Bài viết của phóng viên báoMinh Huệ tại Trùng Khánh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-04-2024] Một phụ nữ 66 tuổi ở quận Hợp Xuyên, Trùng Khánh mãn hạn tù thứ hai vào ngày 3 tháng 1 năm 2024, nhưng bị từ chối trợ cấp cho người thu nhập thấp và bị quấy rối liên tục.

Khó khăn đến với bà Cao Tiệp chỉ đơn giản là vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp kể từ tháng 7 năm 1999. Bà tin rằng Pháp Luân Công đã chữa khỏi vô số bệnh tật cho bà, bao gồm cả viêm gan B, bệnh sa dạ dày (đau dạ dày), giảm tiểu cầu (số lượng tiểu cầu trong máu thấp), mất ngủ, viêm ruột mãn tính, viêm mũi, gai xương và bệnh trĩ, nhưng chế độ cộng sản đã liên tục bắt giữ và giam giữ bà kéo dài.

Bà Cao bị bắt khoảng 10 lần trong nhiều năm. Bà bị cưỡng bức lao động ba lần (vào các năm 2001, 2011 và 2012) và hai lần bị bỏ tù tổng cộng sáu năm rưỡi (tháng 6 năm 2003 – tháng 6 năm 2008 và tháng 6 năm 2022 – tháng 1 năm 2024). Cấp trên của bà, Trường tiểu học Song Nhãn (nằm ở thị trấn Vân Môn, quận Hợp Xuyên), đã cho bà nghỉ việc vào tháng 6 năm 2003. Chồng bà sợ bị liên lụy nên đã ly dị bà. Con gái của họ phải vật lộn để học hết đại học. Cha mẹ bà Cao bị chính quyền sách nhiễu và lần lượt qua đời trong đau khổ.

Phần 1 của báo cáo trình bày chi tiết về bản án tù thứ hai của bà Cao và cuộc đấu tranh của bà để giữ được một công việc tạm thời khi công an liên tục quấy rối những người chủ mới của bà. Phần 2 trình bày chi tiết về cuộc đàn áp trước đây của bà, bao gồm ba lần lao động cưỡng bức, một lần vào tù trước đây và hai lần bị giam giữ tại trại tẩy não.

Phần 1. Lần bức hại mới nhất (2022 – Hiện tại)

Bà Cao đang ở nhà vào ngày 17 tháng 6 năm 2022 thì điện và nước đột ngột bị cắt bởi các công an Đoạn Bằng, Lý Dương, và Dương Thành Lợi từ Phòng Công an Quận Hợp Xuyên, cũng như người từ Đồn Công an Điếu Ngư Thành và Ủy ban khu phố Điếu Ngư Thành.

Tiếp theo, những kẻ thủ ác đã cạy cửa và đột nhập vào nhà bà. Bà Cao lên án họ vì đột kích vào nhà bà không có lệnh khám xét. Công an tuyên bố họ để lệnh khám trong xe và sẽ cho bà xem sau. Nhưng họ chưa bao giờ làm. Họ đã tịch thu hàng chục cuốn sách về Pháp Luân Công, một máy tính xách tay, một máy in, một máy ép nhựa, một máy cắt giấy, bốn chiếc điện thoại di động và những đồ vật có giá trị khác từ nhà bà Cao.

Họ đưa bà Cao đi khám sức khỏe trước khi đưa đến Phòng Công an Quận Hợp Xuyên. Công an Dương và Lý đã thẩm vấn bà trước khi chở bà đến một trại tẩy não địa phương. Bà bị giam ở đó cho đến ngày 22 tháng 7 năm 2022 thì chuyển đến Trại tạm giam Quận Hợp Xuyên.

Tòa án Quận Giang Bắc đã xét xử bà Cao vào ngày 3 tháng 4 năm 2023 và kết án bà một năm rưỡi. Bà nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Số 1 Trùng Khánh nhưng bị bác bỏ.

Bà Cao được trả tự do vào ngày 3 tháng 1 năm 2024 và đến ở với gia đình anh trai bà. Ngay sau khi đến nhà anh trai, đã có năm người xuất hiện, bao gồm Vương Đức Hùng (bí thư Ủy ban khu phố thị trấn Vân Môn địa phương), phó đồn công an Dương và sỹ quan Lưu Lộc Kiến của Đồn Công an Điếu Ngư Thành. Họ quay video trái phép bà và yêu cầu bà ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Tuy nhiên, bà đã từ chối tuân theo.

