Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-09-2022] Từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, lãnh đạo Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông đã không ngừng tra tấn các học viên bị giam nhằm khiến họ từ bỏ đức tin.

Một số học viên không thể chịu nổi sự tra tấn thể xác và tẩy não, nên không chỉ từ bỏ đức tin mà còn quay sang hợp tác với các lính canh để gia tăng bức hại tinh thần các học viên kiên định nhằm được đối xử tốt hơn hoặc giảm án. Những cựu học viên này thường xuyên có được sự giúp đỡ của các tù nhân khác và dưới sự xúi giục và bảo vệ của lính canh, họ đã dùng những cách thức tàn ác để “chuyển hoá” các học viên kiên định. Hành vi của những cựu học viên này là một minh chứng cho thấy các nhà tù Trung Quốc đã huỷ hoại tàn bạo tâm hồn của một người như thế nào.

Sau đây là tội ác của một số cựu học viên.

Phó Quế Anh

Phó Quế Anh ở huyện Cử Nam, thành phố Lâm Nghi đã từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công và cùng lính canh tham gia bức hại những học viên khác không lâu sau khi bị đưa vào tù năm 2013. Để làm hài lòng lãnh đạo nhà tù, Phó đã cầu xin Từ Ngọc Mỹ, khi đó là phó đội 11, được huấn luyện 20 đến 30 học viên để tham gia cùng họ “chuyển hoá” các học viên kiên định.

Quá trình huấn luyện bao gồm những cách tra tấn cực đoan để phá vỡ ý chí của các học viên và tẩy não tăng cường để khiến họ quay sang đối đầu với các học viên khác. Phó từng tra tấn cựu học viên Dương Mỹ Quyên ở thành phố Long Khẩu bằng cách kéo căng chân Dương mỗi ngày và uốn cong cơ thể của Dương để nhét vừa xuống gầm một cái ghế. Sự tra tấn này đã làm hỏng cột sống của Dương vĩnh viễn. Dương đã đầu hàng và cùng Phó tra tấn các học viên khác.

Vài tù nhân cho biết một số học viên vốn trước đó trông bình thường, nhưng sau khi bị chuyển đến đội của Phó thì ngay lập tức trở nên tà ác như Phó.

Những cựu học viên bị chuyển hoá này áp dụng cách mà trước kia Phó đã tra tấn họ để tra tấn các học viên kiên định. Để lợi dụng tối đa Phó, lính canh đã cho cô ta phụ trách tất cả học viên bị chuyển hoá và là đội trưởng của đội 11. Phó cũng sắp xếp một tù nhân xoa bóp cho mình khi cô ta thấm mệt vì tra tấn các học viên. Lính canh Từ Ngọc Mỹ cũng cho Phó ngủ sau khi ăn trưa để Phó phục hồi sức lực để tiếp tục đánh đập các học viên kiên định.

Càng nhiều học viên bị lính canh “chuyển hoá”, họ càng có khả năng được thưởng và thăng chức. Phó từng khoe rằng chính nhà tù đã mở đường cho sự thành công của cô ta.

Phó đã câu kết với tội phạm sát nhân Lữ Nghênh Xuân nghĩ ra nhiều thủ đoạn để tra tấn các học viên kiên định. Có lần, Phó ra lệnh cho mọi người trong đội 11 phải tham gia tra tấn thể xác và chửi rủa những học viên mà cô ta nhắm đến. Bất kỳ ai từ chối thực hiện sẽ là mục tiêu tiếp theo. Phó cũng ép các học viên trong đội viết “báo cáo tư tưởng” vào ban ngày lẫn ban đêm. Trong báo cáo, các học viên trước tiên phải viết lời phải ca ngợi lính canh và thừa nhận họ đã phạm tội. Sau đó, họ phải lăng mạ Pháp Luân Công và Nhà sáng lập pháp môn, tự sỉ nhục chính mình, rồi cuối cùng là viết nội dung từ bỏ Pháp Luân Công. Bất kỳ ai không làm theo khuôn mẫu này sẽ phải viết lại từ 50 đến 200 lần.

