Bài viết của một phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 19-02-2023] Nhiều người đã từng nghe nói đến phòng hơi ngạt trong các trại tập trung của Đức Quốc xã, nhưng có thể họ không biết rằng ở Trung Quốc hiện nay vẫn còn vô số học viên Pháp Luân Công đang bị tra tấn tinh thần và thí nghiệm trên thân thể kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Hệ quả là nhiều học viên đã trở nên tàn tật, phát điên, hoặc thậm chí là tử vong.
Việc ghi chép, lưu trữ và báo cáo về tội ác của ĐCSTQ trong việc bức hại các học viên Pháp Luân Công là rất quan trọng bởi nhiều người, đặc biệt là những người có quyền lợi mật thiết với chính quyền cộng sản, đang bị ĐCSTQ lừa dối và không thể nhận thức được bản chất tà ác của nó.
Khi đề cập đến những cuộc vận động chính trị của ĐCSTQ như Phong trào Cải cách ruộng đất, Tám phản Ngũ phản, Phản hữu, Cách mạng Văn hóa, Thảm sát Thiên An Môn, đã giết hại 80 triệu đồng bào Trung Quốc, có thể một số người nói rằng những việc đó đã là quá khứ, ĐCSTQ giờ đang trở nên tốt đẹp hơn rồi. Nhưng có thực sự là như vậy không? Bây giờ chúng ta hãy cùng xem một số ví dụ về tội ác của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công.
Hạ độc các học viên bằn thuốc: Một hình thức tra tấn vô hình
Theo thông tin do Minh Huệ Net thu thập, tính đến tháng 12 năm 2021, ít nhất 865 công dân vốn hỏe mạnh và tuân thủ pháp luật đã và đang bị giam giữ ở các bệnh viện tâm thần tại những thời điểm khác nhau trong suốt nhiều năm qua. Đây được xem là hình phạt của ĐCSTQ dành cho các học viên vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện dựa trên Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn. Những học viên này phân bố ở 29 tỉnh thành trên cả nước.
Thế nhưng sự ngược đãi tinh thần này không chỉ giới hạn ở các bệnh viện tâm thần mà nó còn diễn ra trong các nhà tù, trại lao động (hệ thống này đã bị giải thể vào năm 2013 ở Trugn Quốc) và các trại tạm giam. Những học viên vô tội vốn có sức khỏe thể chất tốt và tinh thần tỉnh táo đã bị hãm hại bằng thuốc độc, dẫn đến tổn thương nội tạng và rối loạn tâm thần. Một số học viên đã bị ép dùng thuốc trong hơn 10 năm.
Các loại thuốc mà các học viên bị ép sử dụng trái với ý nguyện của họ bao gồm: Đông Miên Linh (chlorpromazine), Đông Miên 1 (hỗn hợp chlorpromazine, promethazine, meperidine), thuốc giảm trí nhớ, thuốc lắc, ma túy, thuốc kích dục, clozapine, sulpiride, natri valproate, buprenorphine, flubutanol, và các loại thuốc không rõ nguồn gốc khác.
Sau khi bị tiêm những loại thuốc gây tổn thương hệ thần kinh này, một học viên dù khỏe mạnh đến đâu cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng như buồn ngủ, mệt mỏi, nói năng và hành động chậm chạp, tức ngực, khó thở và trí nhớ suy giảm nhanh chóng ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Các triệu chứng khác bao gồm mất khả năng tư duy bình thường, rối loạn sinh lý, hôn mê, mất trí nhớ và khủng hoảng tinh thần. Một số loại thuốc còn làm tổn thương trực tiếp đến các cơ quan nội tạng, gây đau đớn đến mức nạn nhân phải lăn lộn trên sàn, toàn thân co giật, cảm giác như tất cả các cơ quan nội tạng của họ muốn nổ tung bắn ra bên ngoài cơ thể, tim đập dồn dập, ngực và bụng sưng phù, hoặc suy nội tạng. Đôi khi, nạn nhân còn ra sức đập đầu vào tường vì quá đau đớn.
Việc hạ độc các học viên Pháp Luân Công là thủ đoạn tàn bạo, man rợ và là hành vi “giết người không thấy máu” vì nó không để lại thương tích trên thể xác như những tra tấn thể chất khác, do đó nó trở thành một thủ đoạn thường được ĐCSTQ sử dụng để che đậy tội ác một cách tinh vi.
Hình vẽ minh họa tra tấn: Cưỡng ép tiêm thuốc độc
Đặc vụ Phòng 610 trực tiếp quan sát quá trình bức hại chết một học viên nữ
Bà Đinh Chấn Phương là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Bà từng bị giam giữ tại Trại Lao động Mã Tam Gia (nay đã giải thể) và sau đó là Nhà tù Nữ Liêu Ninh vì kiên định đức tin của mình. Ở cả hai nơi bà đều phải chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau và nhiều lần suýt mất mạng. Để ngăn cản bà vạch trần tội ác trong trại lao động và nhà tù, các nhân viên ở đó đã tiêm vào người bà một chất lạ ngay trước khi bà mãn hạn tù. Hậu quả là bà Đinh đã tử vong trước khi ra khỏi tù.
Cô Trương Phó Trân là nhân viên của Công viên Triền Hà, thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông. Cảnh sát đã bắt và giam giữ cô ở trong một trung tâm tẩy não thuộc Phòng 610 Bình Độ. Cô bị trói vào giường trong tư thế “đại bàng sải cánh” (giang rộng hai tay hay chân) trong một thời gian dài khiến cô phải đại tiểu tiện ngay tại giường. Một nhân chứng cho hay, lính canh đã lột trần cô, cạo tóc, tra tấn và sỉ nhục cô. Sau đó, họ tiêm những chất lạ vào người cô khiến cô vô cùng thống khổ. Cô quằn quại trong đau đớn cho đến khi chết… Cô Trương hưởng dương 38 tuổi. Các quan chức các cấp của Phòng 610 đã theo dõi toàn bộ quá trình này.
