Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 12-05-2024] Theo báo cáo tháng 3 và tháng 4 năm 2024, tổng cộng 1.031 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ hoặc sách nhiễu vì kiên định đức tin. 537 trường hợp bắt giữ bao gồm 16 trường hợp xảy ra vào tháng 1 năm 2024, 38 trường hợp vào tháng 2 năm 2024, 238 trường hợp vào tháng 3 năm 2024, 240 trường hợp vào tháng 4 năm 2024, và 5 trường hợp không rõ tháng xảy ra. Bốn tháng đầu năm 2024 chứng kiến lần lượt 13, 63, 251 và 167 trường hợp sách nhiễu, tổng cộng là 494. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các vụ bức hại thường không thể luôn luôn được báo cáo kịp thời, cũng như không phải tất cả đều có sẵn thông tin.
Theo thông tin tổng hợp, tháng 3 và tháng 4 năm 2024 có tổng cộng 896 vụ bắt giữ và sách nhiễu. Ngoài ra, 130 trường hợp bức hại mới được báo cáo thuộc hai tháng đầu năm nay (bao gồm 16 vụ bắt giữ tháng 1, 38 vụ bắt giữ tháng 2, 13 vụ sách nhiễu tháng 1, 63 vụ sách nhiễu tháng 2). Con số mới này nâng tổng số trường hợp từ tháng 1 đến tháng 2 lên 435.
Tháng 3 và tháng 4 (896) có số vụ bức hại cao hơn gấp đôi tháng 1 và tháng 2 (435), đó là do ảnh hưởng của hai cuộc họp chính trị thường niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) (kỳ họp “Lưỡng hội”) vào tháng 3 năm 2024 và kỷ niệm 25 năm Cuộc thỉnh nguyện 25 tháng 4 của 10.000 học viên bên ngoài khu phức hợp chính quyền trung ương. Vì năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 25 năm cuộc bức hại, chế độ cộng sản đã phát động các chiến dịch tuyên truyền mới nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công.
1.031 trường hợp mới được ghi nhận này phân bố ở 20 tỉnh và 4 thành phố trực thuộc trung ương (Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thượng Hải và Thiên Tân). Hà Bắc là tỉnh báo cáo nhiều vụ bắt giữ và sách nhiễu nhất (167), tiếp theo là Liêu Ninh (146) và Sơn Đông (144). 15 khu vực khác có số trường hợp được ghi nhận ở mức 2 con số, từ 11 đến 91. 6 khu vực còn lại ở mức 1 con số, từ 1 đến 9.
Trong số 1.031 học viên bị nhắm đến, 161 trường hợp có độ tuổi từ 60 trở lên, trong đó có 47 trường hợp ngoài 60, 71 trường hợp ngoài 70, 41 trường hợp ngoài 80 và 2 trường hợp ngoài 90. Cảnh sát không chỉ sách nhiễu không ngừng một cụ bà 87 tuổi vì phát tặng tài liệu Pháp Luân Công, mà còn đe dọa tống giam bà.
Một người dân ở Thượng Hải bị đuổi khỏi căn nhà thuê vì đức tin, chứ không phải do bà không trả được tiền thuê nhà. Một phụ nữ khác ở Thượng Hải, bị chồng ly dị và con gái đoạn tuyệt quan hệ vì đức tin, gần như không thể trả tiền thuê nhà sau khi lương hưu của bà bị chính quyền khấu trừ. Một số học viên ở các khu vực khác trên toàn quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn về tài chính sau khi lương hưu của họ bị đình chỉ, hoặc đơn xin trợ cấp cho người thu nhập thấp bị bác bỏ.
Ba học viên, bao gồm một cựu quản lý dịch vụ bệnh viện và em gái của một cư dân Hoa Kỳ, lại bị bắt giữ sau khi phải ngồi tù từ 13 đến 17,5 năm vì đức tin.
Trong khi bắt giữ các học viên, cảnh sát hù dọa họ một cách vô đạo đức, với những câu như “Tao đã bị đưa vào danh sách thủ phạm từ lâu, nhưng tao không sợ bị báo ứng”, “Ông đã tố cáo cảnh sát chúng tôi, nên chúng tôi phải trả thù”, và “Bọn tao sẽ bỏ đói mày, cho mày rục xương”.
Một đợt tuyên truyền mới nhắm vào Pháp Luân Công trước thềm kỷ niệm 25 năm cuộc bức hại
Từ khi phát động chiến dịch toàn quốc chống lại môn tu luyện ôn hòa vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chưa bao giờ ngừng bức hại Pháp Luân Công. Khi cuộc bức hại sắp tròn 25 năm, vào cuối tháng 12 năm 2023, Bộ Công an Trung Quốc tổ chức một cuộc họp trực tuyến, ra lệnh tiến hành một đợt trấn áp mới đối với “tà giáo”.
