Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-12-2022] Bà Trần Hồng ở thành phố Điếu Binh Sơn, tỉnh Liêu Ninh đã bị giam giữ 3 năm ác mộng trong Trại Lao động Mã Tam Gia (nay đã giải thể) vì nói với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân (còn được gọi là Pháp Luân Công) đã bị bức hại ở Trung Quốc kể từ tháng 7 năm 1999.

Từ năm 2002-2005, bà Trần Hồng đã phải chịu đựng những hình thức tra tấn vô nhân đạo trong trại lao động, bao gồm: cấm ngủ trong nhiều tuần, bị treo người bằng cổ tay, đóng băng, bị trói trong tư thế bất thường gây đay đớn, bức thực và đánh đập tàn nhẫn. Lãnh đạo trại lao động đã tùy tiện kéo dài thời hạn của bà thêm 3 tháng. Dưới đây là lời kể của bà Trần về những gì mà bà đã phải trải qua trong khi thụ án oan sai ở trong trại lao động.

Tôi tên là Trần Hồng, sinh ngày 4 tháng 12 năm 1966. Nhà tôi ở tòa nhà 425, quận 4, thành phố Điều Binh Sơn, tỉnh Liêu Ninh và từng là giáo viên dạy nhạc ở Trường Tiểu học Số 3. Trong thời gian 3 năm 3 tháng bị giam giữ trong Trại Lao động Mã Tam Gia, tôi đã bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Ngày 19 tháng 8 năm 2002, tôi đưa con trai 6 tuổi của mình ra công viên dạo chơi, ở đây tôi giảng chân tướng Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại tàn bạo cho một số người ở công viên. Ngay sau đó, ba cảnh sát của Đồn Công an Nam Lĩnh xuất hiện và bắt giữ tôi cùng con trai. Họ đưa con trai tôi về nhà, lục soát nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Đại Pháp, băng tiếng bài giảng Pháp, ảnh chân dung của Sư phụ Lý [Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp]. Đứa con trai 6 tuổi của tôi vô cùng sợ hãi và ôm lấy cha nó và la khóc ngay khi vừa về đến nhà.

Các đặc vụ từ Phòng 610 địa phương đã thẩm vấn tôi tại Đồn Công an Nam Lĩnh, tôi bị còng tay vào chiếc ghế sắt suốt cả đêm. Ngày hôm sau họ chuyển tôi đến Trại tạm giam Điều Binh Sơn, nơi tôi bị giam cầm 15 ngày trước khi bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia. Trại lao động này được xây dựng đặc biệt để chuyên bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Có gần 1.300 học viên bị giam giữ trong trại lao động vào thời điểm đó.

2006-3-4-msj-kuxin-58--ss.jpg

Ghế sắt, một dụng cụ dùng để tra tấn các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở trong trại lao động

Cách ly với những người khác

Biện pháp “cách ly” thường được sử dụng đối với các học viên mới vào trại hoặc những ai từ chối từ bỏ đức tin. Để ngăn những người mới đến tiếp xúc với các học viên khác, đội trưởng lính canh đã chỉ định vài người làm “cộng tác viên” để giám sát chặt chẽ các học viên. Ở tầng một của một tòa nhà có một nơi đặc biệt để cách ly các học viên, nơi không có bất kỳ ai ở hay làm việc. Người học viên bị cô lập phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và không được phép cử động. Thậm chí ngay cả khi đi vào nhà vệ sinh cũng có cộng tác viên đi theo giám sát. Nếu người học viên này gặp một học viên khác trên đường, cũng không được phép giao tiếp dù chỉ bằng ánh mắt.

Ngay khi tôi bị đưa vào trại, ba cộng tác viên được phân đến giám sát tôi. Họ phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp và Sư phụ nhằm khiến tôi từ bỏ đức tin. Tôi bị đưa vào phòng cách ly vào lúc 4 giờ sáng và trở về buồng giam lúc 11 giờ đêm. Việc này kéo dài 1 tháng cho đến khi lãnh đạo trại lao động cần nhân lực để thu hoạch bắp ngô. Tuy nhiên, những cộng tác viên vẫn không cho phép tôi nói chuyện với các học viên khác trong buồng giam.

