Pháp Luân Công, bà Trạch Thuý Hà vô cùng suy sụp khi thấy lương hưu của mình đã bị treo từ năm 2021. Ngoài ra, các nhà chức trách còn yêu cầu bà trả lại số tiền hưu trí mà đã nhận trong khi thụ án tù vì kiên định đức tin của mình.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân với năm bài công pháp. Pháp môn này đã bị bức hại ở Trung Quốc từ tháng 7 năm 1999 chỉ bởi sự phổ biến rộng rãi của nó.

Bà Trạch, một cư dân thị trấn Nguyên Bảo Sơn, thành phố Xích Phong, đã từng lãnh hai án lao động cưỡng bức và một án tù với tổng cộng 8,5 năm bị giam giữ. Bà phải chịu đựng đủ mọi loại hình thức tra tấn và đã từng suýt tử vong.

Lính canh trại lao động và nhà tù liên tục đánh đập bà, còng tay và xích chân bà trong những tư thế gây đau đớn trong suốt thời gian dài. Có lúc họ còn treo bà lên bằng cổ tay, sốc điện bằng dùi cui, cấm ngủ và ép bà dùng thuốc phá huỷ thần kinh.

Gia đình bà cũng bị liên luỵ vào cuộc bức hại. Việc bà liên tục bị bắt giữ và giam cầm đã khiến chồng bà bị tổn thương tinh thần sâu sắc và gánh nặng tài chính của gia đình đổ dồn lên vai ông. Ông đã qua đời vào năm 2012 trong khi bà Trạch vẫn đang bị cầm tù. Con gái họ phải bỏ học và sống nhờ nhà người thân. Chính quyền không cho con gái bà tham dự đám tang của cha. Con trai bà vô cùng đau khổ bởi cái chết của cha và mẹ bị cầm tù, anh đã bỏ nhà đi và mất tích hơn 20 năm qua.

Tu luyện Pháp Luân Công đã cứu mạng bà và gia đình

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà Trạch vốn là một người nóng nảy và thường gây gổ với chồng. Nhiều năm trôi qua, bà bị viêm gan, viêm cổ tử cung, thoát vị đĩa đệm cột sống, viêm mũi và tăng sản tuyến vú.

Tất cả bệnh tật của bà đều biến mất sau hai tháng tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997. Bà sống chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn và không còn gây gổ với chồng nữa. Gia đình bốn người của bà lại sống trong hạnh phúc, hòa thuận.

Đến Bắc Kinh để lên tiếng cho Pháp Luân Công

Sau khi cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, bà Trạch đã đến Bắc Kinh để lên tiếng cho pháp môn vào tháng 10 năm 1999. Các nhân viên chính quyền không cho bà vào văn phòng kháng nghị của quốc vụ viện và gọi cảnh sát đến. Cảnh sát đã bắt và giam bà trong Trại tạm giam Tây Thành, ở đây, bà bị lính canh làm nhục bằng các lột đồ và dội nước lạnh lên người. Mười ba ngày sau, bà bị đưa trở về quê nhà và giam trong trại tạm giam Nguyên Bảo Sơn, thành phố Xích Phong.

Sự tra tấn tàn nhẫn ở trong trại tạm giam

Ngay khi bà Trạch bị đưa đến trại tạm giam Nguyên Bảo Sơn, hàng chục phóng viên đã tới gặp bà. Họ chụp hình bà và các cảnh sát áp giải bà, và hỏi bà lý do bà đến Bắc Kinh. Bà nói với các phóng viên rằng cuộc bức hại này là phi pháp và tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công trên truyền hình đều là bịa đặt. Một cảnh sát đã quát lớn và ra lệnh cho bà ngừng nói. Anh ta dọa sẽ tát bà nếu bà tiếp tục, nhưng bà không ngừng lại vì máy quay vẫn đang ghi hình. Sau khi phóng viên rời đi, lính canh của trại tạm giam đã bắt bà đứng trong một hành lang không có máy sưởi đến tận nửa đêm, dù hôm đó là một ngày mùa đông giá rét.