Mặc dù mệnh lệnh không đề cập rõ đến Pháp Luân Công, nhưng được hiểu rằng mục tiêu thực sự là các học viên Pháp Luân Công. Ở Trung Quốc không có luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công hay coi môn tu luyện này là tà giáo, nhưng chế độ cộng sản vẫn luôn sử dụng cái mác tà giáo để biện minh cho cuộc bức hại và lừa gạt công chúng.
Trong chiến dịch tuyên truyền mới này, Ủy ban Chính trị và Pháp luật và Phòng 610 trên khắp Trung Quốc là hai cơ quan ngoài hệ thống tư pháp được trao quyền vượt trên cả hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật để chỉ đạo chính quyền địa phương cũng như cảnh sát bôi nhọ Pháp Luân Công. Các thủ đoạn được sử dụng bao gồm trao phần thưởng cho những người tố cáo học viên Pháp Luân Công, yêu cầu người dân tham gia vào các đợt ký tên phỉ báng Pháp Luân Công hoặc viết cam kết không tham gia vào các hoạt động tà giáo, đăng tin nhắn chống lại Pháp Luân Công trên WeChat (một ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội phổ biến) và đăng tuyên truyền chống Pháp Luân Công trên các bảng thông báo.
Dưới đây là một số ví dụ.
Thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam
Ngày 28 tháng 2 năm 2024, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Tương Đàm và Sở Cảnh sát Thành phố Tương Đàm đã cùng phối hợp đăng một thông báo trong nhiều kênh trên WeChat. Thông báo kêu gọi công chúng tố cáo những môn đồ của “tà giáo”, trong đó có Pháp Luân Công, và người chỉ điểm hứa hẹn sẽ được thưởng từ 500 đến 4.000 Nhân dân tệ cho mỗi học viên.
Hai cơ quan nêu trên cũng chỉ đạo tất cả các tổ dân phố trong thành phố đăng lại thông báo tương tự trên các kênh WeChat của họ mỗi tháng một lần. Ba công ty viễn thông lớn, bao gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom, cũng nhận được thông báo thường xuyên nhắn thông báo trên cho người dùng của họ.
Thành phố Xích Phong, Nội Mông
Tháng 3 năm 2024, ba cơ quan ở khu Nguyên Bảo Sơn, thành phố Xích Phong, bao gồm Phòng 610, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, và Phòng Công an, đã cùng đưa ra thông báo kêu gọi công chúng chỉ điểm các học viên Pháp Luân Công và hứa thưởng cho những người này. Các tổ dân phố trong khu vực đã nhanh chóng làm theo bằng cách đăng thông báo trên kênh WeChat của họ hoặc trên các bảng thông báo.
Vào giữa tháng 4 năm 2024, Tập đoàn Bình Mai ở khu Nguyên Bảo Sơn, thành phố Xích Phong đã buộc tất cả các công nhân viên ký bản cam kết hứa không tham gia vào các hoạt động mang màu sắc “phong kiến”, “mê tín”, hoặc chống chủ nghĩa Mác. Người lao động cũng phải ghi rõ họ tên, số CMND trong bản cam kết. Những người từ chối ký sẽ bị đe dọa đuổi việc.
Mặc dù bản cam kết không đề cập cụ thể đến Pháp Luân Công, nhưng rõ ràng là chính quyền đang nhắm vào Pháp Luân Công.
Tỉnh Hà Bắc
Phòng Công an Tỉnh Hà Bắc đã cử đặc vụ đến một huyện nào đó vào ngày 15 tháng 4 năm 2024. Theo chỉ thị của họ, phòng công an huyện đã trưng bày một bảng thông báo ở khu vực trung tâm thị trấn. Bảng thông báo tràn ngập những tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Gần đó có hai chiếc xe cảnh sát đang theo dõi bảng thông báo và những người đọc nó.
Thành phố Kinh Châu và thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc
Một người quản lý mạng lưới cộng đồng ở thành phố Kinh Châu gần đây đã đăng trên WeChat “Một bài viết nổi bật nhân dịp kỷ niệm 25 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công.” [Ghi chú: Hệ thống quản lý xã hội theo kiểu mạng lưới của Trung Quốc bao gồm việc chia mỗi quận thành các khu (hoặc mạng lưới) nhỏ hơn và giao nhiệm vụ cho các nhà quản lý mạng lưới theo dõi người dân và báo cáo các hoạt động đáng ngờ cho chính quyền địa phương một cách thường xuyên.]
Một người quản lý mạng lưới khác ở thành phố Vũ Hán đã đăng một thông điệp chống Pháp Luân Công từ tài khoản WeChat của hiệp hội chống tà giáo và kêu gọi người dân địa phương ký các tuyên bố chống Pháp Luân Công.
Thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm
Ngày 17 tháng 4 năm 2024, chính quyền Thành phố Cát Lâm đã ra lệnh cho tất cả các khu dân cư phải dán thông báo tại mọi tòa nhà chung cư. Thông báo kêu gọi người dân tố cáo những môn đồ tà giáo và hứa sẽ tặng thưởng lên tới 5.000 Nhân dân tệ. Các tổ dân phố trên toàn thành phố cũng được chỉ thị phát động một cuộc kêu gọi chữ ký trực tuyến trong cùng ngày, yêu cầu người dân ký vào các tuyên bố phỉ báng Pháp Luân Công.
Khu Công nghệ cao ở thành phố Cát Lâm gần đây đã đưa ra thông báo về việc tố cáo các hoạt động giáo phái phi pháp và phạm tội. Sau khi nhận được thông báo này, các nhà quản lý mạng lưới đã chuyển tiếp nó đến các khu dân cư, sau đó các khu dân cư sẽ chuyển đến người dân thông qua các kênh WeChat của họ.
Thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh
Quận Thiết Đông ở thành phố An Sơn gần đây đã đăng một liên kết trên các kênh của tổ dân phố trên WeChat. Liên kết hướng người dân đến một trang thu thập chữ ký phỉ báng Pháp Luân Công.
Thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông
Mọi khu dân cư ở thành phố Yên Đài đều có kênh WeChat riêng và có tới trên 90% cư dân theo dõi các kênh này. Trong mấy tuần qua, các kênh WeChat của các tổ dân phố tràn ngập các bài viết chống Pháp Luân Công, mỗi bài lại liên kết đến các bài phỉ báng nặng nề hơn.
Các tổ dân phố nằm dưới sự quản lý của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Yên Đài.
Huyện Khúc Dương, tỉnh Hà Bắc
Gần đây, các đồn công an trên toàn huyện Khúc Dương đã đưa ra thông báo yêu cầu tất cả các trường học phát động chiến dịch kêu gọi ký tên phỉ báng Pháp Luân Công. Trường Tiểu học Tân Trang, Trường Trung tâm, Trường Tiểu học Gia Hòa, Trường Mẫu giáo và Tiểu học Trình Đông Vượng được xác nhận đã bắt đầu chiến dịch này.
Tỉnh Hắc Long Giang
Một số quản lý tòa nhà ở nhiều khu dân cư khác nhau ở tỉnh Hắc Long Giang gần đây đã đăng các thông điệp hoặc bài viết chống Pháp Luân Công trên kênh WeChat của họ.
Sách nhiễu quanh những ngày nhạy cảm
Sách nhiễu trong kỳ họp “Lưỡng Hội”
Nhiều học viên Pháp Luân Công trên toàn Trung Quốc bị sách nhiễu vào tháng 3 năm 2024, trong thời gian diễn ra kỳ họp “Lưỡng Hội”, cuộc họp thường niên của Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC). Năm nay CPPCC bắt đầu vào ngày 4 tháng 3 năm 2024, và NPC là vào ngày hôm sau. Cả hai đều kết thúc vào ngày 11 tháng 3. Chế độ cộng sản nổi tiếng với việc tăng cường bức hại học viên Pháp Luân Công trong những ngày nhạy cảm, chẳng hạn kỳ họp “Lưỡng Hội”.
Bà Tôn Quế Lan, ở huyện Xích Thành, tỉnh Hà Bắc, bị sách nhiễu tại nhà vào ngày 5 tháng 3 năm 2024. Một cảnh sát đã kiểm tra một cuốn lịch để bàn có thông tin chân tướng Pháp Luân Công, nhưng bà Tôn đã yêu cầu anh ta bỏ xuống, trừ trường hợp anh muốn nhận nó làm quà. Anh ta đã đặt xuống. Một sỹ quan khác lệnh cho bà Tôn xé bức trang trí trên tường có thông tin về Pháp Luân Công. Bà từ chối tuân theo.
Cảnh sát ra lệnh cho bà Tôn đi theo họ hoặc ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà một lần nữa từ chối tuân theo và khẳng định bà không phạm pháp khi tu luyện Pháp Luân Công. Bà khuyên những vị khách không mời này hãy ngừng bức hại các học viên Pháp Luân Công. Con trai bà lên án họ vì đã sách nhiễu người mẹ già của mình. Những người này nhanh chóng rời đi.
Hai cảnh sát lại sách nhiễu bà Tôn vào sáng ngày 8 tháng 3 năm 2024. Họ đe dọa sẽ giam giữ bà 10 ngày nếu bà từ chối ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà vẫn không chịu ký.
Nhiều học viên khác cũng phải đối mặt với cuộc bức hại tương tự. Dưới đây là một số trường hợp bổ sung.
Ngày 27 tháng 2 năm 2024, bà Do Vũ Toàn ở thành phố Thanh Đảo mua vé tàu tới Bắc Kinh vào ngày 2 tháng 3 để chữa răng. Cảnh sát phát hiện việc bà mua vé thông qua hệ thống giám sát dữ liệu lớn, và yêu cầu bà trả lại vé. Bà từ chối, và bị Đồn Công an đường Đại Cảng bắt giữ vào ngày 1 tháng 3, một ngày trước chuyến đi của bà.
