Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-06-2020] Vợ chồng ông Cung Quốc Hoa và bà Cung Dụ Phân ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô đã bị bắt và bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức và trung tâm tẩy não nhiều lần vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.

Ông Cung đã bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức hai lần với tổng thời gian năm năm và bị giam ba lần ở một trung tâm tẩy não với tổng thời gian khoảng bốn tháng. Bà Cung bị đưa vào một trung tâm tẩy não hơn năm tháng, bị giam trong một trung tâm giam giữ hai lần với tổng thời gian hai tháng, và bị giam ở một trại lao động cưỡng bức trong hai năm. Nhà họ bị lục soát ba lần và họ phải chịu tổn thất tài chính nặng nề.

Khổ nạn của bà Cung Dụ Phân

Vợ chồng ông Cung bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công sau khi các lãnh đạo nơi ông làm việc ca ngợi Pháp Luân Công tại một cuộc họp công ty vào năm 1997. Nhiều người mắc những căn bệnh lâu năm đã hồi phục sau khi tu luyện Pháp Luân Công và đã quay trở lại làm việc. Tất cả họ đều làm việc chăm chỉ và tiết kiệm được nhiều chi phí y tế cho công ty.

Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, hai vợ chồng đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 30 tháng 9 năm 2000, rồi sau đó bị từ chối ở bất cứ nơi nào họ đến.

Ngày 16 tháng 11 năm 2000, họ đến Quảng trường Thiên An Môn và thấy các cảnh sát đồng phục và mặc thường phục bắt giữ và đánh đập các học viên Pháp Luân Công. Khoảng 10 giờ sáng, ngay khi họ đến Đài tưởng niệm Quảng trường Thiên An Môn, hai cảnh sát đã hét vào bà Cung: “Các người có tập Pháp Luân Công không?” Không đợi trả lời, họ đẩy bà vào một xe cảnh sát và lái đi.

Cảnh sát đã thẩm vấn từng người và muốn biết tên và địa chỉ của họ. Hầu hết đều từ chối cung cấp thông tin nên họ đã bị tra tấn. Một số bị sốc điện bằng dùi cui điện, một số bị giam trong những cái lồng sắt và những người khác bị lột trần trong thời tiết lạnh giá. Một số người tuyệt thực để phản đối bức hại và bị bức thực. Bà Cung là một trong số đó. Sau đó, bà bị đưa trở về Thường Châu. Công ty bà đã trích 2,650.50 nhân dân tệ từ tiền lương của bà để hoàn trả cho cảnh sát địa phương mà đã đến Bắc Kinh để đưa bà về.

Bị giam hai lần trong các trung tâm tẩy não

Sau khi bà Cung được thả, cảnh sát địa phương đã tiếp tục sách nhiễu bà. Cảnh sát Tương Vĩ đã xông vào nhà bà vào ngày 15 tháng 1 năm 2001 và đưa bà đến một trung tâm tẩy não. Bà không được thả đến mãi tận một tuần sau Tết Nguyên đán (24 tháng 1). Cảnh sát tiết lộ rằng họ muốn ngăn bà Cung đến Bắc Kinh lần nữa.

Tháng 4 năm 2001, Tương Vĩ đã lừa bà Cung, thuyết phục rằng bà sẽ chỉ ở một đêm trong đồn công an. Sau đó bà Cung bị đưa đến một trung tâm tẩy não và bị giam một tháng.

Ngày 28 tháng 9 năm 2001, bà Cung đặt một bữa tiệc cho lễ đính hôn của con trai tại Khách sạn Trương Sanh Ký ở Thường Châu. Ngày 10 tháng 1, khi bạn bè và người thân đang chúc mừng đôi trẻ, họ không thể tìm thấy bà Cung. Con trai bà bắt đầu khóc và nói với mọi người rằng mẹ anh đã bị bắt trước buổi trưa.

Bị giam trong các Trại tạm giam và một trại lao động cưỡng bức

Ngày 30 tháng 9 năm 2001, bà Cung bị đưa đến trại tạm giam Tây Lâm. Một tháng sau, bà bị đưa vào một trại lao động cưỡng bức trong hai năm. Nhà bà bị lục soát và cảnh sát đã tịch thu các sách Pháp Luân Công, băng video, tài liệu thông tin và tài sản cá nhân của bà. Các sản phẩm da mà bà bán trong một cửa hàng bán lẻ đã bị phá huỷ khiến cho bà bị thiệt hại hàng chục ngàn nhân dân tệ.

Cuối năm 2005, bà Cung bị bắt khi đang đi mua sắm và nhà bà bị lục soát. Lần này bà bị giam hơn 80 ngày.

Tháng 6 năm 2007, bà Cung lại bị bắt khi đang đi mua sắm. Sau một tháng bị giam ở một khách sạn, bà bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Thường Châu để giam trong một tháng. Nhà bà bị lục soát và cảnh sát đã tịch thu một máy tính, hai máy MP4 (trị giá hơn 1.000 nhân dân tệ mỗi cái), một máy ghi âm và một vali.