Một hôm, một lính canh phát hiện bà đang luyện công (luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công) và đưa bà đến văn phòng làm việc của phó giám đốc trại. Ông ta đã đánh bà và gắn chiếc xích nặng 5kg vào chân bà và còng tay bà. Khi bà cáo buộc ông ta vi phạm nội quy trại tạm giam, ông ta nói rằng đối với các học viên thì họ có nhiều ngoại lệ: “Nếu bà chết thì sẽ được coi là tự sát. Đối với chúng tôi thì bà chỉ như một con gà con mà thôi, và chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn”.

Ngày hôm sau, lính canh xích chân và còng tay bà luồn ra sau chân. Họ gọi đây là hình thức tra tấn “khoét xích”. Ở trong tư thế này, bà không thể ngồi thẳng lưng cũng không thể nằm xuống hay đứng lên. Ở trong tư thế gò bó này suốt nhiều ngày khiến bà đau đớn không xiết. Bà đã tuyệt thực cho đến khi cuộc tra tấn kết thúc. Hai tháng sau, mỗi ngày bà đều phải quỳ gối và ngồi xổm trong một thời gian dài.

Tẩy não trong một trại tạm giam khác

Tháng 5 năm 2000, bà bị một cảnh sát bắt khi đang làm việc trên cánh đồng. Họ đưa bà vào trại tạm giam Nguyên Bảo Sơn vì bà từ chối viết “tam thư” (ba bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công). Bốn người của Phòng 610 đã đến tẩy não bà suốt cả ngày. Họ cũng không cho bà ngủ trong nhiều ngày.

Họ bắt bà làm động tác “đi vịt”. Trong phương thức tra tấn này, bà bị cưỡng chế ngồi xổm với đôi chân trần, hai tay để ra sau lưng, trong khi phải vác 30kg bột ngô. Sau đó, bà phải bước đi trong tư thế này trên nền cát suốt cả buổi sáng trong những ngày hè nóng nực. Một học viên khác là bà Bộ Quốc Cần vì không thể ngồi xổm nên đã phải bò lết đi trong khi cõng bột ngô trên lưng khiến đầu gối bị mài mòn, be bét máu.

Khi bà Trạch quay trở lại sau khi kết thúc tra tấn “đi vịt”, lính canh ép bà ngồi ngâm mình trong nước lạnh trong khi các tù nhân dội nhiều xô nước lạnh lên người bà. Thậm chí những nữ học viên đang trong kỳ kinh nguyệt cũng bị đối xử vô nhân đạo như vậy.

Sau cuộc tra tấn, nếu các học viên vẫn kiên định không dao động đức tin của mình, lính canh sẽ ra lệnh cho họ phải nhảy thật nhanh với chân nhấc lên cao. Nếu họ nhảy chậm, lính canh sẽ dùng một ống nhựa có đường kính 4 cm để quất họ. Nếu thấy họ vẫn có thể nhảy sau một thời gian tra tấn, lính canh ép họ tiếp tục nhảy dưới cái nắng như thiêu đốt và đổ hết nước uống của họ đi. Các học viên bị cưỡng chế phải nhảy như vậy trong hơn một tiếng đồng hồ.

Sau đó, bà Trạch và bảy học viên khác bị ép phải “nhảy cóc”. Họ bị ép ngồi xổm cùng nhau và người ngồi sau nắm hai vành tai của người ngồi trước. Họ bị ép nhảy cóc liên tục mà không được bỏ tai ra. Tai của một số học viên đã bị rách và chảy máu.

Trong một hình thức tra tấn khác, lính canh ép học viên nhảy lò cò bằng một chân vào trong những vòng tròn trong khi hai tay vẫn phải nắm tai của người kia.

Có lần, lính canh dùng tưới nước cho cây trong vườn phun vào các học viên khiến họ bị ngạt.