Ngoài viết “báo cáo tư tưởng”, các học viên cũng bị cưỡng chế xem các video lăng mạ Pháp Luân Công và Nhà sáng lập. Bất kỳ ai hướng ánh mắt ra khỏi màn hình sẽ bị Phó đánh đập hoặc bị đâm vào cổ bằng một cây bút.

Phó thường xuyên tổ chức các buổi “phê đấu” và khi đó, mọi người trong đội bị ép phải phê bình và đấu tố một học viên. Bất kỳ ai từ chối tham gia sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo. Phó và đồng bọn cũng đánh đập những người từ chối hợp tác và cấm họ ngủ.

Bà Chu Đông Đông ở thành phố Tế Nam đã từ chối viết các tuyên bố lăng mạ Pháp Luân Công. Phó đã xúi giục một tội phạm sát nhân bẻ gãy ngón tay của bà Chu. Sau đó Phó đập cánh tay của bà Chu vào một cạnh bàn khiến cổ tay của bà bị gãy. Sau khi Phó được thả, người kế nhiệm của Phó đã biệt giam bà Chu và còn tra tấn bà tàn ác hơn. Khi bà Chu được thả vào năm 2019, người bà biến dạng với cái lưng bị còng và hai tay bị tàn tật.

Khi bà Lý Kiến Mỹ ở thành phố Tế Nam bị đưa đến nhà tù, Phó đã đánh thức bà dậy vào lúc 5 giờ sáng và bắt bà đứng cả ngày cho đến khi đi ngủ vào nửa đêm. Sự ngược đãi này kéo dài suốt một tháng và Phó không cho phép ai giúp bà Lý đứng dậy nếu bà bị ngã. Cuối cùng hai chân bà sưng lên và mưng mủ. Bà không thể đi lại mà không có sự giúp đỡ và bà cũng không thể duỗi thẳng lưng. Thủ đoạn tra tấn này đã phá huỷ hoàn toàn hai chân và phần thân dưới của bà. Sau đó Lý đã bị “chuyển hóa”, từ bỏ đức tin của mình và trở thành trưởng đội. Lý tiếp tục hành hạ các học viên khác theo đúng cách mà bà ta đã bị tra tấn.

Hàn Liên Phượng

Cựu học viên Hàn Liên Phượng ở thành phố Thọ Quang là trưởng của đội khác. Bà ta ép tất cả học viên trong đội lăng mạ Pháp Luân Công và Nhà sáng lập từ 50 đến 100 lần mỗi ngày. Nếu học viên nào không viết “báo cáo tư tưởng” theo ý của Hàn, bà ta sẽ gán nhãn cho học viên đó là “tư tưởng có vấn đề” và báo cáo họ với lính canh. Bất kể Hàn tra tấn các học viên khác như thế nào, lính canh cũng làm ngơ.

Để khiến các học viên sợ hãi, Hàn không ngừng chửi bới, đánh đập và chà đạp họ, gồm cả những học viên đã ngoài 70 tuổi. Hàn khoe khoang rằng bà ta sẽ không phải chịu hậu quả với những gì đã làm: “Các người (những học viên) là những chiếc xe hơi bị hư và cần phải bị đập nát. Chúng tôi có lính canh chống lưng. Nhà tù là có chỉ tiêu về số người chết. Các người sẽ chết trong vô ích và tôi sẽ không chịu trách nhiệm gì hết”. Hàn đã câu kết với Phó và dạy lại kinh nghiệm tra tấn cho những thủ phạm khác.

Khi Hàn thấy bà Vương Quyên ở thành phố Thái An gội đầu sau khi cắt tóc, Hàn đã báo cáo với lính canh và cáo buộc bà Vương gội đầu ngoài thời gian tắm rửa gội đầu. Lính canh đã cảnh cáo bà Vương và cưỡng chế bà viết bản tường trình. Từ đó, Hàn đã dùng việc này như một cái cớ để để dùng mọi thủ đoạn bỉ ổi hành hạ bà Vương.