Trong kỳ họp “Lưỡng Hội”, Phòng An ninh Nội địa Huyện Nông An thuộc tỉnh Cát Lâm và các đồn công an trực thuộc bắt giữ ít nhất bốn học viên. Một hôm, chồng bà Uyển Cảnh Liên trở về nhà và thấy một đống hỗn độn. Tối hôm đó, trại giam địa phương gọi cho ông để thông báo rằng vợ ông đã bị bắt giữ. Một học viên khác họ Phùng cũng bị cảnh sát của Đồn Công an Hoàng Long bắt giữ trong khi đang đi trên phố vào ngày 6 tháng 3 năm 2024, sau đó bị giam giữ trong bốn ngày.
Lúc 6 giờ 30 phút chiều ngày 6 tháng 3 năm 2024, khi vừa đi làm về thì ông La Gia Tân, một cư dân thành phố Hoài Hóa, thấy một số cảnh sát bên ngoài cửa nhà. Họ cho hay cấp trên yêu cầu họ đến chụp ảnh ông tại nhà, để chứng minh ông không tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông khuyên họ dừng bức hại học viên Pháp Luân Công, sau đó họ rời đi.
Ngày 11 tháng 3 năm 2024, trong khi bà Nhậm Chiêm Tuệ, cư dân thành phố Thạch Gia Trang, đang nói với mọi người về Pháp Luân Công thì một người qua đường giữ bà lại và tố cáo với cảnh sát. Đồn Cảnh sát Thương Thành ở quận Tân Hoa tới bắt giữ bà, sau đó đột nhập nhà bà ngay tối đó. Họ nói trường hợp của bà đặc biệt “nghiêm trọng” vì dám tuyên truyền Pháp Luân Công vào ngày cuối cùng của kỳ họp “Lưỡng Hội”. Họ phạt bà 14 ngày tạm giữ hành chính.
Sách nhiễu trước ngày kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện lịch sử
Trước thời điểm kỷ niệm Cuộc thỉnh nguyện 25 tháng 4 lịch sử, cảnh sát và nhân viên khu phố ở Bắc Kinh sách nhiễu nhiều học viên địa phương, đôi khi vào nhà họ để đe dọa và chụp ảnh họ. Một học viên nhận thấy có hai cảnh sát ở bên ngoài nhà bà theo dõi bà suốt ngày đêm.
Các học viên bị sách nhiễu bao gồm bà Hồ Hành Tiển, 82 tuổi, bà Quách Mỹ Anh, 84 tuổi, bà Hình Quế Linh, ở độ tuổi 80, bà Ngô Kỳ Trân, ở độ tuổi 60, bà Vương Thúy Quyên, ở độ tuổi 60, và bà Hác Thuỵ Hoa, ở độ tuổi 50.
Sự tàn bạo và đe dọa vô liêm sỉ của cảnh sát
Người phụ nữ Sơn Đông bị tạm giam 38 ngày vì đức tin vào Pháp Luân Công
Ngày 31 tháng 1 năm 2024, ngay khi bà Hắc Yến, một cư dân ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, ra khỏi nhà thì bị ba cảnh sát mặc thường phục bắt và đẩy vào một xe ô tô. Sau khi đến Đồn Công an đường Hưng Long, họ trói bà vào một ghế sắt và tịch thu chìa khoá nhà của bà. Đến 8 giờ tối, cảnh sát Vương Kinh Quốc xuất hiện. Dường như ông ta là đội trưởng, bởi vì có một cảnh sát hỏi ông ta rằng nên ghi “tội danh” gì lên hồ sơ của bà Hắc. Ông ta nói: “Tội gì cũng được”.
Sau đó, bà Hắc bị đưa đến Trại tạm giam Phổ Đông. Trong thời gian khám sức khoẻ bắt buộc, cảnh sát lôi bà đi hết phòng này đến phòng khác. Khi lấy mẫu máu của bà, cảnh sát đè bà xuống đất, một người ngồi lên bụng bà và người khác giẫm lên mặt bà, khiến cho mặt bà bị sưng nghiêm trọng.
Phòng khám của trại tạm giam đóng cửa trước khi việc kiểm tra sức khỏe của bà Hắc được hoàn thành. Cảnh sát Vương kéo bà ra ngoài, và đá bà vài lần. Sau đó, ông ta gọi cho một người giám sát, nhưng người này yêu cầu đưa bà trở lại đồn cảnh sát.