Nhiều học viên từ chối làm việc cho trại lao động. Lính canh đã nhốt một số học viên trong nhà kho, một số khác thì bị bắt phải ngồi xổm đến tận nửa đêm và chỉ được cung cấp một chút ít thức ăn. Nếu các học viên vẫn không lao động vào ngày hôm sau, họ lại tiếp tục bị phạt ngồi xổm như thế.

“Tấn công” dồn dập

Cuối năm 2002, trại lao động đã tăng cường công kích các học viên không chịu từ bỏ đức tin của mình. Tất cả các trại lao động cưỡng bức khác trong tỉnh đều gửi những lính canh khét tiếng tà ác của họ đến trợ giúp lính canh của Mã Tam Gia tra tấn và “chuyển hóa” các học viên kiên định.

Tôi bị tra tấn và không được phép ngủ trong hơn 3 tuần. Lúc đầu những lính canh đã cô lập tôi và bắt tôi ngồi xổm suốt ngày đêm. Hai cộng tác viên thay phiên nhau theo dõi tôi. Tôi chỉ có thể sử dụng nhà vệ sinh một ngày một lần và không được phép tắm rửa. Cuộc tra tấn kéo dài trong 4 ngày, tôi đã nhiều lần gục xuống vì kiệt sức và buồn ngủ.

Sau đó, họ bắt tôi đứng thêm 5 ngày nữa. Các cộng tác viên sẽ xịt nước vào mặt tôi hoặc kéo lê tôi trên mặt đất khi tôi ngủ gật.

Để giữ cho tôi không thể ngủ, họ còng tay tôi vào một ống sưởi với các ngón chân của tôi chỉ vừa đủ để chạm đất. Sự tra tấn này kéo dài một tuần, trong thời gian này, họ còng tay tôi ở nhiều vị trí khác nhau để gia tăng đau đớn. Cổ tay tôi liên tục chảy máu và da thịt đều tím tái.

Sau đó họ để tôi xuống đất, lính canh bắt chéo chân tôi và trói lại bằng dây thừng. Đồng thời họ còng tay tôi ra sau lưng và bắt tôi ngồi ở tư thế này trong hai ngày.

2005-7-15-nanmusi-01--ss.jpg

Tranh vẽ minh tra tấn: bị trói bằng dây thừng với hai tay ngoặt ra sau lưng

Một đợt ta tấn tăng cường khác xảy ra một năm sau đó, vào tháng 12 năm 2003. Các trại lao động cưỡng bức khác lại cử người đến trợ giúp tra tấn các học viên bị giam giữ ở Mã Tam Gia. Họ bắt tôi ngồi xổm và thức liên tục trong 5 ngày. Khi phát hiện biện pháp này không hiệu quả, họ gọi chồng và con trai tôi đến, và ra lệnh cho chồng tôi phải bắt tôi từ bỏ tu luyện, nhưng họ cũng không đạt được mục đích.

Lính canh Thôi Hồng đưa tôi ra ngoài trời lạnh giá chỉ với bộ quần áo mỏng manh. Thời tiết vào tháng 12 là khoảng âm 10o C. Trời lạnh đến nỗi lính canh trông chừng tôi phải thay ca mỗi giờ, cho dù đã mặc đầy đủ quần áo ấm. Thủ đoạn tra tấn “đóng băng” này kéo dài 4 ngày, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mỗi ngày. Khi họ đưa tôi trở lại buồng giam vào buổi tối, tôi phải ngồi xổm hoặc đứng mà không được phép ngủ. Họ chỉ cung cho tôi ăn bánh hấp và dưa chua.

Thấy tôi vẫn không từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp, 5 lính canh đã bắt chéo chân tôi và trói đôi chân sưng tấy của tôi bằng một sợi dây thừng. Tệ hơn nữa, họ trói cổ tôi vào chân để tôi không thể duỗi thẳng nửa thân trên. Họ sẽ nhét giẻ lau nhà vào miệng mỗi khi tôi hét lên trong đau đớn.

Tăng cường tra tấn

Sau Tết Nguyên đán năm 2003, lính canh đã trói chân tôi trong 6 ngày liền, không cho tôi ngủ và tắm rửa. Tôi chỉ có thể sử dụng nhà vệ sinh mỗi ngày một lần. Sau khi được cởi trói, đầu gối của tôi đau đến mức phải có người khiêng tôi ra ngoài.