Một ngày nọ, Hàn đánh bà Quách Văn Quyên ở thành phố Tế Ninh và xé nát quần áo của bà. Bà Quách cảm thấy tuyệt vọng đến nỗi cố nhảy qua cửa sổ. Phó đã kéo bà Quách đến nơi không có camera giám sát và đánh đập bà trong khi những tù nhân khác chửi bới bà. Sau đó Hàn đã báo cáo với lính canh rằng bà Quách cố ý gây náo loạn. Sau đó lính canh đã tra tấn bà Quách tại nơi biệt giam.

Bà Vương Hồng Phượng, 75 tuổi, ở thành phố Tế Nam bị suy sụp tinh thần sau khi bị Hàn đánh đập. Bà Vương không ngừng gào thét và co giật, nhưng ba ngày sau lính canh mới đưa bà đến bệnh viện.

Bà Lữ Tuyết Cầm đã chứng kiến bà Vương bị đánh đập và bật khóc vì sợ hãi. Hàn cáo buộc bà Lữ xúi giục bà Vương gây rối loạn. Với cớ đó, bất chấp bà Lữ bị bệnh tim, sỏi thận và tăng huyết áp, Hàn đã lôi bà đến nhà vệ sinh, đóng cửa lại rồi bóp cổ và đánh đập bà. Khi bà Lữ hét lên kêu cứu mạng, các tù nhân đang trực ca đã mở cửa và lôi bà ra ngoài. Vết bầm trên cổ bà Lữ hằn lên rõ nét, và Hàn nhanh chóng che cổ bà Lữ lại bằng một cái áo, rồi nói rằng đó là để giữ ấm cho bà.

Trong đợt kiểm tra sức khỏe cho cả đội, bác sỹ nhà tù thấy những vết bầm trên cánh tay của bà Lữ và hỏi bà việc gì đã xảy ra. Bà nói bà đã bị Hàn tra tấn triền miên trong suốt hơn 3 năm qua và bà muốn đổi đến một đội khác nhưng lính canh không chấp thuận.

Gia đình của Hàn chưa từng đến thăm bà ta từ khi vào tù. Hàn trở nên kích động và giận dữ khi thấy những học viên khác có người nhà đến thăm. Hàn sẽ chửi bới và làm nhục những học viên này sau khi gia đình họ đến thăm. Chồng bà Lữ đến thăm bà mỗi tháng một lần và Hàn đã sỉ nhục ông ấy. Khi bà Lữ bảo vệ chồng, Hàn đã giẫm lên chân bà gây thương tích, nhưng Hàn phủ nhận mình là thủ phạm gây ra những vết thương đó. Thậm chí một tuần sau, chân bà Lữ vẫn bị sưng đến nỗi bà không thể mang vừa đôi giày cỡ lớn của nam giới.

Hàn biết bà Lữ bị bệnh tim và không thể thở nổi khi ngửi thấy mùi thuốc khử trùng trong nhà vệ sinh. Hàn gọi người mang tới một lượng lớn thuốc khử trùng nhà vệ sinh, đổ chúng ở lối ra vào và trên sàn, rồi nhốt bà Lữ trong nhà vệ sinh cho đến khi bà cảm thấy khó thở. Hàn cũng làm như vậy với bà Diêm Hy Linh ở thành phố Thanh Đảo, một người vốn bị khó thở và đau bụng khi ngửi thấy thuốc khử trùng.

Mỗi tuần Hàn đều đổ thuốc khử trùng vào nhà vệ sinh, nhốt bà Lữ trong đó từ 3-10 phút, và thả bà ra khi bà khó thở và đầm đìa mồ hôi. Sau đó Hàn bắt bà Diêm lau dọn nhà vệ sinh với cửa bị khóa và thả bà ra khi bà không ngừng ho và khó thở. Bệnh tim và cao huyết áp của bà Lữ ngày càng tệ hơn do bị tra tấn và bà thường xuyên phải nhập viện. Dạ dày của bà Diêm đau đến nỗi bà rất khó ăn được gì vào bụng. Hàn còn ép bà ăn thực phẩm lạnh để làm cơn đau thêm trầm trọng.

Chức trách nhà tù đã chuyển bà Lữ đến một đội khác vào tháng 9 năm 2018. Hàn đã tìm đến trưởng đội đó và nói với cô ta về cách tra tấn bà Lữ bằng thuốc khử trùng.

