[MINH HUỆ-23-10-2011] Gần đây, trang web Minh Huệ đã công bố một bài báo có tựa đề: “Ông Tôn Trường Quân, người bị giam giữ trong chín năm vì chèn sóng tín hiệu truyền hình cáp, cần được giải cứu”.

Bài báo chỉ ra rằng gần mười năm đã trôi qua kể từ sự kiện chèn sóng vào mạng truyền hình cáp địa phương ở Trường Xuân, phát sóng các chương trình phơi bày sự thật về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp nhằm thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Năm người liên quan đến sự việc đã mất mạng do bị chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tra tấn tàn nhẫn. Tôn Trường Quân, lúc đó mới 26 tuổi, đã bị giam giữ ở nhà tù Cát Lâm trong chín năm và từng cận kề cái chết nhiều lần do bị lạm dụng cực hình và đối xử tàn tệ trong tù.

Trong gần mười năm đàn áp, anh Tôn Trường Quân là nạn nhân của tất cả các hình thức tra tấn của chế độ, bao gồm việc bắt ngồi trên ghế cọp, sốc điện cao thế, đánh gẫy xương sườn và “giám sát nghiêm ngặt.” Những cực hình này đã gây ra cho anh các triệu chứng của bệnh lao phổi, tràn dịch màng phổi và chướng bụng. Mặc dù vậy, Phòng 610 và cảnh sát từ chối thả cho anh được điều trị. Gần đây, sức khỏe của anh Tôn Trường Quân đã cho thấy các dấu hiệu hồi phục nhẹ, nhưng anh vẫn rất cần giải cứu nhờ sự trợ giúp từ nhiều phía.

Mạng truyền hình cáp Trường Xuân phát thanh các chương trình Pháp Luân Công

Trong đầu giờ chiều ngày 5 tháng Ba năm 2002, các học viên Pháp Luân Công phát sóng chương trình “Pháp Luân Công trên khắp thế giới” và “Tự thiêu – hay một vở kịch?” Chương trình được phát sóng liên tục, không gián đoạn trong 50 phút.

Chế độ cộng sản dưới sự cai trị của Giang Trạch Dân đã hoảng sợ vì những lời nói dối của họ bị phơi bày, vì thế họ đã điên cuồng trả đũa các học viên Pháp Luân Công. Dưới áp lực trực tiếp từ Giang Trạch Dân, cảnh sát tỉnh Cát Lâm đã bắt giữ đồng loạt một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công. Theo báo cáo trên Minh Huệ, từ ngày 05 tháng Ba tới ngày 24 tháng Ba, riêng ở Trường Xuân đã có hơn 5.000 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ; ít nhất 08 người đã bị giết hại trong quá trình đó. Tuy nhiên, các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Cát Lâm chưa bao giờ ngừng nỗ lực giảng chân tướng cho mọi người, và việc họ để mọi người biết những gì đang diễn ra trong cuộc đàn áp này vẫn tiếp tục cho tới nay.

Các đài truyền hình cáp phát sóng sự thật về Pháp Luân Công ở các vùng khác

Bên cạnh Trường Xuân, việc các đài truyền hình phát sóng sự thật về Pháp Luân Công cũng xảy ra ở một số địa phương khác. Dưới đây là một vài ví dụ:

Vào ngày 01 tháng Một năm 2002, các học viên Pháp Luân Công ở Trùng Khánh phát sóng chương trình Pháp Luân Công trên đài truyền hình cáp trong hơn 70 phút. Bốn học viên đã bị bắt sau đó và bị kết án từ 7 tới 16 năm tù giam. Một trong số họ đã chết trong khi bị cảnh sát giam.

Giữa ngày 23 và 30 tháng Sáu năm 2002, chín chương trình trên tần số vệ tinh của CCTV cũng như mười đài truyền hình ở các tỉnh khác như Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam đã phát sóng các chương trình giảng chân tướng về Pháp Luân Công và chiếu hình ảnh các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới đang luyện công và khẳng định “Pháp Luân Đại Pháp là tốt.

Khoảng ngày 17 tháng 08 năm 2002, các đài truyền hình cáp ở thành phố Tây Ninh và quận Dân Hòa ở tỉnh Thanh Hải phát sóng chương trình Pháp Luân Công “Thử thách lịch sử.

Vào tháng 08 năm 2002, các chương trình Pháp Luân Công được phát sóng hai lần qua đài truyền hình vùng Phòng Sơn ở Bắc Kinh, và ba lần ở phía Đông thành phố Bảo Định, tỉnh Hồ Bắc. Mỗi lần chương trình lên sóng ít nhất 70 phút.

Vào ngày 23 và 27 tháng 08 năm 2002, các học viên Pháp Luân Công đã phát sóng thành công các chương trình Pháp Luân Đại Pháp: “Nhân chứng lịch sử” và “Pháp Luân Đại Pháp trên khắp thế giới” trong thời gian trọng điểm vào 7 và 8 giờ tối ở phía Bắc thành phố Bảo Định, Lai Thủy, huyện Dịch, Trác Châu, Cao Bí Điếm, Từ Thủy và các tỉnh khác. Cả hai lần các chương trình đều phát sóng hơn 70 phút.