Bí thư Vương sau đó đã nhiều lần thông báo cho bà Cao nộp đơn cho người thu nhập thấp. Lần nào bà cũng đến nhưng bí thư Vương luôn nói bà vẫn cần giấy tờ này giấy tờ kia. Cuối cùng, khi bà có đủ các tài liệu cần thiết, bà Vương nói rằng cấp trên sẽ không chấp thuận đơn đăng ký của bà trừ khi bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Bà Cao từ chối tuân thủ và chưa bao giờ nhận được trợ cấp cho người thu nhập thấp. Bà phải làm những việc lặt vặt để kiếm sống. Ngày 1 tháng 3 năm 2024, bà bắt đầu làm trợ lý chăm sóc cá nhân cho một giáo viên đã nghỉ hưu ở quận Hợp Xuyên. Bí thư Vương đã theo dõi bà và hai lần cử người đến quấy rối bà tại nhà của người chủ khi bà đi làm. Bà Cao không còn cách nào khác là phải nghỉ việc. Sau đó, bà tìm được một công việc trợ lý chăm sóc điều dưỡng khác cho một gia đình ở quận Thành Hoa, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, cách đó hơn 200 dặm.

Hai tuần sau, vào ngày 22 tháng 3 năm 2024, hai công an mặc đồng phục đột nhập vào nhà người chủ mới của bà Cao để quay video và thẩm vấn bà. Họ không xuất trình bất kỳ giấy tờ tùy thân nào hoặc tiết lộ tên của mình. Tiếp theo họ đưa bà đến Đồn Công an Vạn Niên Tràng ở thành phố Thành Đô.

Bà Cao lên án công an vì đã bắt giữ bà, một công dân tuân thủ luật pháp. Công an Thành Đô cho biết đồng nghiệp của họ ở quận Hợp Xuyên, Trùng Khánh đã thông báo cho họ về công việc mới của bà ở Thành Đô và yêu cầu họ bắt giữ bà.

Bà giải thích không có điều luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công và môn tu luyện chỉ đơn giản là dạy các học viên sống theo các nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”. Bà kêu gọi công an Thành Đô ngừng tham gia vào cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Họ thả bà vài giờ sau đó.

Bà Cao trở về nhà ở Hợp Xuyên vào ngày 31 tháng 3 năm 2024.

Phần 2: Cuộc bức hại trong quá khứ (2000 – 2014)

Bà Cao đã đệ đơn tố cáo hình sự vào năm 2015 đối với Giang Trạch Dân, một cựu độc tài của Trung Quốc, vì đã ra lệnh đàn áp khiến bà bị bắt và tra tấn dã man nhiều lần. Dưới đây là những sự thật thu thập được từ khiếu nại của bà ấy.

Giam giữ ở trại lao động đầu tiên vào năm 2000

Bà Cao bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Trùng Khánh vào ngày 10 tháng 4 năm 2000 để thụ án không rõ thời hạn. Bà phải chịu nhiều hình thức ngược đãi khác nhau, bao gồm đánh đập, còng tay và buộc phải chạy nhiều vòng, đứng hoặc ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong nhiều giờ.

Có lần bà Cao xóa khỏi bảng một tuyên truyền nói xấu Pháp Luân Công và Nhà sáng lập môn này. Một tù nhân đã đánh vào đầu bà bằng một cái xẻng kim loại. Kết quả là hộp sọ của bà bị lõm xuống gần một cm. Cho đến nay, hộp sọ của bà vẫn chưa trở lại bình thường.

Một lần khác, bà Cao từ chối mặc đồng phục của tù nhân và lính canh đã xúi giục các tù nhân lột đồ lót của bà. Tình cờ lúc đó cấp trên đã cử một đoàn kiểm tra đến. Các lính canh sau đó đã giấu bà trên một căn gác mái.

Bà Cao cũng có lần bị trói tay sau lưng khi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công.

Trại lao động sau đó đã kéo dài thời hạn giam bà Cao thêm tám tháng. Sau khi được trả tự do vào ngày 21 tháng 10 năm 2001, hội đồng giáo dục địa phương đã ra lệnh cho cấp trên của bà không cho phép bà quay lại giảng dạy. Trường tiểu học Song Nhãn cuối cùng đã cho bà nghỉ việc vào tháng 6 năm 2003 khi bà tiếp tục bị bắt vì đức tin của mình.

Chồng bà Cao không thể chịu nổi nên đã ly dị bà. Con gái họ phải vật lộn để học hết đại học. Công an địa phương thường xuyên sách nhiễu mẹ bà Cao. Người phụ nữ lớn tuổi sống trong sợ hãi và chết trong đau khổ.