Một buổi tối nọ, một lính canh tuyên bố cho phép bà Trạch ngủ và yêu cầu bà phải nằm sấp trên giường sau khi đã cấm ngủ bà trong nhiều ngày. Sau đó, họ lệnh cho tù nhân đổ nước lên người bà và những học viên khác. Vì những chiếc giường được nối liền kề với nhau nên quần áo và đồ dùng hàng ngày của mọi người ở dưới giường đều bị ướt sũng.

Sau đó, lính canh lôi bà Trạch ra ngoài. Thay vì cho bà nằm sấp, họ ép bà quỳ gối trên sàn và đặt hai bàn tay lên sàn. Họ đặt một xô nước lên lưng bà và không cho bà cử động trong thời gian dài.

Lính canh nói rằng nếu bà từ bỏ Pháp Luân Công thì họ sẽ dừng tra tấn bà, nhưng bà từ chối thỏa hiệp. Sau đó, lính canh lột đồ của bà và dùng thắt lưng da cứng quất vào lưng bà. Họ gọi hình thức tra tấn này là “mở da”. Giám đốc trại tạm giam Trương Hải Thanh vừa quất bà vừa hét lên: “Nếu tối nay tôi không chế ngự và khiến các vị phục tùng, thì tôi không làm cái chức giám đốc trại này nữa. Tôi sẽ cho bà nếm mùi bạo chính của giai cấp vô sản. Tôi sẽ đánh bà nát thành từng mảnh hoặc thậm chí đánh chết bà!”

Bà Trạch bị quất mạnh đến nỗi nhanh chóng ngất đi và nằm rạp ra đất. Lính canh đá vào đầu bà để kiểm tra xem bà còn sống hay không. Khi bà tỉnh lại, họ còn đá mạnh hơn nữa. Sau 3 tiếng tra tấn, bà cố gắng lết từng bước về xà lim vào lúc 2 giờ sáng. Một tù nhân nói với bà: “Chúng tôi tưởng rằng bà đã chết. Tiếng quất giống như tiếng pháo nổ. Chúng tôi đều sợ đến phát khóc”.

Lính canh còng tay hai học viên vào với nhau, khiến họ không thể nằm thẳng xuống để ngủ hay cởi quần áo ướt ra.

Sáng hôm sau, một lính canh đưa bà Trạch đến văn phòng của giám đốc Trương. Sau khi biết bà đã từng đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, ông ta đã đá bà bằng đế giày cứng của mình. Trương đá vào đầu bà như đá một trái banh và còn giẫm lên đầu bà rồi di chân lên mặt bà. Bà cảm thấy đầu mình sưng lên to như cái chậu rửa mặt. Sau đó có thêm vài người chạy đến để đánh đập bà. Giám đốc túm tóc bà lôi ra ngoài hành lang rồi đặt một vật gì đó quanh cổ bà và lại lôi bà đi xung quanh, khiến bà đau đớn đến mức ngất xỉu. Ngay khi bà tỉnh dậy, một lính canh đã sốc điện bà bằng dùi cui điện.

Hai tháng sau bà bị chuyển đến trại tạm giam thành phố Xích Phong, tại đây, bà bị tra tấn thêm hai tuần. Lính canh cưỡng chế bà học thuộc nội quy trại và đánh đập bà khi bà luyện công. Bà đã tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi.

Bức hại trong trại lao động cưỡng bức

Chính quyền đã tuỳ tiện kết án bà Trạch 1 năm lao động cưỡng bức ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Đồ Mục Cát vào tháng 8 năm 2000. Ngay buổi tối hôm bà bị đưa vào đó, khi bà đang luyện công thì lính canh đã lao đến đánh đập bà. Họ cũng ra lệnh cho bà phải ngồi xổm xuyên đêm.

Ngày hôm sau, trong một phiên tẩy não, một nữ lính canh hỏi rằng bà có chịu sửa sai (tu luyện Pháp Luân Công) không. Bà trả lời: “Tôi sẽ tiếp tục sống theo tiêu chuẩn của Pháp Luân Công”. Lính canh đã giật tóc bà và đấm vào mặt bà cho đến khi bà ngã xuống và sau đó anh ta còn giẫm lên người bà.