Hai giờ sau khi bà Hắc bị bắt, bốn cảnh sát từ đồn cảnh sát, trong đó chỉ một người mặc đồng phục, đột nhập vào nhà cha của bà vào buổi trưa. Họ đưa ra một mảnh giấy và nói đó là lệnh khám xét. Cha của bà Hắc để ý thấy đó là một mảnh giấy trắng với một con dấu trên đó. Cảnh sát tịch thu sách Pháp Luân Công mà bà đã cất giữ trong nhà của cha mình.
Ngày 1 tháng 2 năm 2024, năm cảnh sát đưa bà Hắc đến trại tạm giam và lột hết quần áo ngoài của bà để khám sức khoẻ. Ngày 8 tháng 3 năm 2024, bà được thả sau 38 ngày tạm giam.
“Tao đã bị đưa vào danh sách thủ phạm từ lâu, nhưng tao không sợ bị báo ứng”
Bà Mã Dược Phân ở thành phố Kim Xương, tỉnh Cam Túc bị Kỳ Thế Thành và các cảnh sát khác thuộc Đồn Công an đường Quáng Sơn sách nhiễu. Bà Mã nói với họ rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, và một ngày nào đó họ sẽ phải gánh hậu quả vì tham gia vào việc bức hại. Kỳ nói với bà: “Tao là Kỳ Thế Thành. Tao đã bị đưa vào danh sách thủ phạm từ lâu, nhưng tao không sợ bị báo ứng.” Bà Mã bị bắt giam 7 ngày.
“Ông đã tố cáo cảnh sát chúng tôi, nên chúng tôi phải trả thù”
Ngày 26 tháng 4 năm 2024, ông Lưu Lâm Phong, một cư dân thành phố Uy Hải, tỉnh Sơn Đông bị bốn cảnh sát bắt giữ trong toà nhà chung cư của mình. Một cảnh sát họ Tất nói với ông: “Ông đã tố cáo cảnh sát chúng tôi, nên chúng tôi phải trả thù.” Tất đề cập đến việc ông Lưu khởi kiện họ vì đã lục soát nhà ông vào 10 ngày trước, tức là ngày 16 tháng 4.
Ông Lưu bị đưa đến đồn công an để thẩm vấn. Ông yêu cầu được xem thẻ cảnh sát của Tất. Tất giơ thẻ ra trước mặt ông, rồi nhanh chóng cất đi mà không để ông đọc thông tin trên đó. Cảnh sát còn lừa anh trai của ông Lưu ký vào biên bản tại ngoại của ông ấy.
“Bọn tao sẽ bỏ đói mày, cho mày rục xương”
Ngày 25 tháng 4 năm 2024, một nhóm người gõ cửa nhà ông Giải Kỳ Mẫn ở thành phố Lang Phường, tỉnh Hà Bắc. Ban đầu, họ nói là người của ban quản lý tòa nhà, và giục ông Giải dọn dẹp khu vực bên ngoài căn hộ của mình. Vì ông Giải từ chối mở cửa, họ thừa nhận họ là cảnh sát. Khi ông Giải vẫn từ chối cho vào, họ cắt điện căn hộ của ông. Họ đe doạ ông: “Mày cứ ở trong đó đi. Nếu mày dám ra ngoài thì sẽ bị bắt. Bọn tao sẽ bỏ đói mày, cho mày rục xương.”
Sống trong tình cảnh hiểm nghèo
Bà Từ Ni Hà, một người về hưu 67 tuổi ở Thượng Hải đã bị chính quyền khấu trừ hơn một nửa lương hưu hàng tháng kể từ tháng 12 năm 2022 vì tu luyện Pháp Luân Công. Khoản lương hưu 1.510 Nhân dân tệ bà được nhận hàng tháng không đủ để chi trả cho việc thuê nhà.
Sự bức hại tài chính của bà Từ xảy ra sau một tháng bà mãn hạn án tù lần hai (vào tháng 11 năm 2022) vì tu luyện Pháp Luân Công. Phòng an sinh xã hội địa phương khấu trừ lương hưu của bà sau khi bà từ chối trả lại hơn 190.000 Nhân dân tệ tiền lương hưu mà bà nhận được trong suốt thời gian thụ án tù (tổng 7 năm).
Lo lắng bị liên lụy, chồng bà Từ đã ly hôn bà từ 10 năm trước và con gái cũng từ bà. Bà bị đuổi ra khỏi căn nhà của gia đình và chuyển đến nhà cha mẹ. Hai vợ chồng cao niên lần lượt qua đời vào tháng 1 năm 2023 và tháng 2 năm 2024. Với việc bị khấu trừ lương hưu, hiện bà Từ lâm vào tình cảnh cơ cực.
Một cư dân ở thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên đã bị sa thải khỏi vị trí giảng dạy từ 20 năm trước vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Sở Giáo dục không chỉ nhiều lần từ chối yêu cầu khôi phục công việc của bà mà còn trình báo bà với cảnh sát khi bà yêu cầu được làm việc trở lại lần nữa vào năm 2022. Cảnh sát đã lắp đặt camera giám sát và bố trí người trong xe ô tô hoặc đi bộ giám sát bà, việc này vẫn tiếp diễn cho đến hôm nay.