Tra tấn dã man trong thời hạn năm năm tù (tháng 6 năm 2003 – tháng 6 năm 2008)

Bà Cao và hai học viên khác đã bị bắt tại một địa điểm thuê nhà lúc hơn 10 giờ tối ngày 20 tháng 6 năm 2003. Công an đập vỡ cửa và đột nhập vào nhà. Họ tịch thu hơn 20.000 Nhân dân tệ các tài sản có giá trị, trong đó có hơn 12.000 Nhân dân tệ tiền mặt, một máy tính và một máy in. Ba học viên bị đưa đến trại tạm giam Đại Độ Khẩu vào ngày hôm sau.

Bà Cao từ chối trả lời điểm danh vào ngày 27 tháng 6 năm 2003 vì bà không vi phạm bất kỳ điều luật nào. Giám đốc Bồ ở trại tạm giam đã tát vào mặt và bắt bà đứng ngoài trời mưa. Lính canh Lưu Duy Hữu sau đó đã bảo hai tù nhân nam đè bà lên bồn hoa và dùng ván gỗ đánh bà hàng chục lần. Giám đốc Bồ không dừng lại đến khi kiệt sức. Các bạn tù của bà Cao đã bị sốc khi thấy hông và chân của bà đầy vết bầm tím.

Tiếp theo, lính canh cởi giày của bà Cao và treo bà lên một khung kim loại với hai cánh tay của bà bị duỗi thẳng về hướng ngược nhau và chân bà hầu như không chạm đất. Còng tay trở nên chặt hơn khi bà ấn chân xuống đất. Kết quả là bà phải nhón chân suốt thời gian đó. Để khiến bà đau khổ hơn nữa, lính canh luôn luôn bật bóng đèn trước mặt bà.

Bà Cao bị treo lên như thế trong năm ngày liền, trong thời gian đó bà không có nước uống hay thức ăn để ăn. Trong thời gian đó bà có kinh nhưng lính canh không cho bà thay băng vệ sinh. Quần của bà dính đầy máu kinh nguyệt, nước tiểu và phân. Lúc đó đang là mùa hè và mùi hôi không thể chịu nổi.

Lính canh cũng không cho bà Cao ngủ trong năm ngày đó. Ngay khi nhắm mắt lại, họ đã tát vào mặt bà bằng sách hoặc tạp chí và đánh vào đầu bà bằng chai nước. Lính canh Vương Đông Lăng cũng dùng túi nhựa để làm dây thừng. Anh ta buộc một đầu của nó vào còng tay bà Cao, sau đó kéo mạnh đầu kia. Kết quả là bà đau đến mức gần như ngất đi. Lính canh Vương hét vào mặt bà: “Chúng tôi là những kẻ tàn bạo và chúng tôi chỉ thích ngược đãi bà theo cách này!”

Bà Cao trở nên mất phương hướng sau ba ngày. Đội trưởng Hoa Dũng sau đó ép bà ký vào một bản tuyên bố đã chuẩn bị trước để từ bỏ Pháp Luân Công. Sau đó, anh ta treo bà lên thêm hai ngày nữa trước khi đưa bà về phòng giam. Kết quả là bà sớm bất tỉnh. Sau khi tỉnh lại, bà nhận ra mình không còn cử động được bàn tay, cánh tay hay vai nữa. Bà đang đau đớn tột cùng. trại tạm giam lúc đó cho hai tù nhân chăm sóc các hoạt động hàng ngày của bà.

Một lính canh đã cho phép bà Cao luyện các bài công của Pháp Luân Công và bà bắt đầu cảm thấy khá hơn một chút sau khoảng ba tuần. Nhưng trại tạm giam đã tiến hành một đợt khám xét khác ở tất cả các phòng giam vào ngày 28 tháng 7 năm 2003 và tìm thấy các tài liệu Pháp Luân Công trong phòng giam của bà Cao. Lính canh Lưu dùng một tấm ván gỗ đánh vào hông bà hàng chục lần. Bà vẫn đang hồi phục sau những vết thương trước đó. Việc đánh đòn còn gây ra nhiều vết bầm tím hơn.

Huyết áp của bà Cao tăng vọt và nhịp tim của bà bất thường. Chân và bàn chân của bà bị sưng tấy và bà có kinh nguyệt nhiều bất thường kèm theo cục máu đông.