Ảnh cô Trương Phó Trân
Trung tâm Tẩy não Tân Tân
Trung tâm Tẩy não Tân Tân, còn được gọi là “Trung tâm Giáo dục Pháp luật Tân Tân,” nằm ở thị trấn Hoa Kiều của huyện Tân Tân, tỉnh Tứ Xuyên. Nó sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như tra tấn tinh thần, đe dọa, thao túng tâm lý, bạo lực và cưỡng ép dùng thuốc để cưỡng chế các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ. Trong trung tâm tẩy não này đã có ít nhất 7 học viên đã tử vong, 5 trong số các trường hợp tử vong là do bị cưỡng ép sử dụng thuốc hướng thần.
Ông Tạ Đức Thanh, 69 tuổi, một nhân viên hưu trí của Viện Nghiên cứu Thiết kế và Khảo sát Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên. Sáng ngày 29 tháng 4 năm 2009, ông Tạ và vợ bị bắt ở Thành Đô và đưa đến Trung tâm tẩy não Tân Tân. Chỉ trong hơn 20 ngày, ông Tạ Đức Thanh, một người vốn có sức khỏe tốt với sắc mặt hồng hào, đã bị tra tấn đến mức suýt mất mạng. Ông bị tra đến gầy trơ xương, không còn ra hình người, mất kiểm soát tiểu tiện, nuốt khó và bị đau thắt ngực nghiêm trọng (đau ngực). Sau đó ông ấy được thả ra. Trong bốn ngày sau khi về nhà, hầu hết thời gian ông đều trong trạng thái hôn mê. Trong cơn mê sảng, ông ôm ngực, quằn quại và rên rỉ trong đau đớn, như thể nội tạng của ông đang bị xé nát. Ông qua đời vào tối ngày 27 tháng 5 năm 2009. Hai tay ông và cơ thể ông cũng dần chuyển sang màu đen, một dấu hiệu của sự trúng độc.
Ông Tạ Đức Thanh (trước khi bị bắt)
Ông Tạ Đức Thanh (sau khi qua đời)
Bà Lưu Sinh Nhạc, 53 tuổi, là cư dân ở quận Tân Đô, thành phố Thành Đô. Chiều ngày 5 tháng 4 năm 2003, bà bị bắt khi đang đi dạo phố và 15 ngày sau bà bị đưa đến Trung tâm tẩy não Tân Tân. Đến ngày 23 tháng 5, bà Lưu được trả tự do sau khi gia đình bà phải nộp 1.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên khi đến đón bà về, gia đình thấy bà đi chân trần, đầu sưng phù, ngực bầm tím, bụng chướng to, miệng sùi bọt mép, khắp người đau nhức. Bà phải dùng tay ấn vào bụng suốt cả ngày (tương tự như triệu chứng của ông Tạ Đức Thanh). Bà Lưu qua đời vào sáng ngày 26 tháng 5, chỉ 3 ngày sau khi được thả.
Bà Trần Kim Hoa, nguyên phó trấn trưởng của thị trấn Hòa Thịnh, huyện Ôn Giang, đã bị bắt vào ngày 28 tháng 5 năm 2010 và bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tân Tân. Bà vốn là một phụ nữ có sức khỏe tốt khi ở nhà, nhưng vào ngày thứ hai ở trong lớp tẩy não, bà bị cưỡng chế truyền tĩnh mạch. Lính canh đã dùng vũ lực đè bà xuống để tiêm. Khi chưa truyền hết một lọ thuốc, bà Trần đã bị hụt hơi, thở khò khè do khó thở nên họ phải ngừng truyền dịch cho bà trong ngày hôm đó. Ngày hôm sau, lính canh đã cố tiêm cho bà nhưng đành bỏ cuộc trước sự kháng cự quyết liệt của bà. Tuy nhiên, tình trạng khó thở của bà trở nên tồi tệ hơn với ánh mắt đờ đẫn và bà không thể tự chăm sóc bản thân. Những triệu chứng này vẫn kéo dài đến khi bà Trần trở về nhà.
Bà Lý Quang Diễm, một cư dân của huyện Tân Tân, đã bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tân Tân vào sáng ngày 21 tháng 6 năm 2011. Trong vòng nửa giờ sau khi ăn trưa vào ngày hôm đó, tim bà đập loạn nhịp và đầu bà sưng lên như muốn nứt ra. Bà kể lại: “Tim tôi như bị lửa đốt, đau đến tê tâm liệt phế, mặt thì sưng vù, đôi môi tím tái, toàn thân yếu ớt. Đây là cảm giác tồi tệ hơn cả cái chết”. Trước đây bà lý đã từng bị bạo hành tinh thần tại Trung tâm tẩy não Tân Tân nên bà Lý biết nguyên nhân của việc này là do nhân viên ở đó đã bỏ thuốc độc gây phá hủy trung khu thần kinh vào bữa trưa của bà.
Bà Doãn Hoa Phượng ở thị trấn Hoàng Hứa, thành phố Đức Dương. Bà bị bắt khi đang nói về Pháp Luân Công tại một trường đại học ở Thành Đô vào khoảng năm 2000. Mặc dù lúc đó bà đã ngoài 40, nhưng trông bà trẻ trung như mới chỉ 20 tuổi. Phòng 610 Thành Đô đã đưa bà vào Trung tâm tẩy não Tân Tân, ở đó, bà bị cưỡng ép tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Nhân lúc lính canh không chú ý, bà Doãn đã rút phần nối giữa kim tiêm và ống nhựa để ngắt dịch truyền vào người. Những học viên bị tiêm loại thuốc không rõ nguồn gốc thường sẽ xuất hiện các triệu chứng như ù tai, mờ mắt, cứng lưỡi, yếu tay chân và phản ứng chậm chạp. Còn với bà Doãn, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn. Sau khi được thả, người thân và bạn bè của bà dần phát hiện bà nói năng chậm chạp, lưỡi cứng và không thể nhấc những vật nặng tầm vài kg. Gia đình nghi ngờ loại thuốc không rõ nguồn gốc đang dần làm tổn thương các cơ quan nội tạng của bà. Cuối cùng, vào năm 2005, bà Doãn đã qua đời do ngộ độc mãn tính và các biến chứng của những tra tấn mà bà phải chịu đựng trong nhiều năm.