Thôi Lỵ Lỵ

Khi cựu học viên Thôi Lỵ Lỵ ở thành phố Lai Châu tra tấn các học viên trong phòng biệt giam, cô ta thường la hét, khóc lóc và dường như bị rối loạn tâm thần. Cô ta sẽ chửi bới các học viên ở bất cứ đâu. Lính canh biết rằng cô ta bị tâm thần và không thể kiểm soát được cảm xúc của mình, nhưng họ vẫn tiếp tục lợi dụng cô ta để bức hại các học viên.

Thôi từng tố cáo bà Khương Đào ở thành phố Bình Độ với lính canh và khiến bà bị biệt giam. Lính canh lệnh cho các tù nhân khác đánh đập bà Khương và vặn hai cánh tay của bà mỗi ngày cho đến khi bà được thả. Hai cổ tay của bà bị trật khớp và hậu quả là hai cánh tay của bà đã bị thương tật vĩnh viễn.

Bà Lữ Dũng Hoa và bà Tống Quế Hương ở thành phố Thanh Đảo không thể ngủ ngon vì Thôi liên tục lăng mạ và đánh đập họ vào ban ngày. Tinh thần bà Lữ trở nên không mạch lạc và bà cũng gặp khó khăn khi tiểu tiện.

Bà Doãn Đức Loan ở thành phố Thanh Đảo bị ngất trong nhà vệ sinh do bị Thôi tra tấn. Thôi cáo buộc bà giả vờ và tăng cường ngược đãi bà. Bà Doãn đi đến đâu cũng bị Thôi theo sau và liên tục mắng chửi bà. Khi bà Doãn rời khỏi nhà tù, tinh thần của bà không mạch lạc và bà bị biến dạng. Bà không trả lời với những người khác và thường xuyên khóc.

Bà Trương Thừa Lan ở thành phố Tế Nam bị Phó và Thôi tra tấn. Thôi đánh đập bà và bắt bà đứng mỗi ngày cho đến khi bà được thả vào năm 2019. Khi đánh đập bà, Thôi hét lên: “Miễn là còn ở đây thì bà đừng mong sống một ngày bình yên!”

Lý Cầm

Cựu học viên Lý Cầm ở thành phố Thái An, là một người có trình độ giáo dục cao và được Phó huấn luyện đặc biệt để tra tấn các học viên. Cô ta rất xảo trá và quỷ quyệt. Cô ta ngưỡng mộ cách Phó thao túng tinh thần các học viên và học được nhiều mánh khoé từ Phó. Bất cứ khi nào mọi thứ không theo ý mình, cô ta sẽ báo cáo các học viên và cáo buộc họ sai trái.

Vì không có tù nhân nào hoà hợp hay muốn hợp tác với Lý, cô ta đã đề nghị lính canh sắp xếp một tù nhân thực hành tôn giáo khác giúp mình giám sát các học viên suốt cả ngày. Người đó sẽ báo cáo với cô ta nhất cử nhất động của các học viên, thường là cường điệu lên, để cô ta có cớ tra tấn các học viên.

Khi bà Ngu Bồi Linh ở Bắc Kinh bị biệt giam, Lý và một cựu học viên khác đã đánh đập bà cho đến khi bà không thể cất người dậy nổi. Họ đá và giẫm lên người bà cho đến khi họ hoàn toàn kiệt sức.

Các học viên khác bị Lý tra tấn gồm bà Kỳ Ngọc Linh, bà Khương Thục Nga, bà Điền Dũng Văn, bà Lý Hải Lỗi, bà Sử Hồng Vân, bà Đường Quế Vinh, bà Hàn Lập Hương và bà Trương Xuân Hương.

Bài liên quan:

Thông tin bổ sung về các tù nhân tham gia tra tấn các học viên tại Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông

Sự bức hại tinh thần nhắm vào các học viên Pháp Luân Công ở trong Nhà tù Nữ Tỉnh Sơn Đông

Nhà tù Nữ Sơn Đông xúi giục tù nhân tra tấn học viên Pháp Luân Công

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/8/448947.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/9/27/204043.html

Đăng ngày 08-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share