Bà Cao sau đó bị kết án năm năm và bị chuyển đến nhà tù (không rõ tên chính xác). Các cai ngục phân công bốn tù nhân thay phiên nhau theo dõi bà suốt ngày đêm. Họ buộc bà phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong thời gian dài. Khi bà không bị tra tấn, họ ra lệnh cho bà dỡ và chất những túi than hoặc hạt sứ nặng. Mỗi chiếc túi nặng khoảng 68kg, bà phải vác nó lên dốc rồi leo lên phòng chứa đồ ở tầng hai (không có thang máy). Những chiếc túi thường rơi khỏi vai bà. Sau đó, bà đã chia mỗi túi thành nhiều túi nhẹ hơn để giảm tải, và các lính canh đã buộc tội bà là lười biếng.

Vai và cánh tay của bà không thể hồi phục sau năm ngày tra tấn treo lên, và bà vẫn bị huyết áp cao, cũng như bị các vấn đề về tim. Tuy nhiên, lính canh vẫn buộc bà phải hoàn thành chỉ tiêu công việc như những người khác. Bà thường xuyên phải thức để hoàn thành công việc.

Sức khỏe của bà Cao nhanh chóng suy giảm. Bà bị xuất huyết âm đạo vào tháng 4 năm 2008 và được đưa đến bệnh viện nhà tù. Khi biết bà là một học viên Pháp Luân Công, bác sỹ Triệu đã cố tình lắc kìm phẫu thuật trong tử cung của bà, gây ra cơn đau tột cùng. Bà phải nhập viện trong hai tuần, trong thời gian đó bà không dám cử động nếu không sẽ bị chảy máu âm đạo. Ngay cả trước khi bà bình phục, bà được đưa trở lại phòng giam. Bà thậm chí không thể ngồi thẳng nhưng lính canh Đề Tấn đã ra lệnh cho bà tiếp tục lao động khổ sai.

Bà Cao phải chống hai tay lên mặt bàn làm việc để tự chống đỡ. Lính canh Đề bắt bà ngồi trên một chiếc ghế nhỏ hoặc đứng vào ban đêm để trừng phạt việc bà không hoàn thành chỉ tiêu, dù bà phải vật lộn để ngồi hoặc đứng vững. Thêm nữa, lính canh Đề cũng lấy cớ bà Cao không hoàn thành chỉ tiêu để lưu giữ bản án của bà. Kết quả là, bà phải làm lại tất cả những việc còn thiếu sau khi khá hơn.

Đưa thẳng đến trại tẩy não sau khi được thả ra tù

Thời hạn năm năm tù của bà Cao kết thúc vào ngày 20 tháng 6 năm 2008. Điêu Minh Vân, trưởng Phòng 610 địa phương, và cấp dưới của ông ta là Cao Quần, cũng như viên chức Uông Học Quân, đã bắt bà ra khỏi nhà tù và đưa thẳng bà đến một trại tẩy não .

Bà Cao đã tuyệt thực để phản đối và cuối cùng được phép gọi điện cho gia đình vào ngày thứ tư. Khi gia đình yêu cầu được gặp bà, công an đã chuyển bà đến một trại tẩy não khác vào đêm ngày 7 tháng 8 năm 2008.

Vào ngày 24 tháng 9 năm 2008, bà Cao đột nhiên biểu hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Bà cảm thấy các mạch máu trong não và quanh tai sắp vỡ ra. Chân bà sưng tấy và bà cảm thấy bồn chồn. Trại tẩy não đã gọi cho một bác sỹ, người này phát hiện ra rằng não và tim của bà Cao bị thiếu oxy, đồng thời huyết áp của bà ở mức cao nguy hiểm.

Thay vì tìm cách chữa trị cho bà Cao ngay lập tức, trại tẩy não đã gửi bà về nhà sau khi bác sỹ khám cho bà.

Thêm hai bản án lao động cưỡng bức vào năm 2011 và 2012

Bà Cao bị kết án một năm lao động cưỡng bức vào tháng 7 năm 2011 nhưng được phép thụ án tại nhà. Một tháng trước khi thời hạn của bà kết thúc, bà bị bắt vào tháng 6 năm 2012 và bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Trùng Khánh chín ngày sau đó để thụ án thêm một năm nữa.