Bà Bạch Quần Phương, một cư dân của quận Ôn Giang, thành phố Thành Đô. Ngày 15 tháng 9 năm 2010, bà bị bắt đến Trung tâm tẩy não Tân Tân. Một tháng sau, vào ngày 15 tháng 10, một bác sỹ họ Cung đã cưỡng chế truyền cho bà thứ thuốc không rõ nguồn gốc, dù khi đó bà hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi truyền thuốc lần thứ ba, bà Bạch ngã lăn xuống giường, không thể nói chuyện hay cử động. Sau khi bà được đưa đến Bệnh viện huyện Tân Tân kiểm tra, bác sỹ ở đó hỏi về nguồn gốc loại thuốc mà bà sử dụng, nhưng ba nhân viên trung tâm tẩy não phụ trách đưa bà đến bệnh viện, trong đó có Vương Tú Cần, không hé răng nửa lời. Tại thời điểm đó, mặt của bà Bạch đã xuất hiện đầy những vết thâm tím và tay của bà có dấu hiệu ngộ độc thuốc. Hơn nữa, bà bị liệt nửa người và tính mạng mạng lâm nguy. Bác sỹ đề nghị để bà nhập viện ngay lập tức, nhưng Vương nói không. Anh ta và hai người khác sau đó đã để bà về nhà. Bà bị liệt nửa người và không thể cử động hay nói năng được nữa.
Một nạn nhân khác là bà Chu Thiện Hội, một cư dân thôn Hương Thủy, thị trấn Quân Nhạc, thành phố Bành Châu. Bà bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tân Tân vào ngày 3 tháng 7 năm 2008. Khi bà tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi vào ngày 9 tháng 9, bà đã bị bức thực bằng nước có bỏ độc chất. Bà nói nước đó rất mặn và nhanh chóng cảm giác đau đớn lan khắp cơ thể. Cơn đau càng trở nên tồi tệ hơn và bà lăn lộn trên giường suốt cả đêm. Thấy bà sắp chết, các nhân viên đã đưa bà đến bệnh viện vào ngày hôm sau. Bác sỹ phát hiện cả hai lá phổi của bà đã hỏng và bị hoại tử túi mật. Kết quả là bà Chu không thể ăn uống bình thường cũng như không có sức để làm việc được nữa. Bà cũng bị mất trí nhớ và không thể tự chăm sóc bản thân.
Bà Đổng Ngọc Anh ở quận Nhạn Giang của thành phố Tư Dương. Ngày 16 tháng 3 năm 2007, bà bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tân Tân. Trưa hôm sau, bà thấy trong bát canh rau còn thừa lại của mình có dính ít bột màu trắng. Nửa giờ sau, bà bắt đầu cảm thấy chóng mặt, vô cùng buồn ngủ, đau bụng, cảm giác khó chịu và bồn chồn. Sau đó, vài nam lính canh lôi bà vào một chiếc ô tô và chở bà đến bệnh viện để “điều trị”. Tại đó, họ dùng vũ lực để truyền cho bà tứ chất được lấy từ nhiều túi dung dịch màu đen đã chuẩn bị sẵn. Ngay sau đó, bà xuất hiện ảo giác, nhìn thấy nhiều thứ và nghe thấy các loại âm thanh. Bà cũng bị đau đầu dữ dội và cảm thấy như thể các tế bào não của mình đã bị phá hủy trầm trọng. Bà phải dùng toàn bố sức mạnh ý chí của mình để ngăn không cho tinh thần sụp đổ. Ngoài ra, bà còn cảm thấy vô cùng khó chịu ở vùng tim và dạ dày, cùng với chứng hưng cảm, sợ hãi và lo lắng nghiêm trọng. Độc tính của chất độc này tồn tại trong một thời gian dài, thậm chí vài năm sau đó, thỉnh thoảng bà ấy vẫn luôn bị chúng hành hạ. Bà cũng bị mất trí nhớ với biểu cảm đờ đẫn thất thần. Gia đình cho biết bà như biến thành một người khác vậy.
Ông Dương Kiến Trung, chồng của bà Bạch Quần Phương, là một kỹ sư cấp cao của Nhà máy 7111. Ông đã có những đóng góp to lớn cho ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Ngày 22 tháng 8 năm 2008, ông bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tân Tân. Không lâu sau đó, ông cảm thấy chóng mặt và buồn ngủ suốt cả ngày. Ông ngủ thiếp đi ngay sau khi dùng bữa sáng và không muốn dậy ngay cả khi đến bữa trưa. Sau khi trở về nhà, ông bị mất trí nhớ và không thể nhớ bất kỳ kiến thức kỹ thuật nào mà ông có trước đây.
Bà Lý Hỷ Huệ, một cán bộ của Đài Phát thanh tỉnh Tứ Xuyên, đã bị bắt tại sân bay vào tháng 8 năm 2004, khi bà đi tiễn chị gái quay trở lại Vương quốc Anh. Bà đã bị tra tấn dã man sau khi bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tân Tân. Khi cha mẹ và đồng nghiệp của bà đến thăm bà vào năm 2005, bà Lý không nhận ra họ. Hai mắt bà đờ đẫn và nét mặt không chút biểu cảm. Gia đình và đồng nghiệp của bà nghi ngờ rằng bà có thể đã bị tiêm thuốc độc.