Vài tháng sau, bà Trạch đã tuyệt thực để phản đối tẩy não. Lính canh đã giam bà trong một khu khác, và tại đó, bà phải làm việc ở ngoài trời dưới thời tiết lạnh giá. Bà phải mặc hết lớp áo này đến lớp áo khác để giữ ấm cho cơ thể trong khi hái bắp trên một cánh đồng rộng mênh mông từ sáng đến chiều tối.

Một buổi tối nọ, trưởng lính canh đã đánh bà Trạch sau khi phát hiện bà luyện công. Ngày hôm sau, khi bà Trạch quay trở lại trại sau khi lao động, lính canh đã lệnh cho bà cởi quần lót để sỉ nhục bà.

Bà bị bắt phải quỳ gối và đội lên đầu một cái xô đi tiểu của phạm nhân. Vì nhà vệ sinh nằm bên ngoài toà nhà và cửa bị đóng vào ban đêm, tất cả 80 người phải dùng chiếc xô đó để tiểu tiện vào buổi tối. Họ sẽ đặt xô bên dưới đầu của bà sau khi sử dụng.

Bởi hành lang không có lò sưởi và bị lột sạch quần áo nên bà không ngừng run rẩy vì lạnh. Sợ rằng bà sẽ chết nên trưởng lính canh đã đưa bà trở lại phòng giam và yêu cầu các tù nhân canh không cho bà ngủ trong suốt cả đêm. Bà vẫn phải làm việc vào sáng hôm sau và lại bị tra tấn như vậy trong vài ngày tiếp theo.

Trưởng lính canh hăm doạ bà Trạch rằng bà sẽ bị tra tấn cực hình nếu không từ bỏ tu luyện. Bởi bà không thỏa hiệp nên lính canh đã ra lệnh cho những người khác còng tay bà và treo bà lơ lửng với còng tay móc vào một xà ngang ở trên cao. Sau một lúc, hai vai và cổ tay của bà vô cùng đau đớn. Bà bị treo cả ngày trừ giờ ăn. Một trưởng lính canh khác đi đến và thấy bà bị chảy máu ở miệng và mũi, nên đã ra lệnh hạ bà xuống.

Khi chồng và con gái 12 tuổi đến thăm bà, nhân viên trại giam đã để họ đứng bên ngoài một hồi lâu. Khi họ gặp nhau, bà rất đau lòng khi thấy chồng và con gái vô cùng tiều tụy: mặt họ tái mét và môi tím tái vì rét, quần áo của con gái thì bẩn thỉu.

Một trưởng lính canh cho phép con gái bà ở trong phòng giam với bà một đêm. Bà đã giặt áo cho con gái và mặc quần áo của mình cho con. Một tù nhân nói với con gái bà: “Nếu hôm nay cháu không đến thì mẹ cháu sẽ bị tra tấn như những gì chúng tôi đã kể. Họ tra tấn bà ấy mỗi ngày”. Sau đó tù nhân này còn nói với con gái bà Trạch rằng mẹ cô bé đã phải chịu đựng rất nhiều thống khổ ở trong trại lao động và cô bé đã khóc mãi không thôi. Trước khi họ đi ngủ, một lính canh đến và còng tay bà Trạch.

Sáng hôm sau, chồng bà đến đón con gái về nhà. Con bà bật khóc và hỏi: “Khi nào thì mẹ về nhà?” Bà trả lời: “Sẽ sớm thôi con ạ”.

Bà Trạch đi cùng với họ đến cửa. Khi họ bước đi, con bà liên tục quay lại và không ngừng gọi mẹ.

Sau khi bà Trạch quay lại phòng giam, trưởng lính canh nói với bà: “Chúng tôi cho con bà ở với bà một đêm để bà thấy con bà đáng thương thế nào? Bà đã nghĩ thông chưa (ý tứ là từ bỏ Pháp Luân Công)?” Bà trả lời rằng bà vẫn tiếp tục tu luyện.