Khổ nạn của ông Cung Quốc Hoa

Khi ông Cung ở lại Bắc Kinh sau khi bà Cung bị bắt vào tháng 11 năm 2000, cảnh sát Thường Châu đã đến đó tìm kiếm ông. Họ ép con trai ông đến Quảng trường Thiên An Môn làm “mồi nhử” để bắt người cha. Họ cũng sách nhiễu con trai ông tại nơi làm việc nhiều lần đến khi anh buộc phải bỏ việc và trở nên thất nghiệp. Cảnh sát Thường Châu cũng đưa hình của ông Cung cho những người biết ông tại Bắc Kinh và nói xấu ông.

Các đồng nghiệp của ông Cung và cảnh sát đã tìm ra ông trong một chợ tạp hoá vào tối ngày 23 tháng 4 năm 2001. Họ trùm đầu ông và còng tay ông. Họ đánh đập ông khi ông từ chối cho họ biết địa chỉ và điểm liên lạc ở Bắc Kinh.

Họ đưa ông về lại Thường Châu vào hôm sau và cấm ông ngủ và thẩm vấn ông suốt ngày đêm trong tuần sau.

Bị mất việc và bị tra tấn trong trại lao động cưỡng bức

Ngày 30 tháng 4, ông Cung bị đưa vào trại tạm giam Thường Châu và bị kết án ba năm lao động cưỡng bức vào ngày 30 tháng 5. Ông bị ông lãnh đạo đơn vị chấm dứt hợp đồng lao động và bị sa thải vào hôm sau.

Cuối tháng 5 năm 2001, ông bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Phương Cường ở tỉnh Giang Tô. Mỗi học viên bị giám sát bởi bốn tù nhân và những người này tra tấn họ bằng các ép họ chạy, đứng hay ngồi dưới nắng nóng hay mưa lớn.

Thỉnh thoảng lính canh xúi giục tù nhân nhúng đầu ông Cung vào trong bồn vệ sinh. Ông bị ép phải đọc các cuốn sách phỉ báng Pháp Luân Công và phải viết báo cáo hàng ngày. Ông cũng phải lao động không công. Ông không được phép ngủ nếu không thể hoàn thành chỉ tiêu.

Khi người mẹ 80 tuổi và vợ đến thăm ông trong trại lao động, lính canh đã cho bà mẹ chờ hàng giờ trước khi cho bà gặp ông. Bà không thể nhận ra con trai mình do ông hốc hác vì bị tra tấn. Lính canh cố gắng yêu cầu bà thuyết phục con trai từ bỏ đức tin. Khi bà từ chối hợp tác, họ đã cắt ngắn thời gian thăm viếng và lệnh cho bà phải rời đi.

Trong dịp Tết Nguyên đán vào tháng 2 năm 2003, người cha già của ông Cung đã qua đời do đau buồn. Trại tạm giam Phương Cường đã không thông báo tin này cho ông Cung trong bảy tuần và không cho ông dự tang lễ.

Bị giam giữ phi pháp và tra tấn, thêm hai năm lao động cưỡng bức

Cuối năm 2005, khi ông Cung đang làm một công việc tạm thời, bốn cảnh sát mặc thường phục đã xông vào tiệm, bắt ông và đẩy ông vào một xe cảnh sát. Thậm chí ông không có cơ hội để tắt các máy ông đang làm việc. Họ giam giữ ông phi pháp 93 ngày trong một phòng khách sạn của Nhà máy Rừng Thường Châu.

Tháng 6 năm 2007, cảnh sát Thường Vĩ và những người khác đã xông vào nơi ông làm việc và bắt giữ ông vì ông bị nghi ngờ phân phát tài liệu thông tin về cuộc bức hại. Họ lục soát nhà ông và lấy đi máy tính cùng máy ghi âm của ông.

Một cảnh sát đe doạ sẽ lấy đi tiền trợ cấp hưu trí của ông. Họ đưa ông đến một khách sạn và tra tấn ông trong một tháng. Người của đội An ninh Nội địa, phòng công an và Phòng 610 đều tham gia tra tấn ông.

Sau đó ông Cung bị chuyển đến trại tạm giam Thường Châu trong một tháng trước bị đưa đến một trại lao động thêm hai năm nữa.

Đầu tháng 9 năm 2010, khi vợ chồng ông Cung đang ở quê nhà tại huyện Vũ Tiến, Thường Châu thì một tá cảnh sát xuất hiện trước cửa nhà họ.

Họ tuyên bố rằng họ muốn đưa hai vợ chồng đến Thường Châu để lấy một số thông tin. Ông Cung đang ở trong sân và cảnh sát có thể nhìn thấy ông. Bà Cung đang ở trong nhà và khoá cửa lại. Cảnh sát lệnh cho bà mở cửa để họ lục soát nơi ở. Bà nói: “Nếu muốn tôi mở cửa thì phải cho tôi biết tên, địa chỉ, số điện thoại của các người và cả gia đình nữa.” Không ai hợp tác.

Bà Cung nói: “Các người không thể vào mà không có lệnh khám xét.” Sau một ngày sách nhiễu, họ không thể vào nhà hay bắt giữ bà Cung, nên họ đã bắt ông Cung và đưa đến Thường Châu. Họ giam ông tại một khách sạn nhỏ ở làng Cần Nghiệp Tân để tẩy não ông.

Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà Cung và đi vòng quanh nhà bà trong 24 giờ. Để tránh bị bắt, bà Cung đã nhảy từ tầng hai xuống và bị thương ở đầu và chân.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/12/407555.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/14/185870.html

Đăng ngày 03-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share