Bà Triệu Ngọc Thanh là một học viên Pháp Luân Công ở thôn Bát Giác, thị trấn Vĩnh Ninh, thành phố Thành Đô. Vào ngày 13 tháng 4 năm 2004, bà bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tân Tân và bị bức thực bằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc được thiết kế đặc biệt để làm tổn hại dạ dày của bà. Nhân viên Chu Cầm đã xé nhãn bên ngoài bao bì và tiêu hủy nó đi. Loại thuốc này khiến bà Triệu vô cùng đau đớn. Chu nói: “Tôi sẽ giết bà. Bà có biết, nhiều bác sỹ có thể sát nhân mà không cần dùng dao hay không nhìn thấy máu chứ?“ Nhiều lần Chu Cầm và một bác sỹ họ Trương đã tiêm cho bà Triệu những loại thuốc làm tổn thương trung khu thần kinh của bà. Sau mỗi lần tiêm, bà Triệu đề bị chóng mặt và ngủ thiếp đi. Sau khi tỉnh dậy, bà không thể đứng vững và toàn thân không chút sức lực.
Bà Lý Văn Phượng sinh sống ở quận Thành Hoa, thành phố Thành Đô. Bà từng bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Tân Tân vào ngày 4 tháng 5 năm 2011. Trong thời gian bị giam giữ kéo dài hơn 3 tháng, bà xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thuốc: cảm thấy chóng mặt, cơ thể suy nhược, mắt sưng húp, đại tiện thì phân lúc màu đỏ lúc màu xanh.
Là một nhân viên trẻ của Nhà máy bông Tứ Xuyên, cô Đàm Thiệu Lan đã bị đưa đến Trung tâm tẩy não Tân Tân vào tháng 9 năm 2003. Ở đây, cô bị tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Khi được trả tự do vào ngày 25 tháng 1 năm 2005, cô nói năng không mạch lạc, mắt đờ đẫn và khuôn mặt không cảm xúc. Không chỉ vậy, cô còn không thể nhận ra ai và đầu tóc thì bù xù. Một người quen của cô nói: “Làm sao họ có thể tra tấn một người giỏi ca hát và nhảy múa thành ra bộ dạng như thế này? Chính quyền đã làm gì với cô ấy?!”
Tra tấn tinh thần và làm thí nghiệm thân người trong nhà tù, trại lao động và trại tạm giam
Cô Quách Tuyết Liên sinh năm 1982 và là cư dân của thôn Quách Gia Thượng Điền, thị trấn Trượng Lĩnh, thành phố Duy Phường. Khi đi học, cô ấy là người thông minh hoạt bát, khả ái, học giỏi và luôn được mọi người quý mến. Sau khi nhìn thấy cha mẹ mình được thụ ích từ việc tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998, cô cũng tu luyện với cha mẹ mình.
Tháng 10 năm 2000, cô Quách khi đó 18 tuổi, đã đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Vào thời điểm đó, bà Triệu Hân, một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Bắc Kinh, đang hấp hối sau khi bị cảnh sát tra tấn. Cô Quách và một số học viên khác đã chăm sóc cho bà Triệu. Sau khi bà Triệu qua đời vào ngày 11 tháng 12 năm 2000, cô Quách đã phân phát tài liệu chân tướng trên đường phố Bắc Kinh để nói với mọi người về cuộc bức hại. Không lâu sau, cô Quách bị bắt và đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Tân An ở huyện Đại Hưng, Bắc Kinh.
Vì từ chối xem các chương trình truyền hình phỉ báng Pháp Luân Công, cô Quách đã bị Triệu Lỗi, Bạch và những người khác đánh đập tàn nhẫn. Họ cũng trói cô lại và sốc điện cô bằng bốn chiếc dùi cui điện cùng một lúc. Hai chỗ trên đỉnh đầu của cô đã bị thương tích trong lần tra tấn đó và 2 năm sau mới lành lại.
Sau đó, lính canh đã cưỡng tiêm vào người cô Quách Tuyết Liên những loại thuốc không rõ nguồn gốc, và còn lén bỏ chúng vào thức ăn của cô… Vài tháng sau, cô Quách đã hoàn toàn mất trí.
Khi được thông báo đến đón cô, cha cô đã vô cùng sửng sốt trước bộ dạng thảm thương của con gái: Cô Quách mặt không cảm xúc, đôi mắt đờ đẫn, mắt cá chân sưng vù và phồng rộp (có thể là hậu quả của việc đeo xiềng xích nặng). Trên đường về nhà, cô Quách một mực im lặng (có thể cô đã bị cưỡng chế dùng diazepam, một loại thuốc dùng để điều trị chứng lo âu, cai rượu và động kinh). Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi trở về nhà, cô ấy đã phát điên: cô ấy la hét ầm ĩ và khỏa thân ở nơi công cộng.
Vài năm sau đó, cô Quách thường xuyên chạy nhảy, nói năng không đầu không cuối và thường xuyên khỏa thân. Cô còn đánh đập, chửi bới những người xung quanh, thậm chí cả cha mẹ đẻ của mình. Một người hàng xóm chứng kiến chỉ biết thở dài và than vãn: “Thật tội nghiệp cho một đứa trẻ ngoan ngoãn như vậy mà lại bị người của ĐCSTQ hủy hoại thành ra như thế này! Đây là thế độ gì vậy?”.
Học viên 33 tuổi qua đời chỉ 2 ngày sau khi được thả
Anh Cúc Á Quân là một nông dân ở thị trấn Ngọc Tuyền của thành phố A Thành, tỉnh Hắc Long Giang. Anh ấy là người khỏe mạnh và trung thực, được bà con lối xóm kính trọng. Thế nhưng chỉ vì anh tín ngưỡng vào Chân-Thiện-Nhẫn, chính quyền đã phi pháp bắt giam anh ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Trường Lâm Tử, Cáp Nhĩ Tân. Chiều ngày 21 tháng 10 năm 2001, anh bị đưa đến trung tâm y tế của trại lao động và bị cưỡng bức tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Từ đó trở đi, anh Cúc không thể ngẩng đầu lên được và thần trí cũng không còn tỉnh táo nữa. Hơn nữa, anh thường xuyên há to miệng, thở hổn hển, nói năng khó khăn, liên tục chỉ vào cánh tay mình lắp bắp: “Tôi đã tiêm rồi, tôi đã tiêm rồi…”
Để rũ bỏ trách nhiệm, nhân viên trại lao động đã đưa anh về nhà vào ngày 24 tháng 10 năm 2001. Hai ngày sau, anh Cúc qua đời ở tuổi 33.