Lính canh rất tức giận và tiếp tục cho treo bà lên. Lần này, họ không hạ bà xuống vào giờ ăn nữa, và một tù nhân phát hiện bà không cử động và đã báo cáo với lính canh. Trưởng lính canh đưa bà đến một văn phòng và bà nói: “Tôi chưa chết đâu”. Sau đó bà nói với lính canh vì sao cuộc bức hại này là sai trái và tuyên truyền trên truyền hình là nhằm vu khống và lăng mạ Pháp Luân Công. Lính canh nói: “Tôi biết các học viên Pháp Luân Công là người tốt, nhưng tôi không còn cách nào khác, tôi cần công việc này để nuôi gia đình. Bà không thể nào hợp tác với chúng tôi (và từ bỏ Pháp Luân Công) sao?” Bà Trạch đã kiên quyết từ chối.

Mỗi ngày trước khi những người bị giam giữ rời trại lao động đi lao động trên cánh đồng, lính canh sẽ bắt họ hô lớn khẩu hiệu: “Tẩy sạch dơ dáy, bắt đầu cuộc đời mới”. Một ngày nọ, bà Trạch không hợp tác và phản đối việc tra tấn các học viên khác. Một trưởng lính canh đã đánh đập bà tàn bạo. Khi làm việc xong và quay trở về, bà vẫn từ chối hô khẩu hiệu theo yêu cầu trước khi vào cổng. Lính canh đã bắt bà đứng bên ngoài cổng.

Vì bà Trạch từ chối từ bỏ Pháp Luân Công nên trại đã hai lần kéo dài thời gian giam giữ bà một cách tùy tiện với tổng thời gian 5 tháng. Khi bà đi tới văn phòng của trưởng lính canh để hỏi về quyết định đó, lính canh nói các nhà chức trách dự tính kéo dài thời gian giam giữ bà thêm 1 năm. Khi biết điều này, các tù nhân khác đều lên kế hoạch tuyệt thực để ủng hộ bà Trạch, vì vậy, bà đã được thả sau khi hết 5 tháng gia hạn.

Lính canh không thông báo cho người nhà về việc bà được trả tự do, bởi vậy không có ai đến đón bà, và bà phải một mình đơn độc kéo theo hành lý về nhà.

Khi về đến nhà, bà rất đau khổ. Đồ đạc vương khắp trên sàn, cỏ trong sân mọc cao bằng bức tường. Bà đã mất bốn ngày để dọn dẹp mọi thứ. Một người hàng xóm nói rằng chồng bà đêm nào cũng uống rượu và ngồi khóc lóc trong sân. Ông ấy đã nghe con gái kể về việc bà bị tra tấn và không thể chịu đựng nổi.

Bà biết rằng con trai đã đi học đại học khi bà ở trong trại lao động. Chồng bà đã phải vay mượn nhiều tiền để chi trả học phí cho con trai và gia đình đang phải gánh một khoản nợ lớn. Con gái bà phải ngưng học và đến sống cùng với dì.

Bức thực và tra tấn trấn nước ở trong trại tạm giam

Ngay khi bà Trạch đón con gái từ nhà người thân trở về, cảnh sát đã xông vào nhà bà và lại bắt giữ bà, để con gái bà ở nhà một mình.

Bà Trạch đã tuyệt thực ngay khi bị đưa đến trại tạm giam quận Nguyên Bảo Sơn. Năm ngày sau, lính canh bắt đầu bức thực bà bằng sữa bột cùng một lượng muối lớn. Một phó giám đốc trại ra lệnh cho vài tù nhân nam ghì bà xuống một tấm ván đồng thời bóp mũi bà. Bà phải há miệng ra và thở dốc. Phó giám đốc nhấc một xô nước lên cao và dội ào ào vào mặt bà. Nước chảy mạnh sộc vào khí quản khiến bà gần ngạt thở. Đồng thời, lính canh ra lệnh cho tù nhân hát to lên để át đi tiếng la hét thất thanh của bà.