Vào ngày 06 tháng 09 năm 2002, truyền hình cáp của Công ty Bạch Ngân ở thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc phát sóng các chương trình giảng chân tướng về Pháp Luân Công, chương trình kéo dài khoảng 15 phút.

Vào ngày 04 tháng 08 năm 2003, Minh Huệ tường thuật rằng các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc lục địa sử dụng công nghệ truyền dẫn không dây điện cao thế hẹn giờ phát sóng thành công chương trình “Nhân chứng lịch sử” và “Pháp Luân Công trên toàn thế giới.” Chương trình phát sóng trong vài phút và hàng ngàn khán giả đã theo dõi. Các học viên Pháp Luân Công phát sóng chương trình đã an toàn rời hiện trường trong các ngoại ô của thành phố ở phía Nam Trung Quốc sau đó.

Vào ngày 6 tháng 10 năm 2003, Minh Huệ báo cáo rằng các học viên Pháp Luân Công phát sóng thành công một chương trình truyền hình về Pháp Luân Công ở Nột Hà, tỉnh Hắc Long Giang. Khoảng 600 hộ gia đình đã theo dõi chương trình.

Vào ngày 19 tháng 01 năm 2004, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc phát sóng chương trình “Ngọn lửa dối trá,” “Phiên tòa công khai dành cho Giang Trạch Dân” và “Pháp Luân Đại Pháp trên khắp thế giới” cùng với hai bài hát trên truyền hình cáp ở Hình Đài và Sa Hà tỉnh Hồ Bắc. Chương trình này đã phát sóng trong hai tiếng.

Do việc phong tỏa thông tin chặt chẽ của chế độ cộng sản, nhiều sự việc tương tự có thể vẫn chưa được phơi bày.

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều học viên ở Trung Quốc bước ra để nói với mọi người sự thật. Các điểm sản xuất tư liệu mọc lên ở khắp nơi do các học viên tự bỏ tiền ra làm. Các học viên in báo, các cuốn sách nhỏ và tờ rơi với số lượng lớn, sau đó phân phát cho công chúng. Giờ đây, ngày càng có nhiều người ở Trung Quốc biết sự thật rằng Pháp Luân Công dạy người ta làm người tốt và làm việc tốt. Họ cũng đã biết cái gọi là “vụ tự thiêu” được dàn dựng của chính quyền. Họ cũng biết sự thật về cuộc bức hại tàn ác đối với các học viên Pháp Luân Công.

Phát sóng các chương trình giảng chân tướng Pháp Luân Công là một hành động chính nghĩa

Mặc dù hiến pháp của Trung Quốc quy định rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, Trung Quốc do cộng sản kiểm soát vẫn không có truyền thông độc lập, nó bị kiểm soát bởi chế độ và có vai trò như công cụ phát ngôn cho những tuyên truyền giả dối. Chế độ cộng sản đã sử dụng tất cả truyền thông ở Trung Quốc trong cuộc đàn áp để truyền bá những lời giả dối nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công; đặc biệt, với “vụ tự thiêu” ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 23 tháng 01 năm 2001. Chế độ đã sử dụng truyền thông để cố gắng bôi nhọ Pháp Luân Công và khơi dậy lòng thù hận trong dân chúng với Pháp Luân Công trong nỗ lực bào chữa cho cuộc đàn áp của nó. Thủ đoạn bẩn thỉu của họ giống hệt với những gì được sử dụng trong các chiến dịch chính trị của họ, như phong trào “Chống cánh hữu” và Cách mạng Văn hoá. Truyền thông của Trung Quốc đã bị biến thành tòng phạm với chế độ trong việc quy chụp người dân và thêu dệt những điều dối trá.

Trong bối cảnh các học viên Pháp Luân Công bị tước đi mọi quyền được tự biện hộ, các chương trình Pháp Luân Công phát sóng trên truyền hình cáp nhằm giải thích sự thật cho mọi người đã cho họ quyền được phát biểu và bảo vệ quyền được biết của người dân; hành động của họ là công bằng và hợp lý, và là một hành động chính trực. Trong một xã hội bình thường, Chính phủ không được phép kiểm soát truyền thông; trái lại, truyền thông có trách nhiệm giám sát Chính phủ, phơi bày các sự việc và các hành vi phạm pháp và bất lương của các quan chức Chính phủ, như vậy các quan chức sẽ biết rằng họ không thể trốn thoát nếu mắc tội, và quyền lợi của người dân có thể được bảo đảm. Những gì các học viên Pháp Luân Công thực hiện bằng việc giải thích sự thật trên truyền hình đã giúp truyền thông đóng vai trò đúng nghĩa của họ. Mặc dù thời gian phát sóng những chương trình này tương đối ngắn, lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ những tia sáng chói lọi trong bóng đêm này.


Bản tiếng Trung:https://www.minghui.org/mh/articles/2011/10/23/回顾发生在大陆的真相插播事件-248234.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/10/26/129006.html
Đăng ngày: 10-11-2011. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai cho sát hơn với nguyên gốc.

Share