Trước đây, bà Triệu từng hai lần lĩnh án lao động cưỡng bức với tổng thời gian 5 năm (2000~2002 và 2004~2007) vì tu luyện Pháp Luân Công. Lãnh đạo của bà, Trường Trung học Số 3 Quảng Hán, đã chấm dứt hợp đồng với bà ngày sau vụ bắt giữ của bà vào tháng 6 năm 2004. Sau khi bà kết thúc án lao động cưỡng bức vào năm 2007, bà bắt đầu cuộc chiến khó khăn để khôi phục công việc của mình.
Sở Giáo dục Thành phố Quảng Hán đã nhiều lần từ chối yêu cầu của bà. Khi bà tiếp cận họ lần nữa vào năm 2022, họ đã trình báo bà với cảnh sát và chuyển thư của bà tới giám đốc sở giáo dục. Bà đã tới bưu điện ở thị trấn lân cận để gửi thư cho các cơ quan chính quyền liên quan, nhưng bưu điện này lại gửi thư của bà tới cảnh sát.
Ngày 20 tháng 6 năm 2022, Đồn Công an Thị trấn Hướng Dương đã triệu tập bà và cáo buộc bà vi phạm luật xử phạt hành chính công an. Bà từ chối ký biên bản thẩm vấn và cảnh sát đã ghi điều đó vào biên bản. Mặc dù họ đã trả tự do cho bà vào ngày hôm đó, nhưng họ đã cử người giám sát bà mỗi ngày khi bà đi làm nhiều công việc tạm thời khác nhau để kiếm sống. Khi cảnh sát thấy bà đi qua một ngã tư hàng ngày, họ đã lắp đặt camera giám sát tại ngã tư đó.
Những người được giao giám sát bà Triệu có mặt ở khắp nơi. Một số ngồi ở quán trà trước nhà bà. Ngay khi bà ra ngoài, họ sẽ báo cáo cho cảnh sát. Khi bà đến quầy bán hàng của mình (bà đang mở một gian hàng nhỏ), nhân viên cộng đồng ở đó tới kiểm tra trong xe đẩy của bà có gì và bà đã nói chuyện với ai.
Một ngày nọ, khi bà đang làm việc tạm thời trong một siêu thị, thì người giám sát đã theo dõi bà và nói bóng gió với đồng nghiệp của bà rằng bà là kẻ khủng bố vì bà luyện Pháp Luân Công. Bà cảm thấy vô cùng áp lực và đã sớm nghỉ việc tại siêu thị.
Tháng 3 năm 2024, bà Triệu chở người mẹ ngoài 80 tuổi tới hội chợ địa phương và tình cờ gặp một người quen. Họ đã lâu ngày không gặp nhau nên nói chuyện một lúc lâu. Người giám sát hôm đó đã nghe lén cuộc trò truyện của hai người.
Bà Triệu đã viết thư cho cảnh sát và các quan chức thị trấn để kêu gọi họ ngừng giám sát bà giống như tội phạm hình sự bởi bà không vi phạm pháp luật khi tu luyện Pháp Luân Công hoặc vì cố gắng khôi phục công việc của mình.
Chính quyền đáp trả bằng cách đột kích nhà bà vào ngày 3 tháng 4 năm 2024. Khi bà đang chuẩn bị dạy kèm vài học sinh tại nhà riêng vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày, thì cảnh sát kéo đến. Họ đã xé những câu đối trên cửa nhà bà và tịch thu sách Pháp Luân Công của bà.
Cảnh sát trưởng đe dọa giam giữ bà Triệu hai năm. Ông ta nói với bà rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc tốt như thế, vậy mà bà lại chống đối Đảng.”
Ngày hôm sau, cảnh sát và một đặc vụ của Ủy ban Chính trị Pháp luật đã kéo đến, đe dọa giam giữ bà vì bà viết thư cho các cơ quan chính phủ để yêu cầu khôi phục công việc của mình.
Bà Triệu vẫn bị giám sát. Bà phải ngừng việc dạy kèm vì không có cha mẹ nào dám gửi con của họ tới nhà bà để học kèm sau giờ tan trường.
Cảnh sát Thượng Hải ra lệnh cho chủ nhà đuổi học viên Pháp Luân Công
Khoảng 3 giờ chiều ngày 7 tháng 2 năm 2024, khi trở về căn hộ thuê của mình ở khu dân cư Hải Đường Thôn, khu mới Phổ Đông, Thượng Hải, cô Trần Úy thấy có dấu niêm phong của cảnh sát trên cửa.