Sáng hôm sau, bà Trạch nghe thấy lính canh đang tra tấn trấn nước một học viên ở hành lang và hô lên bảo họ dừng lại. Giám đốc đã xông đến phòng giam của bà, đánh bà ngã xuống và giẫm lên đầu bà. Một vài lính canh có vũ trang xông tới để đánh đập bà. Họ ném bà ra ngoài hành lang và lính canh trấn nước bà. Ngày hôm sau, họ đặt bà lên “giường chết” (một dụng cụ tra tấn) với tứ chi bị trói vào bốn góc giường. Xương và cơ của bà đau đớn kinh khủng vì bị trói trong tư thế phi tự nhiên này một thời gian dài như vậy.

50a155a1f6cca9cab84e880ebd85ba30.jpg

Minh hoạ tra tấn: Giường chết

Vài ngày sau, một lính canh thông báo với chồng bà rằng bà đang hấp hối: “Ông hãy mang 2.000 nhân dân tệ đến trại tạm giam để nộp tiền bảo lãnh cho bà ấy”. Chồng bà không có nhiều tiền và đã phải vay 1.000 nhân dân tệ của em gái để tới đón bà về nhà.

Rời xa nhà để tránh bị bức hại thêm nữa

Một buổi sáng mùa thu năm 2002, ngay khi bà Trạch vừa ra khỏi nhà, hàng chục cảnh sát đã lao đến và bắt giữ bà. Họ đẩy bà vào một chiếc xe cảnh sát và đưa bà đến Trung tâm Tẩy não thành phố Xích Phong. Một cộng tác viên (một cựu học viên đã từ bỏ tu luyện dưới áp lực và bắt tay với chính quyền để bức hại các học viên khác) bắt bà ngồi xổm, nhưng bà từ chối. Người này đánh bà, trói tay và treo bà vào một ống sưởi. Khi bà ngất đi vì đau đớn, người này đã dùng kim đâm vào ngón tay và véo vào mặt bà để làm bà tỉnh lại.

Bà đã tuyệt thực và cộng tác viên kia bắt đầu cấm bà ngủ. Sự tra tấn thể chất đến cực hạn đã gần như giết chết bà. Sau khi được thả, bà đã viết một bài gửi cho Minh Huệ Net để phơi bày việc các nhân viên chính quyền bức hại và tra tấn bà. Những người đó đã đọc bài viết đó và liệt bà vào danh sách truy nã. Để tránh bị bắt giữ thêm nữa, bà đã rời xa nhà và sống trong cảnh túng thiếu.

Bị tra tấn trong trại cưỡng bức lao động

Bà Trạch đã tìm được một công việc và ở cùng với các học viên có cùng cảnh ngộ. Vào một đêm trong tháng 5 năm 2004, khi bà đang ngủ một mình tại nhà trọ, một nhóm cảnh sát đã cậy cửa xông vào.

Cảnh sát vốn có ý định bắt giữ hai học viên khác nên họ đã rất ngạc nhiên khi thấy bà Trạch đang ở đó. Họ đá bà, nhét cây lau nhà vào miệng bà để ngăn bà la lên và bắt bà đến Công an quận Nguyên Bảo Sơn. Phòng thẩm vấn ở đó được xử lý cách âm với các bức tường được lót xốp.

Cảnh sát hỏi bà lấy máy in, máy tính ở đâu và ai đã làm tài liệu Pháp Luân Công. Bởi bà biết rằng trước đó cảnh sát đã bắt giữ các học viên và dùng chìa khoá của họ để đột nhập vào nhà, nên bà từ chối trả lời mọi câu hỏi và cảnh sát đã đẩy bà ngồi vào ghế sắt, rồi trói tay và chân bà vào ghế.

c8e6af1c1726fb466df7918e70e3227d.jpg

Minh hoạ tra tấn: Ghế sắt

Sáng hôm sau khi vẫn còn đang bị trói trên ghế sắt, bà thấy lính canh đưa học viên ông Vương Diên Bình đến. Khuôn mặt sưng phồng và be bét máu. Sợ ông Vương không chịu nổi tra tấn nên bà đành phải thừa nhận với lính canh rằng bà đã mua máy tính và làm tài liệu. Ban đầu, lính canh không tin nhưng bà vẫn khăng khăng như vậy. Sau đó, bà bị lĩnh án 3 năm lao động cưỡng bức, còn ông Vương 2 năm. Bà đã tuyệt thực trong trại tạm giam nhiều tháng và bị bức thực bằng sữa muối đậm đặc.