“Tôi thành ra thế này là do bị tra tấn”
Cô Lâm Phượng từng cư trú ở thị trấn Vũ Phượng của thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên. Cô bị bắt vào ngày 30 tháng 12 năm 2002 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công và sau đó bị đưa đến Trại Lao động Nữ Long Tuyền Dịch ở Thành Đô. Vì kiên định đức tin của mình, cô đã bị cưỡng bức tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc, dẫn đến suy thận, hôn mê và toàn thân sưng vù. Vào ngày 18 tháng 5 năm 2005, khi thấy cô sắp chết, trại lao động đã đưa cô về nhà.
Cô Lâm đã hôn mê bất tỉnh trong hầu hết thời gian. Thỉnh thoảng khi tỉnh táo, cô sẽ nói, “Tôi không bị bệnh. Tôi thành ra thế này là do bị tra tấn.” Cô cũng tiết lộ rằng Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Long Tuyền Dịch rất tà ác. Đối với những học viên không từ bỏ đức tin, lính canh sẽ kéo lê họ thành vòng tròn trên nền bê tông. Kết quả là quần áo của các học viên đều rách tơi tả, số khác thì máu chảy đầm đìa và ngất xỉu. Cuối cùng, cô Lâm đã qua đời vào sáng ngày 26 tháng 7 năm 2005, ở tuổi 36.
Khổ nạn của một phó huyện trưởng
Ông Trương Phương Lương, 47 tuổi, nguyên là phó huyện trưởng huyện Vinh Xương, thành phố Trùng Khánh. Là một học viên Pháp Luân Công tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, ông là người trung thực và ngay thẳng. Không giống như nhiều cán bộ nhà nước khác, ông không bao giờ nhận hồng bao (hối lộ) hoặc yêu cầu đơn vị công tác phải chi trả cho các khoản ăn uống bên ngoài. Vì vậy, ông được các cán bộ khác và công chúng rất kính trọng.
Ngày 6 tháng 10 năm 2001, khi phân phát các tài liệu Pháp Luân Công, ông Trương đã bị bắt và giam giữ tại Công an Trùng Khánh, sau đó là trại tạm giam huyện Đồng Lương. Ngày 8 tháng 7 năm 2002, ông bị chuyển đến Bệnh viện huyện Đồng Lương để cưỡng bức tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Khi người thân của ông vội vã đến bệnh viện thì ông đã rơi vào tình trạng tinh thần hoảng hốt và thần trí không còn tỉnh táo. Ông thậm chí còn không nhận ra vợ mình là ai. Sau khi trở về nhà, tình trạng của ông Trương xấu đi và ông đã trút hơi thở cuối cùng vào khoảng 7 giờ sáng ngày hôm sau, tức ngày 9 tháng 7 năm 2002.
Thí nghiệm trên cơ thể của một sinh viên 19 tuổi
Khi anh Quách Bảo Dương bị bắt vào ngày 2 tháng 4 năm 2010 ở tuổi 19 khi đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Cao đẳng Nghề và Kỹ thuật Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông. Cảnh sát của Đồn Công an Thủy Thanh Câu đưa anh đến trại tạm giam Đại Sơn. Ở đó, lính canh đã cưỡng chế lấy máu, bỏ thuốc vào nước uống và thức ăn, xả khí có mùi hăng gì đó vào phòng giam của anh. Ngoài ra, họ còn cho anh ta tiếp xúc với tiếng ồn lớn và ánh sáng chói lóa. Anh Quách đã bị giam trong 7 ngày và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng lạ sau khi được thả. Anh bị rối loạn tâm thần, đại tiểu tiện không tự chủ, lú lẫn và đau đầu. Ngoài ra, anh thường đâm sầm tường và cố gắng nhảy khỏi các tòa nhà nhiều lần trong ngày.
Có thông tin rằng Phòng 610 Thanh Đảo đã lên kế hoạch bức hại anh Quách nhằm vu khống rằng anh vì tu luyện Pháp Luân Công mà bị rối loạn tâm thần và có ý định tự sát. Họ còn mời các phóng viên truyền thông túc trực để sẵn sàng ghi hình “vụ tự sát” của anh. Hơn nữa, các quan chức đã xúi giục hàng xóm của anh tham gia vào cuộc bức hại bằng cách theo dõi anh. Họ cũng đưa các bạn học của anh đến thăm và xúi anh tự tử. Những điều này lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng lần nào anh Quách cũng được mẹ mình giải cứu.
Theo hồi ức của anh Quách sau khi khỏe lại, trại tạm giam Đại Sơn dường như là một phòng thí nghiệm trên thân thể người, lính canh ở đó tiến hành các thí nghiệm trên những người bị giam giữ bằng cách cho uống thuốc, xả khí không rõ nguồn gốc và các thí nghiệm khác nữa. Sau đó, họ quan sát phản ứng của các nạn nhân. Khi thuốc phát tác, nạn nhân cảm thấy bị khống chế bởi một mệnh lệnh nào đó mà không sao cưỡng lại được.
trại tạm giam Số 3 Bắc Kinh
Ông Liễu Lập Sinh, một công chức nghỉ hưu ở tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt bởi cảnh sát Đồn Công an đường Bác Hưng ở Bắc Kinh vào ngày 23 tháng 6 năm 2011. Sau khi bệnh viện tâm thần từ chối tiếp nhận ông, cảnh sát đã đưa ông tới trại tạm giam Số 3 Bắc Kinh, nơi các lính canh ép ông uống một viên thuốc bọc đường màu hồng.
Nửa giờ sau, ông Liễu bị sốt, chóng mặt, cảm thấy choáng váng và đứng không vững. Một lính canh tên là Phương đã ghi chi tiết các triệu chứng của ông vào máy tính. Nhiều dấu hiệu cho thấy viên thuốc màu hồng đã phá hủy trung khu thần kinh của ông Liễu. Kỳ thực đây cũng là một thí nghiệm trên thân thể người.