Dấu niêm phong của cảnh sát trên cửa
Cả hai tờ giấy niêm phong đều ghi “Phòng Công an Phổ Đông của Sở Công an Thành phố Thượng Hải”. Ngoài ra, còn có lời nhắn “Liên hệ với cảnh sát Ngô của Đồn Công an Thái Lộ càng sớm càng tốt”. Đồn Công an Thái Lộ thuộc quyền kiểm soát của Phòng Công an Phổ Đông.
Lời nhắn của cảnh sát Ngô trên cửa
Cô Trần gọi cho chủ nhà là ông Nhân (bí danh), và được biết cảnh sát Ngô Khản Thần đã đến tìm cô vào khoảng 10 giờ sáng cùng ngày. Cô không ở nhà, nên cảnh sát Ngô gọi cho ông Nhân ngay tại chỗ để yêu cầu ông đuổi cô Trần vì cô là học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát Ngô gọi cô Trần là người của tà giáo, một cái mác mà ĐCSTQ gán cho Pháp Luân Công kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, mặc dù Trung Quốc không có luật nào định tội Pháp Luân Công.
Cảnh sát Ngô cũng hỏi chủ nhà có chìa khóa dự phòng để mở căn hộ cho anh ta vào trong không. Chủ nhà trả lời không có chìa khóa dự phòng ở đó. Sau đó, cảnh sát Ngô ra lệnh cho chủ nhà gọi cho anh ta ngay khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà với cô Trần. Cảnh sát Ngô nói anh ta sẽ đích thân đến kiểm tra căn hộ cho thuê sau khi cô Trần bị đuổi ra khỏi đây.
Cảnh sát Ngô cảnh báo chủ nhà rằng sau này phải kiểm tra lý lịch của tất cả những người thuê nhà để đảm bảo họ không phải là học viên Pháp Luân Công.
Không lâu trước khi cảnh sát Ngô tới, Văn phòng Khu dân cư địa phương Hải Đường Thôn cũng đã gọi cho chủ nhà để thúc giục ông đuổi cô Trần đi. Không rõ tại thời điểm viết bài này, chủ nhà đã chính thức chấm dứt hợp đồng thuê nhà với cô Trần chưa.
Một phụ nữ 66 tuổi ở quận Hợp Xuyên, Trùng Khánh mãn hạn tù thứ hai vào ngày 3 tháng 1 năm 2024, nhưng bị từ chối trợ cấp cho người thu nhập thấp và bị quấy rối liên tục.
Bà Cao đang ở nhà vào ngày 17 tháng 6 năm 2022 thì điện và nước đột ngột bị cắt bởi các công an và các viên chức thuộc ủy ban khu phố. Những kẻ thủ ác đã cạy cửa và đột nhập vào nhà bà. Bà Cao lên án họ vì đột kích vào nhà bà không có lệnh khám xét. Công an tuyên bố họ để lệnh khám trong xe và sẽ cho bà xem sau. Nhưng họ chưa bao giờ làm.
Ngày 3 tháng 4 năm 2023, bà Cao bị kết án 1,5 năm tù. Bà nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Số 1 Trùng Khánh nhưng bị bác bỏ. Bà Cao được trả tự do vào ngày 3 tháng 1 năm 2024 và đến ở với gia đình anh trai bà. Ngay sau khi đến nhà anh trai, đã có năm cảnh sát xuất hiện. Họ quay video trái phép bà và yêu cầu bà ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Tuy nhiên, bà đã từ chối tuân theo.
Bí thư Vương thuộc Uỷ ban Khu phố thị trấn Vân Môn sau đó đã nhiều lần thông báo cho bà Cao nộp đơn cho người thu nhập thấp. Lần nào bà cũng đến nhưng bí thư Vương luôn nói bà vẫn cần giấy tờ này giấy tờ kia. Cuối cùng, khi bà có đủ các tài liệu cần thiết, bà Vương nói rằng cấp trên sẽ không chấp thuận đơn đăng ký của bà trừ khi bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Bà Cao từ chối tuân thủ và chưa bao giờ nhận được trợ cấp cho người thu nhập thấp. Bà phải làm những việc lặt vặt để kiếm sống. Ngày 1 tháng 3 năm 2024, bà bắt đầu làm trợ lý chăm sóc cá nhân cho một giáo viên đã nghỉ hưu. Bí thư Vương đã theo dõi bà và hai lần cử người đến quấy rối bà tại nhà của người chủ khi bà đi làm. Bà Cao không còn cách nào khác là phải nghỉ việc. Sau đó, bà tìm được một công việc trợ lý chăm sóc điều dưỡng khác cho một gia đình ở quận Thành Hoa, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, cách đó hơn 200 dặm.