Bà Trạch bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hô Hoà Hạo Đặc vào tháng 8 năm 2004. Ngay khi vừa vào đó, một trưởng lính canh đã đưa bà vào một nhà kho và hành hung bà cả ngày. Cửa chính và cửa sổ căn phòng được che lại bằng báo. Có một dây xích sắt từ trên trần nhà thả xuống và trên dây xích có gắn còng tay. Ở trên tường có treo một chiếc mũ bảo hiểm, và căn phòng đầy mùi máu tanh.

Lính canh tát bà, treo bà lên sau khi bà không thể đứng vững và nhét một cây lau nhà vào miệng bà. Bà bị ép phải đội nón bảo hiểm và nó khiến bà ngất đi. Dù bà đã tuyệt thực hơn một tháng và rất yếu ớt, lính canh vẫn không ngừng đánh đập bà một cách tàn bạo.

Sau đó, bà được đưa ra khỏi nhà kho và bị nhốt vào đội 2, tại đây bà phải làm việc vào ban ngày và bị tẩy não, đánh đập và đứng suốt đêm.

Bà bị đưa vào đội 3 một thời gian, ở đó bà phải lao động nặng nhọc với những công việc đóng gói đũa. Một thời gian sau, một trưởng lính canh cùng vài tù nhân đến đe dọa sẽ tra tấn bà. Bà vẫn ngồi đó và nói với họ rằng không gì có thể thay đổi ý chí của bà. Từ đó, trưởng lính canh không bao giờ cố tra tấn bà nữa.

Vài tháng sau bà bị chuyển đến đội 1, tại đây bà bị tẩy não cả ngày. Khi tẩy não thất bại, lính canh bắt bà lao động không công và tuỳ tiện giam giữ bà thêm 21 ngày. Bà được thả vào tháng 5 năm 2007.

Tra tấn tàn bạo và bị đầu độc bằng thuốc ở trong nhà tù

Ngày 13 tháng 5 năm 2012, bà Trạch đến thôn bên cạnh để giảng chân tướng về cuộc bức hại. Một cảnh sát đã bắt giữ và đưa bà đến trại tạm giam quận Nguyên Bảo Sơn. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và tịch thu tài sản cá nhân của bà trong khi không có ai ở nhà.

Bà bị xét xử vào ngày 21 tháng 8 năm 2012 và bị kết án 4 năm tù. Hai ngày trước khi bị chuyển đến nhà tù, chồng bà đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Con gái của bà đã gọi điện tới trại tạm giam để xin cho bà về nhà để lo đám tang cho chồng, nhưng bị từ chối.

Tháng 11 năm 2012, chính quyền đã đưa bà đến Nhà tù Nữ Nội Mông mà không thông báo cho gia đình bà. Một sáng nọ, một trưởng lính canh đến phòng giam của bà, ông ta không nói lời nào và liền đấm vào ngực bà rồi bắt đầu đánh đập bà. Bà ngã lăn ra đất và lính canh giẫm lên miệng bà và sốc bà bằng dùi cui điện. Bà bị mất kiểm soát đại tiểu tiện ngay lập tức. Sau đó, ngực bà bị đau và răng bị lung lay, rồi lần lượt rụng từng cái một trước khi bà mãn hạn tù.