Tiêm độc dược và tàn tật
Bà Tống Huệ Lan, một học viên Pháp Luân Công ở Nông trường Tân Hoa, thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị cảnh sát từ Đồn Công an Hoành Đầu Sơn bắt giữ vào tháng 12 năm 2010. Bà bị đưa đến trại tạm giam huyện Thang Nguyên và bị tiêm thuốc độc ở đó.
Hậu quả là bà Tống vô cùng đau đớn và lăn lộn trên sàn nhà. Bà mất khả năng nói hay kiểm soát cơ thể. Theo thời gian, chân phải của bà đen đúa, thối nát và hoại tử.
Sau khi về nhà, bà Tống thấy rất khó chịu ở tim, toàn thân cứng đờ, đôi mắt đờ đẫn và không thể nói được. Hơn nữa, tay và chân vừa thẳng vừa cứng đờ và bà không thể gập chúng lại. Sau cùng, bà bị mất bàn chân phải và tàn tật vĩnh viễn.
Ngủ li bì trong ba ngày sau mỗi lần tiêm
Ngày 21 tháng 12 năm 2015, học viên Đinh Huệ ở Thành Đô đã bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam quận Tân Đô. Ngoài việc bị đánh đập tàn bạo, bà còn bị còng tay, cùm chân vào giường, rồi bị tiêm thuốc độc. Mỗi mũi tiêm sẽ khiến bà ngủ mê mệt trong ba ngày.
Tháng 12 năm 2016, bà Đinh bị kết án phi pháp 3 năm tù và thụ án trong Nhà tù Nữ Thành Đô. Bà bị biệt giam và ngày càng tiều tụy. Tuy nhiên, mỗi ngày bà vẫn bị các tù nhân ngược đãi, bắt nạt và bị ép uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Kết quả là bà bị rối loạn tâm thần.
“Đừng cho cô ấy dùng loại thuốc này vì cô ấy vẫn còn trẻ”
Cô Ân Tiến Mỹ là cư dân của thị trấn Liên Hoa thuộc thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Ngày 24 tháng 3 năm 2009, cô bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Nam Xương để thụ án 1,5 năm. Thủ phạm bức hại chính bao gồm Điền Nhữ Hoành và một số nhân viên của Đội An ninh Nội địa quận Lư Sơn.
Sau khi thấy cô Ân không từ bỏ đức tin của mình, lính canh trại lao động thường bí mật trộn các loại thuốc không rõ nguồn gốc vào thức ăn của cô. Có một lần vì hàm lượng thuốc nhiều hơn mức “bình thường”, cô Ân đã phát hiện ra và tra hỏi các lính canh ngay tại chỗ. Nhưng họ không chịu thừa nhận. Sau đó, họ thậm chí còn giữ tay chân của cô, và bức thực cô hai lần bằng thứ thuốc đó. Một lính canh đã cố gắng ngăn họ lại và nói: “Đừng sử dụng loại thuốc này vì cô ấy vẫn còn trẻ”, nhưng không ai chịu nghe lời khuyên can.
Cưỡng bức tiêm thuốc mỗi ngày
Bà Mã Quế Trân, ngoài 60 tuổi, sinh sống ở thành phố Xương Ấp, tỉnh Sơn Đông. Chiều ngày 17 tháng 1 năm 2005, khi bà đang nấu ăn ở nhà thì Trần Hiểu Đông (trưởng Phòng 610 địa phương) cùng một số cảnh sát từ đồn công an địa phương xông vào và bắt giữ bà. Họ đưa bà đến Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn. Trong ba ngày tiếp theo, lính canh trại lao động liên tục bắt bà tham gia các phiên tẩy não. Đến ngày thứ tư, họ cưỡng bức tiêm vào người bà những loại thuốc không rõ nguồn gốc chỉ vì bà vẫn kiên định đức tin của mình. Vài ngày sau khi bị tiêm, bà mất dần sức lực, cơ thể ngày càng yếu đi, tay chân bắt đầu mất cảm giác, nửa người bị liệt, và không thể tự chăm sóc cho bản thân.
Người dân địa phương bàn luận xôn xao: “Các học viên Pháp Luân Công từ lâu đã nói rằng chính quyền (ĐCSTQ) bức hại họ một cách vô nhân đạo và hồi đó chúng tôi không tin; bây giờ bà Mã Quế Trân đã bị đưa đến một trại lao động, mới mấy ngày thôi mà bà ấy đã thành ra bộ dạng như vậy thì quả thực là quá tàn nhẫn và vô nhân đạo. Chính quyền không trừng trị được kẻ xấu mà chỉ biết bức hại người tốt!”
Các quan chức của Phòng 610 từng trắng trợn tuyên bố: “Khi cần thiết có thể dùng thuốc để can thiệp và các phương pháp y dược cũng như chỉ dẫn thực nghiệm lâm sàng có thể được sử dụng để đạt được mục đích chuyển hóa mang tính khoa học (chuyển hóa nghĩa là ép buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ)”.
Các nhân viên tại Bệnh viện Nhà tù Tứ Xuyên ở Trùng Khánh cũng hống hách nói: “Chúng tôi tiến hành thử nghiệm trên người thì sao nào? Việc này được chính sách quốc gia cho phép và là chỉ thị từ bên trên”.
Ngược đãi trong bệnh viện tâm thần
Có nhiều trường hợp học viên Pháp Luân Công bị ngược đãi tinh thần ở trong các bệnh viện tâm thần và thường xảy ra trong thời gian dài.
Một số trường hợp điển hình
Cô Vương Đông Mai là một giáo viên ở huyện Vũ Ấp, tỉnh Hà Bắc. Cô bị giam giữ ở trong một trung tâm tẩy não vào năm 2001 trước khi bị chuyển đến Đại đội 5 của Trại Lao động Cưỡng bức Thạch Gia Trang. Ở đó, cô bị tra tấn cả về cả thể xác lẫn tinh thần. Lính canh trói cô bằng dây thừng, sốc điện bằng dùi cui điện, cấm ngủ và biệt giam cô.