Hai tuần sau, vào ngày 22 tháng 3 năm 2024, hai công an mặc đồng phục đột nhập vào nhà người chủ mới của bà Cao để quay video và thẩm vấn bà. Họ không xuất trình bất kỳ giấy tờ tùy thân nào hoặc tiết lộ tên của mình. Tiếp theo họ đưa bà đến Đồn Công an Vạn Niên Tràng ở thành phố Thành Đô. Bà Cao lên án công an vì đã bắt giữ bà, một công dân tuân thủ luật pháp. Công an Thành Đô cho biết đồng nghiệp của họ ở Trùng Khánh đã thông báo cho họ về công việc mới của bà ở Thành Đô và yêu cầu họ bắt giữ bà. Vài giờ sau đó, bà đã được thả ra.
Các học viên cao tuổi trở thành mục tiêu
Bà Lâm Tương Hoa, một cư dân 78 tuổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc bị quản thúc tại gia sau khi trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận bà do sức khỏe yếu.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 1 tháng 4 năm 2024, khi bà Lâm đang ở nhà thì ủy ban khu phố địa phương đã dẫn theo khoảng bảy cảnh sát tới bắt giữ bà. Họ nói rằng bà bị quản lý khu vực trình báo vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công trong khu chung cư của mình. Họ đưa ra lệnh khám và tịch thu máy tính xách tay, máy nghe nhạc, các sách Pháp Luân Công và tài liệu Pháp Luân Công của bà.
Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, ngoài việc sử dụng hệ thống thực thi pháp luật và tư pháp để bắt giữ và kết án học viên Pháp Luân Công, chính quyền cộng sản còn huy động ủy ban khu phố và quản lý khu vực để hỗ trợ cho cuộc bức hại. [Lưu ý: Hệ thống quản lý xã hội theo kiểu mạng lưới của Trung Quốc bao gồm việc chia mỗi quận (huyện) thành các khu vực (hoặc lưới) nhỏ hơn và giao nhiệm vụ cho các quản lý khu vực giám sát người dân và báo cáo các hoạt động đáng ngờ cho chính quyền địa phương một cách thường xuyên.]
Cảnh sát đưa bà Lâm tới Đồn Công an Hán Thúy Kiều để thẩm vấn. Họ còn cưỡng chế chụp hình và lấy mẫu máu của bà. Tiếp đó, họ đưa bà tới bệnh viện phía sau Sở Cảnh sát Quận Kiều Khẩu để khám sức khỏe. Bác sỹ ở đó đã lấy mẫu máu và đo huyết áp cho bà. Sau khi tới bệnh viện, họ đưa bà Lâm tới trại tạm giam Số 1 Thành phố Vũ Hán, tại đây bà trải qua một đợt khám sức khỏe nữa. trại tạm giam từ chối tiếp nhận bà sau khi phát hiện bà bị huyết áp cao. Cảnh sát cho bà về để quản thúc tại gia vào lúc 7 giờ tối cùng ngày. Bà từ chối ký biên bản.
Vụ bức hại lần này của bà Lâm xảy ra sau vụ bắt giữ khác vào ngày 19 tháng 1 năm 2024. Hơn 10 giờ sáng cùng ngày, bà đã tặng cho người hàng xóm một đĩa DVD có thông tin Pháp Luân Công, nhưng lại bị người hàng xóm trình báo. Cảnh sát ập vào nhà bà trong chưa đầy một giờ đồng hồ và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng nhiều tài sản giá trị khác. Họ không cung cấp cho bà danh sách tài sản tịch thu theo yêu cầu của pháp luật.
Sau đó, bà Lâm bị đưa tới trại tạm giam Hán Thủy Hồ, tại đây bà bị thẩm vấn, chụp hình và lấy mẫu máu. Bà được trả tự do vào khoảng 10 giờ tối cùng ngày.
Cụ bà 87 tuổi đối mặt với án tù chỉ bởi phát tài liệu có thông tin về Pháp Luân Công
Vào ngày 25 tháng 3 năm 2024, hơn 10 người từ Tòa án Quận Đại Hưng ở Bắc Kinh đã đến nhà bà Mã Tú Anh, 87 tuổi, để đe dọa kết án bà một năm chỉ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.
Tình tiết mới nhất bắt nguồn từ việc bà bị bắt vào tháng 8 năm 2021 chỉ vì phát tài liệu có thông tin về Pháp Luân Công tại chợ Đại Hưng Đoàn Hà. Do tuổi cao nên an ninh chợ đã thả bà ra.
Sau đó, công an và viên chức ủy ban khu dân cư thường xuyên đến sách nhiễu bà, yêu cầu chụp ảnh bà hoặc yêu cầu bà ký một số văn bản. Công an đã cưỡng bức lấy mẫu máu của bà trong một lần đến nhà, đe dọa sẽ lấy đi bức chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công nếu bà không tuân thủ. Sau khi công an rời đi, bà Mã nhận thấy cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công, đã bị mất. Bà chạy theo công an và đã lấy lại được.
Bà cũng bị công an và viên chức cộng đồng sách nhiễu từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021, vài tháng trước khi bị bắt.
Báo cáo liên quan:
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/12/476498.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/5/24/218257.html
Đăng ngày 05-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.