Huyết áp của bà đã lên tới hơn 200 trước khi được đưa vào trại lao động, nhưng bí thư Đội 4 là Nghiêm Lệ Bình ở trại lao động cưỡng bức đã bắt bà chịu nhiều hình thức ngược đãi khác nhau. Bí thư Nghiêm ra lệnh cho hai người nghiện ma túy cởi hết quần áo của bà và cắt chúng thành nhiều mảnh. Tiếp theo, họ cắt tóc bà và mặc đồng phục tù nhân cho bà. Họ đưa bà lên một phòng ở tầng ba và phân công bốn tù nhân khác làm việc theo hai ca để theo dõi bà suốt ngày đêm.

Ngoài ra, bà Cao không được phép nhìn vào bất cứ thứ gì ngoại trừ bức tường đối diện với bà và những cuốn sách mà các tù nhân bắt bà đọc. Họ buộc bà phải đứng, ngồi xổm hoặc ngồi trong nhiều giờ. Trong khi tra tấn bắt bà đứng, họ nhét một mảnh giấy vào giữa hai chân của bà và một cuốn sách giữa mỗi tay và hai chân của bà. Bà phải đứng lâu hơn nếu giấy hoặc sách bị rơi. Đôi khi họ bất ngờ đá bà hoặc giật tay bà. Sự tra tấn không thể chịu đựng được nhất là ngồi xổm. Bà buộc phải đứng bằng một chân trong 10-15 phút trước khi được phép đổi sang chân kia. Mỗi lần tra tấn ngồi xổm kéo dài 30-40 phút, sau đó là tra tấn ngồi.

Chỉ trong một tuần, vùng da ở lòng bàn chân bà Cao đã nứt nẻ và nửa năm sau vẫn không lành.

Ban đầu lính canh cho phép bà Cao ngủ 6-7 tiếng mỗi đêm nhưng chẳng bao lâu thì giảm dần thời gian ngủ của bà. Bàn chân và bắp chân của bà vẫn sưng tấy và đau đớn nặng nề. Lính canh vẫn ra lệnh cho bà viết báo cáo tư tưởng mỗi ngày. Bà không được phép ngủ khi báo cáo của bà không đáp ứng yêu cầu của họ.

Huyết áp bà tăng cao dưới sự tra tấn về thể xác và áp lực tinh thần. Trong khi khám sức khỏe cho tất cả tù nhân, bác sỹ trại lao động đã hỏi điều gì đã khiến chân bà sưng tấy và huyết áp tăng cao. Bà nói rằng đó là tra tấn và thiếu ngủ. Lính canh Chu tình cờ nghe được những gì bà nói và đe dọa không cho bà ngủ chút nào để xem liệu huyết áp của bà có thực sự tăng cao hay không. Thêm nữa, lính canh Chu còn ra lệnh cho bà viết tuyên bố tố cáo Pháp Luân Công và Vị sáng lập. Khi bà từ chối, bà bị biệt giam và tra tấn bởi những kẻ nghiện ma túy.

Lính canh Triệu Viện Viện đã đến nhà cha của bà Cao và ép ông ghi hình lại lời tuyên bố chống lại Pháp Luân Công. Sau đó bà cho bà Cao xem đoạn phim. Trong khi bà Cao vẫn kiên định với đức tin của mình thì cha bà lại hối hận về những gì ông đã làm và sức khỏe ngày càng suy giảm. Ông qua đời vào tháng 9 năm 2012.

Giam cầm tại Trại tẩy não năm 2014

Thời hạn giam tại trại lao động cưỡng bức lần thứ ba của bà kết thúc vào tháng 6 năm 2014, nhưng ngay sau đó bị bắt đến một trại tẩy não. Bà và các học viên bị giam giữ khác buộc phải xem các video nói xấu Pháp Luân Công từ khoảng 7 giờ sáng đến gần nửa đêm mỗi ngày.

Những người từ chối từ bỏ Pháp Luân Công sau một tuần sẽ bị triệu tập đến một phòng họp nhỏ để được “giáo dục” riêng bởi những học viên cũ đã từ bỏ Pháp Luân Công vì áp lực. Những học viên bị nhắm đến này không được phép trở về phòng để ngủ cho đến 1 hoặc 2 giờ sáng. Kết quả là một số học viên bị mất phương hướng hoặc mắc các bệnh lý. Thay vì chăm sóc y tế cho họ, trại tẩy não lại buộc tội họ giả bệnh và liên tục gây áp lực buộc họ phải từ bỏ Pháp Luân Công. Các học viên không được thả cho đến khi họ bị cưỡng ép viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Báo cáo liên quan bằng tiếng Hán:

八次绑架 劳教判刑 重庆女教师控告元凶江泽民

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/4/20/475390.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/24/216710.html

Đăng ngày 06-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share