Lính canh giao cho vài tù nhân giám sát bà. Tù nhân giữ chặt bà và đo huyết áp cho bà, tuyên bố bà bị cao huyết áp. Họ cố ép bắt bà dùng thuốc và bà từ chối. Trong hai tháng tiếp theo bà bị bức thực bằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc khiến đầu bà bị tê cứng. Người bà run rẩy và đầu óc bà không thể tỉnh táo để tập trung suy nghĩ. Bà bị kiệt sức và uể oải, bao tử sôi sực như lửa thiêu suốt cả ngày. Tối đến, ngay khi vừa chìm vào giấc ngủ, bà cảm giác như đang bị rơi xuống vực sâu và sợ hãi đến giật mình tỉnh giấc. Một ngày nọ, bà cảm thấy buồn nôn và trạng thái tồi tệ đến mức không thể tự chủ mà chỉ muốn nhảy ra khỏi cửa sổ. May thay vì cửa sổ có chấn song sắt nên bà mới không bị rơi xuống. Lính canh sau đó còn bức thực bà bằng nhiều thuốc hơn và vẫn bắt bà phải đứng trong thời gian dài.

Bà bị tra tấn đến chỉ còn da bọc xương. Người bà biến dạng đến mức các tù nhân trong cùng xà lim yêu cầu bà che mặt lại khi ngủ vì họ sợ hãi khi nhìn thấy bà vào buổi tối.

Ban đầu bà không nhận ra những hành vi không lý trí và tinh thần bất thường của mình là do thuốc gây ra. Cho mãi đến gần Tết Nguyên đán, trong bốn ngày nghỉ tết, bà không bị cưỡng bức dùng thuốc và bà dần tỉnh táo lại, cảm thấy thân thể thoải mái. Sau đó, bà cực lực phản kháng để không phải dùng thuốc nữa, dù bị trưởng lính canh uy hiếp. Cuối cùng, họ đã phải nhượng bộ bà, nhưng lính canh không cho bà gọi điện cho gia đình trong suốt 1 năm để trả đũa.

Sau đó, một tù nhân nghiện ma tuý nói với bà rằng cô ấy đã từng bị giam trong một trung tâm cai nghiện, và nhân viên ở đó đã đưa sai thuốc cho cô ấy. Cô ấy xuất hiện các triệu chứng tương tự như của bà (gồm cảm giác thôi thúc muốn nhảy ra lầu, người tê và run rẩy) sau khi dùng thuốc. Người tù nhân này cảnh báo bà rằng bà có thể đã bị cho dùng thuốc tâm thần.

Bà Trạch hạ quyết tâm phải phản bức hại. Từ đó, bà từ chối học thuộc nội quy nhà tù, đeo bảng tên, ký vào giấy tờ và từ chối hợp tác với lính canh. Trưởng lính canh đe doạ sẽ đưa bà vào một đội đặc biệt gọi là “tổ công kiên”, nơi chuyên tra tấn các học viên Pháp Luân Công.

Vào ngày bà Trạch được trả tự do, một lính canh đã bắt bà ký tên vào một tờ giấy và bà đã từ chối: “Việc tôi làm người tốt là không hề sai, tôi cũng không phạm tội”. Lính canh đã đưa bà quay lại nhà tù. Một lát sau họ bảo bà chuẩn bị đồ để về nhà và để bà đi. Con gái và con rể bà đã đến đó để chờ đón bà về và con gái còn không nhận ra bà vì bà đã bị biến dạng do tra tấn.

Cắt lương hưu

Cục an sinh xã hội địa phương đã treo lương hưu của bà Trạch vào năm 2021 và yêu cầu bà trả lại tiền mà bà đã nhận mà không đưa ra lời giải thích. Bà đã kiện Cục An sinh Xã hội quận Nguyên Bảo Sơn vào năm 2022 vì sự bức hại tài chính này. Toà án quận Nguyên Bảo Sơn đã ra phán quyết có lợi cho cục an sinh xã hội.

Bài liên quan:

Một người phụ nữ ở khu Nội Mông Cổ bị tiêm thuốc phá hủy thần kinh ở trong tù

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/18/445082.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/19/202323.html

Đăng ngày 13-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share