Tháng 5 năm đó, lính canh đã trói cổ tay tôi bằng một sợi dây và buộc sợi dây vào ống sưởi và khung cửa. Các ngón chân của tôi gần như không chạm đất và tư thế này khiến vai và cổ tay của tôi bị kéo căng. Sự tra tấn kéo dài hơn 20 ngày, trong thời gian đó tôi không được phép ngủ, tắm rửa hoặc đi vệ sinh quá một lần mỗi ngày. Sau đó, bàn chân của tôi bắt đầu sưng tấy và cánh tay hoàn toàn mất cảm giác. Cổ tay tôi in hằn tím tái và rỉ máu, đến tận bây giờ những vết sẹo đó vẫn còn rõ mồn một.

2012-6-19-cmh-kuxingtu-20--ss.jpg

Tranh minh họa tra tấn: Treo người lên bằng cổ tay

Tháng 10 năm đó, lính canh lại biệt giam tôi và bắt tôi đứng trong một căn phòng hơn 10 ngày không ngủ.

Phao tin đồn thất thiệt

Tháng 4 năm 2004, lính canh Thôi Hồng tung tin đồn rằng tôi bị bệnh tâm thần và cho cách ly tôi. Cô ta gọi điện cho gia đình tôi và yêu cầu họ gửi tiền để tôi “điều trị”. Cuộc gọi này càng làm gia đình tôi đau buồn và lo lắng vì họ không được phép vào thăm tôi.

Lính canh đưa tôi đến Bệnh viện Tâm thần Thẩm Dương, cố gắng ép bác sỹ chẩn đoán tôi bị mắc chứng rối loạn tâm thần nào đó để họ có thể ép tôi uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Tôi nói với bác sỹ rằng tôi là một giáo viên âm nhạc, đôi khi tôi hát cho chính mình nghe trong trại lao động để vượt qua cảm xúc tiêu cực từ những lần chịu cực hình tra tấn cùng với nỗi nhớ gia đình. Tôi giải thích với bác sỹ rằng gia đình tôi không có tiền sử bệnh tâm thần, và đã làm một bài kiểm tra tâm lý. Bác sỹ đã viết trong chẩn đoán rằng tôi có tinh thần ổn định.

Sau đó, lính canh Thôi nói với tôi rằng nếu tôi chịu nhận là tôi bị bệnh tâm thần, tôi sẽ đủ điều kiện để được tạm tha y tế. Tôi từ chối, bởi nếu tôi nhận lời đề nghị của cô ta, cô ta sẽ có cớ để tiêm cho tôi những loại thuốc không rõ nguồn gốc và biến tôi thành người bệnh tâm thần thực sự. Tôi sẽ không bao giờ có thể quay lại làm việc sau khi được thả.

Quản lý nghiêm ngặt

Tháng 3 năm 2005, tôi cùng nhiều học viên khác đã không tuân theo mệnh lệnh của lính canh để phản đối việc giam giữ bất hợp pháp. Chúng tôi yêu cầu được trả tự do mà không bị buộc tội, từ chối làm việc, từ chối mặc đồng phục tù nhân và cùng nhau tuyệt thực. Trại lao động đưa các học viên vào các Đội Quản lý Nghiêm ngặt và bố trí thêm lính canh cho mỗi đội. Tôi được phân vào Đội 4 và đội trưởng vẫn là lính canh Thôi.

Các học viên bị quản lý nghiêm ngặt phải ngồi bất động trên những chiếc ghế đẩu nhỏ ở trong buồng giam của họ từ 5 giờ sáng cho đến lúc đi ngủ. Học viên không được phép đứng dậy, nói chuyện với nhau hay nhìn ra ngoài. Hai chiếc camera được lắp đặt ở trước và sau buồng giam để giám sát các học viên ngày đêm. Các học viên phải luân phiên nhau sử dụng vệ sinh để tránh giao tiếp với nhau.