Để buộc cô Vương từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, trại lao động đã đưa cô đến một bệnh viện tâm thần, nơi đó cô bị cho uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc dù cô không đồng ý. Cuối cùng, khi được tạm tha y tế, cô Vương đã ở trong tình trạng hôn mê, loạn trí, đi đứng chậm chạp và còn bị mất trí nhớ. Ngày 12 tháng 3 năm 2004, cô bị té xuống ao và qua đời. Lúc đó cô mới ngoài 30 tuổi.
Cô Lâm Thiết Mai, 33 tuổi, là một sinh viên mới tốt nghiệp ở tỉnh Quảng Tây. Ngày 8 tháng 12 năm 2005, cô bị sát hại bởi Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Quảng Tây và Bệnh viện Cựu chiến binh (bệnh viện tâm thần). Khoảng hai tuần trước khi cô qua đời, gia đình cô đã đến bệnh viện tâm thần vào ngày 25 tháng 11, nhưng họ không được vào thăm cô. Sau khi cô Lâm chết trong bệnh viện, bệnh viện đã cấp giấy chứng tử và ghi cô bị “đột tử” mà không cho gia đình biết rõ nguyên do cái chết. Gia đình cô Lâm từ chối ký vào giấy đồng ý hỏa táng. Khi phóng viên hỏi thêm chi tiết, lãnh đạo bệnh viện không dám đối diện để trả lời.
Anh Tô Cương, 32 tuổi, là kỹ sư máy tính của Công ty Hóa dầu Tề Lỗ ở tỉnh Sơn Đông. Ngày 23 tháng 5 năm 2000, anh bị cảnh sát địa phương và lãnh đạo đơn vị của anh đưa đến Bệnh viện Tâm thần Duy Phường Xương Lạc, mặc dù thực tế anh không có vấn đề gì về tâm thần. Mỗi ngày, các nhân viên y tế cưỡng bức tiêm cho anh ấy một lượng lớn thuốc nhằm phá hủy hệ thống thần kinh trung ương của anh. Sau chín ngày bị tra tấn bằng thuốc trong bệnh viện tâm thần, anh Tô được bàn giao cho cha mình. Khi đó, đôi mắt anh đờ đẫn và vô hồn, phản ứng chậm chạp, tay chân cứng ngắc, sắc mặt tái nhợt và trở nên vô cùng yếu ớt. Tám ngày sau, tức ngày 10 tháng 6, anh qua đời do suy tim.
Cô Quách Mẫn, 38 tuổi, là một nhân viên của Chi Cục thị trấn Tẩy Mã của Cục Thuế huyện Thị Thủy, tỉnh Hồ Bắc. Tháng 3 năm 2000, cô bị phát hiện mang theo sách Pháp Luân Công tại Ga xe lửa Hàng Châu ở tỉnh Chiết Giang và bị cảnh sát Hàng Châu bắt giữ. Hơn 20 ngày sau, chủ tịch công đoàn Thang Viên Hồng của Cục Thuế Thị Thủy tới Hàng Châu để đưa cô Quách trở lại Hồ Bắc. Thang đưa cô Quách thẳng đến Bệnh viện Tâm thần Khang Thái ở thành phố Hoàng Cương, nơi đó cô bị đối xử như một bệnh nhân tâm thần. Vào năm 2002, Thang cùng em gái là Thang Viên Minh (một cán bộ nhà nước) đã chuyển cô Quách đến Bệnh viện Tâm thần huyện Thị Thủy và nhốt cô ở đó trong 8 năm. Cô Quách bị cưỡng chế dùng những loại thuốc gây tổn thương trung khu thần kinh khiến cô mất kinh nguyệt trong 6 năm và bụng của cô phình to trông giống như một phụ nữ đang mang thai, rất nặng nề. Sau khi bị nhốt trong hai bệnh viện tâm thần với tổng cộng 10 năm, cô Quách qua đời vào ngày 4 tháng 8 năm 2011.
Đầu tháng 7 năm 2016, bốn cảnh sát từ Đồn Công đường Kiến Thiết của thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc đã đột kích vào nhà của ông Quyền Ngũ Châu. Sau đó, họ bắt ông đến Bệnh viện Tâm thần Tần Hoàng Đảo và ở đó, mỗi ngày ông đều bị tiêm thuốc độc, bị ép uống thuốc hủy hoại thần kinh và sốc điện bằng dùi cui điện. Khoảng 10 ngày sau, khi gia đình đến thăm ông, họ thấy trí nhớ của ông giảm sút và mắt ông mờ hẳn đi. Thấy ông không nhớ nổi những việc căn bản từng xảy ra trong cuộc sống của ông, người nhà ông vô cùng đau lòng và không cầm nổi nước mắt.
Bà Chu Duy Anh là phó tổng giám đốc của Khách sạn Mai Sơn ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Tháng 12 năm 1999, chỉ vì giữ vững đức tin của mình, bà đã bị cảnh sát địa phương đưa tới Bệnh viện Số 4 Hợp Phì số 4 (còn được gọi là Bệnh viện Tâm thần An Huy) dù cho khi ấy bà vẫn rất khỏe mạnh. Trong hơn 60 ngày bị giam giữ trong bệnh viện, bà Chu bị buộc phải dùng một lượng lớn thuốc không rõ nguồn gốc. Hệ quả là môi bà không ngừng run lên và không thể đứng vững. Ngoài ra, khắp cơ thể bà bị sưng vù, khuôn mặt nhợt nhạt, phản ứng và cử động của bà rất chậm chạp. Sau đó, khi bà cự tuyệt uống thuốc, các bác sĩ đã cưỡng ép bà bằng cách châm điện hoặc tiêm thuốc. Sau mỗi lần tiêm bà Chu đều bất tỉnh.