2011-4-4-kuxing-06--ss.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ

“Buồng giam nhỏ”

Lãnh đạo trại lao động và lính canh cố ép các học viên mặc đồng phục tù nhân. Khi tôi từ chối, họ nhốt tôi vào một buồng giam nhỏ nằm trên tầng cao nhất của một tòa nhà. Sàn nhà cách âm và không ai bên ngoài có thể nghe thấy tiếng gì phát ra ở đó. Một nơi có diện tích chỉ bằng lớp học được chia thành hơn mười ô nhỏ, mỗi ô có một chiếc camera giám sát và gắn loa âm lượng lớn.

Buồng giam chỉ có một băng ghế dài, còn không có gì nữa cả. Không có máy sưởi hay chăn ấm vào mùa đông. Lính canh thậm chí còn ác ý mở cửa sổ để khiến chúng tôi bị lạnh cóng. Một số học viên bị tê cóng chân tay nghiêm trọng. Các học viên ở đây không được phép tắm rửa, và chỉ có thể đi vệ sinh một lần trong ngày. Các bữa ăn luôn luôn là bánh hấp và dưa chua. Nhiều học viên đã ở trong buồng giam hàng tháng trời, mặc dù quy định ghi rằng thời gian giam giữ tối đa là 10 ngày.

Các học viên tuyệt thực bị lính canh bức thực mỗi ngày một lần. Khi họ bức thực một học viên bên cạnh tôi, loa bắt đầu phát ra âm thanh lớn để át tiếng la hét của bà ấy. Một số lính canh đã đè bà xuống và nhét một ống qua đường mũi chọc vào dạ dày của bà. Sau đó, họ dùng xi-lanh để đẩy cháo ngô vào trong chiếc ống.

2004-6-6-force_feeding--ss.jpg

Tranh vẽ minh họa tra tấn: bức thực

Đóng băng

Khi tôi bị đưa vào buồng giam nhỏ, những học viên chúng tôi ở trong buồng giam tiếp tục ngồi cố định trên những chiếc ghế đẩu nhỏ suốt cả ngày. Một lần, sau khi đi vệ sinh về, chúng tôi không chịu ngồi xuống nữa. Lính canh Thôi dỡ bỏ tất cả những chiếc ghế đẩu và bắt chúng tôi ngồi trên những chiếc đệm mỏng. Sau đó, Thôi lại lấy đi những chiếc đệm và bắt chúng tôi ngồi trực tiếp trên sàn gạch, lúc đó trời đang giá rét. Sự tra tấn này kéo dài 6 tháng.

Bức thực

Tôi đã tuyệt thực để phản bức hại và 5 ngày sau lính canh bắt đầu bức thực tôi. Họ kéo tôi vào một căn phòng trống và đấm đá tôi tàn nhẫn. Vì tôi không ngừng nôn mửa khi bị họ bức thực tôi, Thôi đã nhét một miếng giẻ lau nhà vào miệng tôi để đẩy thức ăn trở lại. Sau đó, cô ta lấy chiếc giẻ đó bôi vào khắp người tôi.

Tự ý tăng thêm thời hạn giam giữ

Lãnh đạo trại có thể tùy ý gia tăng thời hạn giam giữ của các học viên, từ 10 ngày cho đến 1 năm. Đây là một thực tế phổ biến. Một lính canh đã tìm thấy bà Vương Thục Xuân cùng với một bài báo về Pháp Luân Đại Pháp và nói với bà ấy rằng thời hạn của bà sẽ bị kéo dài thêm từ 1 đến 3 tháng. Trại cũng tự ý kéo dài thời hạn của tôi thêm 3 tháng.

Khi họ đang cố tăng thêm thời hạn của tôi, mẹ tôi (cũng là một học viên) đã quyết định đệ đơn khiếu nại lên nhiều cơ quan chính quyền, phơi bày những tội ác ở trong trại lao động này. Một công tố viên từ Viện Kiểm sát Thẩm Dương đã xem xét trường hợp của tôi và ngăn các nhà chức trách trại lao động tăng thêm thời hạn của tôi. Ngày 19 tháng 11 năm 2005, tôi được trả tự do sau 3 năm 3 tháng bị giam giữ và tôi đã quay trở lại công việc giảng dạy của mình vào năm sau.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/9/452905.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/2/205940.html

Đăng ngày 19-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share