Ông Thiệu Thế Tường là một học viên ở độ tuổi 60 làm việc cho Nhà máy Muối florua Bạch Ngân thuộc Công ty Bạch Ngân ở tỉnh Cam Túc. Bởi nói với mọi người về Pháp Luân Công vào đầu tháng 2 năm 2012, ông đã bị bắt và đưa đến khoa tâm thần của Bệnh viện Công ty Bạch Ngân. Ở đó ông đã bị tiêm 8 loại thuốc không rõ nguồn gốc. Khi được đưa về nhà vào cuối tháng, ông đã hôn mê bất tỉnh và không thể cử động. Ông đã từ trần vào sáng sớm ngày 22 tháng 2 năm 2012.
Tra tấn tinh thần vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay
Tra tấn tinh thần của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Bà Hồ Hoành Mỹ, một học viên 75 tuổi ở huyện Kim Trại, tỉnh An Huy, đã bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Bạch Vân vào ngày 25 tháng 2 năm 2022. Bà bị nhốt ở đó hơn 8 tháng và bị lấy máu mỗi tháng một lần. Khi bà Hồ từ chối uống thuốc thần kinh, các y tá đã túm cổ bà, thậm chí trói bà bằng một sợi dây nhằm ép bà uống chúng. Bà ở chung phòng với tám người khác, trong đó có các nhà hoạt động nhân quyền. Việc quản lý ở đây về cơ bản là một mô hình nhà tù và họ không được cung cấp đầy đủ thực phẩm.
Ngày 16 tháng 6 năm 2022, năm học viên Pháp Luân Công ở quận Giang Hạ, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã bị bắt. Bao gồm: bà Trần Tuấn, bà Điền Hoa Trân, bà Lý Xuân Liên, bà Khâu Vịnh Kỳ và bà Trương Kiều Nga. Bà Điền, bà Khâu và bà Trương (đều là người cao tuổi) bị đưa tới một trại tạm giam, trong khi bà Trần và bà Lý Xuân Liên bị đưa tới Bệnh viện Tâm thần Vạn Tế Vũ Hán. Khi gia đình bà Lý đến thăm bà vào đầu tháng 10, họ thấy bà tiều tụy và không thể nhận ra bất cứ ai. Những người thân của bà cương quyết yêu cầu thả người, nhưng bệnh viện đã chỉ họ tới chỗ cảnh sát, rồi cảnh sát lại chỉ họ quay trở lại bệnh viện.
Bà Trương Thái Hà là một học viên Pháp Luân Công ở thôn Ngũ Tinh, thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây. Bà bị bắt vào ngày 26 tháng 8 năm 2021 khi đang làm việc tại Bệnh viện Vị Tân. Cảnh sát đưa bà đến Bệnh viện tâm thần Bảo Kê, ở đó bà bị bắt viết “tam thư” từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Khi chồng bà đến thăm, họ còn đe dọa ông ấy phải ép bà Trương viết thư “tam thư”, nếu không, họ cũng sẽ tống giam cả ông ấy.
Tác hại sau khi bị cưỡng chế dùng thuốc
Theo một báo cáo trên Minh Huệ Net vào ngày 8 tháng 6 năm 2001, một số học viên Pháp Luân Công ở huyện Tuy Ninh của tỉnh Giang Tô đã bị giam trong một bệnh viện tâm thần hơn ba tháng. Họ bị trói vào giường và bị tiêm và uống các loại thuốc trái với ý muốn của họ. Nạn nhân ngay lập tức hôn mê. Các nhân viên bệnh viện chỉ nới lỏng dây thừng cho đến khi họ tỉnh lại. Theo các học viên, khi tác dụng của thuốc phát tác, họ đau đớn thấu tim, chỉ biết lăn lộn trên mặt đất, la hét và đập đầu vào tường một cách thô bạo.
Một nhân viên bệnh viện đã nói: “Những loại thuốc này sẽ không khiến các vị chết mà chỉ là gây ra đau đớn thống khổ. Nếu các vị hứa không tu luyện Pháp Luân Công nữa, chúng tôi sẽ ngừng ép các vị dùng thuốc. Các vị không thể tự mình rời khỏi bệnh viện đâu. Bởi nếu chúng tôi không từ từ giảm liều lượng thuốc, thì dù các vị có trốn thoát ra khỏi đây các vị cũng sẽ phát điên và người ta cũng sẽ đưa các vị trở lại đây thôi. Đau đớn do phản ứng thuốc gây ra là không thể tưởng tượng được, rất khủng khiếp và hậu quả không thể lường được”.
Một số học viên này sau đó đã bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Cú Đông. Bởi liều lượng thuốc quá cao và không được ngưng một cách dần dần, một học viên đã gần như phát điên. Cô ấy cứ chạy lung tung và thậm chí hai người cũng không thể giữ nổi cô ấy đứng yên một chỗ. Toàn thân cô run rẩy dữ dội với đầu cúi gằm xuống và hai mắt đờ đẫn. Cô bị dày vò cả ngày lẫn đêm và không thể ngủ nổi vì không cách nào chịu được cơn đau hành hạ. Một học viên khác bị chuột rút khắp người và cuộn người như quả bóng. Cô không thể đứng dậy và đi lại. Nửa đêm, cô còn bị ợ chua và nôn ra máu. Những học viên này đã vật lộn trong đau đớn trong gần 50 ngày như vậy, trước khi các phản ứng thuyên giảm dần dần.
Trại Lao động Cú Đông từng đưa một học viên đến Bệnh viện thành phố Trấn Giang để giám định pháp y tâm thần. Trong bản báo cáo đánh giá viết: “Các dây thần kinh não bộ của cô ấy bình thường và tình trạng rối loạn nghiêm trọng thực sự là do phản ứng của thuốc sau khi dùng liều lượng quá mạnh”.
Do sự kiểm duyệt liên tục của ĐCSTQ, những trường hợp trên chỉ là thiểu số và là phần nổi của tảng băng chìm về nỗi kinh hoàng mà một lượng lớn các học viên vô tội đã và đang phải chịu đựng. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người can đảm bước ra vạch trần sự tàn bạo của ĐCSTQ và giúp chấm dứt cuộc bức hại vô nhân đạo này ở Trung Quốc.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/19/456860.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/2/22/207425.html
Đăng ngày 18-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.